Bài Chánh Tấn Tuệ

CHỖ LẬP TÔNG VÀ PHÁP HÀNH CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ

Mục tiêu của Thiền tông là ngộ nhập Phật tánh. Với người chưa ngộ thì làm sao để họ ngộ. Ngộ rồi thì làm sao để thể nhập. Vì thế, chỗ lập Tông và pháp hành của Thiền Tông đều không ra ngoài việc ngộ nhập Phật tánh.

24/03/2017


Tông chỉ của Thiền tông

Tông chỉ là chỗ chính yếu của tất cả các pháp môn thuộc Thiền tông.

Từ chỗ chính yếu này các pháp môn được lập thành. Nó được y cứ vào chỗ tâm chứng của chư vị lập pháp mà lập ra. Chư vị cũng do ứng với căn cơ của chúng sinh mà thị hiện. Nên việc lập Tông chỉ cũng chính là y cứ nơi tâm chúng sinh mà lập. Cho nên, mỗi pháp môn đều có chỗ lập pháp riêng. Từ chỗ đó mà có pháp hành. Hành giả phải tu hành làm sao để tương hợp với chỗ lập tông. Do tương ưng như vậy, một lúc nào đó hành giả sẽ trực ngộ.

Mục tiêu của Thiền tông là ngộ nhập Phật tánh. Với người chưa ngộ thì làm sao để họ ngộ. Ngộ rồi thì làm sao để thể nhập. Vì thế, chỗ lập Tông và pháp hành của Thiền Tông đều không ra ngoài việc ngộ nhập Phật tánh.

Chỗ lập lông của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Chỗ lập tông của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không ra ngoài chỗ lập tông của Thiền tông. Vì thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một thiền phái thuộc Thiền tông. Tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm chính là Phật tâm (ở cả ba mặt thể, tướng và dụng). Mục tiêu của nó là làm sao để đưa chúng sinh ngộ nhập lại Phật tâm của mình. Người chưa ngộ tánh thì khiến ngộ được tánh. Người ngộ rồi thì phát huy tướng và dụng của tánh ấy. Nó được thể hiện rõ ràng qua bài phú Cư Trần Lạc Đạo của Sơ Tổ Trần Nhân Tông.

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền

Pháp hành của thiền phái Trúc Lâm

. Pháp hành của Trần Thái Tông là “Biết mà không động”.

. Pháp hành của Trần Nhân Tông là “Phản quan tự kỷ”.  

. Hòa thượng Trúc Lâm thì dạy “Biết vọng không theo” và “Biết có chân tâm”.

Muốn dụng được pháp “Biết vọng không theo” thì phải quay lại quán xét tâm mình. Nó chính là pháp “Phản quan tự kỷ” của vua Trần Nhân Tông.

Pháp “Biết có chân tâm” thì chân tâm không vọng. Không vọng thì không động. Nó chính là pháp “Biết mà không động” của vua Trần Thái Tông.

Dù vô tình hay hữu ý thì cũng đã có sự tương hợp trong việc lập pháp giữa chư vị Tổ sư. Điều đó cho thấy dòng mạch của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vẫn âm thầm nối tiếp truyền thừa dù đã gián đoạn từ thế kỷ 18, đến cuối thế kỷ 20 Hòa thượng Trúc Lâm mới xiển dương lại.

Trên cơ bản, các pháp hành là như thế. Ở mặt chi tiết, thì mang tính tùy duyên. Tức tùy căn cơ, tùy trường hợp mà các pháp ấy, thô tế được dụng có khác nhau. Nhưng phương hướng và mục tiêu đều không ra ngoài việc ngộ nhập lại Phật tánh của chính mình.        

Đặc điểm của thiền phái Trúc Lâm

Thường thì các thiền phái đều nhắm đến mặt xuất thế là chính. Nhờ xuất thế mà ngộ. Sau khi ngộ, tu hành một thời gian, công phu đầy đủ thì đi lại vào trong thế gian. Chỉ dạy chỗ mình đã ngộ đã hiểu cho chúng sinh. Giúp người khác cũng lợi ích như chính mình. Phần này gọi là phần nhập thế. Xuất thế là để nhập thế. Vì một mình mình không thể trọn thành Phật đạo mà phải cùng chúng sinh của mình trọn thành Phật đạo. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì có khác. Đây cũng là một đặc điểm của Thiền phái Trúc Lâm.

Qua cuộc đời của hai vị vua đời Trần thì cả hai vị đều là vua.

Trong đời này cái gì mà thiên hạ thường thích nhất? Làm vua. Vì làm vua là có tất cả quyền hành thế lực. Muốn cái gì được nấy.

Mình không làm vua nhưng trong lòng mình ai cũng muốn làm vua. Vì không làm được nên không muốn thôi. Nhưng vẫn có những biểu hiện về vấn đề đó. Như trong nhà, tui là nội tướng. Mọi người trong nhà từ chồng, con v.v… đều phải nghe lời tui. Đó là muốn làm vua rồi. Làm vua trong nhà. Làm em nhưng cũng muốn anh nghe lời tui, cha mẹ cũng phải nghe lời tui, ông bà cũng phải chìu theo tui. Đó không phải là muốn làm vua sao? Mình thì như vậy. Nhưng chư vị Tổ sư được làm vua thì các vị lại muốn đi tu. Chứng tỏ căn cơ Phật pháp của chư vị sâu dày. Đầy đủ phước báu thế gian mà không thèm hưởng.

Với căn cơ như vậy đáng nhẽ các vị phải được khuyến cáo là nên ở lại núi tu hành. Nhưng không, chư vị đều được khuyên về lại trần lao, lấy tâm chúng sinh làm tâm mình. Tức không cho chư vị ở trên núi tu mà bắt phải nhập thế. Nhập thế mà khuyên phải tu hành. Như vậy là bắt chư vị xuất thế ngay nơi thế gian. Xuất thế ngay trong nhập thế. Nhập thế mà phải xuất thế. Đây là đặc điểm của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

 

Nói về nhập thế thì việc này có mấy cấp độ. Có thể ngay nơi chốn tùng lâm mà nhập thế. Có thể nhập thế bằng cách tu hành và làm lợi ích cho mọi người ngay giữa chợ đời v.v... Làm vua là mức độ nhập thế cao nhất trong các cấp độ nhập thế. Trăm công ngàn việc mà chư vị vẫn tu hành được.    

 

Sau khi đã tạo dựng cho người dân được ấm no an bình, các ngài mới xuất gia. Vì các ngài muốn viên mãn. Tuy xuất gia nhưng vẫn không bỏ việc lợi ích cho người. Như vậy, cuộc đời của hai vị vua đời Trần không bao giờ lìa thế gian để có sự xuất thế. Việc này được dựa trên câu nói của thiền sư Viên Chứng “Phật ở trong tâm”. Phật ở trong tâm thì đâu cần lên núi mới có Phật, đâu cần phải ở chùa mới thấy Phật. Ở đâu trong cuộc đời này cũng có Phật. Vì Phật ngay tâm. Nếu mình khéo tu thì ở đâu Phật cũng hiện tiền, cũng có thể tu thành Phật. Nên chư vị được khuyến cáo tu ngay tại cung đình, ngay trong công việc hằng ngày, trong việc điều binh, khiển tướng, tiếp dân v.v… Đặc điểm của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là đó.

Quan trọng là niềm tin

 

Cơ bản là phải có niềm tin. Vì phải có niềm tin thì mới có việc ở đâu tu cũng được và tu có kết quả. Tin gì?

1/ Tin mình có khả năng thành Phật. Phải tin rằng dù mình có nhiễm ô bao nhiễm, vẫn có thể thành Phật. Chỉ cần ngay tâm buông đao là thành Phật.

2/ Tin vào pháp môn Đốn ngộ. Tin rằng pháp này có thể giúp mình nhận ra tánh Phật của mình. Và việc thành Phật có thể diễn ra ngay trong đời này. Có thể đời này chưa xong thì đời sau v.v... Vững tin như vậy. Vững tin vào Thiền phái Trúc Lâm. Vì Thiền phái Trúc Lâm thuộc thiền phái Đốn ngộ.

Tóm lại, nếu mình có điều kiện để xuất gia tu hành thì rất tốt. Nhưng nếu chưa đủ điều kiện thì ở ngoài mình vẫn tu được. Có khó, nhưng vẫn tu được. Tu được thì thông được.

Phật tánh không xa cách

Nghe nói tu thành Phật có khi chúng ta sợ. Nghĩ mình không đủ căn cơ khả năng. Mình chỉ tu là để bớt khổ, để được có cuộc sống hạnh phúc ở thế gian v.v… Nhưng thật ra Phật tánh là cái gần gũi mình nhất. Những cái khác coi vậy mà xa. Giàu sang, phú quí v.v… coi vậy mà xa mình lắm. Chỉ có một cái không bao giờ xa cách với mình, đó là Phật tánh. Nói cách khác, mình chưa bao giờ lìa Phật tánh mà riêng có các thứ như tư tưởng, tình cảm v.v… Những thứ đó không bao giờ lìa được cái Phật tánh của mình.

Những tư tưởng của mình thì biến thiên, lúc nghĩ thế này, lúc nghĩ thế kia, lúc cho người này tốt, lúc cho người kia xấu, lúc thì thương người này, lúc thì ghét người kia v.v… cứ dời đổi liên tục. Những tâm niệm đó lúc có lúc không, còn Phật tánh thì không. Phật tánh không bao giờ thiếu nơi mình. Phật tánh là thứ rất gần gũi với mình. Nhưng nghe nói tu để thành Phật, để sống được với Phật tánh thì mình sợ. Cái mình không bao giờ xa lìa được mà mình lại sợ. Giờ mình phải tập, tập cho quen, đừng có sợ. Giờ phải quay về sống với cái quen thuộc nhất của chính mình. Sống với cái Phật tánh của chính mình, là thành Phật.

Khi mình quên, mình không sống được với Phật tánh thì ông Phật vẫn có đó. Không phải khi mình chạy theo những suy nghĩ, tình cảm, tham dục, những nhiễm ô của cuộc đời thì không có ông Phật. Ông Phật vẫn đó. Thành mình đừng có mặc cảm. Nói vậy để làm gì. Vì chúng ta là con cháu của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Mà đã là con cháu thì mình phải tu thành Phật. Có thể đời này chưa xong, nhưng đời sau, đời sau nữa mình thành Phật không biết chừng. Mà cũng có thể ngay trong đời này mình thành Phật.

Có khi mình tu bình bình vậy, nhưng đột nhiên nó ngộ. Cái ngộ này mới kỳ đặc. Đang nhiễm ô mà chỉ cần tịnh được tâm một khoảng, là liền ngộ được. Vì người tham dục nhiễm ô vẫn có sẵn Phật tánh. Không tham dục nhiễm ô vẫn có Phật tánh mà có tham dục nhiễm ô vẫn có Phật tánh. Phật tánh khi nào cũng đầy đủ nên khi nào cũng có thể ngộ được.

Thực tế thì dù Phật tánh luôn sẵn đủ nơi mọi người nhưng ngộ không phải dễ. Vì sao? Vì nó bị vọng niệm che khuất. Đó là những ý niệm ta, người, tốt, xấu v.v…. Rồi từ những phân biệt đó mà sinh yêu, sinh ghét. Trên cái yêu ghét đó sinh tham sân v.v… Chính những thứ này che khuất Phật tánh. Giờ muốn Phật tánh hiển bày đầy đủ thì phải không những tâm niệm đó.

Muốn không những tâm niệm đó thì cách dễ nhất là vào chùa đi tu. Vì vào trong chùa thì khỏi phải lo cơm áo gạo tiền, chỉ có lo tu hành thôi. Hoặc lên trên núi, khỏi tiếp duyên với đời. Lâu ngày tàn dư yêu ghét cũng hết.

Thanh tịnh thì gần với Phật tâm. Thương ghét thì xa cách Phật tâm. Niệm ghét niệm thương nó che mất Phật tâm, nên khó ngộ Phật tánh. Cho nên, bước đầu để dễ tu thì mình phải vào chùa xuất gia hay lên núi tu hành. Nhưng đó không có nghĩa là tất cả. Mình ở trong đời này vẫn ngộ được. Vì những tâm niệm phân biệt không có gốc. Chúng phải nương tựa nơi tánh Phật của mình mà hiện khởi. Ngay nơi những niệm đó mà có đầy đủ tánh Phật bên trong. Nếu ngay đó mà nhận được tánh Phật thì mình ngộ nhập Phật tánh của mình. Lục Tổ nói: “Phiền não tức bồ đề” là vậy. Nếu ngay chỗ này mình tin được thì mình là con cháu của thiền Đốn ngộ. Không cần chờ qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp. Ngay nơi nhất niệm này mà nhận được thì tức thời kiến tánh, tức thời thành Phật.

Lý do chúng ta dừng được niệm mà Phật tánh không hiện, là vì niệm trước vừa dừng, niệm sau đã phát khởi. Giờ phải cần thời gian để vọng niệm thưa ra, khoảng hở nhiều. Khoảng hở nhiều thì cơ may đốn ngộ sẽ nhiều.

Giờ chúng ta hiểu pháp “Biết vọng không theo” rồi. Hễ khởi lên niệm thương, biết niệm thương là vọng, vọng rồi không theo. Khởi lên niệm ghét, biết niệm ghét là vọng, vọng rồi không theo. Không theo thì vọng không thể tương tục. Không tương tục thì lâu dần, mình nhìn lại thấy mọi thứ bình thường, không thương, không ghét. Vọng niệm không còn tương tục. Đó là lúc rất dễ ngộ. Tâm không còn bị chi phối bởi niệm thì gọi là vô tâm. Vô tâm thì đạo dễ tầm.

Còn với pháp “Biết có chân tâm” thì thường mình biết một cái rồi, nó lại nổi theo đó không biết bao nhiêu là niệm tưởng. Giờ biết có chân tâm, chân tâm thì không niệm tưởng, nên biết thôi, không thêm gì nữa. Thêm nữa thì loại bỏ nó đi. Khi loại nó rồi thì BIẾT mà không động. Một lúc nào đó, nó là một với Phật tâm của mình.

Trong hai pháp tu, muốn tu pháp nào cũng được.

Đốn ngộ đồng chư Phật

Pháp có thể giúp mình ngộ được tánh Phật ngay trong chốn trần lao này, gọi là pháp Đốn ngộ.

Vì sao có chữ Đốn ngộ? Vì theo cách nhìn trước đó, chúng ta phải tu hành qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật. Còn pháp này thì ngay nơi đây mà vẫn kiến tánh thành Phật. Chỉ có điều đó mới là một niệm thành Phật thôi. Sau đó trần lao phiền não kéo tới… Nên chư Tổ mới nói “Đốn ngộ đồng chư Phật. Đa sanh tập khí thâm”. Như bầu trời xanh bị những đám mây tập khí yêu, ghét, giận, hờn, tham, sân nổi dậy che khuất. Vén được mây thì thấy bầu trời xanh, nhưng rồi mây phủ che lại. Cho nên ngộ rồi vẫn phải tu. Kiến tánh thành Phật nhưng kiến tánh rồi vẫn khởi tu. Tu là để viên mãn ở chỗ thành Phật. Vì khi mình kiến tánh, mình chỉ mới thành Phật trong một niệm đó thôi. Khi tập khí kéo đến thì chúng sinh vẫn hoàn chúng sinh.  

     Soạn theo bài giảng của Cư sĩ giảng ngày 03/07/2016