Ý Tổ sư trên đầu ngọn cỏ

Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ (1)

Phụ nữ - Chuyện khó nói - văn thù xin đi nhờ - Sở tri phân biệt

03/04/2017


PHỤ NỮ


Schopenhauer, sinh năm 1788 tại Dantzig. Thân phụ là một thương gia có tài. Mẹ là một tiểu thuyết gia phổ biến đương thời, nhưng rất nóng tính. Bà hình thành đời sống tự do luyến ái sau khi chồng chết. Schopenhauer chống đối việc này hệt như Hamlet chống đối mẹ mình tái giá. Những cuộc gây gổ liên tiếp diễn ra với mẹ, cộng thêm những thất bại trong tình trường, đã khiến ông có cái nhìn không mấy tốt đẹp về phụ nữ :

“Chỉ một người đàn ông bị mờ mắt vì sự thúc đẩy xác thịt, mới có thể tặng danh từ phái đẹp cho một giống người thấp bé, vai hẹp, mông rộng, chân ngắn. Để đảm bảo hơn, thay vì gọi họ là phái đẹp, hãy nên tả họ như một giống thiếu thẩm mỹ…”

“Trong một vài năm thiên nhiên cho họ một tài sản nhan sắc và vẻ kiều diễm để có thể chộp lấy cơn bốc đồng của một gã đàn ông, đến độ chàng vội vàng đảm nhận cái vinh dự săn sóc họ suốt đời, một bước đường mà dường như không có một bảo đảm nào để biện minh nếu lý trí chịu điều khiển tư tưởng con người một chút…”

“Những bộ óc đặc sắc nhất trong toàn thể giống này chưa bao giờ sản sinh được một công trình nào về mỹ thuật độc đáo thuần túy hay hiến cho thế giới một tác phẩm có giá trị trường cữu thuộc bất cứ lãnh vực nào…”

“Mọi phụ nữ, gần như không ngoại lệ, đều thiên về sự quá lố, chỉ biết sống cho hiện tại. Môn thể thao chính của họ là đi mua hàng…”.

Cái nhìn của ông, xem ra vẫn còn nhân nhượng hơn nhiều so với cái nhìn của Phật, được ghi trong kinh Bửu Tích : “Ổ bịnh hoạn máu mủ tanh hôi, mũi dãi thường chảy như cảnh dơ bẩn ở bãi tha ma”. Không biết với nhà hiền triết, đó là cái nhìn muôn đời bất diệt hay chỉ là phút tạm thời? Nếu như mọi thứ thay đổi, trong vòng thương yêu êm ấm, thấy được phụ nữ chân dài eo nhỏ ngày nay, với những cái đầu không khác nam nhi … không biết ông còn chịu giữ cái nhìn như thế? Song với đức Phật, “Ổ bệnh hoạn máu mủ tanh hôi …” chỉ là cái nhìn tùy duyên. Nó được nhắc đến, chỉ khi nam nhi chìm sâu trong biển ái dục. Sự chìm sâu có nguy cơ mang đến khổ đau và tội lỗi. Trong cái duyên như thế, phụ nữ mới có hình tượng đặc sắc như thế. Trong một duyên khác, phụ nữ không còn hình dáng thế nữa. Hãy nghe đức Phật nói về Hà Thượng, một nữ cư sĩ trong pháp hội của ngài “Ta nhớ xưa kia, cũng tại nơi này, có ngàn Như Lai thuyết pháp như vậy. Ở trong các chúng hội đó, mỗi mỗi đều có tín nữ Hằng Hà Thượng làm thượng thủ”. Cũng nói với Văn Thù Sư Lợi về đồng nữ Vô Úy Đức “Đồng nữ này, trong quá khứ đã phát bồ đề tâm, trải qua 30 kiếp, ta mới phát tâm hướng về vô thượng bồ đề. Đồng nữ ấy cũng đã làm cho ông trụ vô sanh nhẫn”. Những phụ nữ như thế, trí tuệ không phải chỉ để “sản sinh được một công trình nào về mỹ thuật độc đáo và thuần túy, hay hiến cho thế giới một tác phẩm có giá trị trường cữu” ở thế gian, mà nó tồn tại phi thời gian. Điều đó cho thấy, không thể lấy một TƯỚNG NHẤT ĐỊNH nào làm chất thực cho giới phụ nữ. Nếu đúng là chất thực của người phụ nữ thì nó không xấu cũng không đẹp, không ngu dốt cũng không trí tuệ… như Trung Luận hiển bày “Không sanh cũng không diệt, không đến cũng không đi …”. Chỉ tùy duyên mà lúc thấy xấu lúc thấy đẹp, lúc trí tuệ, lúc ngu dốt v.v…

Cho nên, với cái nhìn Duyên khởi, “Ổ bệnh hoạn máu mủ tanh hôi …” không phải là nhãn mark độc quyền dành cho phụ nữ. Nếu đối tượng là một phụ nữ đang chết chìm trong biển ái dục, có nguy cơ thiêu sống mọi người vì lửa ghen bộc phát, thì hình tướng kia sẽ được dùng để chỉ cho phái mày râu, dù đó là một vị đại đức thanh tịnh chăng nữa. Song nói như thế, không có nghĩa là với bất cứ đối tượng nào vướng sâu vào ái dục, Phật Tổ đều sử dụng phương thức đó. Tùy nghi mà lúc thì đưa khía cạnh này, lúc thì nói khía cạnh kia, miễn sao “bệnh tật” của đối phương được thuyên giảm. Duyên khởi là vậy. Tùy duyên mà có pháp, không cố định ở một pháp nào. Khi đọc kinh học luận, nhớ chú ý đến mặt tùy duyên.  

Quan niệm của thiền gia đối với phụ nữ thì sao?

Thiền sư Vân Môn đưa cây gậy lên dạy chúng “Phàm phu thấy nó là thực. Nhị thừa phân tích nó thành không. Viên Giác cho nó là huyễn có. Bồ tát thì thấy đương thể tức không. Thiền gia thấy cây gậy là cây gậy. Đi chỉ đi. Ngồi chỉ ngồi. Không được động đến”.

Không phải chỉ với cây gậy mà tất cả pháp ở thế gian đều như thế. Thiền gia thấy phụ nữ là phụ nữ. Tức không lộn nữ thành nam hay ra một cái gì khác. Cũng không khởi niệm đó là phụ nữ. Thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, không khởi niệm xấu, đẹp, hay, dỡ. Quan trọng là … KHÔNG ĐƯỢC ĐỘNG ĐẾN. Vì sao? Vì động đến, coi chừng sinh chuyện.

Bạch Ẩn thường ca tụng với đệ tử về trình độ thiền của một lão bà có tiệm trà gần đó. Chư vị không tin lời ông, muốn tự mình khám phá. Bất cứ người nào đến tiệm trà, bà đều hỏi đến uống trà hay hạch thiền. Uống trà, bà tiếp đãi tử tế. Hạch thiền, bà đưa họ vào nhà sau và tặng một nhát đủa bếp vào đầu. Chín phần mười bọn họ không thoát khỏi tay bà.

Nói chung, với tăng sĩ, phụ nữ dù già hay trẻ … KHÔNG ĐƯỢC ĐỘNG ĐẾN là một lời khuyên đầy kinh nghiệm và khôn ngoan.


CHUYỆN KHÓ NÓI

Ở đời, sao có nhiều chuyện thật là khó nói ...

Tivi là thứ rất thường trong cuộc đời. Nhà ai cũng có một cái để xem ca kịch hay ít nhất là tin tức. Thời buổi, chỉ cần chưa đến một chỉ vàng, đã có thể mua được một chiếc ti vi khá tốt, thì việc không có ti vi trong nhà hay không xem tivi là chuyện rất lạ. Nhưng với chốn thiền viện hay am thất thanh tịnh thì khác. Có một chiếc tivi xuất hiện trong liêu thất của tăng chúng, hay trong am thất của một cô ni để coi thời sự hay những tuồng tích mùi mẫn, là chuyện không thể chấp nhận.

Người ta phàn nàn với tôi, hiện nay trong chốn thanh tịnh, đương nhiên không phải trong chốn thiền viện chính qui, mà trong cái khu bộc quanh thiền viện, có vài chiếc ti vi nằm không đúng chỗ. Có người hỏi “Sao không lên sách những chuyện như thế?” Trời đất! Đâu phải dễ nói mà hở cái là lên sách?

Bản thân tôi, không ưa cái màng đem đời vào đạo theo kiểu như thế! Bởi đã mặc áo tu, lại nhận của cúng dường, mà cứ thoải mái đắm chìm trong những hoạt cảnh lùng bùng thì cũng hơi kỳ. Thí chủ làm lụng cực nhọc dâng cơm mời nước để mình có thời gian chăn con mắt, giữ cái tai v.v… Nhờ vậy tập khí dong duỗi dừng bớt, trí tuệ đạo lực tăng trưởng. Đó là cái nhân để mình có khả năng cứu họ trong hiện đời và mai sau. Đâu ai cúng dường để mình làm cái mốc áo, đi tới đi lui, học cũng không học, tu cũng không tu, chỉ mỗi một việc là … nhìn. Không kỳ sao được!

Giới luật đã thọ đâu có cấm coi ti vi. Ừ, giới luật không có khoảng nào cấm coi ti vi. Vì thời đức Phật không có ti vi để cấm. Giới luật không cấm, nhưng đức Phật lại lệnh cho hàng Tỳ kheo phải chăn con mắt, giữ cái tai v.v… không cho dong duỗi theo cảnh giới bên ngoài. Pháp trần bên trong mới không có cơ phát triển. Có vậy, định lực mới phát, trí tuệ mới có. Của tín thí mới tiêu. Cứu nhân độ thế mới tròn.

Bởi cớ sự đó mà tôi không thích người tu mãi miết với chiếc tivi. Nhưng mở miệng nói không phải chuyện dễ. Bởi duyên mỗi người mỗi khác, mình không tận mắt thấy cái ti vi nằm ở chỗ nào, làm sao mà nói. Giả như có cái tivi, nhưng coi cái gì mình đâu có biết. Nhỡ nghe băng giảng hay để chiêm ngưỡng dung nhan Hòa thượng thì sao? Nếu coi cái khác, cũng có cái khổ mình không thể nói. Biết đâu nhỡ cái ti vi, thoát được một phút buồn rầu không làm chuyện dại. Mình đỡ một phần phúng điếu thì sao? Quả có nhiều chuyện để bàn, chung qui vẫn là … khó nói. Mà cái khó nhất là chính ta đây. Vẫn coi ti vi mới chết! Mở miệng sao đặng? Chi bằng dỡ lơ, coi như mở lòng thông cảm là hơn. Phản quan tự kỷ bổn phận sự! Đạo lực một khi đã có, trí tuệ một khi hiển phát, ti vi không còn giá trị. Bật tới bật lui mà thấy đài nào cũng như đài nào, trơ trơ như chốn không người, dính mắc chi nữa đúng không?

Ở đời, sao có nhiều chuyện thật là khó nói …

Tôi ít gặp được Sư ông. Gặp rồi, cũng không có gì để nói. Mỗi lần có ý vô thăm Sư ông, cảm giác Sư ông đang trông lại rõ mồn một. Lần nào cũng vậy. Không biết vì sao cứ có cảm giác Sư ông đang trông. “Đúng là vọng tưởng!” Lão chồng đã nói như thế. Chắc cũng đâu đó. Nhưng gặp được rồi, thấy ông thôi ngóng. Chỉ dõi mắt cười. Cũng không thấy nói vô chùa đi con.

Cho đến Sư phụ, hình như khuyến khích con nhỏ tu ngay ngoài đời hơn là vô chùa. Tu ngay ngoài đó cho yên. Đợi nó vô chùa, thế giới tan hoang, cửa nhà nát hết. Kêu nó vô chùa, nhỡ vô không được bồ đề thêm thối. Không chừng Ta bà cuốc thêm mấy vòng thì tội thiên hạ. Cho nên, “Cạo đầu vô chùa” không thấy xuất hiện trên miệng Sư phụ bao giờ.

Nghiệm cho cùng, tu là ở tâm, không phải ở chùa mà cứ phải vô hay ra. Vô chùa tuy có điều kiện tu hành hơn đó, nhưng vô tới nơi mà chỉ có … ăn, thì cùng đề huề. Sao bằng ở ngoài mà tu tinh tấn. Cho nên, vô thì quá tốt, không vô thế giới cũng chưa thay đổi. Quan trọng vẫn là chịu tu hay không mà thôi.

Nghiệm cho cùng, tu là ở tâm, không phải đổi áo thay đầu, hay thọ các giới với chức Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni mới gọi là tu. Cái chính là phải nhiếp tâm thọ trì kinh kệ, thông hiểu những gì Như Lai đã nói, mang lại lợi ich cho người. Tu thiền càng khó. Yêu cầu đặt ra không phải chỉ GIỚI là đủ, mà phải làm sao MINH TÂM KIẾN TÁNH. Tâm phải sáng rồi, tánh mới hiện được. Tâm còn tối thui, tánh hiện sao nổi. Vô chùa, quả tình điều kiện sáng tâm dễ dàng hơn nhiều. Nhưng ngoài nếu tánh vẫn kiến, khác gì trong chùa? Thành vô hay không, thế giới vẫn còn, thiên hạ chưa chết. Quan trọng vẫn là kiến tánh hay không mà thôi.

Lý của sự tu vốn là như thế, không phải ở chùa hay phải thay hình đổi dạng mới gọi là tu. Nhưng khổ, mỗi lần ai hỏi sao không đi tu cho rồi, mình đành lặng thinh. Thật ra, đi thì chưa đi nhưng tu thì … cũng có. Lão chồng vẫn nói “Bà này tu … hú”. Hú là tập khí, biết làm sao được. Nhưng lỡ bất giác hú to một tiếng, sực tỉnh im liền, khoảng cách lần sau cách xa lần trước, mỗi ngày mỗi xa. Cho đến cái lúc chưa hú đã tỉnh, trông em hiền như ma soeur … là đã có tu. Tu rất số zách, đâu cần phải đợi vô chùa.

Nói chung, “vọng” hiện liền biết, biết rồi đừng theo … Cứ thế mà làm đến khi sáng tâm. Tu kiểu như thế, so với vô chùa, vọng không nhận ra, tâm cũng không sáng, kinh kệ không thông, lợi ích cho người như vệt chỉ mành, mà thấy thiên hạ cần phải lạy lễ cúng dường cho mình. Cái đó mới họa. Phước đức hiện đời trở thành cái nhân cho một cái quả không tốt về sau. Vô chùa như vậy, tính ra không bằng ở nhà mà lại chịu tu.

Tu là như vậy. Ngay tâm không phải ở chùa. Chùa chỉ là duyên. Song ai nói mình vô chùa tu đi, chỉ biết cười trừ không nói nên lời. Rất là khó nói! Người ta nhiệt tình chăm chút cho mình, mở miệng sao đặng. Vả lại, đâu phải ngoài đời, ai cũng dễ tu? Cần có chùa chiền, môi trường thanh tịnh, thời khóa đủ đầy, mới tạo cái duyên để mình thiền tập, trí tuệ phát triển, lòng từ trùm khắp. Điều kiện vô chùa phải nói rất là thiết yếu đối với người tu. Chỉ cảnh tỉnh lặng, chịu được cũng đáng bái phục lắm rồi. Đừng nói thời khóa đủ đầy, tu tập, lao động. Hòa thượng tí ti của xóm con nít, thân bằng cây chổi, xe đất cũng đẩy phăng phăng, tọa thiền tụng kinh nhất cử nhất thiện … Kiểu đó gặp mặt không lạy không đành. Chừng đó, chưa làm trụ trì, cũng đã lợi ích cho đời. Thành ra, nghĩ tới nghĩ lui, im lặng là vàng. Nói ra, không chừng tưởng mình dỡ trò biện minh cho thói lang thang. Mọi thứ đâu còn giá trị.    

Ở đời, sao có nhiều chuyện thật là khó nói …


VĂN THÙ XIN ĐI NHỜ

Thiền sư Nhất Hưu có vị đệ tử làm tướng quân. Một lần, tướng quân mời Sư về nhà dùng cơm, nhưng thủ vệ thấy y phục Sư rách, nên không cho vào. Sư đành trở về thay y phục mới.

Vào tiệc không thấy Sư phụ ăn, chỉ thấy ông gắp thức ăn bỏ vào tay áo, tướng quân bèn hỏi :

- Bạch Thầy, ở nhà Thầy còn mẹ già hai trong chùa còn ai? Con sẽ sai người nấu thức ăn mang đến.

Nhất Hưu lắc đầu :

- Hôm nay ông mời y phục ta dự tiệc. Ta cho y phục ta ăn còn gì.

Tướng quân không hiểu, Nhất Hưu giải thích :

- Ta đến lần đầu, vì y phục cũ rách, thủ vệ ông không cho ta vào. Ta phải trở về thay y phục mới, mới ngồi được đây. Đã lấy y phục mới cũ làm tiêu chuẩn tiếp khách, không phải là mời y phục ăn sao? Ta cho y phục ăn vậy.

Tớ làm mà chủ phải gánh thì quả tình là tội cho chủ. Nhưng với chư vị thiền sư, không lời nào không vì chúng sinh khai ngộ. Y vào bề ngoài như áo quần, tiền bạc hay địa vị xã hội v.v… để đánh giá con người là thói chung ít ai tránh khỏi. Bởi quần áo hay địa vị bên ngoài biểu trưng cho thực lực bên trong. Thấy Tăng sĩ ngang qua, mình liền cúi đầu. Một người bình thường, chưa hẳn điều đó đã xảy ra. Thế gian, nếu không có những nghi thức tối thiểu đó, mọi thứ sẽ rối ren. Thành y cứ hình thức bên ngoài để đánh giá nội dung bên trong là chuyện thường tình ở cuộc đời. Có điều, không phải thứ gì bên ngoài cũng biểu tỏ được nội dung bên trong. Bằng tiến sĩ, có tiền còn mua được, huống là một chiếc áo nâu sòng, hay chỉ vài bộ quần áo sang trọng? Thành chỉ y cứ vào hình thức bên ngoài để quyết đoán hành xử, dễ sinh tội lỗi vô cùng. Chính vì vậy, Nhất Hưu mở lòng khai thị cho đệ tử. Cúng dường một bữa cơm, nhận liền một bài pháp, không phải là người có lòng, không dễ gì được vậy.

Một lần, mời Tăng chúng về thọ trai, hậu sinh đã vướng phải một chuyện nhớ đời. Bởi tâm hướng về Tăng chúng lớn, nhất là đối với vị chủ đoàn, nên mọi thứ từ thức ăn, chỗ ngồi, cho đến nhà vệ sinh, đều tập trung cho Tăng đoàn. Bỗng ở đâu, một cụ bà xin vào đi tiểu. Thành phố không có chuyện này. Quán ăn hàng chợ thì có thể, nhưng nhà tư nhân thì không. Không ai cho người lạ vào nhà. Song bình thường vẫn có thể, nhưng hôm nay là ngày cúng dường Tăng chúng, làm gì có chuyện đó. Đang lu bu mà bị quấy rầy, hậu sinh ta quát lớn “Nhà đang có việc, đi đi cái gì”, rồi sập cửa không chút thương tiếc.

Nhà vệ sinh hôm đó, không một vị tăng nào bước vào. Vì tiêu tiểu, không phải cứ chỗ tốt chỗ đẹp là nó đã ra. Sình lầy, gốc chuối, bụi cây mà tới cơn thì nín cũng không được. Vậy mà một chút không tỉnh, hậu sinh đã tống bà cụ ra ngoài. Nếu đủ công đức như vị Hòa thượng lập đàn bố thí kia, có lẽ hậu sinh đã thấy bà cụ hóa thành Văn Thù cưỡi mây ngũ sắc bay đi.

Biết đạo, mình ít bị những hình thức như giàu nghèo, bằng cấp v.v… chi phối, nhưng lại bị những thứ vi tế như thế dẫn chạy. Chẳng qua là làm thiện mà chấp thiện. Chấp là trạng thái nắm chặt. Nó biểu thị cho đầu óc cứng ngắt, mất tính tùy duyên của mình. Mình không phân biệt được thứ gì là tinh thần, thứ gì là hình thức. Tinh thần là thứ bất biến cần giữ. Hình thức là thứ có thể thay đổi tùy duyên. Thay đổi tùy duyên ra sao để tinh thần vẫn … bất diệt. Nhưng mình thì chỉ chú tâm nắm chặt hình thức. Cớ sự mới ra như vậy.

Thiền sư Vinh Tây, một lần vì sự đói cơm của một gia đình hành khất, đành phải cầm mớ vàng lá dùng tô tượng Phật đưa cho người hành khất mang đi đổi gạo. Đệ tử của ngài biểu lộ sự không vui. Thiền sư vui vẻ giải thích “Các ông không thể hiểu nổi việc ta làm. Chính vì tôn kính chư Phật mà ta làm như thế”. Các đệ tử vẫn không bằng lòng. Sau cùng, thiền sư phải lớn tiếng mắng “Lúc đức Phật còn tu đạo, cắt thịt cho chim bồ câu, xả thân cho cọp đói còn không tiếc, huống chỉ vài miếng vàng lá. Phật đối với chúng sanh thế nào các ông biết không?”. Lúc ấy đệ tử mới hiểu việc làm của thiền sư là hợp với tâm Phật.  

Mọi nghi thức đối với Tăng chúng là cần thiết. Nó biểu tỏ lòng thành kính, qui hướng Tam bảo của mình. Nhờ cái bước đầu ấy, mình mới có cơ duyên nhận pháp tu hành với chư vị. Từ đó mới có thể phát huy được trí tuệ và lòng từ của chính mình. Đó mới là cốt lõi của sự tu hành. Cho nên, trong tất cả sự cúng dường, TRÍ TUỆ và LÒNG TỪ là pháp cúng dường lớn nhất. Trí tuệ hiển phát, thì tâm so đo phân biệt không có chỗ để dung thân. Không phải chỉ qui kính cúng dường Tăng chúng, mà đối với cụ bà, mình cũng có lòng cho bà … đi nhờ. Không đến nỗi ôm cứng cầu xí làm pháp cúng dường như thế.


SỞ TRI PHÂN BIỆT

Những ngày đầu học đạo, tôi đọc được cuốn Cốt Tủy Đạo Phật của thiền sư Suzuki. Lối văn dịch và cách trình bày khá rõ ràng, nhưng ngay trang đầu, tôi không hiểu ông đã viết gì. Đọc nó như đọc thần chú. Mấy năm sau, tình cờ đọc lại tập sách ấy, tôi mới hiểu là do mình, không phải do ông. Mới biết, vạn pháp qua tâm thức của mình đều trở thành hạn cuộc.

Schopenhauer, một triết gia của thế kỷ 18, khi sách của ông, sau 16 năm xuất bản, hầu hết đều đem bán làm giấy loại, đã mượn câu nói của Lichtenberger để nói lên trình độ yếu kém của người đời đối với tác phẩm của mình “Những tác phẩm như vầy, giống như một chiếc gương. Một con khỉ nhìn vào thì bạn không thể nào chờ đợi một thiên thần nhìn ra”. Tác phẩm của ông có đúng là một chiếc gương để soi không, đây mình không bàn đến. Nhưng một con khỉ nhìn gương thì quả tình chỉ thấy một con khỉ xuất hiện, không thể là một thiên thần hay một thứ gì khác. Học trò với trình độ lớp hai, chỉ có thể đọc và hiểu toán lớp một hay lớp hai, không thể hiểu toán lớp ba hay hơn nữa. Tâm thức của mình là như thế. Thứ gì ngang với tầng số nhận định của mình, mình cảm nhận nó dễ dàng. Nhưng thứ gì vượt quá tầng số hiểu biết của mình, thì … thiên thần vỗ cánh bay xa. Vạn pháp trở thành muôn hình vạn trạng dưới mắt người đời. Kinh luận một nguồn mà nghĩa thành vô lượng cũng vì đó.

Sự hạn chế đó, không phải chỉ nằm ở mặt kiến thức hay học hỏi, nó chi phối toàn bộ đời sống con người. Có quan niệm, có định kiến là có hạn chế. Một khi đã có sự phân chia hoặc xấu hoặc đẹp, hoặc thích hay không thích v.v… là ta đã bị quan niệm chi phối. Nhà Phật gọi nó là SỞ TRI CHƯỚNG. Gọi CHƯỚNG vì nó làm ngăn ngại trí bồ đề. Với người bình thường, sở tri là nền tảng để phiền não sinh khởi và nghiệp chướng xuất hiện. Một khi đã có quan niệm cơm nhão là ngon, thì đụng phải cơm khô, ít người bình thản. Từ cái không bình thản đó, khẩu nghiệp và thân nghiệp có cơ phát khởi, phiền não phát sinh. Khởi rồi, trí Phật càng xa, nghiệp đời càng nặng. Kinh Lăng Nghiêm nói “Thấy biết mà lập thấy biết là nền tảng của vô minh”. Cho nên, dù thuộc thiền phái nào, chủ ý của chư vị thiền sư cũng là giúp người tu phá bỏ phần sở tri phân biệt này. Chính là TRÍ PHÂN BIỆT đã nói trong luận Đại Thừa Khởi Tín.  

Tô Đông Pha là một học sĩ làm quan thời Tống. Quan trường thăng trầm nên ông thường đến chùa Kim Sơn học thiền và luận đạo với thiền sư Phật Ấn. Là một học giả có tài, nên ông tự hào luôn về trình độ hiểu thiền của mình. Một lần, nhà thơ hỏi thiền sư Phật Ấn :

- Thầy thấy con tọa thiền ra sao?

Phật Ấn trả lời :

- Trang nghiêm như Phật.

Nhìn vẻ mặt phần khởi của Tô Đông Pha, thiền sư Phật Ấn hỏi lại :

- Còn học sĩ, ông thấy tôi tọa thiền thế nào?

Tô Đông Pha trước giờ chưa hề bỏ qua cơ hội nào cho mình, liền mau mắn :

- Như đống phân bò!

Không thấy Phật Ấn trả lời, Tô Đông Pha hí hững keo này mình đã thắng.

Thời gian qua đi, tin đó tới tai Tô tiểu muội, em gái Tô Đông Pha. Tuy là nữ nhi nhưng tài hoa xuất chúng, trí tuệ hơn người. Nghe anh kể lại sự việc, cô lắc đầu :

- Sư huynh ơi! Tâm thầy như tâm Phật nên nhìn sư huynh trang nghiêm như Phật. Tâm sư huynh như phân bò, chẳng trách sư huynh nhìn thầy như đống phân bò.

Tô Đông Pha nghe xong, không mở miệng biện được nửa lời. Mắc phải cần câu sắt của lão thiền sư, trả lời gì nữa.

Nếu không có cái duyên là tâm thức thích hơn người của Tô Đông Pha và câu hỏi “Thầy thấy con tọa thiền ra sao?” mà Phật Ấn vẫn thấy tướng tọa thiền của Tô Đông Pha “Trang nghiêm như Phật”, thì tâm Phật Ấn không khác Đông Pha. Tuy được Tô tiểu muội phết mấy chữ “Tâm thầy như tâm Phật” nhưng thực chất không khác phân bò. Vì sao? Vì thiền sư nhìn cây gậy là cây gậy, không phân tích nó thành không, cũng không khởi niệm đó là cây gậy. Thử hỏi, cái gì “Trang nghiêm như Phật”? Song vì phần sở tri hoạt động quá mạnh, có dịp là … như đống phân bò, con ngồi ra sao v.v… mà Phật Ấn đành kê đơn cho thuốc “Trang nghiêm như Phật”. Tô tiểu muội nhân đó bốc thuốc, trị cái tật huênh hoang của Tô sư huynh.

Nhìn cây gậy là cây gậy nhưng không khởi niệm đó là cây gậy, là chỗ đến của người tu thiền. Nói chỗ đến, không phải vì nó là mức cuối cùng, chỉ vì đó là chỗ mình có thể dùng lời nói diễn tả để hiểu mà tu hành. Cũng là chặn khó nhất mà người tu phải đến. Sống được với tâm thức đó, mới có thể “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”. Sanh tử đến đi không chút buộc ràng. Vì là chỗ đến, nên đến với thiền, nhất là vào thời mạt pháp hiện nay, ít ai có thể một bước nhảy liền vào đó. Tụng kinh, ngồi thiền v.v… thì đủ, mà ăn vẫn khởi niệm ngon, dỡ, mặn, lạt. Nhìn, liền thấy đẹp, xấu, thấp, cao. Nghe, liền thấy hay, dỡ, đúng, sai … Vì cái hay, dỡ, đẹp, xấu so sánh phân biệt đó, dòng vọng niệm mới có cơ phát triển, thói quen sanh khởi càng có dịp huân sâu. Nhưng ít ai để ý đến điều đó. Thành tu lâu mà niệm vẫn chưa là vọng, thế gian vốn huyễn mà thảy đều như thật. Cho nên, biết cách mà tu thì trí phát, dụng có. Không biết cách mà tu thì trước chúng sanh, sau vẫn chúng sanh.

Để trị cái tật thâm căn cố đế đó, Hòa thượng Trúc Lâm đã lập phương tiện BIẾT VỌNG KHÔNG THEO. Ăn mà khởi niệm ngon dỡ thì biết cái ngon dỡ đó là vọng, không để nó sai sử mình. Nói thì đến bốn chữ, nhưng thật chỉ một động tác BIẾT. Biết được, nói rõ hơn là THẤY được cái niệm ngon dỡ đó xuất hiện, thì niệm ngon dỡ liền mất. Song không phải thứ gì BIẾT là nó liền mất. Thứ gì không phải là thói quen của mình, mình biết, nó mất. Nhưng những gì đã thành thói quen, không phải chỉ trong một đời, mà có thể đã được huân tập từ lúc Thích Ca thành đạo, nên biết rồi, nó không cho mình yên. Nó phản khán, nó gây áp lực với mình, nó bắt mình chạy theo, nó khiến mình căng thẳng. Không đủ lực để BIẾT và BUÔNG tới cùng thì công phu đành ngưng nửa chừng. Vì thế, Hòa thượng lại phương tiện “Thấy, biết là chân tâm. Nghe, biết là chân tâm v.v…”. Cái NIỆM CHÂN TÂM đó giúp mình thư giản hơn trong việc tu hành. Một lúc nào đó, mình sẽ nhận được thứ mà thiền sư Huyền Giác đã nói “Nói nín động tịnh, thể an nhiên”. Sống được với thể an nhiên thì thấy cây gậy là cây gậy, không phân tích nó thành không, cũng không khởi niệm đó là cây gậy. Phần sở tri phân biệt đã bị phá. Không khởi niệm, không phân biệt, mà không lầm lẫn. Thiền sư Huyền Giác nói “Phân biệt mà không phải ý” chính là đó.