Ý Tổ sư trên đầu ngọn cỏ
Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ
Lời nói đầu - Những bao rác - Thầy - Giận - Cây cột điện
03/04/2017
LỜI NÓI ĐẦU
Lục Tổ nghe một câu Kim Cang, thấu tỏ nguồn chân. Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, một tiếng đá chạm, bộ mặt thật xưa nay bùng vỡ. Trương đậu hũ! Lý đậu hũ! Đêm kề gối mộng nghìn mơ. Sáng ra nấu đậu như xưa khác gì? Có vậy mà cũng ngộ.
Ý Tổ sư trên đầu ngọn cỏ !
Với Tiểu thừa, Phật thuyết Tứ đế, khổ, không, vô thường, vô ngã … thì ngữ âm đó thuộc pháp luân. Còn các loại ngữ ngôn thế gian như khi hỏi A-nan, hay mưa trời rơi… thì không phải pháp luân.
Với Tam thừa, tất cả thân tướng uy nghi cùng với ngữ ngôn của Phật đều nhập pháp luân. Vì không gì không làm lợi ích chúng sinh. Kinh Duy Ma nói “Uy nghi của chư Phật, tới hay lui, không gì không phải Phật sự”.
Với Nhất thừa, tam thế gian đều nhập pháp luân. Tất cả ngữ ngôn, âm thanh của chúng sinh đều nhập pháp luân… Ý Tổ sư trên đầu ngọn cỏ! Chỉ vì căn cơ có sai biệt mà pháp pháp dường như khác.
Bậc thượng căn, ngay đó liền nhận. Kẻ hậu sinh, trí mờ nghiệp nặng, nhân quả sống chưa xong, đâu thể một bước ngộ nhập. Nhưng không vì thế mà ý Tổ sư ngăn bít. Ngay đó chưa xong thì phương tiện vẫn còn đường. Một chuyện đời thường, ngẫm rồi vẫn còn nước để đi. Vấn đối của tiền nhân, đọc qua, chưa hết điều học hỏi. Bởi thế, hí hoáy qua loa xin xẻ chia cùng bạn đọc ...
Chân Hiền Tâm
NHỮNG BAO RÁC
Thường thì những ngôn từ không hay, hay những kiểu cư xử được gọi là “thiếu văn hóa” chỉ xảy ra với những kẻ mà thiên hạ gọi là lưu manh, bất lương hay trong những khu vực nghèo khó. Nhưng hình như không phải. Đó chỉ là một trong các duyên khiến những thứ đó có điều kiện xuất hiện nhiều hơn mà thôi. Nhân duyên chính, vẫn từ ba thứ tham - sân - si trong chính mình.
Khi mọi thứ êm ả trôi đi, mình cũng hiền lành thánh thiện như ai. Nhưng một ngày đẹp trời nào đó, một cô nàng xuất hiện bám lấy anh chàng của mình. Lập tức, tam bành lục tặc trong mình nổi lên. Mình điên tiết phát ngôn. Loại ngôn từ phát ra, âm thanh khiến người nghe long óc, mình thì mất sức mệt nhoài, nhưng cứ thế mà hùng dũng lẫm liệt. Ré một cách khoẻ khoắn như còi xe lửa rú lên giữa đêm trường thanh vắng. Thế mới biết, cái gốc của những thứ đó không phải do nghèo khó hay thất học. Chính là từ tham - sân - si mà ra. Chả trách họp hội nghị cấp cao, toàn là dân trí thức, mà ôm nhau vật lộn như hai đứa con nít.
Khu hẻm nhà tôi không phải khu vực nghèo khó. Chỉ toàn thứ dữ, có tôi là mạt nhất. Vậy mà chút nước đổ ra hẻm cũng có chuyện để ầm ĩ. Một con hẻm chia đều bốn nhà. Nhưng không ai muốn phần hẻm nơi nhà mình đọng nước. Người quơ qua bên này. Kẻ quét lại bên kia. Làm sao đó để mặt nhà mình khô ráo, còn thiên hạ ai chết mặc ai. Thế là cả ba chửi nhau chí choé.
Mình không phải là đứa cao thượng, nhưng ồn quá thì không thể làm việc. Vì thế, đành cao thượng mở cửa xuống nước “Xin dồn hết qua nhà con, từ từ nó bốc hơi …”. Không ngờ, chiêu ấy lại có kết quả. Ba nàng lập tức bỏ cuộc. Không thấy ai quét lui quét tới gì nữa. Cũng không thấy ai to tiếng với nhau. Mình như chó táp phải ruồi, không ngờ chỉ một chiêu mà việc lại tốt như thế. Nhưng không phải khi nào những hành động thánh thiện cũng được đền đáp một cách xứng đáng.
Ngày nào, cũng có rác dồn qua trước nhà. Chư Tổ ngày xưa, vẫn khiêng đá làm đường cho mọi người đi qua, xá gì một vài bao rác. Thành anh nhà tôi miệt mài đổ rác thay người. Một lần, hai lần, ba lần, cho đến mấy chục lần … Thứ gì thành thói quen, nó trở thành việc tự nhiên. Mặt tiền nhà mình trở thành chỗ dồn rác chờ xe tới xúc, không phải chỉ một nhà mà hình như của khá nhiều nhà. Anh trở thành nhà đổ rác chuyên nghiệp.
Anh thay nghề đổ rác bằng công việc của một thám tử tư. Phần lớn là hàng của cô hàng xóm xinh đẹp. Vì nhà cô đẹp, nên rác được dồn qua nhà mình cho tiện. Đằng nào cũng đổ một lần, khỏi nhọc lòng anh đổ rác.
Rác được mang qua, thám tử lại âm thầm mang trở về. Nhà hàng xóm thấy rác chạy lại nhà mình, lại âm thầm trả về chỗ cũ. Cuộc chiến cứ thế mà diễn ra trong thầm lặng. Rác chạy qua rồi lại chạy về. Người nhất định phải mệt, không biết lũ rác có mệt không? Chắc mệt. Chỉ vì người người đi quá giới hạn của mình.
Chuyện rồi cũng phải chấm dứt. Thế gian này có thứ gì mà thường hằng?
Một ngày đẹp trời, bỗng dưng cô chủ về nhà sớm. Anh hốt rác chưa kịp tới. Rác không nằm bên đây mà lại nằm ngay trước mặt nhà cô. Chắc con bé bận làm cơm, nên chưa kịp tải nó lại bên này. Thấy rác choáng hết mặt tiền, cô hét toán “Rác nhà ai để đây?”. Con bé hoảng hồn chạy ra “Dạ nhà mình”. “Sao lại để rác đây”. “Dạ bình thường con để bên nhà chú Q. nhưng không biết mấy ngày nay ai cứ đem qua lại bên này. Con đem qua, nó lại chạy về …”. Cô chủ nhỏ tắt tiếng, bước nhanh vào nhà. Từ đó, rác không còn lang thang. Chỗ để mấy bao rác, bỗng dưng mọc lên hai cây bồ đề cao quá đầu gối. Chẳng ai trồng trọt cũng chẳng ai chăm sóc, cứ thế mà vươn lên.
Chuyện đời là thế, nhưng cái chuyện ấy lại khiến mình nghĩ đến những dấy khởi trong tâm. Những suy nghĩ lương thiện, mình nhẹ nhàng với nó, có làm tôi đòi nó chút đỉnh, cũng không sao. Nó vẫn dẫn lại cho mình cái quả tươi đẹp. Nhưng với những dấy niệm thuộc tham sân, nếu mình phục dịch chìu chuộng nó mà không tính pháp đối trị, thì cực với nó vạn đời. Nó sẽ khiến mình nhọc thân nhọc tâm hết sức. Thành phải tùy nghi mà đối trị. Trị mà cương, thì dễ sức đầu mẻ trán. Thành trị mà phải khéo : Không quá cương cũng không quá nhu. Cứ từ từ chậm rãi giải quyết từng tên một. Tên nào ló mặt, mình phải nhận dạng nó tức thì : Niệm thiện hay niệm ác? Niệm ác thì mời nó nhập niết bàn tức khắc. Nó chưa chịu nhập, mình phải có thời gian khuyên nhủ tỉ tê, khiến nó nhập cho lẹ. Đủ cơ duyên, nó cũng phải trở về đúng vị trí của nó : KHÔNG. Một lúc nào đó, những dấy khởi tham sân của mình không còn, thì cảnh giới ngoài tâm cũng được giải quyết. Duyên của chúng sanh là vậy. Không dám lạm bàn trong cái duyên là chư Phật và chư vị Bồ tát, là những vị hiện thân theo nguyện lực, không phải theo nghiệp lực như chúng sanh.
THẦY
Cha mẹ cho thân, thầy cho trí. TRÍ là thứ giúp mình chuyển hóa được những duyên nghiệp oan khiên trong đời, giúp mình vững vàng trong cõi vô thường tạm bợ. Cảm niệm ân đức cha mẹ mà không có vài dòng về Tổ Thầy thì thật thiếu sót. Nhưng nói chính xác về thầy thật là khó, khi duyên nghiệp của mình là người tại gia, không có điều kiện khuya sớm bên thầy như hàng tăng chúng. Dù có khuya sớm bên thầy thì nói gì về bậc tôn sư khi vạn pháp ở thế gian đều bị chi phối bởi DUYÊN KHỞI và DUYÊN NGHIỆP từ bao kiếp trước? Mọi thứ đều hạn cuộc trong vòng nghiệp thức của mình.
Tôi nói với bạn, thầy hiền từ, dễ chịu … chắc có người phản đối. Vì với họ và ngay với tôi, thầy cực kỳ nghiêm khắc, khó ưa. Người ta than với tôi về thầy. Tôi gật đầu thông cảm. Bởi đó không phải là chuyện trên trời rơi xuống. Chỉ là chuyện thường tình tôi từng nếm trải qua. Nếm để trưởng thành. Nếm để hun đúc con người của mình ngày được cứng cáp. Nếm để bất động dần với mọi cảnh vật chung quanh. Gisho ngày xưa, gian nan vô cùng. “Kể từ Majaka, không ai bằng Gisho. Song vẫn còn nhiều cửa để Gisho vượt qua. Còn phải nhận nhiều cú đấm sắt của ta”. Thiền sư Inzan đã nói như thế về Gisho thân yêu. Tát và mắng để đánh thức bổn tánh trong chính cô. Tát và mắng để cô nguội dần cái ta đã huân tập trong bao đời kiếp. Thời nay, mình học đạo khó thành, vì mình không huân được sức chịu đựng như Gisho. Mình không bị mắng như Inzan đã mắng Gisho. Mình không bị tát như Inzan đã tát Gisho. Vì căn cơ của mình không được như căn cơ của Gisho...
Nếu tôi mô tả thầy như một hung thần khó chịu, cũng không xong. Sẽ có người không đồng tình, khi với họ và ngay với tôi, thầy rạng rỡ hiền hòa như đức Di Lặc. Không có những lúc nhẹ nhàng, tha thứ … mình khó đứng vững khi tinh thần xuống dốc quá độ, khi đường đời lắm chông gai, khi đường đạo khó tuyệt vời. Tuyệt vời! Nhưng đi sao mà vất vã. Bởi thói quen huân tập trong bao đời quá nặng. Đạo Cao Đài nói một câu nghe rất thấm thía “Tu thì cũng muốn mau thành Phật, theo Phật thì con lại tiếc đời”. Cái tiếc đó là đầu mối của mọi oan khiên và khó khăn. Không có thầy bạn bên cạnh giúp mình buông bỏ, một kiếp tơ tằm lại hoàn một kiếp tằm tơ.
Mỗi duyên, thầy có một tướng khác nhau. Không biết tướng nào mới là tướng thực của thầy.
Phật nói “Thực tướng vô tướng”. Nói về thực tướng, thì không tướng có thể nói. Ừ! Thực tướng của thầy, không tướng có thể nói.
Thầy tôi
Không lão cũng không tăng
Thân dày bụng bự
Nụ cười hả hê
Trẻ thơ
Một nửa trẻ thơ
Còn kia một nửa
Ngây ngô quê mùa
Thầy tôi, không lão cũng không không tăng … Thực tướng của thầy là như thế. Thứ gì có tướng, đều là hình thức hư vọng tùy duyên. Thân dày, bụng bự, nụ cười hả hê … Ừ! Hình thức đó chỉ là thứ hư vọng tùy duyên qua lăng kính nghiệp thức của mình. Bởi liên quan trực tiếp đến lăng kính nghiệp thức của từng người, nên trên cùng một người, mà mình và người có các cảm nhận khác nhau. Rồi tùy lúc, tùy thời, cảm nhận trong chính mình cũng khác nhau.
Tướng thực của Phật, không tướng có thể thấy. Nhưng ứng với tâm chúng sinh ở cõi nhân gian mà Phật có nhiều tướng khác nhau. Hàng Bồ tát thấy Phật không thân, với báo thân tròn sáng thanh tịnh trùm khắp. Người hữu duyên ở nhân gian, thấy Phật với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Các cõi địa ngục, ngạ quỉ thấy Phật như chân voi đen dài ba thước. Một mảnh trăng trong mà bóng hiện ngàn sông khác nhau, chỉ vì nó liên quan trực tiếp đến duyên nghiệp của từng loài. Nước trong trăng tỏ. Nước đục trăng mờ. Nước chao trăng vỡ. Nước lặng trăng nguyên. Vì thế, hiện tướng của Quán Thế Âm, khi thanh thoát nhẹ nhàng, lúc lưỡi dài mắt đỏ. Mọi tướng tuy khác, nhưng đều là SUỐI TỪ bao la khơi dậy từ CỘI KHÔNG trùm khắp.
Đã là SUỐI TỪ bao la từ CỘI KHÔNG trùm khắp thì không có tướng nào không giúp mình bước lên con đường thượng thừa. Không có tướng nào không giúp mình chuyển hóa những tâm niệm địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh trong chính mình. Thuận hay nghịch, chánh hay tà, đúng hay sai … tất cả đều là diệu dụng của mười phương chư Phật, đều là dụng dụng của Tổ Thầy giúp mình tiến dần về đạo vô thượng. Phu nhân Bàng Long Uẩn nói Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ là đó.
Tổ và Thầy
Cùng những ai một lần hữu duyên trong đời …
Xin thành kính tri ân.
GIẬN
Lâu rồi không gặp. Gặp lại thấy già đi chút đỉnh nhưng chững chạc ra phết. Có điều nụ cười vẫn tươi, ánh mắt vẫn hiền hòa. Không đụng duyên thì thôi, đụng chút là soi ra, khởi đủ thứ chuyện. Sao mình không thể thấy tất cả mọi thứ mà không hề khởi lên so sánh già, vui ... Quen rồi ! Một thói quen được huân tập qua bao đời kiếp. Đụng duyên, tâm liền khởi. Hiện tại luôn là thứ được so sánh với quá khứ. Lớn, nhỏ, già, trẻ … Tu hoài mà không thành Phật là vậy.
- Mấy bữa nay đi mua đồ chắc mệt!
Uể oải gật đầu, không lên tiếng.
- Có mấy bữa thôi, đâu có suốt đời đâu!
- Thì cũng may là chỉ có mấy bữa. Ủa! Mà sao thầy biết.
- Thì thấy cô chở đồ xuống.
- Sao con không thấy thầy.
- Biết! Đi sờ sờ ra đó.
- Ờ! Nhiều khi hai con mắt mở zậy chứ không thấy. Hi hi, chắc lúc đó cái đầu đang vô ký. Để tâm kiểu đó cho khỏe. Soi ra mệt.
Lắc đầu ngao ngán. Hình như lần nào gặp nhau thầy cũng lắc đầu. Lắc hoài cũng thành quen. Quen rồi có khi không chủ định cũng cứ lắc lắc sao ấy …
- Ông Q. chịu nổi cô cũng hay!
- Hi hi … thầy cũng thấm rồi hả?
- Thấm rồi.
Trưa gió thật mát. Nắng, nhưng không làm người mệt mỏi. Chắc tại nhiều cây. Nhưng hình như không phải chỉ có cây, gió hay sự yên tĩnh làm nên không gian thoải mái nhẹ nhàng. Mình đã từng lang thang qua khu nhà xác của một bệnh viện. Cũng nhiều cây, cũng thanh vắng yên bình. Một sự yên bình lạnh lẽo, khiến người ta không khỏi rùng mình sợ hãi. Không phải là sự yên ả thanh bình đầy sức sống như ở các tự viện thanh tịnh. Có lẽ, khí thế gian không lìa chúng sanh thế gian, thành cảnh tuy như nhau, nhưng do chúng sanh thế gian khác nhau, mà cái khí mình nhận được ở mỗi nơi cũng khác nhau? Chỗ thâm sâu của Phật pháp, khó mà bàn tới.
- Thầy! Con nói thầy nghe cái này.
- Chuyện gì?
- Mấy bữa nay giận.
- Trời đất! Có giận nữa ha.
Khi nào cũng có thái độ diễu cợt. Người chứ phải ngựa đâu mà không biết giận. Cây cột còn biết mệt nữa là … Nhưng đang cần có chỗ trút giận thành xí xóa.
- Giận dữ lắm.
Cũng vẫn thái độ diễu cợt không bỏ. Lại còn chong hai mắt lên. Nhưng đang cần có chỗ trút giận, thành xí xóa.
- Biết giận ai?
- Ai ?
- Ông thị giả chớ ai.
- Trời đất!
- Giận đến nỗi sáng này mời nước không uống. Mấy bữa nay cũng không vô thất Thầy.
- Giận cá chém thớt hả?
Chuyện bình thường của thiên hạ, có gì mà ngạc nhiên. Giận má nó, nó đi ngang cũng muốn đào đất lên đổ. Ghét người này mà người kia lên tiếng bênh vực thì cho người kia đi luôn. Giờ giận thị giả, không vô thất thầy, cũng là chuyện bình thường, có gì mà lạ. Bởi thất đó là chỗ mà thầy thị giả có mặt, qua lại, phục dịch … nó là phần ngã sở của cái ngã được mệnh danh là thầy thị giả. Không dính gì nhau mà còn ghét lan qua được, huống là có liên hệ mật thiết như thế? Vô mới là lạ.
- Giận hết. Không muốn vô thất thầy luôn.
- Sao zậy?
- Hôm sinh nhật thầy, con điện thoại hỏi “Sinh nhật thầy trụ trì ngày mấy hả thầy”. Biết trả lời sao? “Đâu có … À, khánh tuế … Phật tử cúng dường ngày sinh của Thầy …”. Nghe tới đó, ruột lên tới cổ. Đâu phải năm nay mới có. Từ năm ngoái năm kia … Tại bận nên không đi, đâu phải không biết. Nhưng chưa, hôm sau xuống tới nơi, nghe thiên hạ nói mới giận dữ “Đêm qua đông gớm lắm, ngoài nhà khách không có chỗ mà ngủ, đợt này còn được cho hát hò tặng Thầy”.
- Đúng rồi! Trời ơi! Tối đó vui quá chừng luôn.
Bây giờ mới hiểu, vì sao người đời hay nguyền rủa những kẻ gọi là đổ dầu vô lửa. Nguyền rủa là phải. À, mà không. Phật tử không được nguyền rủa. Tội lỗi, tội lỗi …
- Thấy chưa! Thầy thấy có đáng giận không?
- Ừ ! Không giận mới là lạ.
Biết là lời diễu cợt, nhưng cũng mát lòng mát dạ. Cũng nguôi đi cơn giận trong lòng. Chí ít cũng có một người biết cảm thông cái giận của mình. Giận, dù là giận đúng hay sai thì một người khôn ngoan không bao giờ để nó hiện diện dù chỉ tích tắc. Nhưng khi người ta đang giận, không an ủi cảm thông được thì tốt nhất là nên im lặng. Lúc đó mà phải trái dạy khôn, phân tích đúng sai … thì không khác thêm dầu vô lửa, chỉ khiến lửa giận thêm bùng. Quả là chỉ có lòng từ mới hóa nổi cơn sân.
- Thấy chưa! Giận là phải đúng không. Thành đâu có vô thất Thầy. Sáng nay mời nước, dỡ lơ coi như không nghe. Mấy bữa nay giận, không nói với ai. Bữa nay mới xì ra đó ...
Tâm thức con người thật buồn cười. Mười chuyện tốt không nhớ, nhớ đời một chuyện cỏn con. Cái ngày hai đứa mới đặt chân đến thiền viện, thầy thị giả vẫn còn là một cư sĩ học việc. Không nói, hiền hòa. Ngồi đâu, thầy cũng ra tận nơi mời vô cơm nước. Những ngày làm thị giả, cơm vẫn lo đầy đủ, nước vẫn rót cho uống. Đói, thầy ơi con đói. Đau, thầy ơi có thuốc không? Sách đem cúng dường mấy ngàn cuốn, Thầy ngồi phát từng cuốn chẳng quản mệt nhọc. Một lần giận ông xã, khóc hù hù. Thầy ngồi đó nhìn không nói. Cái nhìn của đứa trẻ lên ba ngồi nhìn mẹ. Thấy khóc mà không biết dỗ dành ra sao, cũng không dám bỏ đi vì sợ để mẹ một mình. Cái nhìn khiến hành giả đang khóc phải bật cười, thấy chuyện đời sao vô duyên, khóc ba thứ lẫn thẫn …
Giờ mới một chút, giận mấy ngày chưa nguôi. Không biết vì được quan tâm quen rồi, bị phớt lờ mới ra cớ sự đó, hay người mình vốn có cái chủng vong ơn bội nghĩa, giờ đủ duyên mới phát ra? Tâm thức con người thật kỳ quái, không đơn giản chút nào!
- Giờ hết giận chưa?
- Hê hê, phun ra vậy chắc hết rồi. Thì vừa rồi, mới nói chuyện đó.
Thấy cái kiểu chê nước rồi không nói như vậy, biết tỏng con nhỏ có … vấn đề. Đâu có tiếc gì vài lời để làm con nhỏ nguôi ngoi. Đi ngang, kêu nói vài câu… Con nhỏ quả tình hết giận thiệt.
- Có zậy mà bạc đầu hết trơn.
Bạc đầu nhuộm lại mấy hồi. Bạc tâm mới mệt. Vất vã vô ngần!
CÂY CỘT ĐIỆN
Cây cột điện nằm sát nhà tôi. Nó có nhiệm vụ chuyển điện cho hai nhà. Nhà tôi và nhà hàng xóm đối diện. Nó có mặt ở đó từ trước ngày giải phóng. Không có nó thì không có điện để dùng, nhưng nó nằm đó, phần tôn lợp bị khoét thủng một mảng, mỗi lần mưa, khoảng sân xe lủm bủm những nước là nước, lại còn cản không khí và ánh sáng phòng ngủ thằng con trai. Quá nhiều thứ bất tiện.
Nhưng không ai làm gì.
Cũng không ai có ý làm gì.
Vì cái cột điện tọa lạc nơi mảnh đất chung nằm ở cuối hẻm. Một bên là nhà tôi, còn bên kia là nhà hàng xóm. Nó không thuộc quyền sử dụng của riêng ai. Không phải của mình, thành lo mà an phận. Lộn xộn sao được. Muốn lộn xộn cũng không ai cho. Bản thân mình cũng đủ khôn ngoan để biết không nên lộn xộn. Mọi việc cứ thế mà bình yên trôi đi.
Cho đến ngày …
Mảnh đất cuối hẻm được phân hai và hợp thức hóa, nhà hàng xóm một nửa và tôi một nửa. Nhưng cái cột điện thì không ai chịu thừa nhận, dù nó được sử dụng cho cả hai nhà. Đã vậy nó còn nằm sát vào vách nhà mình, như có ai lấy cây dí vào giữa hai mắt. Cả nhà quyết định xin phép dời cái cột ấy ra phía trước, để sinh hoạt được tiện lợi, mà cũng không làm ảnh hưởng bao nhiêu đến nhà hàng xóm đối diện.
Cô hàng xóm trẻ người xinh xắn, chuộng cái đẹp, rất biết tùy duyên trong vấn đề áo quần, nhưng riêng khoảng này thì cô lại chuộng cái cổ cái xưa. Chỉ muốn cái cột đó bất biến ngay cái chỗ mà theo cô, nó đã trở thành di sản lịch sử qua bao thay đổi thăng trầm. Cô không muốn dời cái cột theo đúng cái duyên hiện tại, mà muốn nó an trụ nơi cái chỗ xưa nay cô vẫn thích. Cũng đúng! Cái gì bất lợi cho mình thì hãy thay đổi. Thay đổi càng sớm càng tốt. Còn như cây cột dời ra lề hẻm, dù nó không dính gì đến phần đường trước mặt, nhưng dây điện vào nhà, thay vì từ bên hông, giờ lại đâm thẳng từ ngoài vào … Nhà cô mất đi một phần thẩm mỹ, làm sao cô chịu cho được? Mình cũng hiểu điều đó, cũng thông cảm. Thành cô hét gì đó hét, mình cũng không buồn, chỉ thấy hơi lạ.
Không dời cây cột, thì nhà không sửa được, mình không giải quyết được những ách tắc mà mấy lâu nay con cái đang chịu. Còn dời thì đụng chạm quyết liệt với cô hàng xóm xinh đẹp. Bởi cô đã quyết tâm “Còn một cái lai quần cũng đánh”. Không khéo phải đưa nhau ra tòa cũng nên. Đụng chạm như thế, kiếp sau gặp nhau, nhân duyên lại không thuận chiều. Không biết đời trước mình cắm cái gì trong đất cô, mà kiếp này cô không cho mình nhổ cái cọc đó ra khỏi đất mình. Đó là nói trên mặt nhân quả. Nói trên mặt tu hành, mình là Phật tử chứ cô đâu phải Phật tử. Mình tu mà còn tu thiền mới chết. Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, tùy duyên tiêu nghiệp cũ … Nghe nát cả óc, muốn quên cũng không quên được. Thôi thì buông quách. Vừa khoẻ mình, vừa khoẻ người mà nghiệp cũ coi như trả xong. Nhưng buông thì mình khoẻ rồi, còn lũ con? Không lý, tu là chỉ để mình khoẻ thôi sao? A Di Đà Phật! Không biết ngày xưa Trúc Lâm cầm quân chống xâm lược, có phải suy nghĩ nát óc như mình bây giờ không nhỉ?
Chắc không! Vì chư vị không chiêm nghiệm cuộc đời như mình đã chiêm nghiệm, cái gì cũng thật. Thật vì không có thứ gì như huyễn với mình. Mọi thứ chi phối đời sống của mình quá nhiều. Có nó hay mất nó, mình đều bị ảnh hưởng. Vì thế mọi thứ với mình đều là thật, chưa có cái gì là mộng là mơ với mình. Dơ thật, sạch thật, thiếu không khí cũng thật, bệnh hoạn cũng thật. Thật hết, nên mới có cái này chướng, cái kia không chướng, cái này khiến mình bệnh hoạn, cái kia giúp mình mạnh khoẻ v.v...
Thứ gì cũng thật thì nhân quả với mình không thể như huyễn. Thấy nhân quả thật, so với các vị sáng tâm, không chính xác lắm, nhưng so với kẻ đầu trần chân đất tham sân, mình lại là kẻ có trí tuệ. Vì thế, làm việc gì cũng phải đắn đo. Cái nhân gây ra thì dễ, nhưng lãnh cái quả, mà không thấy cái quả đó như huyễn, thì khổ vô vàn không phải chuyện chơi. Một cây cột không đáng, nhưng nhân duyên không thuận thì dời đi cũng khó. May là có nó hay không, mình cũng chưa đến nỗi mẻ đầu sứt trán. Nếu là miếng ăn, là chỗ sống chết của gia đình, nếu không thuận chiều, chắc mình không thể ngồi yên. Cũng một phen đau đầu nhức óc, không khéo lại phải gây nghiệp. Lại như con tằm kéo tơ làm kén, càng nhả, càng buộc … không biết đời nào mới ra. Không cẩn thận sao được. Thành cái gì trong đời, nhắm mà buông được thì thôi buông quách, để cái quả tương lai còn được thuận chiều.
Cuối cùng …
Hai đứa quyết định bắt chước Tổ Trúc Lâm. Mình không làm vua thì không có dân hay quân dể hỏi “đánh hay không đánh”. Mình chỉ làm dân, nên mình thuyết phục con cái và hỏi ý kiến của phường. Nhờ phường can thiệp trong tinh thần êm ấm hiểu biết. Nếu cô vẫn cương quyết giữ lập trường tới cùng, thì coi như … cây cột và mình chưa thể xa nhau. Một khi duyên nghiệp vẫn còn, đâu phải nói xa là đã xa được. Thôi thì nằm đó. Khi nào hết duyên, sẽ có người tự động bứng đi. Nhọc tâm chi cho cực. Ở đời, thứ mình được, chưa chắc đã tốt cho mình. Thứ mình không được chưa chắc đã xấu cho mình. Thành không thể tranh cãi hơn thua hay đưa nhau ra tòa thưa kiện chỉ vì một cây cột điện. Kiểu đó, kiếp sau lại oan oan tương báo nhiều hơn. Giờ chỉ một cây cột, không tỉnh, tiếp tục buộc thêm gút nữa, thì chưa biết kiếp sau oái ăm thế nào. Không gỡ được một lần thì gỡ từ từ cho xong. Buộc thêm chi cho cực. Cây cột điện thôi mà!
Đến giờ, cây cột vẫn nằm đó. Trơ thây cùng tuế nguyệt. Nhưng cuộc sống vẫn êm đềm trôi đi ...
Các tin khác
-
» Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ (1) (03/04)
-
» Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ (P.2) (03/04)
-
» Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ (P.3) (02/04)
-
» Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ (P.4) (02/04)
-
» Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ (P.5) (02/04)