Chuyện xưa chuyện nay

VẮT SỮA LỪA & KHỈ BỊ ĐÁNH

20/04/2017


VẮT SỮA LỪA 

Kinh Bách Dụ ghi :

Thưở xưa, người ở vùng biên giới không biết con lừa thế nào, nhưng nghe người khác nói sữa lừa rất ngon, nên khi bắt được anh lừa đực, mọi người tranh nhau vắt sữa.

Người thì vắt đầu lừa, người thì vắt tai lừa, người lại vắt đuôi lừa, rồi chân lừa … lại có người nhè dương vật của lừa mà vắt. Ai cũng muốn mình uống được sữa lừa. Cuối cùng cả bọn đều mệt mà sữa thì không có giọt nào, còn bị người đời cười chê.

Chỉ nghe mà không thấy hoặc không nắm được vấn đề rõ ràng, cứ theo đó mạnh ai nấy làm, nên mới tốn công, tốn sức, nhọc thân, nhọc tâm mà chẳng được gì. Xem ra mình giống mấy chàng đầu bò này ra phết.

Đạo Phật rất phổ biến trong nhân gian. Nếu không phải là đạo công giáo thì gần như nhà nào cũng có một ông Phật. Hoặc là đức Thích Ca hoặc là đức Quan Âm. Trung thành với Phật như thế nhưng biết chính xác về Phật, về những gì Phật dạy thì hầu như rất ít người biết. Vì thế ông Phật của mọi nhà là như nhau nhưng mỗi nhà có một cái nhìn về Phật khác nhau, cách thờ tự cúng kiếng cũng khác nhau … Đương nhiên cái quả nhận được cũng khác nhau.

Cái thuở Phật pháp còn hàn vi, tiền bạc cơm áo mới là thứ trên hết thì Phật của mình không linh bằng Phật ở núi. Sáng dạ như Tổ Trúc Lâm còn chạy vào núi tìm Phật, huống là mình? Cái thuở hàn vi sao mà cơ cực! Nắng chang chang mà nào là mâm, là quả, là áo, là tiền … chen qua mấy lượt xe, leo lên mấy đợt dốc, mồ hôi sợi ngắn sợi dài, mong Thích Ca cô đơn chiếu cố giúp con làm ăn phát tài phát lộc. Nào ngờ Phật dạy trong kinh “Bố thí là nhân, phú quí là quả”. Té ra cúng Phật núi không bằng cúng Phật đồng bằng. Đỡ nhọc công mà xem ra gặt quả cũng được nhiều. Phật nhà là cha, mẹ, anh, em, bà con, chú bác. Phật chùa là chúng Tăng chúng Ni thanh tịnh. Phật ngoài đường là người nghèo khó, kẻ cơ hàn ... Té ra quanh mình Phật nhiều quá cỡ. Rờ tới đâu, Phật té ra tới đó. Vậy mà leo tận lên núi tìm Phật cô đơn. Cô đơn vậy biết có tiền không mà cho mình. Té ra công thì nhiều mà quả thì không bao nhiêu. Đúng là vắt trúng bộ đầu của chàng lừa đực, mệt muốn chết!

Cái thuở Phật pháp còn hàn vi. Cha chết. Mẹ nghe lời thiên hạ lên tận suối Lồ Ô thỉnh thầy Bảy cho ít phép về cúng cha. Tôi hỏi sao thầy nuôi heo. Thầy nói nuôi heo làm thịt để giải thoát cho nó. Mô Phật! Thầy từ bi cao cả quá! Nhưng giết heo thì tôi sợ lắm. Rồi thầy cắt bẹ chuối làm thang, dặn 3 giờ sáng tập trung đầy đủ trước bàn thờ cha, nghe tiếng ngựa chạy qua thì biết cha về. Ngày này qua ngày khác, lũ chúng tôi ngủ gà ngủ gật mà cũng không thấy xe ngựa chạy qua. Thầy nói không nghe tiếng xe là cha đã siêu thoát. Chắc thầy quên dưới thầy mới có xe ngựa, thành phố ai cho xe ngựa chạy qua bao giờ.

Không phải chỉ một mình cha là siêu thoát, người nào chết tôi cũng nghe hai chữ siêu thoát. Gõ mõ ít ít hay nhiều nhiều cũng đều siêu thoát. Mẹ chay trường mấy chục năm, đêm nào cũng tập trung tụng kinh cầu siêu cho cha, cúng hết chùa này đến chùa nọ, hết trăm vị này đến trăm vị khác, cha lỡ siêu thoát nghe còn đỡ tủi. Đằng này, gõ cốc cốc vài tiếng, tụng chưa hết bài kinh, thầy nói thầy có sô phải chạy cho kịp giờ … cũng siêu thoát! Trong đầu óc non nớt của tôi lúc đó, chết mà không siêu thoát mới là chuyện lạ. Sau này còn thêm chiêu mới, dì tôi chết còn được phong La Hán.

Nghĩa là, có thầy, có cầu, có tụng là có siêu, có chức. Khổ là con nít thời ni cái chi cũng hay nghi. Nên lâu lâu tôi phải đè cái nghi đi để tin sự việc nó như thế. Mà có bằng chứng gì nói người chết không siêu? Ừ bằng chứng đâu? Thôi thì dù siêu hay không siêu, việc cũng thế rồi. Dù gì, nghe siêu cũng thấy thoải mái vui vẻ hơn là không siêu. Làm khổ mình làm chi, siêu đi là tốt. Thầy vui. Mình vui. Mọi người cùng vui. Chỉ có người chết thì không biết sao thôi.

Sau này tới chùa mới biết chuyện cúng dường trai tăng cầu siêu cho thân nhân là có, không phải không. Phật dạy ngài Mục Kiền Liên cúng dường 500 vị La Hán để cầu cho mẹ thoát kiếp địa ngục. Nhờ việc cúng dường đó mà bà Thanh Đề sanh thiên. Tiếng là cầu siêu nhưng thực ra chưa siêu mà còn sanh, nhưng là sanh thiên. Sanh thiên là sanh ra chỗ nào, mọi thứ cũng đều được như ý. Đó là chuyện thật 100% không phải tin đồn nhảm. Phật dạy rõ như thế. Nhưng cái khổ của mình là mình chọn cái gì dễ trôi mình nuốt, còn cái gì khó trôi mình trả lại cho kinh. Sự việc mới ra như vậy. Sống thì chạy đôn chạy đáo. Chết, thỉnh thầy về gõ mõ tụng kinh. Với tinh thần cầu siêu cầu an trái luật trái nghi như thế mà các bậc tôn túc ngày nay đành phải cho lên đĩa cả hai thứ cho chúng sanh đỡ tội lỗi, không phải bản thân nó không có ý nghĩa thiêng liêng.

Nhân duyên chính khiến bà Thanh Đề được sanh thiên là tâm bỏn xẻn tàn ác của bà được thay thế bằng tâm rộng mở hoan hỉ. Do tâm rộng mở nên cảnh giới bà nhận được tương đương với cái tâm ấy. Đó là cõi trời. Song do đâu tâm bà được rộng mở? Do định lực của 500 vị La Hán.

Kiếp trước, thời còn làm người ăn mày, bà cùng chồng mót nửa lon gạo đến cúng chùa. Tâm đó không phải ai cũng có. Phước đức là vô lượng! Nhưng do nhân duyên không thuận, bà gặp phải ông tăng bợ nhà giàu khinh người nghèo nên mới nổi sân phát lời nguyền tàn phá chư Tăng. Cớ sự mới ra như vậy. Mục Kiền Liên ngày đó là vị trụ trì của chùa ấy. Ông phát nguyện đầu thai làm con để cứu cái quả khi bà gây nhân. Vì thế, Phật dạy ngài Mục Kiền Liên thỉnh 500 vị La Hán cúng dường, hy vọng định lực của 500 vị đó có thể giúp bà chuyển được tâm tàn ác trở lại tâm thành kính ban đầu. Nhờ có định lực của 500 vị La Hán mà bà hồi tâm, nên được sanh thiên.

Theo đó thì thấy, muốn được sanh thiên không phải cứ cúng dường là đã sanh thiên, cứ gõ mõ bon bon vài tiếng là đã sanh thiên. Phải có đủ nhân đủ duyên mới sanh thiên. Thứ nhất là phải cúng được cho hàng La Hán với tâm thành khiết. Nói rộng một chút là phải cúng được cho chư Tăng có giới luật nghiêm minh, được nữa là phải có đạo lực tu hành, đủ năng lực, đủ nhân duyên làm cho người chết mở lòng hướng về đường thiện. Duyên thứ hai là tâm người chết phải mở rộng hoan hỉ. Muốn vậy thì người chết phải có nhân duyên với chùa chiền và hàng thánh chúng. Ngày bà còn nghèo, tâm hướng về Tam Bảo đã có, nên chỉ bòn được nửa lon gạo cũng đem cúng đường. Nhờ cái chủng thanh tịnh đó, nên thiền định của hàng thánh chúng mới cảm hóa được bà, khiến bà hoan hỉ. Đủ hai duyên như thế bà mới sanh thiên. Cúng rồi mà lòng người chết không chịu mở thì đến Phật cũng bó tay đừng nói là đệ tử Phật. Không cách gì siêu được. Nên không phải cứ có cúng là có siêu như mình tưởng hiện nay.

Trong kinh Địa Tạng, phẩm Lợi Cả Kẻ Còn Người Mất có ghi “Như có người nam cùng người nữ nào, lúc sinh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác, sau khi mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi, làm tất cả việc về thánh đạo, thời trong bảy phần công đức, người chết nhờ đặng một phần, còn 6 phần công đức thuộc về thân quyến lo tu tạo đó”. Đây là đoạn nói về việc cúng dường hồi hướng cho người nam người nữ khi còn sống không biết tu nhân tạo phước. Vì sao chỉ nói về những vị này mà không nói về những vị tu nhân tạo phước? Vì những vị tu nhân tạo phước tự các vị có phước đức để vào cõi lành, không cần phải đợi cầu siêu cầu an mới siêu hay an. Vì thế đây chỉ nói đến những vị không biết tạo phước. Những vị này được hưởng một phần phước là do có nhân duyên với người cúng dường mà hưởng được. Còn người có tâm cúng dường hưởng đến 6 phần, vì ai gieo nhân, người ấy được quả.

Kinh nói tiếp “Hàng cốt nhục thân quyến còn phải làm chay để giúp thêm phước lành cho người chết đó. Thời khi sắm sửa chưa rồi, trong lúc đương làm chớ mang nước gạo lá rau đổ vãi ra đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dâng cúng cho Phật cùng chư Tăng, thời không được ăn trước. Nếu ăn trái phép và thức ăn không tinh khiết thời người chết không được mảy phước nào. Nếu gìn giữ kỹ lưỡng tinh khiết, thời người chết hưởng được một phần”. Cúng dường không chưa đủ, còn phải thêm một số điều kiện (duyên) nữa, người chết mới hưởng được 1 trong 7 phần phước đức đó. Tài chi ngày xưa mẹ ăn chay và cúng chay. Ngày đó tôi không hiểu hai chữ PHƯỚC ĐỨC đây, cứ nghĩ nó đồng nghĩa với hai từ SIÊU THOÁT. Té ra phước đức là phước đức mà siêu thoát là siêu thoát. Siêu thoát thì có phước đức nhưng nhiều khi có phước đức mà chưa đủ để siêu thoát. Việc này giống như nói “Chó là con vật có 4 chân”. Đúng! Nhưng nói “Con vật có 4 chân là chó” thì trật. Vì không phải con nào có 4 chân cũng là chó. Mệnh đề đó đi xuôi thì được mà đi ngược thì không đủ. Không đủ thành trật. Phước đức và siêu thoát cũng như thế.

Phước đức lớn nhất trong việc cúng dường Tăng chúng thanh tịnh là gì? Là gieo duyên với Tam Bảo, đời đời nhận được sự hộ trì của chư Phật, nhận được chánh pháp mà sống. Vì thế dù người chết không hưởng bao nhiêu, người sống vẫn nên cúng dường và chay tịnh cho người chết là vậy. Ngoài việc phước đức, cúng dường Tăng chúng thanh tịnh để tưởng nhớ đến cha mẹ anh em bà con chú bác của mình là một hình thức rất thanh khiết và dễ thương. Đương nhiên sự thanh khiết chỉ có khi đặt việc làm của mình trong môi trường thanh khiết.

Thanh khiết như thế mà phước người chết hưởng được có một phần, rất là ít ỏi. Cứ tưởng tượng xem, nếu cúng dường cho những vị không thanh tịnh nữa thì làm thế nào? Người chết mình hưởng được bao nhiêu? Nếu bày rượu tiệc giết gà, giết vịt chè chén với nhau nữa thì thật là tội cho người chết. Cúng như thế mà nghĩ thân nhân mình siêu thoát thì không khác gì anh chàng vắt sữa kia. Muốn kiếm sữa lại nhè dương vật của lừa mà vắt. Cũng ra được một thứ gì đó nhưng chắc chắn không phải sữa lừa …

 

KHỈ BỊ ĐÁNH

Thuở xưa có con khỉ bị người lớn đánh, không biết làm sao chống trả, nó đâm oán trẻ con.

Chuyện nghe thấy buồn cười và vô lý. Người lớn đánh thì hận người lớn, mắc mớ gì hận trẻ con? Vậy mà chúng sanh của đức Phật phần lớn đều như vậy, nên Phật kể chuyện này để răn nhắc chúng sanh của ngài.

Người lớn là chỉ cho người hơn mình về một mặt nào đó, con nít là chỉ cho kẻ bé cổ thấp họng hơn mình. Hơn mình nên khi bị đánh, mình không dám cự. Không cự nhưng không phải không ấm ức. Thế là nhè đứa thấp cổ bé họng hơn mình mà trút giận. Bị thủ trưởng chửi không dám hé răng, nhè vợ con trong nhà mà chửi cho bớt tức. Bực bội trong người nhưng nhìn quanh đứa nào cũng tai to mặt lớn, chỉ có con này là thấp cổ bé họng nên trút hết giận lên đầu con này. Đó là thói thường của người đời.

Ngày còn nhỏ tôi thường sang chơi nhà người hàng xóm bên cạnh. Lâu lâu lại thấy dì khóc. Dì kể tôi nghe về đủ thứ nguyên do mà dì bị la. Tôi thấy không có nguyên do nào dính với nguyên do nào. Thật là oan uổng cho dì. Tôi thắc mắc thì dì trả lời “Nước chảy lỗ thấp!”. Tôi hỏi dì “Nước chảy lỗ thấp là sao?”. Dì nổi cáu “Tao buồn muốn thúi ruột mà mi hỏi tới hỏi lui hoài! Nước chảy lỗ thấp là chảy lỗ thấp chứ răng với sao”. Thấy tôi ỉu xìu, rồi như vừa nhận ra điều gì, dì nhỏ nhẹ “Ờ! Nước chảy lỗ thấp là rứa, hiểu chưa? Tức người lớn nói không được, nhè con nít mà cạp. Chảy lỗ thấp là rứa, hiểu chưa con ngu”.

Con ngu có hiểu đôi chút, nên sau này mỗi lần thấy người nào bị tập trung la không căn cứ như thế là biết cái lỗ thấp nằm chỗ nào. Đọc câu chuyện ni nữa thì biết thêm con khỉ là ai.