Phổ thông

KÍNH TIN NHƯ PHẬT

Chân Hiền Tâm - Viết cho Nguyệt San Giác Ngộ số 325 (PL2567) tháng 4. 2023

25/07/2023



LTS: Nữ cư sĩ Chân Hiền Tâm, một cộng tác viên thân thiết của Nguyệt san Giác Ngộ vừa từ giã cõi đời này. Kể từ khi biết Đạo, cư sĩ là một Phật tử am tường giáo pháp, siêng năng thực hành và sẵn lòng sẻ chia kinh nghiệm tu tập cho những ai hữu duyên. Trong vài tháng cuối của cuộc đời, dẫu rằng thân đau bệnh cùng cực nhưng trí tuệ và niềm tin luôn tỏa sáng qua nhiều trang viết, ngay cả trong bài viết cuối cùng này. Theo Phật lý, với tâm hành và sở nguyện như vậy, sẽ là những thiện nhân duyên đưa cư sĩ sanh về cõi lành. Nhân đây, Nguyệt san Giác Ngộ xin có lời chia buồn cùng gia quyến và trân trọng giới thiệu bài viết cuối cùng của một đệ tử trung kiên của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và của Đức Phật nói chung.
NSGN




               

 



Con kính tin chư Phật thế nào
Con kính tin Sư ông thế đó
Con nhận pháp Sư ông
Thực hành chưa hề lui sụt
Miên mật với một niềm tin không gì lay chuyển được.


Rằng nhờ pháp môn Biết vọng này, một ngày nào đó cái đầu hắc ám của con sẽ bung ra. Con sẽ thông suốt hết kinh luận. Con sẽ sống được với cái tâm ma-ha của mình. Khổ nạn không còn là vấn đề đối với con nữa. Con đã tin như thế không gì lay chuyển được.

Và vì thế, dù người ta bỏ cuộc thế nào, dù thiên hạ bàn tán ra sao, con vẫn một mực thực hành không lui sụt, vẫn tin rằng pháp môn ấy là vi diệu. Cực kỳ vi diệu trong hiện tại và tương lai. Không có pháp môn nào vi diệu hơn. Biết có chân tâm, dù vi diệu thế nào, dù dễ thực hành ra sao, cũng không thể nào vi diệu bằng pháp Biết vọng không theo. Với con, Biết vọng không theo là thượng đẳng, không gì có thể hơn.

Đến cái mức như khỉ ngồi trên lưng cọp, dù thế nào vẫn cứ trên lưng ấy mà ngồi. Căng thẳng mệt mỏi bao nhiêu vẫn một mực Biết vọng không theo. Mở mắt ra là Biết vọng. Nhắm mắt lại cũng Biết vọng. Cái Biết vọng đời này hình như đã được thực hành đâu đó từ những kiếp lâu xa về trước, thành niềm tin chưa hề lui sụt. Nó đang dần có lực, không cho con dừng nghỉ, không cho con bỏ cuộc. Dù sợ hãi thế nào, dù mệt nhọc ra sao, cũng cứ thế mà đeo đẳng. Ngó bên Tây cũng Biết vọng. Quay sang Đông cũng Biết vọng. Đi chợ cũng Biết vọng. Trả tiền cũng Biết vọng. Thiên hạ chửi cũng Biết vọng. Thiên hạ khen cũng Biết vọng. Cuộc đời con lúc đó, chỉ hai chữ Biết vọng. Không có thứ gì khác.

Cho đến cái ngày mà Tổ Pháp Loa nói “Người học Phật trước phải thấy tánh. Thấy tánh, không phải là có cái tánh bị thấy. Nói thấy là thấy chỗ không thể thấy mà thấy. Cho nên nói thấy, thấy không phải thấy, thì chân tánh hiện.” Ôi, cái gọi là thấy tánh ấy, một đống lý luận hóc búa đọc như thần chú ấy, bỗng trở thành đơn giản và dễ hiểu với con. Bởi nó được nhận ra không bằng lý luận hay niệm tưởng mà bằng sự trực nhận. Như thấy trái cam trong lòng bàn tay. Như con cá oằn người trên đất liền để thấu đạt những gì con rùa đã nói. Ôi! Thần chú vẫn là thần chú, thật khó hiểu với chúng sinh nhưng chẳng có gì xa lạ với chư Phật.

Tâm ma-ha ấy, tánh thể của nó không phải là đối tượng để có thể nhận thấy. Trong cái thể không ấy, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì lấy gì để nhận biết bằng chính thân tướng này? Không thể dùng mắt này mà thấy. Không thể dùng tâm thức này mà nhận biết. Không thấy mà không gì là không thấy. Không biết mà không gì là không biết. Biết, mới thấy cái biết xuất hiện trở lại, thế giới và thân tướng chúng sinh từ đó có ra. Hóa ra không biết mà vẫn biết. Biết mà không cần đến cái biết.

Ba năm, Sư ông đã nói như thế, nếu ai chịu miên mật, ba năm nhất định nhận ra cái tánh ấy.
Niềm tin không xác quyết nên động môi động lưỡi thì nhiều, công phu thành trở ngại. Lơ là rồi, buông ngày đoạn tháng, uổng phí một đời tu.

Con tin, với một niềm tin không gì lay chuyển được, nên ba năm mười ngày, con cắt [1] được dòng tương tục đã trói buộc con trong bao đời. Mọi thứ nhẹ nhàng thảnh thơi hơn, dù chông gai tương lai vẫn còn đó.
Một lần nữa niềm tin lại được củng cố trong con. Ôi Sư ông nói cái gì cũng đúng. Con đã kính tin Sư ông như kính tin Phật.

Chỉ là, ngộ rồi còn phải thể nhập. Chẳng phải ngộ rồi là đã xong. Cái màn nhập này mới là cơ cực. Con cười trừ nhiều hơn là thực hành trót lọt cái gọi là Nhất hạnh tam muội.
Đời đời kiếp kiếp, chỉ một bổn cũ soạn lại, lặp tới, lặp lui, cho tròn hạnh nguyện muôn đời.

Ân Phật Tổ không sao đền đáp
Ân mẹ cha cũng khó nghĩ bàn
Ân Thầy càng rộng mênh mang
Còn ân Tổ quốc chúng sinh
                                 chưa tròn.
Tâm nguyện khắc ân này muôn tận
Dù ít nhiều cũng phải báo ân
Báo bằng công hạnh phát tâm
Báo bằng công hạnh lợi tha
                                  muôn loài.
Con xin nguyện đời đời viên mãn
Pháp, hóa thân, tha tự dụng thân
Báo ân Phật dạy rõ ràng
Nguyện tôn kính Pháp
                 nguyện hành theo kinh.


Con thành kính tri ân
Quý Thầy Báo Giác Ngộ
Đã tạo duyên lành hỗ trợ con
Trong suốt thời gian qua.
 

               

 
[1] Cắt không có nghĩa là hết