Thiền
ĐẠI Ý KINH LĂNG NGHIÊM
Viết cho Nguyệt San Giác Ngộ số 319 (PL2565) tháng 10. 2022
27/10/2022
Phần Đại ý kinh Lăng nghiêm [1] này có sáu chương.
- Phật pháp và ý dục của nhân sinh
- Phật pháp và sự biến hiện của vũ trụ
- Hạnh môn trong kinh Lăng nghiêm với vấn đề Thiền Mật
- Quả vị trong kinh Lăng nghiêm với vấn đề đốn tiệm
- Trừ chướng trong kinh Lăng nghiêm
- Biện hoặc trong kinh Lăng nghiêm
I. Phật pháp và ý dục của nhân sinh
Không phải túng dục, không phải tiết dục, không phải tuyệt dục
Đoạn trừ loại dục thấp hèn để mở rộng loại dục thù thắng
Do đó có phần duyên khởi kinh Lăng nghiêm
Pháp, nghĩa của nó rất rộng, ngày nay người đời dùng để gọi vạn vật vạn hữu trong vũ trụ, nhưng vậy vẫn chưa bắt kịp được nghĩa rộng của chữ pháp. Pháp của pháp giới, thông khắp tất cả pháp mà gọi tên. Gần thì như bản thân mỗi người. Xa thì như pháp giới ở mười phương. Nhỏ thì như một hạt bụi. Lớn thì như toàn quả địa cầu.
Pháp, tuy phủ khắp tất cả, nhưng tướng chân thật của pháp, tất cả chúng sinh do mê mà không biết, chẳng thể nhận được thực tướng của pháp thanh tịnh. Nhân đó mà tâm khởi điên đảo chấp trước.
Người có thể tỉnh biết như thật, gọi là Phật, cũng gọi là Phật đà hay Phù đồ, tức là giác vậy.
Giác, là A-nậu-đa-la-tam miệu-tam Bồ-đề, đây gọi là Biến chánh giác vô thượng.
Giác nhân, là người tương ưng với thật tướng như như của vạn pháp. Nhơn nơi pháp đó mà như thật tỉnh biết các pháp. Cho nên, chỉ có Phật cùng Phật mới được chỗ rốt ráo.
Tất cả chúng sinh mê hoặc điên đảo từ vô thỉ. Nay dùng giác pháp của Phật khai thị, khiến chúng sinh nghe mà ngộ nhập. Tại thế giới này, hiện thân ứng hóa, vì khai thị cho chúng sinh mà phương tiện thuyết tam tạng và mười hai bộ kinh, gọi là Phật pháp. Kinh Lăng nghiêm cũng là một bộ kinh, do Phật tùy thuận chúng sinh, ứng cơ thuyết pháp mà khai thị cho họ. Phật đã hiện thân ở nhân gian mà thuyết pháp. Nhân loại là một loại chúng sinh. Nay lấy nhân loại đại diện cho tất cả chúng sinh.
Động lực căn bản của chúng sinh là ý dục. Ý dục, là một loại tác dụng tinh thần mang khuynh hướng mong muốn hòa hợp. Nguyên nhân khiến nhân loại cùng với tất cả chúng sinh tương tục chẳng dứt, sinh trưởng, phát triển, là do ý dục phát động. Kinh Pháp hoa nói: “Ba cõi xuất hiện, tham dục là gốc”. Kinh A-hàm nói: “Hữu tình trong ba cõi đều nhờ thực mà trụ”. Trụ, là nghĩa sinh tồn tương tục.
Thực, phân thành bốn loại là đoàn thực, xúc thực, tư thực và thức thực.
Đoàn thực và xúc thực thì thu nạp sáu trần, cấp dưỡng thân mạng. Đoàn thực, như mỗi ngày thu nạp thức ăn. Xúc thực, chỉ cho áo quần để mặc, phòng ốc để ở, những gì được thấy, được nghe v.v. Vì thế, y phục, thức ăn, chỗ ở v.v. đều bao gồm trong một chữ thực.
Tư thực, là có hy vọng ở tương lai, hướng tới trước mà tiến, như trong lúc tuyệt vọng, vẫn một mực kiên trì, can đảm tiến lên. Đó là nghĩa “duy trì sinh mạng”.
Thức thực, chỉ cho thức thứ tám thu nạp bảy thức ngoài, huân thành các chủng tử nghiệp. Đó là nghĩa “duy trì thân mạng tương tục chẳng dứt”. Chúng sinh ở cõi Dục không lìa đoàn thực. Phi phi tưởng thiên, một loại thiền định rất sâu của cõi Vô sắc, thân mạng tương tục, chẳng lìa thức thực. Cho nên, chúng sinh trong ba cõi đều y nơi thực mà tồn tại. Kinh Viên giác nói: “Chúng sinh cõi Dục đồng lấy dâm dục mà chỉnh tính mệnh”. Dục, bao gồm ngũ dục. Do sắc, thanh, hương, vị, xúc hoặc tài, sắc, danh, thực, thùy mà khởi dục.
Chúng sinh hữu tình và khí giới vô tình trong cõi Dục đều do hai tánh âm dương kết hợp mà sinh tồn. Như vật chất, theo khoa học mà nói thì điện tử là do điện âm xoay quanh hạch dương mà thành nguyên tử. Với chúng sinh hữu tình thì càng thêm sáng tỏ. Do cha mẹ hòa hợp mà thành thân mệnh, sinh mệnh tương tục. Phải do hai tánh hòa hợp mà thành tánh âm hoặc dương, rồi sau lại tìm cầu hòa hợp. Từ trái nghịch đến cộng hợp. Từ cộng hợp đến trái nghịch. Cho nên, đặc tính của cõi Dục là nương nơi dâm dục. Dâm dục cũng là một loại ý dục, là một loại dục của nhân loại. Nhân loại khi vừa sinh ra, đã có ý dục nam nữ, ăn uống. Chúng sinh ở cõi Dục nhờ vào thức ăn và sắc mà sinh mạng được tương tục, chẳng dứt tạo tác cùng hưởng thụ.
Cõi Dục này, đối với việc phát triển hay ngăn dứt ý dục của người đời, thánh hiền hào kiệt trong và ngoài nước chủ trương chẳng đồng.
1/ Thuyết Túng dục: Đối với ý dục, văn hóa Tây phương thời cận đại tha hồ phổ biến, càng không cấm chỉ. Phát triển và thỏa mãn ý dục đến mức có thể. Nên rồi chinh phục tự nhiên, sáng tạo và sản xuất vật chất, văn minh.
2/ Thuyết Tiết dục: Nho gia của Trung Quốc và hiền triết ở các nước, đa phần đều không chủ trương buông lung các dục, cần đặt nó trong hạn mức nhất định, thực hiện tiết chế, không để quá mức.
3/ Thuyết Tuyệt dục: Đạo gia và một bộ phận thuộc Tông giáo của Trung Quốc cùng một số luận phái Ấn độ v.v. tu thiền định, cầu giải thoát, nhận ra ý dục của nhân sinh là căn bản khiến con người không thể an ổn, nên đối với ý dục, chủ trương dứt hẳn, vượt thoát. Cơ bản là không thu nạp ngũ dục như sắc, thực v.v. siêu vượt cõi Dục. Tu cái định của cõi trời Sắc và Vô sắc, đạt cái định Vô tưởng hay Phi phi tưởng định. Trong Phật giáo, pháp của hai thừa Thanh văn và Duyên giác siêu xuất ba cõi, dứt hẳn ý dục, chứng vô sinh, nhập Niết-bàn, cũng thuộc về thuyết Tuyệt dục này.
Theo Phật pháp Đại thừa, với các dục thấp hèn mang tính ô nhiễm thì cần phải hàng phục và trừ diệt. Buông lung theo các dục thấp hèn thì tai họa chẳng nhỏ, nên trừ ác cốt phải tận. Loại dục vô lậu thanh tịnh thù thắng cũng đồng là ý dục, nhưng nếu tiết chế loại dục thù thắng này thì lại gây trở ngại cho sự phát triển hướng thượng, nên cần hướng dẫn mở rộng. Chỉ có Phật pháp Đại thừa mới hàng phục trừ diệt loại dục thấp hèn, phát khởi loại dục thù thắng. Vì đó là Bát-nhã, đại bi và đại nguyện của pháp thân.
Kẻ tu hành, phát loại tín gì, thú hướng thế nào, chỗ hành, chỗ đến, ở địa vị nào thứ lớp hàng phục trừ diệt loại dục thấp hèn để mở rộng loại dục thù thắng? Từ Bồ-tát hạnh đến khi thành Phật, có đoạn đức, trí đức và ân đức. Đoạn đức, là do hàng phục trừ diệt loại dục thấp hèn mà được. Trí và ân đức là do phát và đạt được loại dục thù thắng mà thành. Do đây có phần duyên khởi của kinh Lăng nghiêm.
Người đương cơ của kinh Lăng nghiêm là tôn giả A-nan-đà, một đệ tử của Phật, đa văn bậc nhất, phát tâm xuất gia, giữ giới Tỷ-kheo, cầu quả A-la-hán trong tứ quả Sa-môn, hạng vị đó chưa phát tâm Bồ-đề và bi nguyện to lớn của Đại thừa. Kinh nói: “Một mình trên đường về, hôm ấy không có người cúng dường, A-nan bưng bình bát vào thành theo thứ tự khất thực”. Lúc ấy, vì A-nan chưa chứng thánh quả, đi khất thực nuôi thân, do có túc duyên mà gặp Ma-đăng-già. Kinh nói: “Đi qua nhà thổ, gặp đại ảo thuật Ma-đăng-già dùng chú Ta-tì-ca-la tiên phạm thiên bắt vào nhà thổ, thân dâm được vuốt ve sắp hoại giới thể”. Mẹ của Ma-đăng-già có chú thuật làm mê hoặc tính người. Lúc A-nan gặp khổ nạn chẳng thể tự cứu, nương lực đọc chú của Phật, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đến cứu thoát, đồng thời dẫn Ma-đăng-già về xuất gia tu hành.
Chúng sinh sinh tử luân hồi, duyên với thực dục và sắc dục, nên người mới tu dễ rơi vào các nạn đó. Cần nương uy lực không thể nghĩ bàn của Phật pháp Đại thừa mà cứu hộ. Chính chỗ này mà có phần duyên khởi của kinh Lăng nghiêm. Để rõ, Tiểu thừa không lực, tự cứu chẳng xong, nếu chẳng y theo uy đức của Đại thừa, lấy đó cứu hộ thì chẳng thể được. Để hàng phục chướng nạn của thực dục và sắc dục thấp hèn, phải nương tâm Bồ-đề và Tứ hoằng thệ, phát triển đại nguyện và đại dục. Cho nên, khi A-nan thoát khổ nạn, liền khóc lóc, cầu xin công đức tu hành thiền định của pháp Đại thừa.
A-nan nghe pháp khai ngộ xong, liền nói kệ:
Nguyện nay đắc quả thành Bảo vương
Độ lại hằng sa chúng như vậy
Mang thâm tâm hầu vô số cõi
Đó gọi là đền báo Phật ân
Cúi xin Thế Tôn chứng minh cho
Ngũ trược ác thế thề vào trước
Nếu một chúng sinh chưa thành Phật
Quyết chẳng ở đây nhập Niết-bàn
Đại hùng đại lực đại từ bi
Nguyện trừ kỹ các hoặc vi tế
Khiến con sớm chứng Vô thượng giác
Ở mười phương giới ngồi đạo tràng
Y theo pháp sinh tử tương tục của cõi Dục, thân tâm đều không trong sạch. Nhất niệm trí tuệ tương ưng với sinh không và pháp không của Đại thừa, tất cả các dục thấp hèn đều được hàng phục. Pháp thân chân như hiện tiền, liền phát triển Đại thừa thắng dục.
Lấy việc “hàng phục trừ diệt các dục thấp hèn, mở rộng cái dục thù thắng” nói trên làm duyên khởi cho toàn kinh, mới có phần diễn giải văn kinh, trước sau bảy cuốn.
II. Phật pháp và sự biến hiện của vũ trụ
Chẳng phải sắc tập, chẳng phải thần tạo, chẳng phải từ không ra
Tâm mê thì nghiệp buộc, tâm ngộ vượt suy lường
Do đây mà hiển thật tướng của Lăng nghiêm
1/ Sắc tập
Sắc, nếu cho đó là vật chất, thì nghĩa chưa rõ bằng nói tứ đại, ngũ căn, ngũ trần. Các thứ này theo Phật điển gọi là sắc pháp. Các học gia Ấn Độ và Hy Lạp thời cổ đại thì nói vạn vật do gió, tức do không khí mà thành. Hoặc nói vạn vật do nước mà thành, do lửa mà thành, do đất mà thành. Hoặc nói do tứ đại hợp thành. Trung Quốc thì nói do ngũ hành mà thành. Các nhà khoa học hiện đại thì nói hiện tượng tinh thần thuộc về tâm lý, thể hữu cơ phát sinh từ sinh lý. Thể hữu cơ thuộc sinh lý. Vật chất do nguyên tố hợp thành là từ thể vô cơ. Theo khía cạnh hóa học mà phân tích thì vạn vật chẳng qua là do 89 loại nguyên tố vật chất mà thành. Từ nguyên tố vật chất phân thành phân tử, từ phân tử phân thành nguyên tử, nguyên tử lại phân thành điện tử. Nên vạn vật vũ trụ là do sắc pháp tập hợp mà thành.
2/ Thần tạo
Bà-la-môn giáo chấp nhận thế giới vạn vật là do Đại Phạm Thiên hoặc Đại Tự Tại Thiên sáng tạo và làm chủ tể. Tức tất cả đều do thần chi phối.
3/ Từ không ra
Vạn vật xuất hiện từ “hữu”. “Hữu” xuất hiện từ “vô”. Hư vô là gốc của Đạo. Hư vô là căn nguyên xuất sinh vạn hữu. Như các Đạo gia ở Trung Quốc, tại Ấn Độ cũng có ngoại đạo hư vô, gốc của vạn vật quy về không.
Trên đã liệt kê các loại học thuyết (ly, hợp, lẫn, tổng, phi thường, phức tạp) được cho là đại yếu, tạm phân thành ba loại trên mà nói.
Như đã nói trên, vũ trụ biến hiện dường như có thể tướng nhất định với giới hạn không thể vượt qua. Kỳ thật, chúng sinh trong ba cõi sinh tử lưu chuyển vô thủy, vô minh, mê hoặc, đảo điên, khởi nghiệp phiền não, được báo phần đoạn, mà có tất cả các sai biệt như lớn, nhỏ, mình, người v.v. Kinh nói: “Tất cả chúng sinh, từ vô thủy đến nay mê mình làm vật, lạc mất bản tâm, bị vật xoay chuyển, nên ở trong đó thấy lớn, thấy nhỏ. Nếu hay chuyển vật thì đồng Như Lai, thân tâm tròn sáng, chẳng động đạo tràng, trên đầu mảy lông thâu tóm mười phương quốc độ”. Nhân vì tâm mê nên chân tánh mà Phật cùng chúng sinh vốn bình đẳng không hai bị mê mất, nghiệp quả tương tục, khởi mọi thứ điên đảo phiền não, tạo mọi thứ nghiệp. Tâm mê nghiệp buộc mà thành thế giới và các loại chúng sinh. Tâm ngộ thì tất cả thế giới, chúng sinh, nghiệp quả, hạn lượng ngay đó vượt thoát. Tất cả chúng sinh đồng với pháp thân chư Phật. Thế giới và chúng sinh hiện có là tịnh độ của chư Phật. Vũ trụ biến hiện đại khái cũng như vậy. Kinh nói: “Chân tâm bảo giác thảy đều đầy đủ, nhưng ta ấn ngón tay thì hải ấn phát quang, ông vừa móng tâm, trần lao liền hiện khởi”. Chân tâm bảo giác đầy đủ vô lượng công đức thanh tịnh trang nghiêm, nhưng mê hoặc điên đảo chưa hết thì không thể tự tại, nên kinh nói: “Nghi hoặc tiêu trừ, tâm ngộ thật tướng”.
III. Hạnh môn trong kinh Lăng nghiêm với vấn đề Thiền Mật
Ngay các pháp mà thấu thông pháp tánh
Ngay gai định mà thành tựu tánh định
Lấy luật nghi thanh tịnh làm cơ sở
Lấy tụng trì mật chú làm phụ trợ
Đích yếu chủ chốt nhất của kinh Lăng nghiêm chính là hạnh môn được đề cập trong kinh.
A-nan gặp nạn Ma-đăng-già được Phật đọc chú độ thoát. Đến cuốn thượng quyển thứ bảy của bản kinh, A-nan lại thỉnh Phật thuyết chú. Khi Phật thuyết chú, trên đỉnh đầu phóng quang, nơi hào quang hiện Phật. Vì công đức tụng chú như vậy mà từ xưa đến nay không ít người cho Lăng nghiêm thuộc Mật tông. Thế nhưng quán sát toàn bộ nghĩa lý mạch lạc của kinh Lăng nghiêm, tứ chỗ làm rõ lý cho đến việc tu hành và chứng quả, thì phải đưa kinh trở về Thiền tông mới tương đối chính xác.
Hơn một ngàn năm trở lại đây, Lăng nghiêm rất phổ biến trong Thiền tông. Chưa kể trong kinh còn lấy luật nghi thanh tịnh làm nền tảng, lấy việc trì tụng chú làm phụ trợ, còn hạnh chính là Phản văn tam muội. Nếu chỉ thuần lấy chú nghi làm chính thì chẳng tương ưng. Thực ra, chỉ có pháp môn tu hành của Thiền tông là gần gũi nhất. Theo ý nghĩa của kinh mà quán xét, do việc cứu nạn Ma-đăng-già mà phát khởi việc chế phục loại dục thấp hèn, phát triển loại dục thù thắng, vượt khỏi ba cõi của Nhị thừa, từ chỗ làm rõ lý đến hạnh tu chính đều hợp với Thiền tông, chẳng đồng với phương tiện tu đại bi của Mật tông, vận dụng tham, sân, si để hành Tứ nhiếp pháp. Đây là quán xét hạnh môn của Lăng nghiêm ở mặt tổng tướng.
Từ năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới cho đến bảy đại rõ ràng đều là diệu tánh chân như. Y chân tánh này, do mê hoặc điên đảo mà thành sáu phàm lưu chuyển, do giác ngộ thấu rõ mà thành bốn thánh giải thoát. Tất cả pháp thế gian và xuất thế gian đều y nơi diệu tánh chân như, hoặc mê, hoặc ngộ mà có. Mê thì phiền não sinh tử. Ngộ thì Niết-bàn giải thoát. Vì thế, tất cả pháp từ xưa đến nay đều là diệu tánh chân như. Ngay nơi các pháp mà thông đạt pháp tánh. Nếu một niệm trí tuệ tương ưng thì vô minh, phiền não, phân biệt ngay đó sạch hết. Phàm phu chúng sinh chẳng lìa pháp năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới, bảy đại. Mỗi mỗi pháp tức là pháp thân Như Lai. Quán xét như thế, y nơi từng pháp, từng môn mà nhập đạo, mà giải thoát tất cả.
Tôn giả A-nan đa văn, tập quán còn năng lực, dễ khởi phân biệt. Quyển thứ tư của bản kinh, A-nan đã nhận được sự chỉ dạy của Như Lai, vẫn còn tự thấy mình như kẻ lang thang, hốt nhiên được Thiên vương ban cho ngôi nhà đẹp, nhưng chẳng thể thấy cửa để vào. Như Lai vì người mà dạy hai loại nghĩa quyết định: Chúng sinh tứ đại ngũ trược trong thế giới này, muốn phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Bồ-tát, để cái tâm ở nhân địa đồng với cái giác ở quả địa thì cần y nơi tâm không sinh diệt mà tạo tâm nhân địa. Cái tâm thánh phàm bình đẳng không hai này mới có thể cho quả địa giác bình đẳng không hai. Y đó mà phát khởi và thú hướng Bồ-đề, kiên cố chẳng hoại. Trước, nói rõ lý thật tướng của các pháp. Sau, tăng tu thiền định, chứng được định ích, đối trị định bệnh. Tất cả đều y đó làm nền tảng.
Từ sáu căn mà thuyết minh sáu trần, sáu thức và mười tám giới. Hiển rõ công đức sâu, cạn, rộng hẹp của sáu căn. Căn tai, căn lưỡi, căn ý thì công đức đầy đủ. Căn mắt, căn mũi, căn thân thì công đức kém khuyết. Nhờ đó mới biết chọn lựa, nương vào loại pháp nào để tu. Thánh phàm trong pháp giới y nơi sáu căn, lấy đó làm căn bản. Y nơi căn đầy đủ tu hạnh viên thông so với việc y nơi căn không đầy đủ, một ngày ngang với một kiếp. Muốn y nơi sáu căn, tìm một thứ tối viên thông để tu, thì lựa ra căn tai. Ngay nơi tứ đại và ngũ trược mà thấy cái tánh không sinh diệt. Nương cái tánh không sinh diệt đó làm tâm nhân địa. Đó là căn bản thứ nhất. Kế, phải rõ căn bản của tất cả sinh tử phiền não cũng ở tại sáu căn. Muốn nắm được chỗ tu hành thì lựa ra căn tai lấy đó làm môn tu hành viên thông. Mười phương Như Lai y một môn này mà thâm nhập, chứng Vô sinh nhẫn, được đại giải thoát. Kinh nói: “Ông nay muốn khiến cái thấy, nghe, hiểu, biết của mình về lâu xa khế hợp với bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai thì trước cần phải lọc ra cội gốc của sinh tử, y nơi tánh không sinh diệt vắng lặng trùm khắp mà thành tựu”. Cũng nói: “Ông đối với mười hai tướng hữu vi động-tĩnh, hợp-ly, định-chuyển[2], thông-bít, sinh-diệt, sáng-tối, chỉ cần không theo. Tùy chọn một căn, hàng phục và giải thoát sự chấp dính bên trong, thuận chân về nguồn, phát tánh sáng diệu sẵn có. Diệu tánh phát sáng thì năm chấp dính còn lại theo đó mà mất, giải thoát viên mãn. Chẳng do tiền trần mà khởi thấy biết thì cái sáng chẳng theo căn, chỉ gá nơi căn mà phát sáng, do đây sáu căn có thể dùng thay lẫn nhau”. Phật và Bồ-tát ở mười phương, y nơi pháp mười tám giới này đều có thể lấy đó làm pháp môn ngộ nhập.
Trên đại điện chùa tôi, có chưng bày chư thánh được căn viên thông trong kinh Lăng nghiêm, hai bên là 24 vị, tính cả Quán Âm ở giữa là 25 vị. Từ Kiều Trần Như, theo âm thanh ngộ nhập được thành A-la-hán, cho đến Đại Thế Chí, Di-lặc, theo căn đại, thức đại mà thấu đạt pháp tánh, nhập Vô sinh nhẫn.
Để tu thiền định, Văn-thù-sư-lợi chọn môn Nhĩ căn viên thông của Bồ-tát Quán Âm, là hợp cơ nhất. Từ nhĩ căn thấu đạt tánh vô sinh của pháp. Tuy chúng sinh tâm mê nghiệp buộc mà nhĩ căn khi ngủ vẫn chẳng mù mờ. Kinh nói: “Người ấy khi đang chiêm bao, đâu nhớ các thứ động, tĩnh, đóng, mở, thông, bít. Tuy ngủ say mà tánh nghe không mù mờ. Dù cho hình hài ông có tiêu tan, mệnh quang dời đổi, tánh nghe này làm sao vì ông mà tiêu mất?” Cho nên, nghĩa thông thường của viên thông là “tối đầy đủ”.
Tam-ma-địa, đây gọi là “định”, cũng gọi là “tam muội”, dịch thẳng là “đẳng trì”. Bình đẳng nhậm trì nhiếp phục tâm phan duyên sáu trần để đạt định tâm. Dựa vào pháp “phản văn” mà tu thiền định thì dễ lìa tán loạn. Định tâm thành tựu thì chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, chẳng duyên năm trần, chẳng khởi năm thức, định tâm tương ưng tại ý thức, chuyên chú chẳng loạn. Nếu đạt được chân thì tâm chánh định thành tựu. Đi, đứng, nằm, ngồi thường trong thiền định. Song tu thiền định mà nắm được công phu trong tay là nằm ở việc tĩnh tọa. Ngồi thì có thể an ổn điều hòa. Nhãn quang đóng, cắt cảnh trước mắt. Mũi, lưỡi dừng phân tích hương, vị. Thân tâm điều hòa thì các xúc giác như lạnh, nóng, nặng, nhẹ, đói, no cũng chẳng khởi. Lúc đó thứ khó lìa nhất là âm thanh, đối tượng của tai. Trong phần kinh luận trên có giảng âm thanh là cái gai của định (gai đinh). Vì gai, khi chích vào thân thịt sẽ khiến đau đớn, bất an. Âm thanh cũng là gai chích vào định tâm, khiến tâm chẳng an ổn, chẳng thành lâu dài tương tục. Cho nên, khi chỉ tịnh thì đánh bản để âm thanh dừng yên, muốn rời khỏi tịnh cũng dùng tiếng khánh hay tiếng bản.
Xưa, ở tỉnh Tứ Xuyên, gió thổi ngã một cây đại thụ, trong có một Tăng nhân đang nhập định, tợ như chết mà chẳng phải chết, vì chưa dứt hơi ấm. Quan địa phương đưa Tăng nhân về kinh đô, mời đại đức Phật giáo đến cho một pháp xuất định, đại đức bèn kề tai Tăng nhân đánh khánh, Tăng từ từ xuất định. Có thể thấy, định tâm chẳng được kiên trụ, chẳng dễ tương tục mà nghe tiếng là then chốt rất lớn, rất sâu. Nghe tiếng khiến từ định tâm khởi tán loạn phân biệt. Cho nên, tu thiền định, sau khi thân tâm điều hòa, nương nơi “nhĩ căn phản văn”, lấy đó làm phương tiện tối thắng dừng tán loạn. Kinh nói: “Đầu tiên ở nơi cái nghe, nhập lưu vong sở, sở nhập đã tịch, hai tướng động tĩnh rõ ràng chẳng sinh. Như vậy dần dần tăng tiến, nghe và sở nghe đều dứt, chỗ dứt cái nghe cũng chẳng trụ, giác và sở giác đều không, không và giác cực viên mãn, không và sở không đều diệt. Sinh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền, hốt nhiên siêu việt thế gian và xuất thế gian”. Tu trì thế nào? Là ngay nơi cái nghe, nhập dòng quên sở, ngược dòng nghe để quay vào lại cái nghe. Sở nghe mất thì năng nghe cũng chẳng thể. Phản văn để nghe diệu tánh chân như của Như Lai tạng, dung hóa căn nghe, vào cảnh giới nhân không. Thấy, nghe, hiểu, biết của sáu căn dung hóa thành một thể diệu giác viên minh, chứng pháp Niết-bàn sinh không chân như. Tiến đến giác và sở giác đều không, ngộ nhập pháp không, tất cả đều không. Không và sở không đều diệt, ‘cùng với không’ chẳng sinh. Tất cả sinh diệt đối đãi đã có đều vượt thoát, tịch diệt hiện tiền, siêu việt thế và xuất thế gian, pháp pháp đều thành giải thoát, trần trần đều chứng Bồ-đề. Đây là từ “Nhĩ căn phản văn” mà vào tam-ma-địa. Nên kinh nói: “Xoay lại, nghe và tiếng đều giải thoát thì năng thoát dục gọi là gì? Một căn đã về nguồn, sáu căn thành giải thoát”.
Lại nữa, kinh nói: “Muốn nhiếp tâm vào tam-ma-địa, vậy làm thế nào để an lập đạo tràng, xa lìa ma sự?”. Muốn vậy, trước phải lấy việc thanh tịnh bốn giới căn bản (dâm, sát, trộm và vọng ngữ) làm cơ sở quyết định cho việc tu nhĩ căn viên thông. Kinh nói: “Trước cần phải trì bốn loại luật nghi trong như băng tuyết thì chẳng thể tự sinh tất cả cành lá. Ba thứ thuộc tâm, bốn thứ thuộc khẩu nhất định không có nhân để sinh”.
Nếu có người thọ giới chưa đầy đủ, trì giới chưa đủ thanh tịnh, nhân có túc tập chưa thể trừ diệt thì nên lấy việc trì tụng mật chú làm phụ trợ. Kinh nói: “Nếu có túc tập chẳng thể diệt trừ thì ông dạy người đó nhất tâm tụng thần chú “Phật đảnh quanh minh ma-ha-tát đát-đa-bàn đát-la vô thượng” của ta”. A-nan nếu không có túc tập, chẳng rơi vào cái nạn Ma-đăng-già, ắt việc trì giới tu định của ông chẳng cần đến Phật chú cứu hộ.
Từ trên đến đây, làm sáng tỏ hạnh môn ngộ diệu tánh chân như mà tu viên thông.
Còn tiếp
[1] http://book.bfnn.org/books2/1068.htm
[2] Phần định-chuyển này, kinh Lăng nghiêm lấy thí dụ về vị-không vị.
Các tin khác
-
» ÔNG MẬP MANG BAO VẢI (15/01)
-
» NHƯ MỘT CÂU RỐT SAU (15/12)
-
» ĐẠI Ý KINH LĂNG NGHIÊM (tt) (15/12)
-
» PHẢN QUAN TỰ KỶ BỔN PHẬN SỰ - BẤT TÙNG THA ĐẮC (04/04)
-
» XÂY THÁP CÚNG DƯỜNG (19/02)
-
» ÁI DỤC & TUỆ GIÁC TÁNH KHÔNG (12/02)
-
» ĐỊNH & TRÍ & TUỆ - NHẤT THỂ KHÔNG PHẢI HAI (26/01)
-
» THẢY ĐỀU KHÔNG CAN HỆ (23/12)
-
» NGỘ TÂM NÀY RỒI, TU NHƯ THẾ NÀO? (15/09)
-
» THIỀN ĐẠI THỪA VÀ TỐI THƯỢNG THỪA (20/05)