Thánh ngôn
ĐIỀU KIỆN CHÁNH PHÁP TRỤ LÂU Ở ĐỜI
Trích kinh Đại Bát Niết-bàn - Phẩm Phạm Hạnh. Bản Hán Đại tạng kinh (ĐBNB 36 q - Q 16 & ĐBNB 40q - Q.18)
09/11/2018Nầy Thiện nam tử! Lúc Phật mới ra đời chứng đặng Bồ-đề vô thượng rồi, hàng đệ-tử chưa có người hiểu thấu nghĩa Đại thừa thậm thâm, đức Phật đó bèn nhập Niết-Bàn. Bên biết chánh-pháp đó chẳng ở lâu nơi đời. Nếu có hàng đệ tử đã hiểu thấu nghĩa Đại-thừa thậm thâm, Phật dầu nhập Niết-bàn nhưng chánh pháp vẫn ở lâu nơi đời.
Nầy Thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng Bồ-đề vô thượng, hàng đệ tử dầu có người hiểu nghĩa Đại thừa thậm thâm mà không có hàng Bạch y đàn việt hết lòng kính tin tôn trọng Phật pháp, khi Phật nhập Niết-bàn rồi, thời chánh pháp đó chẳng ở lâu nơi đời. Nếu có hàng bạch y đàn việt hết lòng kính tin Phật pháp. Phật dầu nhập Niết–bàn nhưng chánh pháp vẫn ở lâu nơi đời.
Nầy Thiện-nam-tử ! Nếu Phật ra đời chứng Bồ-đề vô thượng, có các đệ tử hiểu nghĩa Đại-thừa thậm thâm, cũng có Bạch y đàn việt hết lòng kính tin tôn trọng Phật pháp, mà các đệ tử thuyết pháp lại vì danh lợi, chẳng cầu Niết-bàn, khi Phật diệt rồi thì chánh pháp chẳng ở lâu nơi đời. Trái lại nếu hàng đệ tử thuyết pháp vì cầu Niết-bàn chẳng ham danh lợi, Phật dầu nhập diệt nhưng chánh pháp vẫn ở lâu nơi đời.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu Phật ra đời chứng đặng Bồ-đề vô thượng, dầu có các hàng đệ tử hiểu nghĩa Đại thừa thậm thâm, cũng có hàng Bạch y đàn việt hết lòng kính tin tôn trọng Phật pháp, mà các đệ-tử sanh nhiều tranh tụng hơn thua phải quấy lẫn nhau, Phật lại nhập Niết bàn, thì chánh pháp chẳng ở lâu nơi đời. Trái lại các đệ tử thật hành pháp hòa kính, chẳng hơn thua phải trái nhau, tôn trọng lẫn nhau, dầu Phật nhập Niết-bàn nhưng chánh-pháp vẫn ở lâu chẳng diệt.
Nầy Thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng Bồ-đề vô thượng, có những đệ tử hiểu nghĩa Đại thừa thậm thâm, cũng có hàng Bạch y đàn việt hết lòng kính tin tôn trọng Phật pháp, các đệ tử vì cầu đại Niết-bàn mà thuyết pháp, cung kính lẫn nhau, nhưng cất chứa những vật bất tịnh, lại khen rằng tôi đặng quả Tu-đà-hoàn, nhẫn đến quả A-la-hán, Phật lại nhập Niết-bàn, thời chánh pháp đó chẳng ở lâu nơi đời. Trái lại hàng đệ tử chẳng cất chứa những vật bất tịnh, cũng chẳng tự nói mình đã chứng quả Tu-đà-hoàn, nhẫn đến quả A-la-hán, Phật dầu diệt độ, nhưng chánh-pháp vẫn còn không diệt.
Nầy Thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng Bồ-đề vô-thượng, có các đệ-tử đủ những điều kiện trên nhưng lại chấp kiến giải của mình mà lập những dị thuyết: “Nầy Trưởng-lão! Giới của Phật chế, bốn giới trọng nhẫn đến bảy pháp diệt-tránh. Vì cớ sao? Vì chúng sinh nên hoặc ngăn, hoặc mở, mười hai bộ kinh cũng như vậy. Vì Phật biết cõi nước đều sai khác, chúng sinh căn tánh lợi độn chẳng đồng, vì thế nên Như Lai nói có khinh có trọng, hoặc ngăn hoặc mở. Này thiện nam tử! Như lương y trị bệnh cho người, người bệnh nóng thời cho uống sữa, người bệnh lạnh thời không cho uống sữa. Đức Như Lai quan sát căn bệnh phiền não của chúng sinh, nên cũng mở cũng ngăn. Này Trưởng lão! Tôi đích thân nghe Phật nói nghĩa ấy, chỉ tôi biết chớ ngài không biết được. Chỉ tôi hiểu chứ ngài không hiểu. Chỉ tôi biết kinh chứ ngài không biết được”. Nên biết khi Phật diệt độ, chánh pháp đó chẳng ở lâu nơi đời. Trái lại, nếu hàng đệ tử đủ các điều kiện trên, lại không lập dị thuyết, Phật dầu diệt độ, chánh pháp vẫn ở lâu ở đời.
Các tin khác
-
» MỘT LỜI NGUYỀN TRONG BA ĐỜI (09/11)
-
» BÀI KINH ĐOẠN GỈẢM (19/06)
-
» PHÂN BIỆT GIÁO (25/03)
-
» MỘT CÁCH GIÚP AN LÀNH (25/03)
-
» TƯỚNG CỦA VÔ TƯỚNG (25/03)
-
» TU THIỀN ĐỊNH BẰNG CÁCH CHUYÊN TÂM VÀO MỘT ĐIỂM (25/03)
-
» THỰC TẾ LÀ ... (25/03)
-
» CHÂN TÂM HIỆN TIỀN (25/03)
-
» CHỈ CHÚ TRỌNG PHẬT TÁNH (25/03)
-
» ĐỊA VỊ CHỨNG NHẬP (25/03)