Thiền

BỒ TÁT KINH KIM CANG

Viết cho Nguyệt San Giác Ngộ số 298 & 299 (PL 2564)

23/03/2021

 



Đầu kinh, Phật cùng với chúng đại Tỳ-kheo đồng tụ hội trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Gần đến giờ ăn, Đức Thế Tôn đắp y, cầm bát vào thành Xá-vệ, theo thứ tự ghé từng nhà khất thực, rồi trở về tinh xá dùng cơm, thu y bát, rửa chân xong, đức Phật trải tòa ngồi. Tôn giả Tu-bồ-đề bắt đầu những câu hỏi của mình.


Trong lời thỉnh của Tôn giả có ba vấn đề:

1/ Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát.

2/ Như Lai khéo phó chúc các vị Bồ-tát.

3/ Thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác phải trụ tâm thế nào, nên hàng phục tâm ra sao?

Đức Phật xác định lại những gì Tu-bồ-đề đã nói: “Đúng như lời ông vừa nói, Đức Như Lai khéo hay hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo hay phó chúc các vị Bồ-tát”, rồi trả lời câu hỏi của Tu-bồ-đề. Điều đó có nghĩa, Bồ-tát tu hành và thực hành hạnh nguyện của mình không chỉ một mình, dù hướng đến của chư vị là “độc hành độc bộ”. Cho nên, khi một ai đó nói với bạn rằng anh ta vượt được mọi khó khăn nguy hiểm là nhờ sự hộ niệm của chư Phật thì phải hiểu họ đang nói những gì kinh điển đã nói, chẳng phải do ngạo mạn, cho tự thân nhận được sự hộ niệm của chư Phật, còn người khác thì không. Mọi người đều được chư Phật hộ niệm, vấn đề là vì sao có người nhận được, có người không, và làm thế nào để nhận được sự hộ niệm đó. 


HỘ NIỆM VÀ PHÓ CHÚC    


Hộ niệm

Hộ là che chở, bảo vệ, giữ gìn, giúp đỡ. Niệm là nhớ nghĩ. Chư Phật đối với chúng sinh luôn nhớ nghĩ, che chở, bảo vệ, giữ gìn và giúp đỡ. Nhưng vì sao thế giới này lắm tai ương? Vì thế giới này là thế giới nhân duyên, có nhân đủ duyên mới có quả. Có sự hộ trì của chư Phật mà không có nhân lực từ chúng sinh thì quả chẳng thành tựu. Chúng sinh, do không biết cách để nhận được sự hộ niệm của chư Phật, nên sự hộ niệm dù đầy khắp pháp giới, chúng sinh vẫn không thể nhận. Với Bồ-tát, tùy theo mức độ tu hành mà nhận được ít nhiều. Là do chư Bồ-tát đã được học hỏi giáo lý nhà Phật, biết những gì cần làm và những gì không nên làm. Rồi ứng dụng giáo lý đó vào cuộc sống thường nhật của mình. Ứng dụng được càng nhiều, tức phát huy được định lực cũng như trí tuệ càng nhiều thì lực hộ niệm càng lớn, cho đến khi trở thành một vị Phật, với đầy đủ thệ nguyện và lực hộ niệm của mình. 

Khi nói về pháp Niệm Phật Tam Muội, Bồ-tát Đại Thế Chí thưa với Phật [1]: “Thí như có hai người. Một đàng chuyên nhớ. Một đàng chuyên quên. Thì hai người ấy, dù gặp cũng là không gặp, dù thấy cũng là không thấy. Nếu cả hai đều nhớ nhau, nỗi nhớ khắc sâu vào tâm niệm thì đồng nhau như hình với bóng, cho đến từ đời này sang đời khác, không bao giờ cách xa nhau. Mười phương Như Lai thương tưởng chúng sinh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn tránh thì dù mẹ có nhớ cũng không ích gì. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì đời đời mẹ con không cách xa. Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật, tưởng Phật, cách Phật không xa thì không cần phương tiện, tự tâm được khai ngộ”. Một đàng chuyên nhớ là dụ như Phật nhớ chúng sinh. Một đàng chuyên quên dụ như chúng sinh không nhớ Phật. Vì thế, dù Phật chẳng ngoài tâm, chúng sinh cũng không thấy, không gặp. Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Tâm ngộ tâm mê như mẹ với con. Bản ngộ vốn sẵn như mẹ. Nếu huân tập bản ngộ thì mỗi niệm đều hiện bày tính giác, như mẹ nhớ con. Trái tính giác, hợp trần lao, niệm niệm dời đổi thì như con tránh mẹ. Mẹ ngay đó mà chẳng thể nhận” [2].

Cho nên, mọi pháp môn được lập ra đều cùng một mục đích là giúp chúng sinh nhớ đến Phật, Phật ngoài tâm và Phật tự tâm (nói theo nhà thiền là nhận ra tánh Phật của mình). Thiền sư Hàm Thị nói: “Dùng tâm niệm Phật, niệm Phật tự tâm, tâm Phật đều quên, đồng pháp giới tính. Một người đã vậy, cả thế giới đều như vậy. Đồng một pháp thân tiếp lấy lẫn nhau” [3]. Chỉ là tùy cơ của chúng sinh mà pháp có thô, tế, cạn, sâu.


Phó chúc

Phó là trao cho. Chúc là gởi gắm, phó thác, dặn dò. Mọi kinh đều có phần phó chúc này. Đức Phật trao giáo pháp cho hàng Bồ-tát và dặn dò phải truyền thừa không để mất. Bởi không có giáo pháp, nhân sinh rất khổ đau. Không có giáo pháp nhân sinh không thể hướng đến Niết-bàn an lạc. Vì thế ngọn đuốc chánh pháp phải luôn được đốt lên, truyền từ người này qua người kia, nối từ đời này sang đời khác, để thế giới được an yên, nhân sinh bớt khổ nạn.  

Kinh Địa tạng bồ-tát bổn nguyện, Phẩm “Dặn dò cứu độ nhân sinh” thứ mười ba, là phẩm phó chúc. Đức Phật phó chúc cho Địa Tạng Vương: “Này Địa Tạng! Hôm nay ta ân cần đem chúng trời người giao cho ông, thời ông nên dùng đạo lực của ông ủng hộ người đó tu tập đạo hạnh Vô thượng lần lần, chớ để họ thối thất...”.

Kinh Viên giác, phẩm “Bồ-tát Hiền Thiện Thủ thưa hỏi” thứ mười hai, là phẩm phó chúc. Sau khi nêu các tên của kinh, Phật nói: “Này thiện nam! Nên hộ trì người đời sau tu hành. Chớ để những loài ác ma và ngoại đạo làm não hại thân tâm họ, khiến họ sinh tâm lui sụt”. Đó là lời phó chúc của Đức Phật đối với hàng Bồ-tát mà tên chư vị đều có hai chữ Kim Cang, Hỏa Thủ Kim Cang, Tồi Toái Kim Cang, Ni Lam Bà Kinh Cang…, là hàng Bồ-tát đã sống được với tâm kim cang của mình.

Kinh Thắng man phu nhân hội, cuối kinh Phật nói với Kiều Thi Ca: “Nay sở dĩ nói kinh Phu nhân thắng man sư tử hống, là muốn giao phó cho ông đến khi pháp được tồn tại. Trong mười phương thế giới, hãy khai thị và giảng nói!”, là lời phó chúc.

Phó chúc luôn đi liền với hộ niệm. Phật hộ niệm và phó chúc cho Bồ-tát. Bồ-tát nhận phó chúc và hộ niệm cho chúng sinh.                           

TRỤ TÂM VÀ HÀNG PHỤC TÂM            


Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi Phật 
[4]:

- Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, kẻ thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thời phải trụ tâm thế nào? Nên hàng phục tâm ra sao?

Phật trả lời:

- Các vị đại Bồ-tát nên như thế này mà hàng phục tâm ấy: Tất cả các loài chúng sinh đã có, hoặc là noãn sinh, hoặc là thai sinh, hoặc là thấp sinh, hoặc là hóa sinh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng, hoặc chẳng không tưởng, ta đều khiến nhập Vô dư Niết-bàn mà diệt độ. Diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh như thế mà thật không có chúng sinh được diệt độ. Vì sao? Này, Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, thì chẳng phải là Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát đối với pháp, nên không chỗ trụ mà hành bố thí. Đó là không trụ sắc mà bố thí, không trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì sao? Nếu Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí thì phước đức ấy không thể suy lường.

Câu hỏi được đặt ra cho hàng chúng sinh phát tâm vô thượng. Đó là đối tượng của kinh này. Xác định kẻ thiện nam, người thiện nữ nói đây là hàng Bồ-tát có chí hướng cầu Phật đạo và thành tựu Phật đạo thông qua con đường Bồ-tát hạnh, là hóa độ chúng sinh. Phải với chí hướng rõ ràng như thế, mới có thể thực hành và thành tựu những gì Phật đã dạy.

Thật ra, từ Bồ-tát đã ngầm đủ ý này. Bồ-tát là giác hữu tình. Có phần giác này, mới gọi là Bồ-tát. Chỉ do giác có cạn sâu mà Bồ-tát thành có nhiều vị. Nhưng tất cả đều quy hướng Phật quả.

Câu hỏi cũng như câu trả lời không còn nằm trên phương diện học hỏi hay nghiên cứu mà là thực hành. Đòi hỏi hành giả một sự thực hành, không nhấn mạnh ở việc phước thiện mà điều phục tâm, dùng tâm làm đối tượng tu hành. Ngay cả khi nói đến vấn đề bố thí, vẫn lấy tâm là chính. Tâm, mà nói đến tu là tâm vọng tưởng, không phải chân tâm. Tu là tu tâm này. Hàng phục là hàng phục tâm này. Hàng phục thế nào? “Bao nhiêu loài chúng sinh, hoặc là noãn sinh, hoặc là thai sinh v.v… ta đều khiến nhập Vô dư Niết-bàn mà diệt độ”. Thứ chúng ta có thể đưa vào Vô dư Niết-bàn là những niệm khởi hiện lên trên tâm, là nhân khiến xuất hiện các loài chúng sinh ngoài tâm. Lăng-già tâm ấn nóiBất tư nghì huân và bất tư nghì biến là nhân của hiện thức”. Huân rồi biến ra thân tâm và thế giới chúng hữu tình là vai trò của hiện thức. Việc huân và biến đó không thể nghĩ bàn, vượt khỏi trí hiểu biết của nhân loại, nên nói bất tư nghì huân bất tư nghì biến. Đó là phạm vi mà một hành giả có thể làm được trong phạm vi tu hành của mình. Nếu thật là chúng sinh ngoài tâm thì khó mà đưa chúng vào Vô dư Niết-bàn khi đó không phải là mục đích chúng muốn, cũng khó mà thanh toán hết các loài chúng sinh khi khả năng của mình quá nhỏ hẹp. Thanh toán như thế ắt chẳng đưa tất cả vào Vô dư Niết-bàn, chỉ mở rộng thù hận và ba đường dữ. Vì thế mà biết các loài chúng sinh nói đây là chỉ cho dòng niệm tưởng tương tục hiện khởi trong tâm mỗi người, là nhân giúp xuất hiện các loài chúng sinh ngoài tâm. Nên nói “Diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh như thế mà thật không có chúng sinh được diệt độ”.    

Hỏi “Vì sao?”, là hỏi sao phải đưa tất cả vào Vô dư Niết-bàn? Vì “Nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, thời chẳng phải là Bồ-tát. Vì còn bốn tướng đó thì không phải là Bồ-tát. Vì sao không phải là Bồ-tát? Vì không thể thực hiện được thệ nguyện của một vị Bồ-tát. Đó là trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh.    

Trên cầu Phật đạo

Cầu Phật đạo, là mong muốn thành tựu quả vị Phật và thành tựu được quả vị Phật đó.

Muốn thành tựu quả vị Phật, trước phải chứng cho được cái nhân Phật tánh, nhà thiền gọi là kiến tánh, là nhận lại được Phật tánh vốn sẵn nơi mình. Chính là phần Tự tánh thân nói trong Tam thân. Tánh ấy “không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Trong tướng không ấy không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; Không có nhãn giới cho đến ý thức giới…” [5]. Luận Đại thừa khởi tín cũng nói “Phải biết tự tánh chân như chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng không, chẳng phải tướng chẳng có, chẳng phải tướng chẳng không, chẳng phải tướng vừa có vừa không, chẳng phải tướng một, chẳng phải tướng khác…”. Do tánh ấy không tất cả tướng, không tất cả tướng ấy cũng không, và “lìa vọng niệm thì không có tướng tất cả cảnh giới” [6], nên chư Bồ-tát muốn thành tựu Phật quả, trước phải khiến cho những sinh khởi trong tâm được diệt độ, luận Đại thừa khởi tín gọi là ly niệm. Đại sư Hám Sơn nói “Nếu hay ly niệm thì bản thể rỗng nhiên như thái hư không, không chỗ nào mà chẳng khắp. Tất cả cảnh giới sai biệt của vọng niệm hòa thành một vị chân tâm, chỉ là pháp giới nhất tướng không có đối đãi” [7].   


Việc trên liên quan gì đến bốn tướng?

Bốn tướng là ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả.

Ngã, hiểu nôm na là ta hay tôi. Cho thân này thật có một chủ thể là hình thành nên cái ngã này. Chấp ngã, là nhận thân này là thân ta, cho những phân biệt, suy nghĩ, cảm xúc hiện khởi trong tâm là tâm ta.

Phần chấp ngã này có thô và tế. Người không tu, chấp vào vọng thân và vọng tâm, khởi ngã tướng, là chấp thô. Người tu, chấp vào kiến giải và chỗ sở đắc của mình, hình thành nên ngã tướng, là chấp tế. Nên kinh Viên giác nói: “Thế nào gọi là ngã tướng? Là tâm sở chứng của chúng sinh…”.   

Nhân, là thấy như thật ngoài thân có những kẻ như ta hoặc khác ta, với đầy đủ hoặc thiếu khuyết những thứ mà ta đang có. Một khi đã chấp có ta thì sẽ thấy có những đối tượng không phải ta, hình thành nên cái gọi là ta, người, của ta, của người. Kinh Viên giác, phần nhân tướng này được hiển bày khá vi tế, nhưng không ngoài tướng nhân.

Chúng sinh, trong Đại thừa khởi tín luận nghĩa ký, Tổ sư Hiền Thủ nói: “Các thức sinh diệt hợp nhau mà sinh, gọi là chúng sinh”. Dòng niệm tưởng khởi lên tương tục không dứt ở tâm là một phần tướng chúng sinh mà ta có thể nhận biết trong hiện tại, luận gọi là thức tương tục. Thức này do tâm, ý, ý thức họp lại mà sinh. Đó là nhân khiến xuất hiện các chúng hữu tình ngoài tâm. Theo kinh Lăng-già, phần tương tục này có đến mười một loại sâu kín. Nói diệt độ các chúng sinh mà không có chúng sinh nào được diệt độ, chính là điều phục tướng chúng sinh này. Điều phục được tướng chúng sinh thì tướng ngã và tướng nhân không hiện hành.   

Thọ giả, kinh Viên giác gọi là thọ mạng, là nền tảng từ đó có thân tâm và thế giới của một chúng hữu tình. Kinh Viên giác nói khá rõ về tướng này, dù đó là chỗ vượt ngoài sự hiểu biết của người đời. “Thế nào là tướng thọ mạng? Là tâm chiếu thanh tịnh của chúng sinh giác được cái sở liễu...”. Diễn tả này tương ưng với chỗ mà thiền sư Thiết Nhãn đã nói khi nêu bày cảnh giới thức ấm [8]. Tuy là thanh tịnh nhưng vì còn giác và sở giác nên nó chưa phải là phạm vi của cái gọi là Phật tánh. Chỉ mới là phạm vi của thức ấm. Ngoại đạo vào được cảnh giới này, chấp thức này là thần ngã, có người cho là trời Tự Tại v.v… [9]. Tùy chủng nhân huân tập mà hiện khởi các cái thấy khác nhau. Thật ra, chỉ là vai trò của thức ấm trong hệ thống tám thức. Ngài Thiết Nhãn nói: “Đây là thức thứ tám của chúng sinh. Thức này chính là nguyên nhân đưa đến luân hồi” [10]. Nói thọ mạng hay thọ giả là đó.          

Bốn tướng, là do vô minh mà có. Lầm chấp bốn tướng nên chúng sinh không thể nhận lại tánh Phật của mình, dù tánh ấy chưa hề thiếu vắng nơi mỗi người. Ngay đó mà không thể nhận là do không điều phục được bốn tướng. Vì thế nói còn bốn tướng thì không phải là Bồ-tát. Cũng y bốn tướng này mà hiểu việc điều phục tâm của hàng Bồ-tát không như Nhị thừa và ngoại đạo tu thiền vô tưởng, dù tất cả đều lấy việc trừ tâm chúng sinh làm chính. Nói đưa tất cả vào Vô dư Niết-bàn là vậy.    

Với công hạnh của một vị Bồ-tát, tâm một khi còn bốn tướng thì khó mà nhiếp hóa được ai, cũng không có trí tuệ và định lực để nhận định chính xác một vấn đề v.v… Càng không thể sử dụng được báo hay hóa thân của mình trong việc độ sinh. Hạnh nguyện khó mà thực hiện được trôi tròn. Những câu chuyện sau giúp chúng ta thấy vì sao còn bốn tướng thì không phải là Bồ-tát, nói ở mặt độ sinh.               

Dưới hóa độ chúng sinh      

Nhân gian này khó lắm!

Người đã khó mà mình còn khó hơn.

Chuyển hóa một con người không phải là việc dễ dàng. Chuyển mình đã khó, chuyển người còn khó hơn. Einstein, ông Tổ của ngành vật lý hiện đại, nói: “Phá vỡ một định kiến còn khó hơn phá vỡ một hạt nhân nguyên tử” [11]. Thuận với tính dục chúng sinh mà dẫn họ đi còn khó, huống là chẳng thuận với tính dục của chúng sinh mà dẫn đi. Trong khi con đường dẫn đến chỗ tối thượng thì hoàn toàn ngược với dục lạc của chúng sinh. Uy thần như Bồ-tát Địa Tạng, còn độ thoát chúng sinh chưa mãn nguyện. Thương xót chúng sinh mắc tội khổ đời này, quan sát vô lượng kiếp về sau, tội khổ vẫn lây dây không dứt. Khổ lắm mà vơi chút là quên, tạo nghiệp, khổ nữa. Như Lai nói “Như loài cá bơi trong nước, theo dòng chảy, có tạm được ra lại mắc vào lưới, nên ta phải lo nghĩ đến những chúng sinh đó”. Bởi sự vô minh của chúng sinh không có gì sánh nổi, nên có lẽ công tác độ sinh là công tác khó nhất mà cũng là vĩ đại nhất trên thế gian này. Đó là lý do chư Phật vừa hộ niệm vừa phó chúc chư Bồ-tát đừng quên thệ nguyện của mình, như một cách động viên và nhắc nhở.


Trưởng lão Tăng Hộ xuất gia, làm tròn bổn phận và chỉ trong vài ngày đã đắc quả A-la-hán 
[12].

Tăng Hộ cháu cũng xuất gia và cũng làm tròn bổn phận xuất gia của mình. Ông có hai bộ y dành cho Tỳ-kheo mặc trong mùa mưa. Ông mặc một bộ còn một bộ dành dâng Trưởng lão Tăng Hộ, vị thân giáo sư của mình. Nhưng dù với bất cứ lý do gì, Trưởng lão cũng không nhận.

Vì sự từ chối đó, đứng quạt cho Trưởng lão mà lòng ông ngổn ngang trăm mối, tâm muốn hoàn tục. Nhưng lại lo hoàn tục rồi, không biết sống ra sao. Thế là ... một cuộc sống tương lai hiện ra trong tâm tưởng khiến ông quên mất phút hiện tại của mình. Đến khúc cãi nhau với vợ, ông giận dữ giáng một gậy vào lưng cô ta. Đó là lúc chiếc quạt lá bay xuống đầu Trưởng lão.

- Này Tăng Hộ! Ông không đánh trúng người đàn bà mà là ta. Trưởng lão già này đã làm gì để ăn một gậy như thế?

Tăng Hộ cháu hoảng hốt:

- Ôi ! Thầy đã biết tâm niệm của mình. Sao ở lại tu hành được nữa.

Nghĩ rồi, ông ném quạt và bỏ chạy.

Các Sa-di chạy theo dẫn ông về trình Phật.

Phật hỏi sao lại phạm vào lỗi trầm trọng như thế. Ông nói do bất mãn. Phật hỏi sao bất mãn? Ông thuật lại toàn bộ câu chuyện và kết luận không muốn đi tu nữa.

Phật dạy:

- Này Tỳ-kheo! Đừng bối rối. Tâm thường bị dẫn đi rất xa. Phải cố gắng thoát khỏi sự trói buộc của tham, sân, si.

Câu chuyện xảy ra với một Tỳ-kheo, không phải là dân thường ở đời. Mới thấy ngã ái trói buộc con người mạnh thế nào. Ngã, là tướng thô nhất trong bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Vì ngã ái bị đụng chạm, Tăng Hộ cháu tính buông luôn việc tu hành. Việc độ sinh không dễ chút nào khi con người còn đầy các thứ ngã ái, ngã kiến, ngã mạn v.v… Không thấu hiểu tâm, không đủ nhẫn lực thì việc độ sinh ắt khó hoàn tất.   

Một phụ nữ đã khóc ngay khi bà vừa ra khỏi phương trượng của Hòa thượng. Hỏi lý do, bà nói Hòa thượng đã có thái độ không tốt với bà khi bà lạy ngài. Tôi giải thích và dẫn bà vào lại Hòa thượng, khuyên bà nên kể hết những gì bà đã suy nghĩ cho Hòa thượng nghe. Kể tới đâu Hòa thượng ngơ tới đó, ngài không hề có tâm gì với bà. Hiểu rồi, bà vui vẻ trở lại.   

Nhìn gà hóa cuốc là sở trường của chúng phàm phu. Nếu ai cũng có khả năng nhìn các việc đúng như chính nó thì chẳng cần nói đến tu hành. Do mọi vấn đề được nhận định thông qua phiền não và sở tri của mỗi người nên vạn pháp trở thành méo mó, không còn đúng như chính nó nữa. Vì thế Phật dạy: “Tâm thường bị dẫn đi rất xa, phải cố gắng thoát khỏi tham, sân, si”. Điều đó nhắc cho thấy chúng sinh tâm của mình sinh khởi rất mạnh, năng lực dẫn độ của nó rất siêu, có thể vì nó mà mình tạo ra vô vàn các ác nghiệp không đáng có. Tăng Hộ cháu không có ý đánh vào đầu Trưởng lão, nhưng do không làm chủ được dòng vọng niệm tương tục mà lỗi đã xảy ra. Tâm một vị Bồ-tát nếu như thế thì đối với bản thân còn không thể dừng các ác nghiệp, nói là hướng dẫn người dừng các ác nghiệp. Vì thế phải hàng phục tâm, là hàng phục tham, sân, si của chính mình. Trong hai thứ chướng, tham, sân, si thuộc phiền não chướng. Nhân là nghiệp hữu lậu, duyên là phiền não chướng thì quả là Phần đoạn sinh tử [13].

Trưởng lão, phiền não chướng đã dứt, nên rất định tĩnh với cú gõ của Tăng Hộ cháu. Bồ-tát, nếu không điều phục được chúng sinh tâm của mình, tướng ngã, tướng nhân hiện khởi, nhất định có sự đáp trả. Cho nên, Bồ-tát phải đưa tất cả chúng sinh tâm vào Vô dư Niết-bàn, mới có thể định tĩnh tiếp người trong các trường hợp tương tợ.


Người bán hoa đã chuyển hóa được nữ tỳ của hoàng hậu Samavati khi anh thỉnh Phật về nhà cúng dường. Sự chuyển hoá ảnh hưởng mạnh đến hoàng hậu Samavati và đám nữ tỳ. Cô trở thành pháp sư của hậu cung. Mỗi lần đi mua hoa, cô lại ghé nghe đức Phật giảng, rồi về truyền lại những gì đã nghe cho hoàng hậu và đám nữ tỳ.

Không được ra khỏi hậu cung nhưng vẫn muốn thỏa lòng chiêm ngưỡng Đức Phật, họ đã khoét các lỗ nhỏ trên tường. Việc này tới tai bà quản gia. Bà trình vua với một ác ý. Vua không nghe, còn cho xây một cửa sổ rộng để mọi người được thấy Phật.

Không bôi nhọ được hoàng hậu và đám nữ tỳ, bà tìm cách lăng mạ đức Phật. Bà thuê những tên côn đồ theo sau Phật, mắng nhiếc và nhục mạ ngài với đủ lời lẽ nặng nề.

Tôn giả Anan nghe những lời chửi, bạch Phật và xin Phật đi nơi khác.

Phật hỏi nhiều lần cùng một câu hỏi:

- Nếu tới đó người ta lại chửi mình thì sao?

Anan đều trả lời cùng một câu trả lời:

- Chúng ta lại đến chỗ khác.

Phật dạy:

- Này Anan! Đừng nói thế. Ở đâu có khó khăn thì phải giải quyết ở đó. Ổn thoả rồi mới được phép đi. Nhưng ai chửi ông, Anan?

- Bạch Thế Tôn, bọn côn đồ và đám dân kia.

- Này Anan! Ta như con voi xông trận. Bổn phận của voi xông trận là hứng chịu mũi tên từ các phía. Vì thế phải kham nhẫn với những lời nói ác[14].

Ở đời không phải người xấu mới bị dèm pha đặt điều. Có khi thánh nhân còn bị đặt điều nhiều hơn thế nữa. Chỉ cần trái ý của người là có việc xảy ra.

Tôi, không làm việc gì to tát, chỉ là cố vấn cho một đạo tràng. Mọi người vẫn bảo tôi là người nói thẳng quá. Khá nhiều người không ưa việc đó. Nói thẳng thì đúng là có. Nhưng không phải khi nào cũng nói. Rất nhiều việc tôi không nói. Thấy nhưng vẫn im lặng. Hoặc chỉ nói me mé. Hiểu được thì hiểu, không hiểu được cho qua. Những việc thấy nói thẳng, thường là những việc do vô tâm mà nói, không có đối tượng nên không biết có sự đụng chạm, hoặc là những việc không thể im lặng được nữa. Vì sự im lặng của mình khiến ảnh hưởng đến công việc của đạo tràng và có hại cho nhiều người khác, trong khi nó không khiến đương sự thay đổi, chỉ khiến đương sự phát huy thêm tập khí của mình. Vì thế cần một lời nói thẳng để ngăn chặn. Chính vì thế mà có những khúc nói khá thẳng. Khổ là khúc dạo đầu thì không ai biết, chỉ thấy được khúc lộ sau. Thế là tôi trở thành kẻ nói thẳng, lúc nào và bất cứ ở đâu cũng thẳng thừng mọi thứ. Có người đã khuyên huynh trưởng không nên theo lề lối làm việc đó của tôi. Một lời khuyên rất chính xác! Chính vì không muốn huynh trưởng theo đường lối đó, tôi đã phải đưa lưng ra đỡ khi việc đến hồi cần giải quyết. Bởi cố vấn thì chẳng tiếp xúc với ai, có tai tiếng cũng không sao. Trong khi huynh trưởng thì tiếp xúc rất nhiều người. Một hình tướng nhã nhặn luôn cần thiết trong việc tiếp người. Đó là lý do tôi gánh mọi thứ cho huynh trưởng. Không phải con người tôi thích như thế hay tính tôi là như thế. Chỉ vì việc chung mà phải làm như thế. Cho nên, nhìn chính xác mọi hiện tượng đang xảy ra ở thế gian này không phải là việc dễ dàng, nếu không phải là người trong cuộc hay có trí tuệ. 

Một lần đi phát quà từ thiện…

Thứ gì lớn và đông, tổ chức cần chặt chẻ, mọi thứ cần thông từ trên xuống dưới, công việc mới trôi chảy nhịp nhàng và mau chóng. Mọi thứ trở nên đơn giản nếu công việc chỉ được thực hiện bởi những thành viên đã được huấn luyện có tổ chức. Nhưng tham gia thiện nguyện gồm rất nhiều thành phần, bà con lại rất nhiệt tình với công tác thiện nguyện, nhiệt tình theo kiểu làng vườn, thích gì làm nấy, bất kể việc đó có gây rắc rối cho người khác không.

Không có tổ chức thì càng đông người tham gia, càng rối việc, càng mất thời gian và có khi cần phải lớn tiếng mới xong. Không cho chư vị tham gia thì không được mà để chư vị tham gia thì một khâu xếp quà thôi, đến mấy ngày cũng không xong. Rối tung hết cả. Chủ đạo thực hiện việc xếp quà vào bao là của huynh trưởng. Nhưng tôi đã cầm micro, nửa đùa nửa thật rằng “Ở đây, trong việc này chỉ lời nói của tôi là giá trị. Khi nào quý vị nghe tôi hô bỏ muối vô thì hãy bỏ muối vô, nghe tôi hô bỏ đường vô thì hãy bỏ đường vô, đừng nghe ai khác, cũng đừng tự ý làm. Mắc công lộn như lúc nãy. Phải ngồi kiểm lại từng bao, cực lắm! Mà thời gian thì mình không có”. Mọi người vui vẻ chấp hành, không ai cự cãi hay thấy câu nói của tôi có vấn đề. Nhưng một vài người đã ghim câu nói đó vào lòng và bắt đầu truyền đi. Khi tôi không còn nhớ gì về một câu nói, chỉ cốt cho xong việc, thì nó được nhắc lại theo kiểu tôi ngã mạn và phạm thượng. “Chỉ lời nói của tôi là có giá trị”, chư vị nhớ câu đó mà quên mất cái duyên tôi đã nói trước đó “Ở đây, trong việc này”, ý đã nhấn mạnh trong việc phát quà này thôi. Đánh giá vấn đề mà bỏ qua cái duyên khiến nó xuất hiện, là dụng tâm của đa phần người đời nay. Sai lầm phát sinh từ đó. Cho nên, tướng chúng sinh ở tâm nếu không điều phục cho kỹ thì tướng ngã, tướng nhân hiện hành. Hiện hành rồi thì đùa cũng thành thật, vọng tưởng mà cứ tưởng là chân, duyên hết rồi mà tâm không thôi nắm giữ.       

Tai tiếng như thế nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ phải rút kinh nghiệm để bớt tai tiếng. Bởi tâm người đời đa dạng và khó lường. Chạy theo tâm đó mà làm việc thì không biết chạy đến bao giờ mới xong. Cũng không thể co người lại hoặc đùn việc cho người khác. Đó không phải là tinh thần của người tu Bồ-tát hạnh. Phật nói “Như con voi xông trận. Bổn phận của voi xông trận là hứng chịu mũi tên từ các phía. Vì thế phải kham nhẫn với những lời nói ác”.

Pháp cho kẻ học hạnh Bồ-tát ở đây là không sợ hãi và kham nhẫn. Kham nhẫn, là sẵn sàng đón nhận và kham chịu. Dùng trí tuệ mà kham nhẫn. Muốn có trí tuệ thì định lực phải có. Kham nhẫn quen sẽ thành bình thản và bất động. Cho nên, trong hai loại vô sinh đều có chữ nhẫn, Vô sinh nhẫn và Vô sinh pháp nhẫn. Để làm được việc đó, đòi hỏi hành giả phải hàng phục cho được phần chúng sinh tâm của mình. Luận gọi là sở tri chướng và phiền não chướng. Sở tri, phần tế của nó là phân biệt. Hai thứ đó làm chướng tâm người tu nên gọi là chướng. Các tướng đó nếu không được điều phục thì định lực không có, trí tuệ mù mờ, việc đáng làm không làm, việc không đáng làm lại khuyếch trương mạnh.

Không làm voi xông trận thì không học được những bài học có giá trị. Thành tai tiếng thì tai tiếng mà thứ gì thấy cần làm thì cứ làm. Trong những thứ tai tiếng đó, tôi đã nhặt ra được nhiều thứ rất giá trị. Nó khiến mình dễ thông cảm và thấu hiểu hơn trong việc tiếp duyên, công việc cũng trở nên tốt đẹp hơn. Không trải qua thân phận của một nạn nhân, sẽ không biết thận trọng đối với cái nhìn hay cái nghe của mình khi đối duyên xúc cảnh. Mình dễ dàng đánh giá mọi việc mà không cần nắm vững chiều sâu của nó, cứ trên mặt hiện tượng mà đánh giá. Không phải là người trong cuộc hoặc có trí tuệ, khó mà nhận định vấn đề cho chuẩn xác. Hiền nhân như Khổng Tử, tận mắt chứng kiến mọi việc mà vẫn không tránh được lầm lẫn đối với học trò của mình, chỉ vì không nắm được nguyên nhân của sự việc, huống là những kẻ tâm còn đầy dẫy tán loạn. Cho nên, chớ vội vàng khi nhận định một vấn đề. Chớ có nghe mà tin liền. Mọi thứ cần tìm hiểu kỹ càng trước khi có một kết luận. Bởi hiện tượng chưa nói lên được bản chất của sự việc. Thiên hạ lại bị sở tri và phiền não chi phối khá nặng, nên dù không có tâm đặt điều, cái nhìn của họ cũng chưa chắc chính xác. Tin là chết gần hết con người. Như câu chuyện Phật kể sau đây:                                        

Tissa, trước khi xuất gia, là người có địa vị, sống tại một phố thị không xa thành Xá-vệ. Ông nổi tiếng sống thanh đạm, tri túc, trong sạch và kiên quyết.

Ông thường khất thực trong làng có thân quyến của mình mà không vào Xá-vệ, dù nơi đó có những phẩm vật cúng dường ngoại hạng.

Các Tỳ-kheo bàn tán về ông. Cho là ông chỉ thích giao tiếp thân mật với thân thuộc mà không chịu giao tiếp với người khác. Việc đó tới tai Đức Phật. Phật hỏi:

- Có phải ông đã sống như người ta nói.

Tissa trả lời:

- Bạch Thế Tôn. Không đúng sự thật khi nói con như thế. Con chỉ nhận thức ăn vừa đủ nơi họ. Con thấy không cần phải vào tinh xá nữa khi chỉ có nhu cầu nuôi dưỡng mạng sống. Con không hề thân mật với quyến thuộc. Bạch Thế Tôn!

Phật khen:

- Lành thay Tỳ-kheo! Đệ tử của ta phải biết sống thiểu dục. Thiểu dục là ý hướng và thói quen của ta [15].

Không phải sống thanh đạm, tri túc, trong sạch và kiên quyết là đã yên với thiên hạ. Người bàn tán ở đây là chư Tỳ-kheo đồng tu, không phải dân thường. Dân thường chắc còn khủng hoảng nữa. Cho nên, nếu không hàng phục được tâm thì dễ nổi sân và phiền não với những việc như thế, dễ sinh tâm coi thường những kẻ đồng tu. Và rất dễ bị dẫn bởi những chuyện thị phi không có. Tôi từng tiếp xúc với những người miệng mồm không thật, bản thân cũng từng chứng kiến những cái không thật đó, nhưng hễ người đó mở miệng là mình liền tin. Lạ! Không tỉnh giác thì gây nghiệp vô vàn. Không như Phật, mọi thứ qua tai đều được kiểm chứng rõ ràng. Nhân vật chính được mời lên đối chứng. Đó là những bài học rất quý giá. Giúp mình xử lý công việc được tốt hơn. Cũng giúp mình bình thản hơn với mọi việc xảy ra ở đời, một yếu tố rất quan trọng trên con đường Bồ-tát hạnh. Không thì, thấy thiên hạ không ưa là mình đi, thấy thiên hạ bàn tán là mình bỏ cuộc. Biết đi đâu khi chúng sinh không có tật này thì tật khác? Tránh vỏ dưa, có chắc không gặp vỏ dừa? Tránh biết đời nào mới xong.    


Trưởng lão và một Tỳ-kheo trẻ đến nhà bà Visakha để nhận đồ cúng dường. Visakha có một cô cháu ngoại. Cô rót nước vào bát cho chư vị Tỳ-kheo và thấy mặt mình phản chiếu trong đó. Cô mĩm cười. Thầy Tỳ-kheo nhìn vào và cũng mĩm cười. Cô thấy thầy cười liền nói: “Một chiếc đầu trọc cười”. Không ngờ thầy nổi xung, mắng: “Cô mới trọc đầu. Ba má cô mới trọc đầu”. Cô òa lên khóc, vào bếp mách bà. Bà lên giải thích với thầy nhưng không thể nào hòa giải. Trưởng lão nghe chuyện bảo thầy Tỳ-kheo “Chú phải bình tĩnh! Không có gì sỉ nhục khi bị gọi như thế’. Nhưng vị Tỳ-kheo không chịu. Thầy muốn Trưởng lão phải mắng cô bé thay vì dạy bảo thầy.

Vừa lúc đó Đức Phật đi qua.

Câu chuyện được thuật lại. Đức Phật thấy thầy Tỳ-kheo có khả năng chứng quả Tu-đà-hoàn nên đã phương tiện tiếp tay cho thầy. Phật nói với bà Visakha: “Có thích đáng không khi cháu bà chế nhạo đệ tử ta là thầy đầu trọc”. Thầy Tỳ-kheo nghe đến đó sinh tâm vui mừng, cảm tạ Đức Phật, cho rằng chỉ Phật mới hiểu đúng vấn đề. Đức Phật nhân đó dạy rằng “Chớ theo pháp hạ liệt/ Chớ sống mặc, buông lung/ Chớ tin theo tà kiến/ Chớ tăng trưởng tục trần” [16].

Bài kệ nhất định dành cho thầy Tỳ-kheo. Chớ theo pháp hạ liệt! Chỉ phàm phu không biết đạo mới hơn thua nhau từng tý như thế. Đó không phải là cách sống của người tu hành. Nếu tâm không có tướng ngã, tướng nhân, thì danh ngôn bên ngoài không thể khiến mình chao đảo. Trong kinh Trung Bộ, Phật dạy sáu căn tiếp xúc với sáu trần, chớ có giao động, nhưng thầy đã để cho thanh trần nhiễu loạn tâm mình. Nói theo kinh Kim Cang, thầy đã trụ vào lời nói của cô gái, để lời nói ấy dẫn chạy mà phát sinh tranh cãi đúng sai. Sinh tâm như thế rồi, khó mà hóa độ được ai.

Nhớ cái thời tập tểnh vào nghề, Phật pháp học được một mớ, con em tới hỏi, hỏi tới hỏi lui một hồi, nó không sao mà mình thì nổi quạu. Bởi nó hỏi mấy câu mà với mình là quá vô duyên. Giải thích rồi vẫn không nghe, cứ vòng tới vòng lui mất thời gian. Quạu thì thấy bất nhã mà không thể ghìm cái bực trong lòng, phun hết ra ngoài, không ghìm giữ gì được. Từ đó gặp mình đâu, nó cười cười rồi biến mất. Cho nên, tâm không thể điều phục để có thể nghe những lời trái tai mà thấy bình thường, thấy những điều gai mắt mà vẫn an nhiên thì khó mà giáo hóa ai. Chỉ là Bồ-tát hiện, thử mình công phu tới đâu.     

Phật vẫn bênh vực thầy Tỷ-kheo là do phương tiện thiện xảo. Đó là tùy duyên ứng tâm làm lợi ích cho người. Không có định lực và trí tuệ thì không thực hiện được việc đó. Đây là lý do phải điều phục cho được dòng tương tục. Tâm thanh tịnh rồi, mới có thể ứng cơ hiển pháp, như gương sáng, đủ duyên liền hiện hình tượng. Việc lợi ích mới thật thiết thực.


Còn tiếp  


Phần trước đã nói về việc hàng phục tâm. Phần này nói tiếp, nói thêm về việc an trụ tâm.

Tống Thị Lương là con một nhà giàu ở Hà Liên [17]. Giàu nữ hạnh. Giỏi nữ công.

Khi được mười sáu tuổi, nhiều nhà nhờ mai mối nhưng cô một mực từ chối với lý do “Nhân duyên của con phải nhờ đức Phật chỉ giáo”.

Ngày nọ một vị Sư lạ vào nhà cô thuyết pháp. Người nhà cho gì Sư cũng không lấy, chỉ nằng nặc đòi xin chiếc áo lót đang phơi ngoài sân. Áo ấy của Tống Thị Lương. Cha mẹ cho đó là việc bất nhã nên lớn tiếng đuổi đi. Cô chạy ra can ngăn, còn vị Sư thì cười rồi đi thẳng.

Sau đó cô lúc nào cũng thấy như có đức Phật hiện bên mình, bèn xin cha mẹ cho đi tu. Dù không muốn ông bà cũng phải chấp thuận, xây am Quan Âm bên trái núi Đại Kim cho cô tụng niệm tu hành.

Thánh nhân độ người bằng nhiều cách mà cái nhìn của người đời khó thấu.

Hiện các tướng thuận với sở tri của người thì được người ca tụng. Hiện các tướng không thuận với sở tri của người thì lập tức có sự phản kháng. Nhưng tâm chúng sinh đa dạng, tướng thuận có khi không độ được mà tướng nghịch mới độ được, nên phải dùng tướng nghịch mà độ.

Cậu bạn nhỏ của tôi, chưa vợ con, tâm nguyện của cậu là đi tu, cũng thích thiền, nhưng dứt bỏ để vào chùa thì không có tâm dứt khoát. Bẵng một thời gian nghe tin cậu có vợ. Rồi cậu xuất hiện… để giải bầu tâm sự.

Người phụ nữ cậu thương không được bình thường như bao người. Muốn lấy được cô, cậu phải trả một khoản nợ khá lớn để chuộc cô ra. Lấy về, cô viện đủ lý do không cho cậu gần, cũng không thích gặp mặt cậu. Suốt ngày cứ nhắn tin cho ai đó. Hình như người cô yêu mà không có tiền chuộc cô ra. Bỗng dưng, bỏ tiền ra rước một cây cột về nhà mà còn chuốc phiền não vào thân. Khổ quá, cậu hỏi giờ phải làm gì cho hết khổ. Đi tu! Ra đời đâu phải để lấy vợ mà để đi tu, không chịu tu mà cứ lấy vợ thì có Bồ-tát xuất hiện giúp mình vào chùa còn gì! Thế là cậu đi tu. Bởi trước, có nhà mà không ở thì có thể lang thang vui chơi từ chỗ này đến chỗ khác. Giờ, chỉ có chốn thanh tịnh mới có thể giải nổi cái mớ lòng tong đầy ắp trong người, nên chỉ còn cách vào chùa. Hóa thân, có khi phải phàm tục như thế mới khiến chúng sinh quay đầu. Hình tượng nhà Sư xin áo lót vẫn chưa phải là lớn trong vấn đề độ sinh.

Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Người ấy, trong khoảng thời gian từ khi mới phát tâm cầu đạo cho đến khi thành Phật, đều nương nơi chư Phật và các vị Bồ-tát. Khoảng ấy, hoặc thấy, hoặc niệm, hoặc làm quyết thuộc, hoặc làm cha mẹ, hoặc làm người thân, hoặc làm người giúp việc, hoặc làm bạn hữu, hoặc làm oan gia, hoặc khởi tứ nhiếp…, cho đến tất cả việc làm với vô lượng duyên hạnh. Bởi do lực huân tập đại bi phát khởi nên hay khiến chúng sinh tăng trưởng thiện căn, nếu thấy, nếu nghe đều được lợi ích” [18].

Từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật, là khoảng thời gian từ Thập tín đến Thập địa rồi lên Đẳng giác và Diệu giác, năm mươi mấy giai vị nói trong kinh Lăng nghiêm. Chưa vào Thập địa, tức chưa chứng được pháp thân, để có thể tùy cơ ứng hiện báo hóa thân, thì sẽ được chư Phật và Bồ-tát hỗ trợ theo cách hóa làm người thân hay oan gia v.v… giúp mình tiến tu, như trường hợp cậu bạn tôi. Chứng nhập được pháp thân, có ý sinh thân rồi, cũng nương cách đó mà làm lợi ích cho chúng sinh, như ba mươi hai ứng hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện, Phẩm Phân thân tập hội, đầu phẩm ghi: Hoá thân cùng quyến thuộc. Và được giải thích như sau: Phân thân của Bồ-tát Địa Tạng đến từ địa ngục và các thế giới, số phân thân này có đến trăm nghìn muôn ức chẳng thể suy, chẳng thể bàn, chẳng thể nói, chẳng thể lường. Nhờ thần lực của Như Lai, các phân thân này hiệp với những chúng đã được giải thoát, đồng cầm hương hoa đến cúng Phật. Chúng này thảy đều nhờ Bồ-tát Địa Tạng giáo hoá khiến trụ nơi đạo Vô thượng Chánh giác, số cũng đến muôn ngàn ức na-do-tha. Như vậy, phân thân chính là các hóa thân của Bồ-tát Địa Tạng, còn chúng được giáo hoá chính là quyến thuộc của Bồ-tát.

Phân thân hay báo hoá thân là phần đặc trưng của giáo lý Đại và Nhất thừa. Chỉ khi sống lại được với tánh Phật của mình, mới có thể sử dụng được phần báo hoá này. Thân phàm phu cũng là hoá thân mà là hóa thân từ nghiệp hữu lậu và phiền não chướng, sản phẩm của vô minh, không phải là diệu dụng của pháp thân. Vì bị trói buộc bởi nghiệp phàm phu nên không thể một lúc hoá hiện ra nhiều thân làm lợi ích chúng sinh, chỉ y thân đó mà chịu khổ vui không mấy tự tại.

Chư Phật và các đại Bồ-tát đều nhờ vào phần báo hóa thân này mới có thể độ rộng chúng sinh ở mười phương pháp giới. Cho nên, hàng Bồ-tát hậu sinh cũng y đây mà học và tu để độ tận chúng sinh và thành tựu quả Phật.

Trong phần trụ tâm và hàng phục tâm này, đã phân tích để hiểu vì sao chư Bồ-tát phải hàng phục tâm, phải điều phục chúng sinh tâm của mình. Giờ phân tích đến phần trụ tâm.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát đối với pháp, nên không chỗ trụ mà hành bố thí. Đó là không trụ sắc mà bố thí, không trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì sao? Nếu Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí thì phước đức ấy không thể suy lường [19].

Hỏi trụ tâm thế nào? Trả lời nên không chỗ trụ mà hành bố thí.

Trụ tâm, hiểu nôm na là đặt tâm vào đó. Làm bất cứ việc gì nếu không đặt tâm vào đó thì việc khó thành tựu. Học mà không thể tập trung thì không học được. Viết bài mà không đặt tâm vào đó, cũng không viết được. Trụ tâm rất cần thiết cho mọi việc làm. Tuy vậy, tâm có tính huân tập. Tính huân tập có cả mặt lợi và hại. Lợi, là nương vào sư huân tập này, Bồ-tát có thể dùng thói quen tốt phá bỏ một thói quen xấu. Hại, vì nó đưa đến thói quen, hình thành nên tập nghiệp và tập khí, tạo ra sự dính mắc. Dính mắc là một cách hiểu khác của chấp trước. Thứ gì thuộc tập nghiệp thứ đó sẽ sinh chấp trước. Có chấp trước vì có tập nghiệp. Chấp trước tạo ra dính mắc. Và vì thế, một khi nói đến chấp trước hay dính mắc, là nói đến thói quen, đến tập nghiệp và tập khí. Chính là phần Tập nói trong Tứ đế. Tập là nhân đưa đến khổ, là Khổ nói trong Tứ đế. Nhị thừa còn phải dứt Tập mới có Niết-bàn, huống là Bồ-tát, không thể không dứt Tập mà được quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác. Vì thế, Bồ-tát trụ tâm mà nên không chỗ trụ. Làm việc hết mình mà không được chấp trước hay dính mắc vào đó.

Lý do thứ hai trong việc “Trụ tâm mà nên không chỗ trụ”, là tự tánh chân như vốn vô trụ. Còn trụ vào bất cứ gì thì còn chưa thể nhập được tánh vô trụ. Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục [20] ghi:

Trần Nhân Tông hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:

- Chỉ như giữ gìn giới hạnh trong sạch không chút sao lãng thì thế nào?

Tuệ Trung cười không đáp. Trần Nhân Tông lại thỉnh cầu. Tuệ Trung nói kệ:

Giữ giới cùng nhẫn nhục

Chiêu tội chẳng chiêu phước

Muốn biết không tội phước

Chẳng giữ giới nhẫn nhục

Nói rồi dặn nhỏ Trần Nhân Tông: “Chớ bảo cho người không ra gì biết”.

Không tội phước, là chỗ không tội cũng không phước, là một dạng của Bát bất nói trong Trung luận. Kinh Lăng-già dùng bốn từ vô, bất, phi, ly trả lời 108 câu hỏi của ngài Đại Huệ để diễn tả chỗ này. Như vậy, “Muốn biết không tội phước” là muốn thấu được tánh thể vô trụ, cội nguồn chân thật nhất tâm của tất cả pháp thì “Chẳng giữ giới cùng nhẫn nhục”. Không chấp vào tướng của pháp thì mới có thể thấu được tánh không của vạn pháp. Không phải giữ giới cùng nhẫn nhục là không đúng mà nói “Chẳng giữ giới cùng nhẫn nhục”. Kinh luận đều dạy người giữ giới và nhẫn nhục. Nhưng giữ giới và nhẫn nhục mà chấp vào đó, nói cách khác là an trụ luôn đó thì không khác kẻ đã đến bờ mà ngồi luôn ở thuyền, hoặc muốn lên bờ mà không chịu bỏ thuyền. Vì thế, Tuệ Trung trả lời Trần Nhân Tông: “Chẳng giữ giới cùng nhẫn nhục”, như cách Đức Phật dùng bốn từ vô, bất, phi, ly trả lời các câu hỏi của ngài Đại Huệ. Đó là nói trong cái duyên của Trần Nhân Tông, người đã giữ giới và nhẫn nhục không còn sao lãng, không phải là pháp phổ quát cho toàn thể chúng sinh, nên nói “Chớ bảo cho người không ra gì biết”. Người không ra gì, là chỉ cho hạng phàm phu còn đầy tham, sân, si. 

Bố thí, là độ đầu trong Lục độ Ba-la-mật, cũng là chi đầu trong Tứ nhiếp pháp. Lục độ và Tứ nhiếp pháp là hai pháp không thể thiếu trong hành trang của một vị Bồ-tát.

Trong kinh, Phật dạy bố-thí mà nên không chỗ trụ là không trụ nơi sắc mà bố thí, không trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí.  

Không trụ nơi sắc mà bố thí, là khi bố thí đừng để tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh chi phối. Không nói đến tướng thọ mạng, vì khi đã có thân tâm, thế giới và chúng hữu tình thì tướng thọ mạng đã có tác dụng. Tướng này không tổn hại việc lợi ích chúng sinh nếu ba tướng kia đã điều phục. Chỉ trong trường hợp muốn kiến tánh hay thể nhập Phật quả thì tướng thọ mạng cũng phải dứt mới ngộ nhập được.

Bố thí mà nên không chỗ trụ, không có nghĩa là không thấy tất cả tướng khi bố thí mà là không chấp trước hay dính mắc vào các tướng có liên quan. Bởi bố thí cho ai, bố thí cái gì thảy đều có nhân duyên. Việc bố thí này tùy thuộc khá lớn vào phước báu của người được bố thí. Người không đủ duyên, muốn cho cũng không cho được. Cho nên, bố thí không trụ tướng là bố thí rồi thì đừng có dính mắc vào đó. Không dính mắc được biểu hiện qua các dạng: Không thấy hối tiếc khi đã bố thí, lỡ khởi tâm hối tiếc thì sám hối buông bỏ. Hoặc bố thí rồi thì không nghĩ ngợi loay hoay tới nó nữa, lỡ khởi tâm thì buông bỏ v.v… 

Dạng dính mắc thô hơn là bố thí vì danh lợi, do mục đích danh lợi mà bố thí. Hoặc bố thí để tìm cầu quả báo cõi trời người. Hoặc do thích hay thương mà bố thí, không thích thương thì không bố thí. Hoặc do sợ hãi mà bố thí. Hoặc do ăn ngon mà bố thí. Hoặc do được ca tụng mà bố thí. Hoặc do đắm sắc mà bố thí. Hoặc do thân được xúc chạm thỏa mãn mà bố thí. Bố thí như thế là trụ vào tướng lục trần mà bố thí. Bồ-tát khi hành bố thí không trụ vào các tướng như thế mà bố thí. 

Tới đây vẫn chưa xong, vì còn một câu để chúng ta chú ý, là hỏi “Vì sao?”, tức vì sao bố thí mà không nên trụ tướng? Vì “Nếu Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí thì phước đức ấy không thể suy lường”. Đó là câu trả lời. Bồ-tát đã không trụ tướng bố thí mà còn nói đến việc phước đức không thể suy lường? Vậy là còn trụ vào tướng phước đức? Không.

Kinh Kim Cang nói:

- Này Tu-bồ-đề, ý ông thế nào? Có thể dùng thân tướng để thấy Như Lai chăng?

- Thưa không, bạch Thế Tôn! Không thể dùng thân tướng mà thấy được Như Lai. Vì sao? Vì Như Lai đã nói thân tướng tức không phải thân tướng.

Phật nói với Tu-bồ-đề:

- Phàm, những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng là thấy Như Lai.

Đây là lý do chính để chư Bồ-tát bố thí, nhẫn nhục v.v… mà không trụ tướng. Không trụ tướng vì các tướng vốn hư vọng. Hư vọng nhưng do chấp trước (trụ tướng) mà tất cả trở thành thật như hiện nay. Không trụ tướng mà hành Bồ-tát đạo thì dần dà sẽ nhận ra được cái hư vọng của vạn pháp. Nói chính xác, một khi tâm không còn chấp trước hay dính mắc vào vạn pháp thì vạn pháp sẽ hiện đúng bản chất hư vọng của chúng. Điều đó cũng có nghĩa, Bồ-tát đã trụ được chỗ vô trụ của mình.

Nói phước đức không thể suy lường chính là nói đến loại phước đức mà kinh Pháp Bảo Đàn gọi là công đức.Tổ Đạt-ma dạy: “Võ Đế tâm tà, không biết chánh pháp, cất chùa, độ tăng, bố thí, thiết trai, gọi là cầu phước. Không thể mang phước đổi thành công đức. Công đức ở trong pháp thân, không ở tại tu phước. Kiến tánh là công, bình đẳng là đức. Niệm niệm không kẹt, thường thấy bản tánh, diệu dụng chân thật, gọi là công đức. Trong, tâm khiêm hạ là công. Ngoài, hạnh lễ phép là đức. Tự tánh kiến lập vạn pháp là công, tâm thể ly niệm là đức. Không lìa tánh mình là công, ứng dụng không nhiễm là đức. Nếu tìm công đức pháp thân, chỉ y đó mà làm là chân công đức. Nếu người tu công đức, tâm chẳng khinh khi, thường hành cung kính khắp cả. Tâm thường khinh người, ngô ngã không dứt thì tự mình không công. Tự tánh hư vọng không thật, là tự mình không đức. Vì ngô ngã tự đại thường khinh tất cả…” [21]. Đó là lý do Như Lai nói đến phước đức không thể suy lường.
 

TỔNG KẾT

Xin mượn đoạn kinh Kim cang sau làm đoạn kết cho toàn bài.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có chúng sinh nào nghe được ngôn thuyết chương cứ này mà sinh lòng tin chân thật chăng?

Phật nói với Tu-bồ-đề:

- Chớ nói như thế! Sau khi Như Lai diệt độ, khoảng 500 năm sau, có người trì giới tu phước, đối với chương cú này có thể sinh tín tâm cho là thật. Phải biết, người này chẳng phải ở nơi một đức Phật, hai đức Phật, ba bốn năm đức Phật mà gieo thiện căn, đã từ vô lượng ngàn vạn Phật gieo các thiện căn, nghe chương cú này… cho đến sinh một niệm tịnh tín. Này Tu-bồ-đề, Như Lai tất biết, tất thấy các chúng sinh đó được vô lượng phước đức như vậy. Vì sao? Vì các chúng sinh đó không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, không pháp tướng cũng không phải không có pháp tướng.

Chỉ có hiện tướng là trì giới và tu phước, nhưng nếu đối với chỗ nói này của Như Lai có thể sinh niềm tin thì biết quá khứ đã có quá trính tu hành sâu dày. Đều là hạng Bồ-tát nói trong kinh Kim Cang.

Nguyện đem công đức này, xin chúc nguyện cho tất cả chúng sinh đều nhớ lại con đường vô thượng của mình.

 

 

    

   

  

 

 


 

 

[1] Kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ - thiền sư Hàm Thị trực giải - TT Thích Phước Hảo dịch.

[2] Kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ - thiền sư Hàm Thị trực giải - TT Thích Phước Hảo dịch.

[3] Kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ - thiền sư Hàm Thị trực giải - TT Thích Phước Hảo dịch.

[4] Kinh Kim Cang, bản Hán – thuvienhoasen.org

[5] Bát-nhã tâm kinh.

[6] Luận Đại thừa khởi tín – Bồ-tát Mã Minh – Chân Hiền Tâm việt dịch và giải thích.

[7] Luận Đại thừa khởi tín trực giải – Đại sư Hám Sơn.

[8] Bạch ẩn thiền định ca – Phần Thiết nhãn pháp ngữ - Masumi Shibata – Thuần Bạch dịch

[9] Hoa trôi trên sóng nước – Satomi Myodo – Nguyên Phong biên dịch.

[10] Bạch ẩn thiền định ca – Phần Thiết nhãn pháp ngữ - Masumi Shibata – Thuần Bạch dịch

[11] https://anninhthudo.vn/pha-vo-mot-dinh-kien-con-kho-hon-pha-vo-mot-nguyen-tu-post265020.antd

[12] Tích truyện pháp cú tập I - Viên Chiếu dịch.

[13] Thành duy thức luận – HT Thích Thiện Siêu dịch và chú.

[14] Khujjuttara chuyển hoá Samavati / Tích truyện pháp cú tập I - Viên Chiếu dịch.

 

[15] Tissa ở phố chợ - Tích truyện pháp cú tập I - Viên Chiếu dịch.

[16] Một thiếu nữ chế diễu thầy Tỳ-kheo trẻ - Tích truyện pháp cú tập II - Viên Chiếu dịch.

[17] Thiền sư Việt Nam – HT Thích Thanh Từ biên soạn.

[18] Luận Đại thừa khởi tín – Bồ-tát Mã Minh tạo luận – Chân Hiền Tâm việt dịch và giải thích.

[19] Kinh Kim Cang 

[20] HT. Thích Thanh Từ dịch và giảng.

[21] Kinh Pháp Bảo Đàn – Phẩm Nghi vấn.