Ý Tổ sư trên đầu ngọn cỏ

Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ (P.3)

Hiểu và ngộ - Làm thế nào để có an lạc

03/04/2017



HIỂU VÀ NGỘ

Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích đến Mân Nam tham vấn. Giữa đường gặp tuyết rơi, phải tạm tá túc trong viện Đại Tạng đàm luận với thiền sư Quế Sâm mất mấy ngày. Tuyết dứt, Văn Ích từ giã tiếp tục hành cước. Quế Sâm tiễn Pháp Nhãn đến sơn môn, liền chỉ tảng đá bên đường hỏi :

- Đại đức thường nói tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, chẳng hay tảng đá này trong tâm đại đức hay ngoài tâm đại đức?

Pháp Nhãn không cần suy nghĩ, đáp liền :

- Theo Duy thức, ngoài tâm không có pháp, đương nhiên là ở trong tâm.

Quế Sâm cười :

- Đại đức là tăng hành cước, cớ sao để tảng đá trong tâm?

Pháp Nhãn đớ lưỡi không biết trả lời, phải ở lại giải quyết cho xong mối nghi.

Tảng đá thì ai cũng thấy ngoài tâm. Song luận Duy Thức lại nói ngoài tâm không có pháp. Tổ đã nói thì không phải chuyện đùa. Vậy nó ở đâu? Với tâm thức hiện nay của mình thì câu trả lời vẫn là trong tâm. Đó là cách suy nghĩ thường tình của người đời : Không bên này thì bên kia, không trong thì ngoài, không ngoài thì trong, không xấu thì đẹp, không đẹp thì xấu v.v… không bao giờ thoát được sự chia chẻ hai bên của trí phân biệt. Song nếu trong tâm, vì sao Quế Sâm lại hỏi “Cớ sao để tảng đá trong tâm?”.

Tảng đá ngoài tâm thì trái với lời Tổ. Tảng đá trong tâm thì bị Thiện tri thức cười. Vậy nó ở đâu? Không trong cũng không ngoài. Hội chăng? Một chút ngần ngừ … đã qua mất rồi!

Ở lại viện Địa Tạng, hằng ngày Pháp Nhãn đều đến trình kiến giải với Quế Sâm, nhưng Quế Sâm đều lắc đầu, cho cái thấy của Pháp Nhãn chưa thấu triệt. Lần nào Quế Sâm cũng trả lời : Phật pháp không phải những thứ ấy.

Cuối cùng Pháp Nhãn than :

- Con đã cùng lời hết ý rồi.

Quế Sâm nói :

- Nếu luận bàn về Phật pháp thì mọi người sẵn đủ.

Ngay lời nói ấy Pháp Nhãn đại ngộ.

Không phải chỉ Pháp Nhãn mới biết cái mà mọi người đều sẵn đủ đó. Mình thừa biết đó là Phật tánh. Song đó là hiểu không phải ngộ. Vì sao? Vì trong đầu mình chỉ mới xuất hiện hai từ Phật tánh chứ chưa thấy được cái Phật tánh ấy hình dạng ra sao, mặt mũi thế nào. Ngộ chính là nhận biết nó ra sao, hình tướng thế nào. Mình sẽ mau mắn “Nó vô tướng”. Ừ! Nó vô tướng, nhưng nó vô tướng ra sao? Nếu nó vô tướng thì dựa vào đâu để biết nó có? Nếu đã có tướng để thấy, dù là tướng không, thì làm sao nói nó vô tướng? Đã có tướng để thấy thì nó là cái BỊ BIẾT, chỉ là tướng hư vọng, không phải là Phật tánh. Phật tánh không rơi vào cái thấy năng sở. Nếu nó không tướng, sao kinh Bát Nhã nói “Tướng không của các pháp không sanh v.v…”. Rất nhiều thứ để mình lầm lẫn và nghi hoặc khi chỉ dùng tri thức học hỏi để hiểu những thứ vượt ngoài tri thức. Thành NGỘ và HIỂU tuy đồng chỉ cho sự thông thấu, nhưng thật là cách xa một trời một vực.

Chính vì HIỂU và NGỘ không giống nhau, hay nói thông thoáng một chút, ngộ có nhiều lớp : Có cái ngộ chỉ mới là sự thẩm thấu từ sách vở, hoặc do suy luận mà ra. Có cái ngộ do chính mình bật ra, nhưng vẫn chỉ là một dòng kiến giải, chưa thoát khỏi ngôn từ. Có cái ngộ là thể nhập một cảnh giới. Có cái ngộ là chứng mà không có cảnh giới để chứng v.v… Do ngộ có nhiều lớp nhiều lang như thế, mà trong nhà thiền xuất hiện nhiều chuyện lý thú.

Một lần Tô Đông Pha đến thăm Phật Ấn, viết thư báo trước rằng “Hãy như thiền sư Triệu Châu đón Triệu Vương, không cần ra ngoài”. Ông cho mình có trình độ hiểu thiền thâm cao, nên muốn Phật Ấn dùng lễ thượng thừa đón mình như Triệu Châu từng đón Triệu Vương. Song vừa đến nơi đã thấy Phật Ấn lù lù ở cổng. Ông trách “Đạo hạnh của thầy xem ra không bằng Triệu Châu. Vẫn không thoát được thói thường tình”. Không ngờ Phật Ấn dùng kệ đáp rằng:

Triệu Châu ngày ấy thiếu khiêm nhường
Không ra tận cổng đón Triệu Vương 

Đâu giống Kim Sơn vô lượng tướng
Đại thiên thế giới một gường thiền

Chỉ hiểu Phật pháp qua chữ nghĩa sách vở, chưa có sự thực nghiệm, nên xem kinh thì vướng kinh, thấy tướng liền dính tướng, mà không thấu được thực chất của những thứ ấy. Triệu Châu không ra nghinh tiếp Triệu vương vì cho Triệu Vương là bậc thượng cơ. Nhưng không phải cứ bậc thượng cơ là cứ theo cách đó mà nghinh tiếp. Có khi vì tâm tâm tương đắc mới ra tận cổng đón nhau. Nghĩa là, tướng bên ngoài chưa hẳn là thứ quyết định được bản chất sự việc, dù có khi nó như thế. Khóc, thường biểu hiện cho chất buồn. Nhưng có khi vui quá, nước mắt cũng rơi. Thành cái tướng nước mắt đó, không dứt khoát là tướng biểu hiện cho chất buồn hay vui. Cũng như không phải cứ ra tận cổng như thế, thì cốt cách đã không bằng người xưa. Mọi thứ đều lệ thuộc vào duyên. Hãy nghe Phật Ấn nói:

Đâu giống Kim Sơn vô lượng tướng
Đại thiên thế giới một gường thiền

Ối trời! Trùm khắp Tam thiên đại thiên thế giới như thế thì tướng gì ra tướng gì vào? Anh chỉ thấy được tướng ra tướng vào mà không thấy được tướng “không ra không vào”, bởi anh chưa thoát khỏi trí phân biệt. Chính vì trí phân biệt đó mà mọi thứ thành phân chia khúc đoạn như hiện nay.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật ví chúng sanh như những người bị nhặm mắt thấy có vân tròn quanh bóng đèn. Vân tròn do mắt bệnh mà có. Bệnh lành thì vân tròn cũng không. Tức ngoài mắt bệnh không có vân tròn. Ngoài tâm không có pháp cũng vậy. Thấy mọi thứ hiện diện, có đến, đi, trong, ngoài như hiện nay, chẳng qua do tâm bất giác từ thời vô thủy mà thấy. Không phải pháp vốn như thế. Vì cái nhìn của Tô Đông Pha còn bị hạn cuộc trong trí phân biệt, nên Đông Pha thấy Phật Ấn có đến có đi, nào phải Phật Ấn có đến đi.

Vậy thì … tảng đá là ngoài tâm hay trong tâm? Luận thì cũng ra, nhưng muốn thấu đáo thật sự, cần lìa ngôn luận, phá thẳng vào trí phân biệt mới xong. Muốn phá vào trí phân biệt thì làm thế nào? Chạm duyên xúc cảnh, tâm khởi liền biết, biết rồi liên ngưng, không cho nối tiếp. Một lúc nào đó, phân biệt cũng dừng. Còn, niệm khởi không biết, biết rồi liền theo, thì … Giường thiền xơ xẩy, hụt chân cổ gãy.




LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ AN LẠC?

 

Có ba Phật tử thỉnh vấn thiền sư Vô Đức : Xin hỏi Thầy, làm sao để có an lạc?

Thiền sư Vô Đức không trả lời mà hỏi lại:

- Các ông nghĩ là thế nào mới gọi là an lạc?

Ba vị trả lời :

- Có tiền bạc là an lạc.

- Có tình yêu là an lạc.

- Có danh vị là an lạc.

Tuy ba kiểu, nhưng chung qui không ngoài ba thứ tình, tiền và danh vọng. Đó là tất cả những gì mà đa số chúng ta hiện nay đang xả thân vì nó. Vì thế khi được hỏi thế nào mới gọi là an lạc, ba vị liền trả lời : Tình, tiền và danh vị.

Tiền bạc chưa chắc mang lại hạnh phúc

Khi đã hỏi “Làm sao để có an lạc?” thì biết cuộc sống hiện tại không mấy an lạc. An lạc rồi thì chắc chẳng ai hỏi làm chi. Muốn có an lạc mà nghĩ tiền bạc là thứ mang lại an lạc thì biết người trả lời không phải là người may mắn về tiền bạc. Không có nó, cuộc sống mình không an lạc. Không có nó, mình thất bát khổ nạn … nên mới nghĩ có tiền là có an lạc. An lạc là trạng thái an vui nhẹ nhàng không vướng bận lo âu. Song tiền bạc có thật là thứ làm mình an vui? Trả lời “không” thiên hạ nói mình xạo, thành phải nói có. Quả tình, tiền bạc giúp mình thư thả hơn trong cuộc sống khi nhu cầu về ăn mặc và mọi sinh hoạt đời thường vẫn còn là thứ cần thiết với mình. Đi đâu cũng phải có tiền. Tiền có thể giúp mình trở thành hiếu hạnh, tình nghĩa, biết điều, giải quyết được khá nhiều công việc mà ít phải tốn hao sức lực. Đó cũng là lý do thiền sư Vô Đức dạy “Có tiền phải biết bố thí”. Bố thí, chỉ cho động tác trao tặng, đưa ra. Có tiền thì phải biết sử dụng, trang trải. Cái đáng xài thì xài, không thì thôi ... Nếu mình chịu chi, biết mang niềm vui đến cho người, thì tiền là thứ mang lại hạnh phúc cho mình.

Song chịu bố thí rồi, biết cách sài tiền rồi, tiền có thật mang lại an lạc cho mình không? Thiền sư Vô Đức trả lời “Có tiền thì phiền não lo lắng sẽ theo sau”. Tiền đúng là mang lại một ít vui vẻ cho mình, nhưng để có được nó, đa phần đều phải lo lắng, đầu óc không thư thả. Đã có lo lắng cạnh tranh thì an lạc không có. Chưa kể tiền có khi còn là đầu mối của tai họa. Có khi chết chỉ vì đi một chiếc xe đắt tiền hay vài phân vàng tòn ten nơi tai. Con cái hư hỏng một phần vì tiền bạc dư giả cho các cuộc vui. Tuần báo An Ninh vừa rồi, phân tích về 7 nỗi lo của những kẻ giàu nhất thế giới : Sợ thua sút người khác, sợ phá sản, sợ thuế má, tòa án, sợ lừa đảo, bạo động, bắt cóc v.v…

Nói chung thứ gì ở đời cũng có hai mặt của nó. Tiền là thứ mang lại niềm vui cho mình, nếu mình biết cách sử dụng. Nhưng không phải là thứ hoàn toàn mang lại hạnh phúc cho mình. Chủ yếu là phải làm chủ được đồng tiền, không dính mắc vào nó, thì mình mới có hạnh phúc khi có tiền.

Song có tiền mà không có tình thì muộn phiền có khi cũng lắm. Vì vậy, người thứ hai trả lời “Có tình yêu là an lạc”.

Tình yêu chưa hẳn mang lại an lạc

Yêu mà không được đáp trả là nỗi bất hạnh lớn lao. Đó là điều không thể chối cãi. Không chỉ trong tình yêu đôi lứa mà cả trong tình cảm cha mẹ, anh em, bạn bè … Không khỏi muộn phiền khi không có sự đồng cảm. Không khỏi cô độc khi phải trơ trọi một mình. Không được yêu thương quả là bất hạnh. Vì thế, nghĩ “Được yêu thương sẽ có an lạc” là chuyện thường tình trong cuộc đời. Nhưng được yêu thương có thật là hoàn toàn an lạc? Thiền sư Vô Đức trả lời “Có tình yêu, phiền não lo lắng sẽ theo sau”. Tình cảm chưa hẳn là thứ mang lại hạnh phúc cho mình. Bởi khi thương yêu thì thường có sự đáp trả hai chiều, dù không hẳn khi nào cũng vậy. Có đáp trả là có lo lắng muộn phiền. Phật nói “Có ái sinh lo, có ai sinh sợ”. Yêu thương đi liền với lo lắng và bất an.

Cuộc sống là một chuỗi nhân duyên nối tiếp trùng phùng. Nhân duyên hiện đời chưa hẳn là mối nhân duyên từ bao kiếp trước. Thăng trầm bể dâu lắm đổi, nhân duyên hiện đời mười ngón tay đếm không xong. Lắm mối tối nằm không. Thành được yêu thương chưa chắc đã an vui. Song dù ôm được hết vào lòng một lúc, vẫn không tránh khỏi vô thường. Bởi không ai tránh khỏi cái chết. Một thiền sư Nhật Bản, khi nghe tin con qua đời, đã làm hai câu thơ:

Đời như hạt sương rơi
Tùy nhiên, tuy nhiên...

Biết đời mong manh như hạt sương, nhưng không khỏi ưu phiền khi nghe tin con vừa mất. Càng hạnh phúc yêu thương, nỗi lo lắng mất mát càng lớn, nỗi đau đớn rức ray càng mạnh. Người ra đi bận lòng. Kẻ ở lại khổ đau. Khổ đau cho ngang với những gì đã được hạnh phúc. Nói chung, KHÔNG CÓ khổ đã đành, mà CÓ chưa chắc yên vui. Chẳng trách Tổ Trúc Lâm nói:

Câu có câu không
Đau đáu lo sợ

Cho nên, thiền sư Vô Đức dạy “Có tình yêu phải biết trang trải”.

Tình yêu trang trải là loại tình yêu không qui hướng về mình, mà cũng không qui hướng riêng ai. Bởi có riêng là có mình trong đó. Đã có mình thì không khỏi lo lắng khổ đau. Thành có tình yêu phải biết trang trải hướng đến muôn người. Trang trải, không có nghĩa là yêu thật nhiều hay trở thành cây khô lạnh giá. Trang trải là yêu thương mà không dính mắc. Nó là loại tình thương được dẫn đường bằng trí tuệ Phật, hướng ta và người về đường thiện, không mang tính vị kỷ.

Danh vị chưa hẳn mang lại an lạc 

Danh vị, thiền sư Vô Đức nói “Có danh vị, phiền não và lo lắng sẽ theo sau”. Không một thành công nào không phải gắng sức. Đạt được đã mất sức. Giữ cho vững còn mất sức hơn. Tôi đã dành hết quãng đời thơ trẻ để bảo tồn danh vị cho mình. Vị trí hàng đầu không thể của ai ngoài tôi. Tôi bị mắng và ăn đòn nhiều hơn một học trò dốt. Phải gác mọi vui chơi, giải trí và cả bệnh tật. Chỉ có đàn, đàn đến phát bệnh để giữ vững danh vị hàng đầu. Song ý chí con người không thể phăng tới khi thân thể đã kiệt quệ. Cuối cùng … thà bỏ cuộc hơn là đội trên đầu một cái mông. Không ngờ “thà bỏ cuộc” lại mở ra một khoảng trời mới. Nước mắt thầy cô vô hiệu khi đứa trẻ đã “giác ngộ”. Thanh thản nhẹ nhàng biết bao khi vứt gánh nặng khỏi vai mình.

Nói vậy, không phải để khuyên mọi người phá bỏ tinh thần cầu tiến hay tán thán việc bỏ học. Đến với đạo mình còn phải học, phải làm, huống là ngoài đời? Có điều không nên dính mắc vào đó quá nhiều khiến mọi việc trở thành tồi tệ. Hiện nay tình trạng trẻ tự tử chỉ vì không đủ sức đạt tiếp danh vị mà cha mẹ mình mong muốn không phải không có. Đó là việc tồi tệ. Cố gắng, nhưng không nên để nó chi phối mình quá mức. Được thì tốt, chưa thì thôi.

Đến với thiền, tiền tình và danh vị không phải không có. Có khi còn nhiều hơn người ngoài đời. Bởi đó là cái quả được dựng từ cái nhân phước báu. Quá trình hành Bồ tát đạo là quá trình phước báu đang được gầy dựng. Nhưng nó không phải là chỗ nhắm đến của người tu thiền. Không nhắm đến, nên có thì bình thản, mất cũng bình thản. Nói đến thiền là nói đến Phật tâm. Phát huy lại trí tuệ và lòng từ sẵn có của mình mới là việc chính yếu của người tu thiền. Vì thế, danh vị, tiền tài và tình cảm không phải là thứ thiết yếu để người tu vướng bận. Một khi trí tuệ khai phát, danh vị, tiền tình dù đủ cũng như áng mây. Chúng đến như mây thì đi sẽ như mây. Nhẹ nhàng không vướng bận. Không có gì đánh động được bầu trời tâm. Đủ hay thiếu, được hay mất … không phải là thứ làm mình bận lòng. Sống được vậy, mới thực là có an lạc.

Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi
Bên kia trăng gió rộng thênh thang
(Nhị tổ Pháp Loa)

 



CON KHỈ BÊN TRONG


Cô em ngày nào cũng chửi cô chị. Bởi cô chị tưng tửng mà cô em thì không tỉnh. Cô chị làm duyên cho cô em. Cô em lại làm duyên cho cô chị. Vô minh duyên hành, hành duyên thức … Hai chị em cứ thế mà chửi nhau. Nghiệp miệng càng tăng. Sân giận càng nhiều. Vòng trói buộc theo đó nối tiếp.

Mình không tửng nên không động miệng vô cớ như cô chị, nhưng không tránh khỏi như cô em khi đời sống không thuần một màu hồng. Khó mà không sân khi người ta nói ngang. Khó mà yên ổn khi người ta nói ngược. Song người ngược thì người lỗi. Mình nổi sân chửi lại, lỗi đó lại thuộc mình.

Mình lớn tiếng, vì mình không biết việc đó đem lại tổn hại cho mình. Mình không biết mọi suy nghĩ hành động của mình đều khắc sâu trong tâm thức như những vết hằn trên lưng ngựa hoang. Thứ gì mang hơi hướm vị tha, nhẹ nhàng … nó như con trai ngậm cát, một hạt trai xuất hiện trong tương lai. Thứ gì mang hơi hướm tham lam, sân giận … đều để lại vết hằn nhức nhối không chỉ trong hiện tại. Đó là đứng trên mặt quả báo phước đức mà nói. Trên mặt tâm thức, một khi mình thực hiện quen thứ gì, nó có lực bắt mình theo nó như nước theo dòng. Không chửi không chịu được. Không lên tiếng thở không trôi. Mình nghiện chửi nghiện la như nghiện xì ke ma túy.

Vài tháng tôi lại bị một đợt nóng sôi sục thêu đốt ruột gan. Cái nóng khiến mình tức tối, chỉ muốn hét cho hả hơi, chỉ muốn bầm nát mọi thứ. Một đợt nóng có chu kỳ. Tôi khám phá điều ấy khi thực hành pháp “Biết vọng không theo” của Hòa thượng Trúc Lâm. Vì muốn không theo, phải biết cái gì là vọng, phải biết tâm mình đang chất thứ gì trong đó. Buồn, vui, suy nghĩ, nhớ nhung, đau khổ v.v… Tất cả những gì hiện lên trong tâm, mình đều phải biết. Nhờ quá trình đó, mới hay mẽ lửa trong tâm, nó có chu kỳ. Nguyên do nào nó nằm đó, phát tán âm thầm, mình chưa thấu được. Chỉ biết, việc bên ngoài là duyên để mẽ lửa bên trong có cơ bùng phát, không phải bản chất sự việc là thứ làm mình sân giận. Không có mẽ lửa âm ĩ kia, việc bên ngoài dù bức bối bao nhiêu, cũng không khiến mình phải hét hay la.

Mẻ lửa tuy thấy có sẵn trong mình, nhưng là cái quả mình đã huân tập từ bao kiếp trước. Nếu không huân tập thì nó không có. Không chỉ với sân, tham dục, kiến thức v.v… tất cả hiện diện trong mình đều theo qui luật huân tập. Thứ gì quen nhiều, thứ đó có lực khiến mình thông thái giỏi giang về nó khá nhiều. Chửi một lần, không ý thức việc đó tai hại, chửi tiếp lần hai. Chửi lần hai thấy được việc, chửi tiếp lần ba. Cứ vậy, một ngày một ít, tập quen với nó lúc nào không hay. Một khi chửi đã thành quen, cái chửi nó bắt mình chửi, không phải là mình làm chủ cái chửi. Do mỗi ngày tập quen với nó mợt ít, nên hiện đời nó sai sử mình. Đụng chuyện là hét. Nó chính là nhân, khiến bất cứ chuyện gì bên ngoài cũng thành cái duyên để mình nổi sân. Một khi đủ duyên bộc cháy, nó sẽ lan mãi không ngừng. Nó có cái lực khiến mình hăng tiết. Hăng tiết là duyên để lửa thêm nồng. Vết hằn xéo tâm càng đậm.

Ngưỡng Sơn hỏi thiền sư Hồng Ân ở Trung Ấp:

- Làm sao thấy được Phật tánh?

Sư đáp:

- Ta vì ông nói một ví dụ. Như một nhà có sau cửa. Trong có một con khỉ. Ngoài có một con khỉ kêu chóe chóe. Con khỉ bên trong liền kêu chóe chóe đáp lại. Sáu cửa đều đáp như thế.

Ngưỡng Sơn lễ tạ thưa:

- Nhờ Hòa thượng ví dụ nên con đã rõ. Lại có một việc. Như con khỉ bên trong ngủ, con khỉ bên ngoài muốn gặp thì sao?

Sư bước xuống giường thiền, nắm tay Ngưỡng Sơn múa:

- Chóe chóe, ta cùng ông thấy nhau.    

Hỏi làm sao thấy được Phật tánh? Trả lời “một con khỉ” kêu ra sáu cửa. Song CON KHỈ KÊU đó chưa phải là Phật tánh. Chỉ là DỤNG của Phật tánh. Sân là dụng hiện hành của con khỉ đang kêu. Dụng này do mê mà có. Do mê nên cái quả của nó là đau khổ và bất an. Vì được huân tập trong bao đời kiếp, nên thấy cái gì gai mắt liền bực, nghe cái gì không đúng liền sân, ăn nhằm hạt sạn nổi dóa, ngửi phải mùi hôi phát khùng, dầu bắn vào người nổi điên, nghĩ đến chuyện nó nói ngược mà cổ uất nghẹn. Con khỉ bên ngoài làm duyên cho con khỉ bên trong lên tiếng. Nếu con khỉ bên trong đã ngủ, tức mầm tham sân si được lắng yên, thì con khỉ bên ngoài dù kêu bao nhiêu, mọi thứ vẫn bình yên. Mọi động tác thi vi lúc đó đều là diệu dụng thanh tịnh của tâm. Dụng thanh tịnh thì hiện tại an vui, tương lai cũng an vui.

Mọi đáng tiếc xảy ra hiện nay, con giết cha, vợ giết chồng, nhân loại tàn sát lẫn nhau v.v… đều do không thấy được con khỉ đang kêu này. Mình không ý thức được sự tai hại của con khỉ đang kêu. Mình không nhận định được con khỉ sắp kêu, con khỉ vừa kêu hay con khỉ đã kêu. Mình nhập chung mình với nó nên cớ sự mới ra như vậy. Nếu nhận định được con khỉ sắp kêu hay đang kêu, rồi dừng ngay không cho nó kêu nữa, thì mọi thứ sẽ yên ổn hài hòa.

Việc đâu tiên để con khỉ ngủ yên, là mình phải NHẬN DẠNG được con khỉ của mình. Trước là nhận cho được HÌNH TƯỚNG con khỉ đang kêu. Sau là nhận cho ra THỰC TƯỚNG của con khỉ ấy. Nghe chuyện tâm nổi bực, thì phải nhận dạng được cái bực đó. Thấy bực là biết con khỉ của mình đã kêu. Kêu rồi thì bịt miệng nó lại đừng cho nó kêu tiếp. Nó mở miệng là mình bịt. Bịt không xong, phải làm công tác tư tưởng cho nó, để nó chịu yên. Từ từ nó chán nó ngủ … Khi nó ngủ rồi thì sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp bên ngoài dù thế nào, tâm mình cũng an nhiên tĩnh lặng. Tám gió thổi chẳng động là đó. Không phải con khỉ ngủ yên hoàn toàn mình mới nhận được trạng thái an nhiên tự tại. Việc nào con khỉ ngủ yên, mình nhận liền sự an nhiên trong công việc đó. Khi tất cả thời, tất cả chỗ mà con khỉ ngủ yên hoàn toàn, thì Thiền sư Hồng Ân cùng Ngưỡng Sơn sẽ nói với mình “Ta cùng con thấy nhau”.