Thiền
ĐẠI Ý KINH LĂNG NGHIÊM (tt)
Viết cho Nguyệt San Giác Ngộ số 320 (PL2565) tháng 11. 2022
16/12/2022
IV. QUẢ VỊ TRONG KINH LĂNG NGHIÊM VỚI VẤN ĐỀ ĐỐN TIỆM
Từ điên đảo loạn tưởng, chỉ ra mười hai loại sinh
Y định Thủ lăng nghiêm, mở bày năm mươi bảy vị
Do hạnh tăng tiến, trải dần qua các vị
Được tâm kim cang mà đốn khởi các vị
Nếu chẳng rõ quả vị của Lăng nghiêm, khởi tăng thượng mạn, thì chẳng những không được lợi ích, trái lại còn dễ bị đọa.
Kiến tánh thành Phật là pháp môn đốn ngộ, nên không có thứ lớp. Ngay nơi sự mà tỏ lý, không gì là không đốn. Ngay nơi lý mà tỏ sự thì có thứ lớp. Trong đốn có tiệm, là trong đốn ngộ có tu chứng thứ lớp. Trong tiệm có đốn, là trong tiệm tu có giác ngộ đốn phát.
Chúng sinh điên đảo loạn tưởng, từ vô thủy đến nay mê vọng bất giác nên có noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, hoặc phi hữu sắc, hoặc phi vô sắc, hoặc phi hữu tưởng, hoặc phi vô tưởng, có mười hai loại sinh như thế. Kinh nói: “Trong mỗi loại chúng sinh như thế, đều đủ mười hai thứ điên đảo. Giống như dụi mắt thì hoa đốm phát sinh, điên đảo thì minh tâm diệu viên chân tịnh đầy đủ loạn tưởng hư vọng như thế". Vì muốn vượt thoát thế giới chúng sinh, chứng được Niết-bàn, thành tựu Bồ-đề, mà mở bày 57 giai vị, là Càn huệ địa, Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Tứ gia hạnh, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác.
Thế nào là ba loại thứ lớp? Kinh nói: “Một, tu tập trừ trợ nhân. Hai, thật tu bày chánh tánh. Ba, tăng tiến lìa hiện nghiệp”. Tu tập trừ trợ nhân là đoạn trừ ngũ vị tân. Nay thì thuốc lá, rượu bia, cờ bạc cũng thuộc trợ nhân, đều cần phải trừ. Thật tu bày chánh tánh là nghiêm trì giới luật thanh tịnh. Tăng tiến lìa hiện nghiệp là xoay cái thấy thấy tự tánh, xoay cái nghe nghe tự tánh, thủ hộ căn môn, không để sáu căn phóng dật theo sáu trần. Nhân giới sinh định. Đó là ngược dòng sáu căn, thuận một thể giác. Trì giới tánh sáu căn thì ba thứ thuộc thân, bốn thứ thuộc miệng tự nhiên thanh tịnh. Kinh nói: “Diệu viên bình đẳng, được đại an ổn, tất cả mật viên tịnh diệu của Như Lai đều hiện trong đó, người này liền được Vô sinh pháp nhẫn. Từ việc tiệm tu này, tùy chỗ phát hạnh mà an lập thánh vị”.
Tâm kim cang, là Vô gián đạo trước khi thành Phật. Nếu một vị nhiếp tất cả vị thì trên mỗi một vị đầy đủ 55 vị, là con đường Bồ-đề chân thật. Nơi tâm kim cang ấy, trải qua lại 55 vị, đều là an lập vị thứ trong cái định Thủ lăng nghiêm, là pháp môn ngay tiệm mà đốn. Kinh nói: “Từ tâm Càn huệ đến Đẳng giác rồi, giác đó mới được sơ Càn huệ địa trong tâm kim cang, như thế mà đơn kép trùng trùng mười hai vị [1] mới cùng tột Diệu giác, thành đạo vô thượng”.
V. TRỪ CHƯỚNG TRONG KINH LĂNG NGHIÊM
Si, ái giúp bảy đường chuyển
Mạn, kiến giúp ngũ ấm ma
Nói nghiệp báo trừ giới chướng
Luận tâm cảnh trừ định chướng
Người mới học thiền định, khi được định cảnh, như bất chợt đến vùng sa mạc, cảnh giới của một khối sa mạc rộng lớn không có giới hạn, trước nay chưa từng trải qua, tuyệt chẳng phải là đất cảnh nhân gian tầm thường. Tới chỗ này thời dễ khởi mê hoặc. Theo ngũ ấm mà thứ lớp phát hiện cảnh của nó. Từ cảnh giới sắc ấm hiện đến cảnh giới thức ấm dừng, đều là tác dụng phụ của định tâm hiện khởi. Mê lầm, cho là cảnh giới thánh thì đó là tà ma. Cho nên trừ định chướng là thiết yếu, chẳng thể coi thường. Chẳng sinh tà kiến thì tự hay trừ khử ma chướng. Phải quán tất cả pháp vốn là Như Lai tạng diệu tánh chân như thì tất cả chướng không từ đâu phát sinh, không cần phải đối trị. Nếu tâm mê điên đảo liền thành căn bản của chướng.
Si ái là tham si. Kinh nói: “Như vậy địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, thần tiên, trời, cho đến A-tu-la, bảy đường đó xét cho kỹ đều là các tướng hữu vi trầm tối”. Do si ái mà có bảy đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, tiên, trời, A-tu-la lưu chuyển. Muốn thoát khỏi bảy đường lưu chuyển này, cần phải trì tịnh giới, giới trừ tham si, và quán trở lại tự tánh thanh tịnh.
Ngũ ấm ma là từ mạn và kiến mà khởi. Tăng thượng mạn, được ít cho là đủ, tự cho đã chứng thánh quả mới chiêu cảm ma sự. Nơi định tâm khởi cái thấy bất chánh như đoạn, thường v.v. liền gia nhập ngoại đạo. Kinh nói: “Ma cảnh hiện tiền, ông chẳng thể biết, lọc tâm chẳng chánh, lạc vào tà kiến. Lại ở trong đó được ít cho là đủ, như Tỷ-kheo Vô Văn được đệ tứ thiền, vọng nói chứng thánh, liền đọa vào ngục A-tỳ”. Muốn trừ ngũ ấm ma thì nên tiêu trừ cái thấy bất chánh và tăng thượng mạn. Tâm tu định chính là chủ nhân. Chủ nhân nếu mê, khách tà ma liền được dịp. Tâm có không thì cảnh có không [2], giác ngộ không mê thì thường không trở ngại. Kinh nói: “Do nơi tâm ông, ngũ ấm là chủ nhân, chủ nhân mê thì khách được thuận tiện. Ngay trong thiền na, giác ngộ không lầm thì ma sự kia không làm gì được ông”.
Muốn thoát khỏi bảy đường nghiệp báo luân hồi, cần trừ ba hoặc là sát, đạo, dâm. Kinh nói: “Muốn được Bồ-đề, cần trừ ba hoặc. Ba hoặc không hết thì dù được thần thông, đều là công dụng hữu vi ở thế gian”. Muốn thành tựu Định Tuệ, cần có chánh kiến và chẳng khởi tăng thượng mạn. Kinh nói: “Ma cảnh hiện tiền, có thể thấu hiểu, cấu tâm tẩy trừ, chẳng đọa tà kiến”.
VI. BIỆN VỀ HOẶC TRONG KINH LĂNG NGHIÊM
A. PHẦN GIÁO LÝ
Hai căn bản với chân tâm luận
Bảy đại với duy căn luận
Mười hai loại sinh với pháp thân luận
1/ Hai căn bản với chân tâm luận
Kinh nói: “Một, căn bản sinh tử từ vô thủy. Đó là tâm phan duyên mà hiện nay ông cùng các chúng sinh lấy đó làm tự tánh. Hai, cái thể Bồ-đề Niết-bàn vốn thanh tịnh từ vô thủy. Chính là thức tinh nguyên minh của ông hiện nay hay sinh các duyên mà bị các duyên bỏ quên”. Bị các duyên bỏ quên, là giác tri không thể đến. Kinh cũng nói: “Từ vô thủy đến nay sinh tử tương tục đều do không biết chân tâm thường trụ, thể tánh sáng tịnh, lại dùng các vọng tưởng. Tưởng này chẳng chân, nên có luân chuyển”. Đây đều là luận về chân tâm, nói vọng để rõ chân.
Trong toàn bộ văn kinh, có một tư tưởng trọng tâm nhất quán, đó là chân tâm thường trụ, nên bản kinh lấy chân tâm thường trụ làm nền tảng. Tín giải, là rõ được cái lý chân tâm thường trụ. Tu hành, là trừ các thứ làm chướng chân tâm thường trụ. Chứng quả, là chứng cái đức của chân tâm thường trụ.
2/ Bảy đại với duy căn luận
Đất, nước, gió, lửa là bốn đại. Cùng với không đại và thức đại là sáu đại. Đây kinh đặc biệt thêm căn đại, thành bảy đại. Vì đó mà có phần triển khai là luận về duy căn. Kinh nói: “Như một căn thấy, thấy khắp pháp giới. Nghe, ngửi, nếm, chạm, nhận biết, diệu đức trong suốt trùm khắp pháp giới, đầy hết mười phương hư không, không có chỗ nơi”. Cũng nói: “Ông muốn biết cái câu sinh vô minh [3] khiến ông luân chuyển sinh tử và có các căn, chính là sáu căn của ông, hoàn toàn không có thứ gì khác. Ông nếu muốn biết Bồ-đề vô thượng khiến ông chóng chứng tâm diệu thường tịch tĩnh giải thoát an lạc cũng là sáu căn của ông, hoàn toàn không có thứ gì khác”.
Căn đại cùng với việc tu nhĩ căn viên thông có quan hệ khá mật thiết. Kinh này nói đến căn và thức, so với những gì luận Duy thức nói thì giới hạn không đồng. Luận Duy thức, phạm vi của thức sâu rộng. Kinh Lăng nghiêm, phạm vi của căn sâu rộng. Cho nên, luận về duy căn và duy thức có đối lập, dùng căn nhiếp tất cả pháp.
Tôi, khoảng mười năm về trước, từng làm ra ba loại duy luận là duy thức, duy căn và duy cảnh. Luận duy căn là chỗ đặc dị của kinh Lăng nghiêm, dùng căn không dùng thức, vì sáu thức hiện lượng đều nhiếp tại sáu căn.
3/ Mười hai loại sinh với pháp thân luận
Kinh nói: “Nếu diệu tâm chân tịnh diệu minh xưa nay tròn khắp, vậy thì hết thảy cây, cỏ, đất đai, các loài hàm linh máy động vốn nguyên là chân như, chính là chân thể thành Phật của Như Lai. Phật thể chân thật, vì sao lại có các đường địa ngục, ngạ qủi, súc sinh, A-tu-la, người và trời?”. Mười hai loại sinh bao gồm các vật vô tình như vàng, đá, gỗ, đất, núi, sông, đại địa v.v... Như vậy ắt chúng sinh hữu tình luân chuyển trong sinh tử có thể biến thành vô tình [4]. Đây không đồng với giáo nghĩa được nói ở các kinh luận khác. Nhưng kinh Lăng nghiêm đúng là do Phật thuyết, chỉ vì điểm căn cứ có khác mà thôi. Chúng sinh thế giới tức [5] là chân thể thành Phật của Như Lai, ví như toàn biển mà thành sóng, sóng khắp tất cả biển. Pháp thân thành hữu tình vô tình thì hữu tình vô tình đều là pháp thân. Kinh nói: "Tình cùng vô tình đều thành Phật đạo”.
B. PHẦN KHẢO CỨU
Giải thích tên Thủ lăng nghiêm và khảo cứu phần chú trong kinh
Kinh nữ Ma-đăng-già với bản kinh
Phiên dịch và lưu truyền bản kinh
1/ Giải thích tên Thủ lăng và khảo cứu phần chú trong kinh
Thủ lăng nghiêm, Trung Hoa dịch là “kiện hạnh”. Xưa nay các nhà chú giải kinh này thường dịch là “Tất cả sự rốt ráo kiên cố". Tất cả sự, là hạnh. Rốt ráo kiên cố, là kiện.
Kinh này, nói giản lược là Lăng nghiêm, nói đầy đủ là Đại Phật đảnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ-tát vạn hạnh Thủ lăng nghiêm.
Một tên nữa là Trung Ấn Độ Na-lan-đà đại đạo tràng kinh, nơi bộ Quán đảnh ghi ra các biệt hạnh. Nghĩa là, kinh này được ghi ra từ bộ Quán đảnh trong tạng kinh của chùa Na-lan-đà.
Ngoài ra còn có Phật thuyết thủ Lăng nghiêm tam muội kinh, một quyển, do Cưu-ma-la-thập dịch, so với kinh này thì không đồng bản, chỉ chuyên thuyết về thần dụng và công đức của Phật và Bồ-tát khi được tam muội này.
Chú Lăng nghiêm ấn định cho Tăng chúng tụng vào sáng sớm, kỳ thật chỉ mười câu từ sau mấy từ “Đát-điệt-tha" [6] trở đi mới là tâm chú. Còn trước là nghi thức cúng lễ tán tụng năm hội: Một, Tì-lô chân pháp hội. Hai, Thích Tôn ứng hoá hội. Ba, Quán Âm hợp đồng hội. Bốn, Cương tạng chiết nhiếp hội. Năm, Văn-thù hoằng truyền hội. Những giải thích chi tiết này được lấy ra từ chương trích và chú giải chú trong sớ Quán đảnh.
Một kinh gần đồng với danh nghĩa của kinh chú này, là Đại Phật đảnh Như Lai phóng quang tất-đát-đa bát-đát-la đà-la-ni, do ngài Bất Không dịch, thuộc Tục tạng, trọn bộ bốn quyển. Ngoài ra, còn có kinh Phật đảnh đại bạch tản cái đà-la-ni, do Sa-la-ba dịch; kinh Phật thuyết đại bạch tản cái đà-la-ni, do Nguyên và Chân Trí v.v. dịch. Hai kinh này có luôn phần nghi thức tụng chú ở trong Tần-già tạng, bộ đầy đủ sáu cuốn. Ngoài ra còn Bạch tản cái đại Phật đảnh vương tối thắng vô tỷ đại uy đức kim cang vô ngại đại đạo tràng đà-la-ni niệm tụng pháp yếu. Cuốn này, trong Tần-già tạng thấy còn bộ một quyển, trong Tục tạng thì ba bộ một quyển [7]. Chỉ thấy Đông Mật ghi nghi thức tụng, không rõ người dịch.
2/ Kinh Nữ Ma-đăng-già và bản kinh
Kinh Nữ Ma-đăng-già, hai quyển, do Trúc Luật Đàm và Chi Khiêm người Thiên Trúc đời Ngô dịch. Kinh Xá-đầu gián thái tử thập nhị bát túc, một quyển, do Trúc Pháp Hộ đời Tây Tấn dịch. Hai kinh này đồng bản mà khác phần dịch, nêu rõ túc duyên giữa A-nan và Ma-đăng-già. Ngoài ra, còn có Phật thuyết nữ ma đặng kinh, một tờ, đời Hậu Hán, Tam tạng An Thế Cao nước An Tức dịch; Phật thuyết ma đặng nữ giải hình trung lục tự kinh, một tờ, ghi đời Đông Tấn, không rõ người dịch. Hai kinh này đồng bản mà khác phần dịch, chỉ thuyết A-nan bị khốn được chú của Phật cứu độ.
3/ Phiên dịch và lưu truyền bản kinh
Kinh này được phiên dịch và ghi chép xong vào ngày 23, tháng 5, năm Ất Tỵ, niên hiệu Thần Long đời Đường Trung Tông, do Tam tạng sa môn Bát Thích Mật Đế người Trung Thiên Trúc dịch tại đạo tràng Chế Chỉ ở Quảng Châu. Lược sơ về thời gian hoàn thành là như vậy. Theo Khai Nguyên Lục thì sa môn Hoài Địch đời Đại Đường ở Quảng Châu dịch. Bản lưu hành hiện nay, còn phải nói thêm bản của sa-môn Di-già Thích-ca nước Ô Trành dịch ngữ, Phòng Dung ở Thanh Hà chép truyền.
Kinh này được truyền rộng, tương truyền là do tướng Phòng Dung chép kinh dâng lên vua, đang lúc Trung Tông mới lên ngôi, chưa rảnh mà ban hành, thiền sư Đại Thông Thần Tú [8], lúc đó đang ở trong đạo tràng, thấy bản tấu, chép ra cho lưu hành ở đất bắc, đồng thời sao lại một bộ mang về chùa Độ Môn ở Kinh Môn. Sa-môn Tuệ Chấn ở Quán Đào, được khoa giải, là người đầu tiên truyền rộng ra. Đến năm thứ 10 Thiên Bảo có pháp sư Duy, nơi nhà của Phòng Dung, được bản viết tay của ngài, bắt đầu tạo chú sớ. Cũng tương truyền, Mật Đế trước đã từng đến Trung Quốc [9], thấy môn Chỉ Quán của đại sư Trí Giả, cho là hơi giống Lăng nghiêm. Trí Giả nhân đó thỉnh phiên dịch để truyền đến Trung Quốc.
Lăng Nghiêm được truyền rộng với bốn nhà có nguồn gốc sâu là Thiền, Thiên Thai, Hiền và Nho. Sau đời Đường, đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, không thiếu người hoằng dương Lăng nghiêm.
- Thiền gia thì có thiền sư Đạo Hiến ở Trường Khánh, thiền sư Trí Giác ở Vĩnh Minh [10], thiền sư Lặc Đàm Hiểu Nguyệt, Thiền sư Thạch Môn Viên Minh, Thiền sư Ôn Lăng Bảo Thắng, Thiền sư Trung Phong Minh Bản, cùng với Thiên Như và Tử Bá v.v…
- Hiền gia thì có pháp sư Tắc Tư Trung Hoằng Thẩm, pháp sư Trưởng Thủy Tử Tuyền, pháp sư Lỗ Sơn Phổ Thái, pháp sư Giao Quang Chân Giám, pháp sư Từ Vân Tục Pháp, pháp sư Đạt Thiên Thông Lý v.v…
- Thiên Thai gia thì có pháp sư Tắc Cô Sơn Trí Viên, pháp sư Đồng Châu Hoài Thản, pháp sư Thiên Thai U Hoát, pháp sư Linh Phong Ngẫu Ích v.v…
- Nho gia thì có Tắc Vương Giới Phủ giải thích, Trương Vô Tận chú thêm, Tằng Phượng Nghi tông thông, Tiền Khiêm Ích Mông [11] sao chép v.v…
Pháp sư Không Ấn ở Ngũ Đài Sơn và pháp sư Ngẫu Ích thì dần dà dùng nghĩa của pháp tướng để nói kinh Lăng nghiêm.
Cuối đời Đường trở lại đây, Tam luận thì biến mất mà Duy thức cũng chẳng thịnh, nên ít ai thông thấu được kinh này. Có khi cũng dùng nghĩa của các tông đó sớ giải nhưng sơ sài khái lược. Do đó, người gần đây [12] cứ y vào nghĩa của tam luận hoặc Duy thức đó mà sinh phỉ báng và chống đối.
[1] Trong kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ, ngài Hàm Thị giải thích: "Tu đơn kép mười hai vị chính là tổng kết văn trên, từ Càn huệ địa lần lượt trải qua các vị đến Diệu Giác. Như người về đến nhà hồi tưởng lại mới biết bước đường trải qua rất là cần cù lao nhọc, nhưng in tuồng như chưa ra khỏi cửa mà lại thẳng tắt mau chóng vậy. Đơn kép, ngài Vân Thê nói: "Mỗi ngôi vị đều có một vị là đơn. Một vị có đủ mười hai vị là kép. Lấy đơn chồng lên kép, lấy kép chồng lên đơn, mỗi cái đều có mười hai"".
[2] Ý là tâm có thì cảnh có, tâm không thì cảnh không.
[3] Câu sinh, là cùng sinh. Câu sinh vô minh, là loại vô minh khi sinh ra là đã có.
[4] 十二類生包含金石土木、山河大地等無情之物。如是則有情眾生,生死流轉,可變為無情
[5] Tức, có nghĩa là ngay đó mà không phải đó. Đây là nói trên mặt hình thức, tướng và thể thấy không đồng, vì tướng thì có mà thể thì không. Nhưng các tướng đó bản chất đều là chân thể thanh tịnh, như vàng làm thành xuyến, thành nhẫn. Xuyến và nhẫn thấy có khác và khác với toàn thể khối vàng, nhưng đều từ vàng làm ra.
[6] Trung Hoa dịch là Tức thuyết chú viết, ngài Trường Thủy giải thích.
[7] Liên Phật hội ghi "thuộc tập X2 Tục tạng kinh, một quyển".
[8] Đại Thông, là hiệu vua sắc phong cho ngài Thần Tú.
[9] Mật Đế dịch bản kinh này ở Quảng Châu thời Trung Tông (lên ngôi hai lần. Một, vào năm 684. Hai, vào năm 705) Cách Thời Trí Giả cả 100 năm. Ngài Trí giả sinh năm 538, mất 597. Việc này tương ưng với tích nói trong kinh Lăng nghiêm: Trí giả cầu kinh Lăng nghiêm nhưng đến cả 100 năm sau kinh mới đến. Phần sau lại nói “Tương truyền Mật Đế từng qua Trung Quốc gặp Trí Giả”, không biết do Mật Đế sống thọ hay là nói hóa thân kiếp trước của ngài.
[10] Trí Giác, hiệu vua Tống ban cho. Vĩnh Minh là tên chùa. Ngài tên Diên Thọ.
[11] Tiền Khiêm Ích hiệu Mông Tấu, làm quan đời nhà Thanh.
[12] Cũng ám chỉ cho kẻ có cái nhìn thiển cận.
Các tin khác
-
» ÔNG MẬP MANG BAO VẢI (15/01)
-
» NHƯ MỘT CÂU RỐT SAU (15/12)
-
» ĐẠI Ý KINH LĂNG NGHIÊM (06/10)
-
» PHẢN QUAN TỰ KỶ BỔN PHẬN SỰ - BẤT TÙNG THA ĐẮC (04/04)
-
» XÂY THÁP CÚNG DƯỜNG (19/02)
-
» ÁI DỤC & TUỆ GIÁC TÁNH KHÔNG (12/02)
-
» ĐỊNH & TRÍ & TUỆ - NHẤT THỂ KHÔNG PHẢI HAI (26/01)
-
» THẢY ĐỀU KHÔNG CAN HỆ (23/12)
-
» NGỘ TÂM NÀY RỒI, TU NHƯ THẾ NÀO? (15/09)
-
» THIỀN ĐẠI THỪA VÀ TỐI THƯỢNG THỪA (20/05)