Ý Tổ sư trên đầu ngọn cỏ

Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ (P.4)

Tam Tạng được kinh qua cái nhìn của Thiền Tông - Sai khiến được ba câu

03/04/2017

TAM TẠNG ĐƯỢC KINH QUA CÁI NHÌN CỦA THIÊN TÔNG

TÂY DU KÝ, một bộ chuyện gần như ai cũng thích. Người đời thích. Các bậc Tôn túc xưa cũng thích. Nhắc đến Tôn Ngộ Không đổ hết bình đờm giãi vào họng, Sư phụ cười ha hả. Cái cười của Sư phụ khiến tôi tò mò. Cứ hỏi vì sao Tây Du chiếu trên truyền hình, khúc cuối sao mà tệ hại, xem ra phỉ báng đạo Phật quá nhiều, mà với Sư phụ lại có giá trị đạo lý như vậy?

Cái tật vốn lười, đọc lại nguyên bản chữ hán Tây Du thì có mà chết. Thôi thì chỗ nào thấy họ phỉ báng, mình moi chỗ đó ra xem, coi người xưa viết gì mà các bậc Tôn túc có những nhận xét khác nhau. Không ngờ, khi Tam Tạng đến chân núi Linh Thứu trở về sau, đọc tới đâu mê mẫn tới đó. Nếu cho Tây Du là bộ ký sự gởi gắm quá trình ngược dòng hoàn tịnh của một hành giả tu Phật để đến bờ kia v.v... Cũng có cái lý để mình chiêm nghiệm.

1. Mở đầu    

Nói “Tam Tạng được kinh qua cái nhìn Thiền tông”, không có nghĩa, đó là cái nhìn của tất cả những hành giả tu thiền. Chỉ vì trong phần luận giải, phải mượn những tình tiết liên quan đến Thiền tông mới hí luận được về nó, nên nói “Qua cái nhìn Thiền tông”. Luận ra đây, cũng không phải để chống đối hay hiển sự đúng sai đối với những quan điểm nghịch lại. Làm sao có thể khẳng định mình đúng người sai, khi mình không phải là chính tác giả? Chỉ là mượn gió đưa thuyền, mượn nôm bẩy cá … xẻ chia một chút “ngọt bùi” với những kẻ đồng duyên. Cũng là để thấy, thực lý DUYÊN KHỞI đang chi phối thế giới này : Pháp không tánh cố định, chỉ tùy duyên hiện tướng. Tùy tâm thức của từng người mà pháp pháp thành sai biệt. Cảnh SỞ DUYÊN không còn ở vị trí của chính nó, mà đã thành SỞ DUYÊN DUYÊN qua tâm thức của từng người. Ca rằng:

Sở duyên bày hiện
Duyên thành duyên duyên
Mượn gió đưa thuyền
Bát nhã đồng lên 

Do chỉ tập trung vào đoạn Tam Tạng được kinh, lại “Qua cái nhìn của Thiền tông”, nên đây không bàn đến quá trình thỉnh kinh ở phần trước, chỉ lạm bàn khi Tam Tạng đến được chân núi Linh Thứu trở về sau.

2. Chỉ thẳng chỗ tâm chứng

Vượt bao khổ cực sóng gió, đến được chân núi Linh Sơn, 4 thầy trò Tam Tạng được đại tiên Kim Đăng chỉ đường “Thánh tăng! Hào quang ngũ sắc lưng chừng trời mà ngài thấy đó chính là Linh Thứu, cảnh giới của Phật Tổ”. Tôn Ngộ Không nói “ … Tuy thấy đó chứ còn xa …”.  

Nguồn tâm chân nguyên vốn thanh tịnh trùm sáng, nhưng nó không phải là đối tượng để ta thấy được. Thứ gì còn trong vòng năng sở đối đãi, thứ đó có thể là chân, nhưng là đối với vọng mà nói, chưa là TÁNH THỂ tột cùng cần đạt. Ngài Nam Tuyền nói “Không biết là vô ký. Biết là vọng giác”. So với tâm vọng động của chúng sanh, biết tuy là chân, nhưng đó chỉ mới là phần CHÂN DỤNG của TÁNH THỂ chân như, chưa phải là cái nhân PHẬT TÁNH để ta đạt được cái quả là NIẾT BÀN PHẬT, nên nói vọng giác. Vì sợ người tu chấp DỤNG làm THỂ, nên Nam Tuyền đã phải phương tiện một câu “Biết là vọng giác”. Tuy là vọng giác nhưng không có BIẾT, thì chân núi Linh Thứu còn không có phần, nói là lên núi.

Cho nên, dù thân tâm không còn, chỉ hiện tiền một trạng thái thanh lương sáng khắp, nhưng là cái thanh lương mình còn cảm nhận được, thì vẫn chưa thoát được cảnh giới của thức ấm. Chỉ mới là cảnh SỞ MINH mà kinh Lăng Nghiêm đã nói. Ngài Thiết Nhãn nói “Lúc đó tâm của bạn rỗng rang như hư không. Bạn cảm thấy cả pháp giới hiện hữu trong ấy, như có cái gì thanh lương khó nghĩ … Khi trạng thái này tiếp tục một thời gian mà bạn nghĩ mình đã được giác ngộ, và thấy mình ngang hàng với Thích Ca hay Bồ Đề Đạt Ma là bạn lầm. Ngôi vị này là thể hội ấm thứ 5. Đây là điều mà kinh Lăng Nghiêm nói “Hội nhập cái tịch lặng, trở về bờ mé của thức”… Đây là thức thứ 8 của chúng sanh. Thức này chính là nguyên nhân đưa đến luân hồi … Mặc dù thức này gần giống với bản tâm nhưng không phải là bản tâm”. Chính vì vậy, THẤY RỒI ĐÓ mà vẫn CÒN XA. Đạo lý vô cùng!

3. Cầu độc mọc và thuyền không đáy

Sau khi Kim Đăng kiếu từ, 4 thầy trò tiếp tục đi và gặp một con sông đang nổi sóng. Tam Tạng hoang mangï. Ngộ Không chỉ cây cầu trên biển nói “Cái cầu đằng kia, qua được mới thành chánh giác”. Nhin kỹ thì quả tình có một cây cầu độc mộc bắt vòng qua biển như một cái mống. Tam Tạng lắc đầu “Cầu này người phàm làm sao đi được. Kiếm ngõ khác cho xong”. Tôn Ngộ Không nói “Có ngõ khác đâu mà kiếm. Đằng nào cũng phải qua cầu này”. Nói xong, Tôn hành giả qua cầu rồi trở lại dắt Bát Giới. Bát Giới sợ hãi, một mực đòi đằng vân. Tôn Hành Giả nạt “Chỗ này là chỗ nào mà đằng vân giá vụ? Phải qua cầu này mới thành Phật được”.

Muốn vượt biển sanh tử đến bờ giác ngộ, chỉ có cầu độc mộc và thuyền không đáy mới có thể qua được.

Cầu độc mộc là cầu chỉ có một cây như cầu khỉ. Nhưng cầu khỉ còn thẳng, cầu này cong vòng không có điểm tựa. Muốn đi được cầu này, phải ‘độc hành độc bộ’ mới qua được cầu này. Không để tâm thức rơi vào nhị biên phân biệt, mới qua được cầu này. Muốn đến bờ giác, hành giả phải phá thẳng vào trí phân biệt của mình. Trí phân biệt là TƯỚNG ĐẦU trong LỤC THÔ của luận Đại Thừa Khởi Tín. Trí phân biệt không phá, thì không thể nói chuyện làm Tổ thành Phật. Như không vào được cửa Đại Thừa Khởi Tín hay Trung Luận thì khoang bàn đến Hoa Nghiêm. Đó là con đường duy nhất để hành giả tu Phật đến được bờ kia. Chính là cửa BẤT NHỊ trong kinh Duy Ma, BÁT BẤT của Trung luận, tất cả đều PHI của kinh Lăng Già v.v... Cầu này, thần thông không làm gì được. Dù thần thông bậc nhất như Mục Kiền Liên, cũng còn không xong, huống là thuật đằng vân của Trư Bát Giới.

Cầu tuy khó đi, nhưng nếu vững tâm quyết chí thì vẫn đi được. Một khi hành giả đã xác định tinh thần tu hành rõ ràng, như Ngộ Không từng quả quyết “Muốn làm Tổ thành Phật chỉ có đường này”, thì dù khó khăn bao nhiêu, mình vẫn qua được. Còn như Tam Tạng hay Trư Bát Giới, buông vọng vài keo đã thấy nặng nề, ức chế … tâm liền thối lui, khó mà đi được cầu này.

Tôn hành giả qua được cầu này, nên có tên là Ngộ Không. Ngộ ra tánh không của vạn pháp thì đi được cầu này không mấy khó khăn. Nhân và quả không lìa nhau.

Đang phân vân thì bỗng đâu có con thuyền trôi đến, Tam Tạng cả mừng, nhưng khi nhìn lại. thấy đó là thuyền không đáy, ông thất sắc nói “Thuyền không đáy đưa người sao đặng”. Người đưa đò nói “Thuyền này không tầm thường. Tuy là không đáy mà an vững …” Nghe vậy nhưng Tam Tạng vẫn dùng dằng, liền bị Tôn Hành giả xô ngay xuống thuyền. Sau khi bị xô xuống thuyền, thấy xác mình trôi lềnh bềnh trên sông, Tam Tạng qua đò đến được đất Phật, gặp được Như Lai, rồi theo tôn giả Ca Diếp và A Nan đến chỗ để kinh.

Bàng cư sĩ nói “Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên cây, vuốt”. Khó vì tâm mình vốn quen an trụ. Luôn phải có chỗ để bám víu nương tựa, không dễ gì chịu buông để tâm trở lại trạng thái VÔ TRỤ của nó. Sợ trống vắng, sợ mất kiến giải sở trường, sợ tan thân nát mạng ... trăm ngàn cái sợ, trăm ngàn cái ngại, thành cầu đò luôn sẵn mà ít người đến được bờ kia. Nếu chưa một lần chết đi sống lại, cái mà người xưa nói “Tuyệt hậu tái tô”, thì chưa thể nào chiêm nghiệm được tánh Phật trong chính mình. Tánh Phật chưa nghiệm, thì quả Phật còn xa.

4. Văn phong của thiền sư

Sau khi cho 4 thầy trò xem tủ đựng kinh, A nan và Ca Diếp nói với Tam Tạng “Thánh tăng Đông Độ đến đây thỉnh kinh, có nhân sự chi tặng bọn ta chăng? Có thì đưa sớm để ta phát kinh”. Tam Tạng nói “Đường xá xa xôi, đệ tử không có sắm sửa”. Tổ sư trả lời “Giỏi! Giỏi! Giỏi! Đi tay không thỉnh kinh về lưu truyền thì kẻ đời sau chết đói”. Tôn Hành Giả thấy vậy, đòi kiện Như Lai. A Nan liền ngăn “Đừng có rầy rà, chỗ này không phải là chỗ chơi, ra đây mà lãnh kinh”. 4 thầy trò lãnh được kinh, lên đường trở về Đông độ.

Ca Diếp và A Nan là hai vị Tổ đầu tiên của Thiền Tông. Ca Diếp là người được Như Lai chia cho nửa tòa ngồi, vì khi Như Lai đưa cành sen lên ở hội Linh Sơn, Ca Diếp là người duy nhất nhận được ý chỉ mà Như Lai nói. Chỉ yếu của Thiền Tông là “Bất lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, trực chỉ tâm người, thấy tánh thành Phật”. Tiếng hét của Lâm Tế, cây gậy của Vân Môn, ngón tay của Câu Chi … không hề thông qua văn tự kinh điển, nhưng không gì không phải là lời của Phật Tổ. Nó không khác cành sen trên hội Linh Sơn. Tâm tâm truyền nhau, ngay đó mà nhận, ngay đó mà tu, không qua kinh điển văn tự. Đơn giản, thẳng tắt, nhưng phải là hàng căn cơ bậc thượng mới nhận và sống được với tâm này. Ngàn kinh muôn luận, tám vạn pháp môn, chỉ với mục đích giúp người nhận được tâm này.

Nói về văn phong của người xưa, thường chỉ có văn phong của thiền sư là quái gở và khó hiểu. Tôn Túc sập cửa làm nát chân Vân Môn. Phổ Hóa vác hòm chạy khắp 4 cửa thành. Thiền sư Gessan, mặc lời biếm nhẽ chê bai của thiên hạ, luôn bắt mọi người phải trả tiền công rất cao cho những bức họa của mình v.v... Chẳng qua vì trí tuệ của chư vị không còn bị buộc ràng trong trí phân biệt, mọi hành sử không vì bản thân mà chỉ vì lợi ích của muôn người. Nên có khi, cái thấy phàm tình của người đời khó mà biện tới. Chính vì thế, một trong bốn “Y” của một hành giả tu Đại thừa là “Y pháp bất y nhân”.

Hồng Châu Thủy Lão, lần đầu đến tham bái Mã Tổ, bị Mã Tổ đòi lễ “Ông lạy trước cái đã”. Thủy Lão liền cúi xuống lạy. Mã Tổ đạp một đạp, Sư té nhào và hoát nhiên đại ngộ. Nếu khi Mã Tổ đòi lễ, Thủy Lão khởi liền cái thấy hướng ngoại như thầy trò Tam Tạng : Cho thái độ đó là ngạo mạn, thì việc đại ngộ hẳn không xảy ra. Cho nên, việc A nan và Ca Diếp trao kinh vô tự và đòi phẩm vật cúng dường - với cái nhìn của người đời là hối lộ gian lận - lại là chuyện thường tình dưới con mắt Thiền Tông.

Tôn Hành Giả có thể thấy yêu ma quỉ mị biến hành, có thể thấy tướng Phật hóa hiện, nhưng tâm của chư vị Thiền Tổ thì dò không tới, mới đòi bẩm báo với Phật Tổ. Mới thấy “Đốn ngộ tuy đồng Phật, đa sanh tập khí thâm”. Dù từng một lần đặt chân lên đất Phật, từng một lần chết đi sống lại, thì phần tập khí sở tri vẫn còn. Ngay cả hàng Bồ tát ở giai vị Thập địa vẫn còn phần sở tri vi tế ngu, nên chưa thể có cái thấy thấu suốt như chư Như Lai. Thành “Chưa ngộ như đưa ma mẹ. Ngộ rồi, như đưa ma mẹ” là vậy.  

Phong cách Thiền sư thì rất đơn giản : Ngay đó liền nhận, không nhận thì thôi, không có gì để bàn tiếp. Bung ra một câu mà thấy thiền khách không nhận được, chư vị liền phủi sạch. Vì thế, A Nan nói với thầy trò Tam Tạng “Đừng có rầy rà … thôi ra đây lãnh kinh”.

5. Kinh vô tự và hữu tự

Khi nghe hai vị Tổ sư giao kinh vô tự cho thầy trò Tam Tạng, Nhiên Đăng Phật Tổ cười “Chúng tăng của Đông Độ u mê, coi sao ra kinh vô tự, thỉnh về làm sao dùng được, uổng công cho Tam Tạng”. Rồi sai người đi lấy về đổi kinh hữu tự. Nhưng do tránh thiết bảng của Tôn Hành Giả, Bạch Hùng làm kinh rơi vãi tứ phía. Lúc đó thầy trò Tam Tạng mới vỡ lẽ : Kinh mình thỉnh về chỉ toàn giấy trắng không chữ. Bàn tới bàn lui, 4 thầy trò quyết định trở lại gặp Như Lai, vạch cho ra thói hư tật xấu của chư vị Tổ sư .

Không muốn thí xả mà vẫn muốn nhận được kinh, thì chỉ có một loại kinh để nhận : Kinh vô tự. Kinh vô tự là chỉ cho nguồn tâm vốn sẵn trong mỗi chúng sanh. Không tu, không thí xả, không cần cúng dường gieo duyên, không màng đến phước báu, nó vẫn hiện diện đầy đủ. Chỉ do vô minh ngăn che mà không ai sử dụng được cái dụng vô bờ của nó. Nếu có thể ngay đó trở về, một bước thể nhập, ngay đó mà sống thì chỉ cần bảo nhậm, không cần phước nghiệp gieo duyên, tất cả vẫn tròn đầy. (Đã nói trong Truyền Tâm Pháp Yếu của thiền sư Hoàng Bá). Chư vị Tổ sư, nếu gặp được những vị thiền khách có căn cơ bậc thượng này, cũng không khuyên họ cúng dường, bố thí, nhẫn nhục … như Tuệ Trung Thượng Sĩ nói với Trúc Lâm đại đầu đà : “Giữ giới cùng nhẫn nhục, chiêu tội chẳng chiêu phước”. Có điều, loại kinh đó khó mà truyền thừa rộng rãi cho kẻ đời sau, nhất là vào thời mạt pháp, là thời mà người tu thích văn từ chữ nghĩa hơn giới luật tu hành, thích học vị hơn tu chứng, kinh vô tự khó mà vào được, nên A Nan kết luận “Giỏi! Giỏi! Giỏi! … thì con cháu đời sau chết đói”. Đó là lý do vì sao, không đưa phẩm vật ra, mấy thầy trò vẫn nhận được kinh mà chỉ là kinh vô tựï.

Nếu không phải là hàng căn khí có thể sử dụng được kinh vô tự của mình, thì phải theo lối mòn muôn thuở mà đi, là phải có tâm thí xả mới có thể nhận pháp tu hành. Xưa, đức Phật từng phải thí xả cả thân xác cho quỉ dữ chỉ để nhận một bài kệ bốn câu. Muốn thỉnh kinh học đạo, bước đầu của người tu là phải gieo duyên với Tam bảo. Thứ dễ nhất là cúng dường tài vật. Bởi không đủ duyên không nhận được pháp. Đương nhiên vật phẩm cúng dường không hẳn chỉ nằm trên mặt tài vật. Nó là những gì thuộc về phước hạnh. Ví thế, trên LÝ thì “Duy tuệ thị nghiệp” mà trên SỰ thì “Phước huệ song tu”.

Nói về mặt công đức, thỉnh kinh mà không biết thí xả tài vật thân tâm, nói chung là không biết thí xả ngã và ngã sở, thì công đức phước báu khó có. Vì phước báu không nằm trong giấy trắng mực đen, cũng không nằm trong việc thỉnh kinh, mà nó còn liên quan đến nhiều việc khác. Thỉnh kinh mà không làm theo những gì kinh dạy thì giá trị nhận được không có bao nhiêu. Thí xả công sức tài vật mới được phước báu phú quí. Thí xả thân tâm đến chỗ rốt ráo, mới nhận ra cái chân thường hằng lạc, hằng tịnh. Kẻ đi trước có biết thí xả thân tâm tu hành, thì việc truyền trao mới có giá trị. Không thì như kẻ mù dẫn người mù, con cháu đời sau không thể khá.

Chính vì thế, khi nghe Tôn hành giả bẩm tấu A Nan và Ca Diếp đòi của đút lót, Như Lai chỉ cười “Thôi đừng ta thán, ta đã biết rồi. Chỉ vì kinh này không thể khinh truyền, cũng không thể tay không mà có được kinh. Lúc trước, chúng tăng ở đây, có mang kinh xuống tụng cầu siêu cho gia đình Triệu trưởng giả … Triệu trưởng giả chỉ trả công cho ba đấu gạo trắng thêm chút vàng bạc. Ta vẫn nói trưởng giả bỏn xẻn, con cháu sau này ắt phải nghèo. Nay ngươi đến tay không, thỉnh được bản giấy trắng, đó là chân kinh vô tự rất quí. Chỉ vì chúng sanh Đông độ các ngươi ngu mê không ngộ, chỉ có thể dùng kinh hữu tự mà truyền, nên mới như thế”. Cái chỗ về tay không mà Như Lai nói quí đó, là chỗ thiền sư Nguyên Liễn hỏi Thủ Sơn Tỉnh Niệm ở Hà Nam “Học nhân đến núi báu, tay không trở về thì sao?” Thủ Sơn đáp “Hãy nhận kho báu nhà mình”. Ngay đó Nguyên Liễn đại ngộ và nói “Không còn nghi lời các thiền sư”. Nếu ngay đó nhận được, thì không có gì quí hơn. Nhưng lúc này hai thầy trò Tam Tạng đang thị hiện cho tầng lớp chúng sanh còn chấp vào tướng bên ngoài, không nhận được lý tâm tông mà Tổ Phật muốn chỉ bày, nên kinh vô tự trở thành vô dụng, chư vị Tổ sư mới thành những kẻ tệ ác phỉnh lừa, cảnh giới Phật mới thành lục đạo, yêu ma.

Kinh hữu tự, đương nhiên không bằng được kinh vô tự, dù cả hai đều là chân kinh. Do ứng với cái duyên là chúng sanh ngu mê ở Đông Độ mà kinh vô tự biến thành hữu tư,ï là loại kinh mình đang đọc tụng hay học hành ngày nay. Thứ gì ứng duyên mà hiện, thứ đó không mang tính chân lý phổ quát. Vì thế, sau khi bị nhận chìm trong biển trầm luân của chúng sanh, kinh nào cũng bị mất mấy chương sau. Nghĩa là, thứ gì còn thuộc ngôn từ chữ nghĩa, thứ đó còn thiếu chưa đủ. Chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Nhờ ngón tay để thấy mặt trăng, ngón tay không phải là mặt trăng. Tuy kinh luận chưa phải chính là những gì Như Lai muốn mọi người hướng đến, nhưng phải nhờ đến kinh luận, mình mới biết đường tu hành mà nhận cho được những gì Như Lai muốn nói. Vì thế tuy kinh hữu tự không có giá trị bằng kinh vô tự, nhưng nó là thứ cần thiết cho chúng sanh thời mạt pháp. Cần thiết, không có nghĩa là rốt ráo. Chỉ là phương tiện, như thuyền đò đưa mình đến bờ kia. Cho nên, với một hành giả tu Phật, là tu để đạt được trí tuệ và đức tướng của Như Lai, mà công phu chỉ dừng ở mặt giới luật hay những tri thức có được từ kinh điển, thì chưa đủ. Chủ yếu vẫn là nhận ra bản tâm thanh tịnh của chính mình và sống được với nó. Đó là ý nghĩa vì sao sau khi rơi xuống biển, kinh nào cũng mất hết mấy chương sau. Mấy chương đó chính là bờ kia, là thứ mà luận Trung Quán đã nói “Tự biết không do ai, tịch diệt không hí luận, không khác không phân biệt, ấy gọi là thực tướng”

6. Tâm tham ái chấp thủ 

Thiền sư Kim Bát Phong sau khi chứng ngộ, có thể buông hết mọi duyên tham ái, nhưng riêng một cái bát ngọc dùng cơm là rất yêu thích. Một lần, do tuổi thọ đã hết nên Diêm Vương sai mấy tên tiểu quỉ đến bắt Sư. Kim Bích Phong biết trước, nhập định giỡn đùa. Lũ tiểu quỉ không cách gì bắt được, mới hỏi kế Thổ địa. Thổ địa nói “Ông ta rất thích cái bát ngọc, nếu đụng đến nó, chắc ông ta xuất định”. Quả thật, nghe tiếng bát ngọc khua, Sư nóng tâm xuất định. Lúc đó mới biết, tham ái nhất thời có thể thiêu hủy huệ mạng của người tu, nên Sư đập nát bát ngọc, để lại một bài kệ rồi nhập niết bàn. Tu đến cỡ có thể tự tại với sanh tử như thế, mà còn dính mắc vào một cái bát ngọc, huống là kẻ còn đang chập chững trên đường. Mới thấy tâm chấp thủ vi tế khó mà lường hết.

Tam Tạng, khi bị tôn giả A nan đòi nhân sự cúng dường, không phải không có phẩm vật để cúng. Vẫn còn cái bình bát vua Đường ban tặng. Nhưng không hiểu vì không nhớ hay vì không muốn đưa ra mà nói ‘không có phẩm vật’. Người tu, có khi dám bỏ hết cuộc đời, chịu đủ thứ đắng cay để hoàn thành công hạnh của mình, nhưng rồi lại chấp vào những công hạnh đó mà không đến được bờ kia : Chìm mê trên đỉnh cao của những hình tướng bên ngoài, mà quên mất hình tướng bên ngoài dù rực rỡ phát triển bao nhiêu, cũng chỉ là phương tiện, chưa phải chính là chỉ yếu mà Như Lai muốn ta đạt đến. Bát ngọc là một vật rất thô, nhưng một người như Kim Bát Phong vẫn có thể dính mắc, huống là những thứ mang đầy tính Phật pháp như thỉnh kinh, dịch thuật, chùa chiền, học vị v.v…? Không thể không nhắc nhở sao?

Tất cả chỉ là PHƯƠNG TIỆN giúp mình và người đến được bờ kia. Pháp, nếu được sử dụng đúng với bản chất của nó, thì pháp pháp đều chân. Nhưng một khi nó được dựng lập, hãnh diện hay tôn xưng quá mức cần thiết, đến nỗi chỉ còn lều bều hình thức bên ngoài mà thực chất thì bị bỏ mặt, là mình đang đi lệch với những gì Như Lai đã nói. Cho nên, những hình ảnh mang tính phỉ báng trong Tây Du Ký, chính là lời nhắc nhỡ rất giá trị cho những ai tu Phật. Những hành giả mang trong mình lời nguyện “Thượng cầu Phật đạo. Hạ hóa chúng sanh … Đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”. Lời nguyện như một lời hứa, không chỉ với mình mà cho tất cả các chúng sanh hữu duyên với mình. Hình ảnh thầy trò Tam Tạng, do tập trung hết tinh lực cho việc thỉnh kinh, đã quên mất lời hứa với lão rùa già, một chúng sinh thấp kém, từng giúp ngài phương tiện đến được bờ kia, không phải là lời răn nhắc rất giá trị cho những hành giả tu Phật đó sao? Đáng để nghiền ngẫm lắm chứ.



SAI KHIẾN ĐƯỢC BA CÂU

Nói đến thiền, thái độ im lặng thường được biểu dương là chỗ rốt ráo. Cử chỉ không có ngôn từ thường được ca tụng là hạnh của kẻ hiểu thiền. Chưa hẳn! Hãy xem Triệu Châu vấn đáp.

Đang tham thiền, Triệu Châu bảo:

- Sáng thì chưa sáng, nói tối thì sắp sáng, ông ở bên nào?

Tăng thưa:

- Không ở hai đầu.

Sư bảo:

- Thế ấy là ở khoảng giữa?

Tăng thưa:

- Nếu ở khoảng giữa liền ở hai đầu

Sư bảo:

- Tăng này ở nơi lão tăng đã bao lâu, nói năng thế ấy không ra khỏi ba câu. Song dù ra được cũng còn ở trong ba câu. Ông làm sao?

Tăng thưa:

- Con sai khiến được ba câu.

Sư bảo:

- Sao không nói sớm?

Nói sáng thì chưa sáng, vì sanh thì chưa sanh. Nói tối thì không được, vì sắp sanh mà không phải diệt. Vậy, giữa cái khoảng sáng và tối, sanh và diệt đó ông ở khoảng nào, nói ta nghe! Cha, không có công phu khó mà vào được chỗ này. Cái gì sáng sáng, Cái gì tối tối? Lắm kẻ điên đầu!

Xin đừng bỏ cuộc, vẫn còn nhiều chỗ thú vị qua giai thoại này.

Tăng đáp mau mắn “Không ở hai đầu”. Một câu trả lời sao mà đạo lý! Đúng là con cháu nhà thiền. Triệu Châu không phải tay vừa. Đâu thể chừng đó mà đủ, liền hỏi “Vậy ở khoảng giữa?”. Không ở hai đầu thì phải ở đâu trong khoảng hai đầu đó chứ! Triệu Châu muốn Tăng xác định. Nhưng Tăng không phải là hạng chỉ có cơm cháo qua ngày “Nếu ở khoảng giữa liền ở hai đầu”. Ừ! Không ở hai đầu mà cho là giữa, khác gì hai đầu? Bởi có chỗ nơi. Đã có chỗ nơi, thì dù không ở hai đầu, nó cũng không khác hai đầu. Cũng còn trong vòng sanh diệt. Là vọng, không phải chân.

Cho nên, khi có người hỏi “Làm sao phân biệt giữa chân và vọng?”. Thiền sư Thông Phương trả lời “Biết vọng là chân”. Ngay khi biết vọng, chính lúc đó là chân. Niệm niệm biết vọng, niệm niệm chân. Không cần vạch vọng tìm chân. Chân nếu thấy được, chân liền thành vọng. Cho nên, nếu nghe Trung Luận tụng rằng : Vạn pháp “không sanh cũng không diệt, không đến cũng không đi …” mà cho chúng “đứng yên”, hay tách hai đầu mút sanh diệt ra, nhét cái “không sanh không diệt” vào giữa, cho đó là vô niệm, là ta đang nuốt phải trà mắt mèo của lão Triệu Châu. Chỉ chút chỗ này, lấy vọng làm chân, bỏ hết công lao của mình.

Trả lời đến đó, không phải kẻ có thực lực khó mà làm được. Nhưng Triệu Châu vẫn còn một câu rốt sau, liền mắng “Nói năng thế ấy không ra khỏi ba câu. Song dù ra được, cũng còn ở trong ba câu”. Nếu là kẻ còn bị ba câu trói buộc, nghe phán câu đó không khỏi tái mặt.

Triệu Châu mắng Tăng nhân, không phải không có lý do. Đến với nhà thiền, không ai không biết nụ cười của Phật Thích Ca, sự im lặng bất hủ của ngài Duy Ma, ngón tay nổi tiếng của thiền sư Câu Chi ... Những hình tướng không ngôn từ đó, thường để biểu hiện cho cội nguồn nhất tâm chân thật, dứt bặt ngôn thuyết. Song vì là kẻ có thực lực, đúng là không bị ba câu trói buộc, không bị hình tướng dẫn chạy, nên Tăng không bắt chước những hình tướng đó, mà trả lời “Con sai sử được ba câu”.

Con sai sử được ba câu. Nghĩa là, Pháp Đạt không còn bị Pháp Hoa chuyển, mà đã chuyển được Pháp Hoa. Pháp vốn không lỗi, lỗi là do mình sử dụng pháp không đúng duyên. Ngôn từ cũng không lỗi. Lỗi là do mình sử dụng nó không đúng lúc, đúng thời, dụng pháp mà chấp trước v.v… Không phải cứ có ngôn từ là không chân, im lặng mới vàng ròng. Nói hay nín đều tương ưng nếu có trí tuệ dẫn đường. Đương nhiên phải là loại trí tuệ “Mỗi mỗi từ trong hông ngực mình lưu xuất”, không phải là thứ vay mượn bên ngoài. Được vậy, tuy lời nói không y kinh luận, mà không ngoài kinh luận. Mỗi mỗi đều ứng lý hợp cơ. Không như con vẹt, dạy câu nào ôm chết câu đó, không thể tùy duyên vận dụng. Dạy một câu chào khách, ăn trộm đến nó vẫn “Chào khách!” . Dạy một câu ăn trộm, khách đến nó vẫn “Ăn trộm!”. Người dạy cái gì, nó cứ theo cái ấy mà nói. Không thể y lý tùy duyên mà dụng pháp cho thông hoạt. Chỉ vì nương tựa vào tri thức hiểu biết của người mà không phát huy được khả năng sẵn có của mình, thành mọi thứ đều hạn cuộc và hay nhầm lẫn.

Người xưa nói “Khi mê thì tứ cú đều sai. Khi tỉnh thì tất cả đều đúng”. Mê thì nói cũng trật, nín cũng trật. Tỉnh thì nói nín đều xong. Ngài Huyền Giác nói “Nói nín động tịnh thể an nhiên”. Sống được với thể tánh chân thật của mình, tức thấu suốt được thực tánh của vạn pháp, không bị hình tướng ngôn từ làm mờ mắt, thì dụng pháp dù xuôi hay ngược vẫn không lìa chân, đều là hoạt dụng vi diệu.

Song làm sao để sống được với thể tánh chân thật của mình? Thiền sư Lâm Tế nói “Các ông hiện nay biết nghe pháp, chẳng do tứ đại của các ông. Cái BIẾT ấy hay dùng được tứ đại. Nếu khéo thấy được như thế thì đi đứng tự do. Chỗ thấy của sơn tăng không ngoài pháp ấy … Trong Ngũ Đài Sơn không có Văn Thù. Chỉ cái dùng trước mắt các ông trước sau không khác, nơi nơi không nghi, chính là Văn Thù sống. Các ông một niệm tâm sáng không phân biệt, nơi nơi thảy là chân Phổ Hiền ... Hiểu được như thế mới nên xem kinh”. Nói chung, phải làm sao phát huy được cái BIẾT của mình. Chỉ cần BIẾT rõ ràng không thêm gì khác. Thẳng tắt, đơn giản mà không lầm. Miên mật được, thì tự mình sẽ có tin tức.