Phổ thông
Biệt thời ý thú trong kinh CỨU BẠT NGẠ QUỶ DIỆM KHẨU ĐÀ-LA-NI
Chân Hiền Tâm - Viết cho Nguyệt San Giác Ngộ số 324 (PL2567) tháng 3. 2023
25/07/2023Sự mầu nhiệm của Phập pháp
Phật pháp gọi là mầu nhiệm.
Vì khi ứng dụng vào thực tế có những việc hiệu nghiệm không ngờ. Dù có khi mình không hiểu được vì sao lại hiệu nghiệm như thế, mình chưa thấy được chỗ nối kết giữa nhân và quả như việc khát nước. Uống nước thì hết khát. Chưa. Chưa thấy được mức liên hệ rõ ràng như thế. Nên mới nói hai chữ mầu nhiệm.
Chính nhờ những lần hiệu nghiệm đó mà niềm tin của tôi đối với Phật pháp được củng cố cho đến khi sự hiểu biết của mình có thể tương ưng được ít nhiều với những gì đang thực sự xảy ra.
Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã ứng dụng Phật pháp khá nhuần nhuyễn cho các trường hợp bất khả kháng của mình. Lúc đầu chỉ là vô tình. Do sợ mà niệm Phật. Vì mẹ dặn khi nào gặp chuyện gì sợ hay muốn tai qua nạn khỏi thì phải niệm Phật. Thế là mỗi khi thấy thầy cô lật sổ ra kêu tên trả bài, là tôi bắt đầu niệm Phật. Lần nào cũng thoát. Cho đến cái ngày biết chắc không còn ai để kêu ngoài mình thì tôi mới học bài. Cũng có lần, niệm thì niệm mà tên thì vẫn bị kêu. Nhưng thầy nói thầy tha. Về học lại tuần sau lên trả. Không phải ăn con zéro như các bạn. Câu niệm Phật trở nên rất mầu nhiệm qua cái đầu mười mấy tuổi của tôi.
Cuộc sống cứ vậy mà trôi.Phương tiện tuy có khác. Nhưng vẫn là ứng dụng Phật pháp vào đời sống thường nhật của mình, phù hợp hơn với nhu cầu, cuộc sống, tuổi tác của mình trong hiện tại. Có những việc bây giờ không chỉ dừng lại ở niềm tin mầu nhiệm mà có sự hiểu biết rõ ràng. Nhờ có một quá trình học Phật và tu hành. Những cái gọi là khổ, tập, diệt, đạo. Hiểu trên sách vở băng giảng cũng có mà như thật biết ít nhiều cũng có.
Vì tu hành chưa phải là một quá trình toàn triệt. Nên vẫn có những việc thấy linh nghiệm mà chưa thấu hết được gốc ngọn của nó. Vẫn còn nhiều thắc mắc, cần một sự giải mã trong tương lai. Còn hiện tại, vẫn là những thắc mắc chưa có thông số.
Thời gian tôi bệnh.Điều kiện vật chất có, cả về nhân sự và tiền bạc. Đủ để tôi không thấy có chướng ngại hay lo lắng gì cho vấn đề bệnh tật hay cuộc sống của mình, để phải bương chải như một số người khác. Về tinh thần, tôi có Phật pháp. Nói vậy không có nghĩa là công phu của tôi đang giúp tôi tự tại với căn bệnh của mình. Không. Chỉ là nhờ Phật pháp, tôi đã biết tạo thiện nghiệp trong quá khứ, có thể là do bố thí, cũng có thể là do trì giới v.v. cho đến thiền định, để tôi có được những cái duyên khá tốt có thể hỗ trợ tôi khi tôi lâm vào hoàn cảnh hiện tại. Chẳng hạn, dù ung thư của tôi là loại cực ác tính thì nó cũng không nằm ở cổ họng hay bao tử. Ung thư cổ họng hay bao tử rồi thì khó mà ăn uống gì được đế nói đến vui vẻ và tự tại. Chưa vào được vị Bát địa thì khó mà tự tại được với những việc như thế. Khó mà không bị ảnh hưởng ít nhiều khi sắc thân này có vấn đề. Chỉ nhận khổ nạn và mong chết để giải thoát.
Đời người là kết quả của một chuỗi nhân quả thiện ác đan xenCó lẽ bạn sẽ hỏi:
Đã ứng dụng được thiện nghiệp như thế sao còn phải chịu cái khổ của bệnh tật?
À vì quá khứ là vô vàn. Phật pháp thì có thể chỉ mới tu học sau này. Nhân trước đã tạo, nếu là ác nghiệp lại là một loại định nghiệp thì việc tạo thiện nghiệp về sau chỉ còn là trợ duyên giúp vượt qua định nghiệp đó. Không thể làm mất đi định nghiệp. Vì thế mới có câu "Bồ-tát sợ nhân". Tích Mục Kiền Liên bị ngoại đạo dùng đá đè chết dù ngài là bậc có thần thông đệ nhất. Phật bị quả báo mã mạch, bị đau đầu ba ngày do từng gõ vào đầu cá ba cái. Kinh Thủy sám cũng kể về hành trình của quốc sư Ngộ Đạt, nói rõ do đâu có kinh Thuỷ sám.
À thì dù biết Phật pháp chăng nữa thì khi việc tu học xả ngã chưa tròn thì trong những lúc bất giác vẫn có thể tạo nghiệp bất thiện.
Vào thời bậc Chính Ðẳng Giác Ca-diếp, có một Tỳ-kheo sống ở một ngôi làng nhỏ. Tỳ-kheo ấy tính tình bộc trực, hồn nhiên, giữ giới, chuyên tu tập thiền quán. Ông được một vị điền chủ hộ trì.
Một thời gian sau, có một trưởng lão A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc, sống bình đẳng với các bậc đồng Phạm hạnh, đến ngôi làng đó. Ông cũng được vị điền chủ quý kính, cầm lấy bình bát, mời vào nhà, cung kính mời ăn. Sau khi được nghe thuyết bài pháp ngắn, điền chủ đảnh lễ Trưởng lão và mời Trưởng lão về ngôi già-lam của vị Tỷ-kheo.
Khi thấy vị điền chủ quý kính Trưởng lão quá mức, vị Tỳ-kheo nghĩ "Ðiền chủ này đã bị phân tâm. Nếu Trưởng lão này trú ở đây, điền chủ ấy không còn đếm xỉa đến ta một chút nào nữa”. Nghĩ vậy rồi ông bắt đầu có những hành nghiệp không được chân chánh, đại loại như: "Tôi không biết tin tức của bạn ngài. Tôi đã đánh chuông gõ cửa, nhưng không thể đánh thức vị ấy dậy. Tôi chắc là bữa qua, sau khi ăn thượng vị ở nhà ngài, vị ấy tiêu hoá được, do vậy, nay còn đang ngủ. Rất có thể, ngài hoan hỷ với những sự kiện như vậy".
Trưởng lão A-la-hán biết được tâm ý của vị Tỷ-kheo chủ trì nên đã âm thầm rời bỏ ngôi làng, tìm trú xứ khác.
Vị điền chủ thì không hay biết gì, vẫn gởi đồ cúng dường nhờ Tỷ-kheo trụ trì mang về cúng dường Trưởng lão.
Tỳ-kheo trụ trì nhận đồ ăn về, ngang qua một đám ruộng vừa bị đốt, ông bới các than đỏ lên, quăng đồ ăn cúng dường của vị trưởng lão vào đó, lấy than đỏ che lại rồi về tinh xá. Không thấy Trưởng lão khách đâu, Tỳ-kheo trụ trì suy nghĩ: “Chắc Tỳ-kheo ấy đã đoạn tận các lậu hoặc, biết được ý định của ta, và đã đi chỗ khác. Ôi, ta vì nhân duyên cái bụng, đã làm một việc không thích đáng”. Nghĩ rồi, sầu ưu khởi lên, và từ đó vị Tỳ-kheo trụ trì sống như một con ma trên đất, không bao lâu mệnh chung, tái sinh vào địa ngục.
Sau khi trải qua trăm ngàn năm ở ba cõi địa ngục, ngạ qủy và súc sinh, Tỷ-kheo trụ trị đầu thai vào nhà một người trong làng đánh cá. Do dư nghiệp trước, ông mang đến nhiều bất hạnh cho bà mẹ, vì thế bà cũng phải bỏ ông trốn đi.
Đến bảy tuổi, thằng bé gặp được tôn giả Xá-lợi-phất. Tôn giả dắt nó đến tinh xá, tự tay tắm rửa, truyền giới xuất gia, cho nó làm Sa-di, và khi tuổi đầy đủ, liền trao Ðại giới cho nó. Khi nó trưởng thành, nó được gọi là Trưởng lão Losakatissa.
Do quả báo của ác nghiệp trước chưa hết, Losakatissa chưa bao giờ được một bữa no bụng. Ngay cả khi chứng quả A-la-hán tối thượng, Trưởng lão vẫn nhận được đồ cúng dường ít ỏi. Ngày ông nhập Niết-bàn, tôn giả Xá-lợi-phất phải đi khất thực và giữ bát cho Trưởng lão ăn thì ông mới được no bụng, rồi nhập Niết-bàn vô hữu dư. Bậc Chính Ðẳng Giác đứng một bên và chứng kiến thân vị ấy được hoả táng. Các xá-lợi được thu thập và điện tháp được dựng lên.
Losakatissa, do làm chướng ngại người khác cúng dường, người được cúng dường lại là bậc A-la-hán, nên quả báo là ít được cúng dường. Nhưng do tiền kiếp có tu thiền quán, đời sống giới luật cũng nghiêm túc, nên hiện đời gặp được tôn giả Xá-lợi-phất, được xuất gia tiếp tục tu hành và chứng được Thánh quả. Nhân nào quả đó rõ ràng.
Lý do tu hành rồi mà vẫn phải chịu báo xấu là như vậy.
À thì trong lúc hành Bồ-tát đạo, vì lợi ích cho đa phần chúng sinh này mà lại tạo ác nghiệp cho một bộ phận nhỏ chúng sinh khác. Lợi ích, có công đức của lợi ích. Chẳng phải thiện nghiệp, cũng có cái quả tương ưng. Nhân quả không hề sai lệch. Đó là lý do vì sao tu tạo thiện nghiệp rồi mà vẫn còn nhiều nghiệp vận lao đao.
Đại hiếu Mục Kiền Liên hỏi Đức Phật:. Như Lai vốn có tội sao mà lại chịu nạn cọc sắt đâm vào chân thế kia?
Đức Phật trả lời:
. Ta xưa cùng năm trăm thương nhân đi vào biển cá. Khi ấy có một kẻ ác muốn giết cả đòan để chiếm tài vật. Các thương nhân đều phát tâm vô thượng Bồ-đề, cho dù bị hại tâm vẫn không thay đổi. Kẻ ác kia nếu hại họ sẽ bị đoạ vào địa ngục chịu bao thống khổ. Sau bảy ngày suy nghĩ, ta quyết định: "Nếu sát hại kẻ kia ta sẽ thọ nhận tội. Nhưng thà chịu tội chứ không để kẻ kia làm hại các thương nhân mà chịu thống khổ". Nghĩ rồi liền hại kẻ ác kia. Nên giờ phải chịu tai ương tàn dư này. [1]
Do vậy dù là thánh nhân không bị ràng buộc trong các ác nghiệp, hành tác chỉ do bi từ rộng lớn, vẫn bị nghiệp nạn, bệnh tật v.v...
Từ một giấc mơ ...
Tuy là ung thư, tôi lại không điều trị ở bệnh viện ung bướu. Nhưng một đêm, tôi mộng thấy mình bước vào bệnh viện ung bướu, trời thì tối mênh mông khắp cả. Tôi thấy mình bước lần qua các cửa nhỏ như cửa an ninh sân bay. Ở đó có những bàn tay giữ vai tôi lại, không cho đi qua. Khi tôi nói "biết rồi", họ mới buông cho tôi đi. Vài lần như thế. Rồi tôi thấy người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà la liệt. Trong bóng đêm của bệnh viện, tôi thấy họ quỳ xuống lạy tôi xin thức ăn. Tôi gật đầu và tỉnh giấc.
Một phần giấc mơ đã trở thành sự thật.Vì không hơn một tháng sau, tôi được chuyển qua điều trị ở bệnh viện ung bướu. Đây là việc khá bất ngờ với tôi. Nó nhắc tôi nhớ đến giấc mơ không quên. Vì bước đầu đã có sự ứng nghiệm. Chưa kể trong mơ, người đói khổ la liệt và tôi là người họ đang trực tiếp đến xin. Không thể như kiểu ở đời xin không cho thì thôi. Mà là như một cái nợ phải trả. Chưa làm được thì chưa thể yên lòng.
Bình thườngHàng tháng tôi vẫn gởi tiền cho mấy chục gia đình ở khu xóm trọ quanh ung bướu. Tuy không nhiều. Nhưng tháng nào cũng có gởi và hồi hướng công đức đó cho cả người sống lẫn người chết. Chỉ đợt này khi xong việc, hồi hướng cho người sống thì có mà người chết không. Tôi cứ nghĩ do mình thiếu sót phần đó mà sinh ra giấc mơ.
Nhưng khôngChuyện sau đó nối dài, khiến mọi việc được đẩy sang một bước ngoặc mới, khiến tôi học được thêm một điều khá lạ từ một bài kinh Đức Phật dạy cho ngài A Nan. Đó là bài kinh Cứu bạt ngạ quỷ Diệm Khẩu đà-la-ni [2]. Ngạ quỷ Diệm Khẩu là vị đại diện cho vô lượng ngạ quỷ được cứu bạt. A Nan là người đứng ra niệm thần chú cứu bạt và cúng dường thức ăn cho ngạ quỷ. Bài kinh đó như sau.
Kinh Cứu bạt ngạ quỷ Diệm Khẩu đà-la-ni.Một thời đức Thế Tôn, ở tại Tăng già lam Ni-câu-luật-na, thành Ca-tỳ-la-vệ, bao quanh trước sau là chư Tỳ-kheo, Bồ-tát và vô số đại chúng, vì họ mà thuyết pháp.
Bấy giờ, tôn giả A Nan đang một mình ở tĩnh xứ, suy niệm về giáo pháp đã nhận được.
Ngay sau canh ba đêm ấy, tôn giả thấy một ngạ quỷ tên là Diệm Khẩu, hình thù gớm ghiếc, thân thể khô gầy, trong miệng lửa cháy, cổ họng như kim, đầu tóc rối bù, móng dài nanh nhọn, rất đáng kinh sợ.
Đứng trước tôn giả, ngạ quỷ nói với tôn giả rằng:. Sau ba ngày nữa, mạng của ngài sẽ hết, liền thác sinh vào đường ngạ quỷ.
Tôn giả A Nan nghe lời đó rồi, tâm sinh hoảng sợ, hỏi lại ngạ quỷ:
. Sau khi tôi chết, sẽ sinh làm ngạ quỷ, vậy có cách nào để thoát khỏi cái khổ ấy không?
Ngạ quỷ nói với tôn giả A Nan rằng:
. Sáng sớm mai, nếu ngài có thể bố thí đồ ăn thức uống cho trăm ngàn na-do-tha hằng hà sa số ngạ qủy cùng với trăm ngàn Bà-la-môn tiên, mỗi vị nhận được phần thí là một đấu ẩm thực được tính theo lượng đấu của nước Ma-già-đà [3], lại còn vì chúng tôi mà cúng dường Tam bảo, ngài sẽ được tăng tuổi thọ và khiến chúng tôi lìa được cái khổ của ngạ quỷ, sinh lên cõi trời.
Tôn giả A Nan nhìn thấy ngạ quỷ Diệm Khẩu thân hình gầy gò, khô khốc, gớm ghiếc, trong miệng lửa cháy, cổ họng như kim, đầu tóc rối bù, lông dài móng nhọn, lại còn nghe những lời chẳng thuận như thế, lòng rất hoảng sợ, lông thân dựng đứng. Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhanh đến chỗ Phật, năm vóc sát đất, đảnh lễ dưới chân Phật, thân thể run rẩy mà bạch Phật rằng:
. Cúi xin đức Phật cứu khổ cho con ! Vì cớ sao? Vì khi con đang ở nơi thanh vắng để suy niệm những pháp đã nhận được thì gặp ngạ quỷ Diệm Khẩu nói với con rằng qua ba ngày nữa con nhất định mạng chung, sinh làm ngạ quỷ. Lúc đó con có hỏi ngạ quỷ làm sao để thoát cái khổ ấy? Ngạ quỷ trả lời nếu con có thể bố thí đồ ăn thức uống cho trăm ngàn na-do-tha hằng hà sa số ngạ quỷ, cùng với trăm ngàn Bà-la-môn tiên, con sẽ được tăng tuổi thọ. Bạch Đức Thế Tôn, nay con làm sao lo liệu được ngần ấy đồ ăn thức uống để bố thí cho các ngạ quỷ cùng Bà-la-môn tiên?
Đức Thế Tôn bảo tôn giả A Nan rằng:
. Ông nay chớ sợ, ta có phương tiện có thể giúp ông có được ngần ấy đồ ăn thức uống để bố thí cho trăm ngàn hằng hà sa ngạ quỷ cùng các Bà-la-môn tiên, ông chớ sinh lòng sầu não.
Rồi Đức Phật dạy:. Này A Nan, có một đà-la-ni tên là Vô Lượng Uy Đức Tự Tại Quang Minh Thù Thắng Diệu Lực, nếu ai trì tụng đà-la-ni này thì có thể cung cấp đầy đủ những đồ ăn thức uống thượng diệu cho câu-chi na-do-tha trăm ngàn hằng hà sa số ngạ quỷ cùng với chúng Bà-la-môn tiên. Mỗi vị trong các chúng đó đều nhận được bốn mươi chín đấu thức ăn được tính theo lượng đấu của nước Ma-già-đà.
Này A Nan, ta ở đời trước từng làm thân Bà-la-môn, ở chỗ Bồ-tát Quán Thế Âm và đức Như Lai Thế Gian Tự Tại Uy Đức, nhờ thọ trì đà-la-ni này nên có thể bố thí cho vô lượng ngạ quỷ cùng các Bà-la-la môn tiên những đồ ăn uống, khiến các ngạ quỷ thoát được thân khổ đau, sinh về cõi trời. Này A Nan, nay ông thọ trì thì phước đức và thọ mạng đều tăng trưởng.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền vì tôn giả A Nan mà nói đà-la-ni rằng:. Na mô tát phạ đát tha nghiệt đa, phạ lô chỉ đế, án tham bà ra, tham bà ra hồng.
Đức Phật lại dạy tôn giả A Nan:
. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn cầu sống lâu, muốn thêm lớn phước đức, muốn mau thành tựu viên mãn bố thí ba-la-mật, thì mỗi sớm mai hoặc tất cả thời không có chướng ngại, dùng một đĩa [4] sạch, lấy nước sạch, đặt vào đó ít cơm, gạo rang, bánh và những thức ăn khác, dùng tay phải cầm đĩa đó, tụng đà-la-ni trên đủ bảy biến, sau xưng tán danh hiệu của bốn vị Như Lai: [5]
• Nẵng mồ bà nga phạ đế, bát ra chỉ nương, bộ đa ra đát nẵng, đát tha nghiệt đa da.Do lực gia trì khi xưng danh hiệu Đa Bảo Như Lai, nên có thể phá trừ tất cả các ác nghiệp keo lận sâu dày lâu nay của loài quỷ, liền được phước đức viên mãn.
• Na mô bà nga phạ đế, tô lỗ ba da, đát tha nga đa da.Do lực gia trì khi xưng danh hiệu Diệu Sắc Thân Như Lai nên có thể phá trừ thân hình xấu ác của loài quỷ, liền được sắc tướng đầy đủ.
Do lực gia trì khi xưng danh hiệu Quảng Bác Thân Như Lai nên có thể khiến cho cổ họng của loài quỷ rộng lớn, mặc ý tiếp nhận no đủ những đồ thí cúng.
• Nẵng mô bà nga phạ đế, a bà dựng ca ra da, đát tha nghiệt đa da.Do lực gia trì khi xưng danh hiệu Ly Bố Uý Như Lai nên có thể khiến tất cả mọi sợ hãi của loài quỷ đều được trừ diệt, lìa cảnh giới ngạ quỷ.
Đức Phật bảo tôn giả A Nan:. Nếu có hàng tộc tánh, người thiện nam đã xưng danh hiệu gia trì của bốn vị Như Lai rồi, thì búng ngón tay bảy lần, nghiêng khay thức ăn đổ trên đất sạch.
Làm việc thí thực này xong thì ở bốn phương nơi đó có trăm ngàn na-do-tha hằng hà sa số ngạ quỷ, trước mỗi vị có bốn mươi chín đấu thức ăn của nước Ma-già-đà, thọ thực xong, thảy đều no đủ. Các loài quỷ đây đều bỏ thân quỷ, sinh về cõi trời.
Này A Nan, nếu có chư vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thường đem mật ngôn này cùng danh hiệu của bốn vị Như Lai, gia trì vào thức ăn rồi bố thí cho loài quỷ, liền được đầy đủ vô lượng phước đức, không khác với công đức cúng dường trăm ngàn câu chi chư Như Lai, thọ mạng dài lâu, sắc lực tăng ích, thiện căn đầy đủ, tất cả phi nhân, dạ xoa, la sát, chư ác quỷ thần chẳng dám xâm hại, có thể thành tựu vô lượng phước đức, thọ mạng.
Nếu muốn bố thí cho chúng Bà-la-môn tiên thì cần đem đồ ăn thức uống sạch đựng đầy một đĩa, dùng mật ngôn trên gia trì mười bốn biến, rồi đổ vào dòng nước sạch. Làm vậy xong là đã đem các món ẩm thực mỹ diệu của chư thiên tiên mà cúng dường cho trăm ngàn câu-chi hằng hà sa số Ba-la-môn tiên. Chư tiên nhân nhờ thức ăn đã được gia trì, nhờ uy đức của mật ngôn mà mỗi mỗi đều thành tựu sở nguyện căn bản cùng các thiện công đức. Mỗi mỗi đồng thời phát thệ nguyện rằng: "Nguyện cho người cúng đây được thọ mạng dài lâu, sắc lực an lạc. Cũng cầu cho tâm người ấy, thấy, nghe, hay biết đều thanh tịnh chân chánh [6], thành tựu đầy đủ uy đức của bậc Phạm thiên, hành hạnh Phạm thiên, lại đồng công đức cúng dường trăm ngàn hằng hà sa chư Như Lai, tất cả oán thù chẳng thể xâm hại".
Nếu các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di muốn cúng dường Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, thì nên lấy hương hoa và những món ẩm thực thanh tịnh, dùng mật ngôn trên gia trì hai mươi mốt biến để phụng hiến Tam bảo. Thiện nam tử, thiện nữ nhân đây đã thành tựu trong việc dùng những món ngon thượng vị của cõi trời mà phụng hiến cúng dường Phật, Pháp, Tăng bảo khắp mười phương giới; cũng được công đức tán thán, khuyến thỉnh và tuỳ hỷ; thường được chư Phật tưởng nhớ, ca ngợi; chư thiên thiện thần thường đến ủng hộ; liền được đầy đủ bố thí ba-la-mật.
Này A Nan, ông theo lời ta, như pháp tu hành, ban bố, truyền rộng, khiến các chúng sinh đều được thấy nghe, thu được vô lượng phước báu. Đây gọi là kinh Cứu ngạ quỷ Diệm Khẩu và chúng sinh khổ đà-la-ni. Dùng tên kinh này. Ông phải phụng trì.
Tất cả đại chúng và tôn giả A Nan v.v… nghe đức Phật nói kinh này xong, một lòng tin nhận, hoan hỷ, phụng hành kinh Cứu bạt ngạ quỷ Diệm Khẩu đà-la-ni.
Hiệu nghiệmNguyên nhân bài kinh trên được tìm thấy, là do bệnh tôi trở nặng sau khi ngưng hoá trị. Thuốc đánh tới đó không đánh được nữa. Phải ngưng. Theo dõi.
Trong giai đoạn vào thuốc thì mọi thứ không có gì khó khăn với tôi. Người vẫn khỏe ở một mức tương đối đủ để thấy cuộc đời vẫn đẹp. Không có từ chán nản, mệt mỏi. Chỉ là sau khi ngưng thuốc, mọi khổ nạn mới đổ xuống. Bụng tôi bắt đầu chứa nước và trương phình lên, dù nó không liên quan gì đến gan và thận. Không còn ăn uống được nữa. Bởi đầy bụng là giới hạn chặn trên. Loại bột protein bình thường giúp tôi đủ máu đánh thuốc cũng trở thành kẻ phản pháo. Uống vào chỉ khiến tôi thấy mệt hơn là không uống. Ăn bất cứ gì vào cũng mệt. Không ăn cũng mệt. Sức sống cạn lần. Thấy chết là hạnh phúc và giải thoát.
Người bấy giờ nhìn vào y chang hình tượng quỷ đói trong các bức hình vẽ trên mạng. Chỉ cái bụng là vĩ đại. Còn lại là da bọc xương. Đương nhiên phải cấp cứu vào bệnh viện. Không phải vì muốn sống. Bởi lúc đó tâm thức muốn sống đã xoay chiều. Chết mới là hạnh phúc và giải thoát. Vọng tâm là vậy. Không cố định. Theo duyên biến đổi. Khi con người ở tình thế đau đớn mệt nhọc quá thì hình như thường nghĩ đến cái chết nhiều hơn là sống. Chết là giải thoát. Dù có giải thoát thật không lại là chuyện khác. Vì thế, cấp cứu không hẳn là để sống mà để chấm dứt tình trạng mệt nhọc trong hiện tại. Loại mệt nhọc mà bản thân mình chưa đủ nhẫn lực để chịu đựng trong bình thản...
Cấp cứu về có đỡ hơn, nhưng rồi đâu cũng vào đó. Lại cấp cứu tiếp. Vì đường ăn uống bị bít lấp. Chỉ có truyền nước mới có thể giúp mọi thứ trở nên yên ổn. Ta-bà ít có cái gì được như ý. Muốn chết cũng không xong. Vì chưa đủ độ chết là đã chịu không nổi với sự mệt nhọc của thân này. Đành phải cấp cứu, thôi nghĩ đến chết, giải quyết tình trạng hiện tại trước đã.
Khổ nhọc thân mình, mình còn chưa kham nỗi, nói là kham đến khổ nhọc của ai khác? Giấc mộng cúng thí tạm đi vào quên lãng.
Đợt cấp cứu này không chỉ có vụ mệt mà còn thêm vụ đau. Mấy năm trời đánh thuốc, ai đau thì đau, tôi cũng có chút gì đó ở cái chân rồi thôi. Ngủ là quên. Mà ngủ thì không khó. Không thì cũng không thấy có gì can hệ. Mọi thứ là bình yên. Nhưng đợt này ngoài mệt, còn đau cái bụng và nôn liên tục. Không có gì ngoài nước và bọt mà nó cứ xốc cái bao tử lên cho liên tục. Bác sĩ ấn vào bụng hỏi chỗ này đau không? Không. Chỗ này đau không? Không. Không có chỗ nào đau mà đau quặn hết mới hay.
Rốt cuộcĐể chấm dứt tình trạng đau và nôn đó, một cái ống dài ngoằng được đưa từ lỗ mũi xuống bao tử cho nước gì đó chảy ra. Bác sĩ đã giải thích như thế. Mà hết đau thật. Cũng không còn nôn. Và rồi sau đó ăn uống lại được. Không còn nôn cũng không còn đau bụng. Miệng bắt đầu thèm ăn.
Nhưng về đến nhà tình trạng khó chịu trong bao tử lại bắt đầu. Những thứ thấy thèm thì ăn vào không tiêu. Còn cơm và bánh mì, những thức ăn bình thường giúp người đời no bụng, nghe đến tên thôi là muốn dợn ngược và ói. Tôi nghĩ đến loài quỷ đói trong chính thân xác mình. Tôi nhớ lại giấc mơ mà mình chưa thực hiện được.
Giờ thì đủ sức để có thể lên google tìm những gì mình muốn tìm. Bởi trước giờ tôi vẫn nghĩ thí thực là việc của chư Tăng. Tôi gần như không biết chút gì về việc thí thực. Tháng bảy cũng làm mâm cơm cúng rồi thôi. Không nghĩ gì xa hơn. Giờ muốn thực hiện việc thí thực thì cũng phải biết chút gì đó. Dù là nương nhờ chư Tăng cúng cho thì cũng phải biết nương thế nào, nhờ làm sao. Và rồi đọc thấy bài kinh cứu bạt ngạ quỷ này. Đó là nguyên do đưa tới việc tìm thấy bài kinh.
Do đọc được bài kinh, phần được sự chỉ bày của quý thầy ở một chùa bên quận mười, việc thí thực được thực hiện. Cúng ngày trước, ngày sau tôi bắt đầu ăn được cho đến giờ này. Không còn tình trạng cơ thể không chịu dung nạp thức ăn nữa.
Vụ ăn thì giải quyết được rồi. Ứng nghiệm thấy rồi. Còn vụ thay đổi thân tướng, giải quyết cái bụng to tướng nặng nề và tuổi thọ tăng trưởng thì thật sự chưa biết ra sao. Nếu hai việc sau không được linh ứng như kinh nói, nói chính xác là chưa được ứng nghiệm, thì việc đó cũng không làm mất niềm tin của tôi đối với kinh luận. Bởi đối tượng trong kinh là ngài A Nan và những thiện nam tín nữ có đồng thiện căn như ngài. Tôi chưa được ứng nghiệm như ngài là vì thiện căn tôi chưa được như ngài, vậy thôi. Cần sự tu tập hành trì và tạo thiện nghiệp nhiều hơn. Việc này trong kinh luận cũng đã nói rõ.
Biệt thời ý thúTrong Nhiếp Chánh Luận, bản dịch của ngài Huyền Trang ghi: "Ngoài ra còn có Tứ ý thú và Tứ bí mật. Mọi lời Phật nói nên căn cứ vào đó mà lý giải và quyết định". Nghĩa là, khi đọc kinh Phật, phải dùng bốn thứ ý thú và bốn thứ bí mật đó làm nền tảng để hiểu thì mới thông tỏ chính xác những gì mà Phật muốn nói trong kinh.
Đây chỉ nói về "Biệt thời ý thú" trong Tứ ý thú mà không nói các phần khác. Vì phần ý thú này cần thiết cho phạm vi bản kinh này. Nêu ra để hiểu hơn về cách hành văn cũng như ý nghĩa mà đa phần kinh luận đã nêu bày. Hiểu rõ, ngoài việc đánh tan sự nghi ngờ (do cái nhìn còn bị hạn cuộc trong nghiệp thức chúng sinh), nó còn giúp việc ứng dụng kinh luận vào đời sống của mình không nhầm lẫn.
Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký của Tổ Hiền Thủ ghi: "Biệt thời ý thú là, như nói: Nếu tụng danh hiệu Đa Bảo Như Lai thì đối với Bồ-đề vô thượng chánh đẳng đã được quyết định". Hoặc nói: "Do chỉ phát nguyện, liền được vãng sinh thế giới cực lạc". Ngài Vô Tánh giải thích: "Vì khuyến khích kẻ giải đãi, đối với pháp không chịu tinh cần mà nói như vậy. Ý muốn trưởng dưỡng kẻ có thiện căn đời trước. Như thế gian nói chỉ nhờ một đồng mà được đến hàng ngàn". Như vậy, trong kinh chỉ nói đến mặt nhân và quả. Nhân như thế nhất định cho ra quả như thế. Nhân là dùng chú và thức ăn cúng dường ngạ quỷ đói, Bà-la-môn tiên và Tam bảo khắp mười phương thì quả là được tăng tuổi thọ và phước đức lớn. Nhưng kinh không hề nói khi nào thì được như thế. Vì từ nhân đến quả còn bị chi phối bởi duyên. Duyên ở đây là tùy vào căn cơ của người hiến cúng. Một là dành cho người đã có thiện căn sâu xa, như ngài Vô Tánh nói: "Ý muốn trưởng dưỡng kẻ có thiện căn đời trước". Những vị này sẽ được y nguyện như ngài A Nan. Một là dành cho hạng căn cơ yếu kém hơn như ngài Vô Tánh nói "Vì khuyến khích kẻ giải đãi, đối với pháp không chịu tinh cần mà nói như vậy". Hạng này thì cần phải có thời gian và bỏ công sức nhiều hơn trong việc tụng niệm cũng như hiến cúng thì mới được như nguyện. Như vậy cùng một cái nhân nhưng tùy căn khí của từng người mà có cái quả mau chậm khác nhau, thành tựu ngay hiện đời hay không, không có chuẩn nhất định về ngày tháng.
[2] Đại tạng kinh số 1313. Tam tạng Sa-môn Bất Không phụng chiếu dịch.
[3] Ma-kiệt-đà
[4] Vật dụng chứa thức ăn phù hợp
[5] Bản Hán của ngài Thật Xoa Nan Đà ghi: Trước lấy đồ ăn thức uống đặt vào một đĩa sạch. Tụng chú đà-la-ni trên bảy biến.
[6] Đại nhật kinh sớ quyển 1 (Đại 39, 582 thượng) nói: Ngũ nhãn của Như Lai bắt nguồn từ tâm Bồ-đề rốt ráo thanh tịnh’ dùng Nhất thiết chủng trí quán xét tất cả pháp, cho nên Kiến văn giác tri của Như Lai đều rõ ràng không bị ngăn ngại. phatgiao.org.vn.
Các tin khác
-
» KÍNH TIN NHƯ PHẬT (25/07)
-
» BỐN HẠNG TĂNG (20/02)
-
» NHÌN VẠN PHÁP ĐÚNG NHƯ CHÍNH NÓ (06/10)
-
» ĐỜI KHÔNG THIẾU TRI ÂM (12/08)
-
» NƯƠNG VÀO GIÁO PHÁP CỦA NHƯ LAI (01/05)
-
» XUÂN TRÊN CAO NGUYÊN, NGẪM VỀ SỰ CÔ ĐƠN (20/11)
-
» PHẬT TỬ GIỮA MÙA DỊCH (05/11)
-
» KHI VĂN-THÙ VẮNG MẶT (26/10)
-
» ĐÂU CŨNG CÓ PHẬT PHÁP (27/06)
-
» CHIÊM NGHIỆM THỰC TẾ TỪ KINH LUẬN (14/10)