Thử một lần nhìn lại

THỬ MỘT LẦN NHÌN LẠI (P.3)

Con bé có duyên - Xì hơi - Né ơi

02/04/2017











CON BÉ CÓ DUYÊN

Đến với Phật pháp bạn sẽ được nghe về từ DUYÊN này rất nhiều. Nó là toàn bộ giáo pháp mà đức Phật muốn nói với chúng ta, được sử dụng dưới nhiều tên khác nhau. Hoặc là TÁNH KHÔNG DUYÊN KHỞI, là muốn nói về thực tánh của Nhân Duyên, cũng chính là thực tánh của vạn pháp ở thế gian. Hoặc là NHÂN QUẢ, là mặt triển khai của Nhân Duyên, nhấn mạnh đến hai đầu mút nhân và quả. Hoặc chính NHÂN DUYÊN, là muốn nói quá trình đi từ nhân đến quả còn bị sự chi phối của duyên.

Toàn bộ giáo pháp của Phật đều nói về nó. Mọi pháp môn tu hành của chư Tổ cũng để giúp người đời nhận ra nó. Bởi nó chính là toàn bộ đời sống của con người, là qui luật chi phối mọi thứ ở thế gian, từ vật nhỏ nhất cho đến vật lớn nhất, dù là một sự kiện hay một vật thể, tất cả đều chịu ảnh hưởng của NHÂN DUYÊN. Không thứ nào không có nhân duyên hiện diện trong đó. Nhưng “Chúng sanh đi cùng với nhân duyên mà không biết gì về nhân duyên”. Phật đã nói như thế. Chính vì cái không biết đó mà cuộc sống của ta không mấy hạnh phúc.

Ngày còn nhỏ, mỗi lần mẹ dẫn đến nhà ai, tôi đều được người ta ban tặng một câu “Con bé có duyên”. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, người ta không nỡ chê mình xấu. Một que củi nhầy nhụa vì nắng, với chiếc mũi tẹt và hai cái răng cửa lệch, chỉ có thể là biểu tượng của sắc đẹp nếu chung quanh chỉ còn lũ heo rừng. Song lớn một chút, qua ánh mắt người khác phái, tôi bắt đầu hình dung ra cái duyên thiên hạ nói đó. Không hẳn như mình đã nghĩ. Ngoài cái đẹp vẫn còn có cái duyên. Cái duyên coi bộ lợi hại còn hơn cái đẹp.

Hơn nửa đời người, mới biết cái duyên ấy không phải là thứ chỉ thuộc về mình như người ta đã ca ngợi. Bởi nó không mang ý nghĩa hình thức bên ngoài như cái đẹp, cũng không mang ý nghĩa nội dung bên trong như đức hạnh. Nó không có hình tướng, chỉ là một mối liên hệ giữa mình và người như chút tằm xe của ông tơ bà nguyệt. Là một loại mối mang ràng buộc từ bao đời. Có duyên vì bạn từng có nhiều liên hệ thuận chiều với người khác phái. Đời nay gặp lại, bạn thành người có duyên. Đương nhiên, chỉ những người có duyên với bạn, họ mới thấy bạn có duyên. Cũng chính vì cái duyên đó mà bạn dễ “duyên” với họ hơn với người khác. Ngoài những người đó ra bạn không một chút duyên, thậm chí rất vô duyên. Ta thành kẻ vô duyên vì cái duyên ràng buộc giữa mình và người không có.

Vì thế, ta và người chỉ mới lần đầu gặp mặt, mọi thứ như đã thân quen từ thuở nào. Hiểu được chỗ này mình sẽ chẳng lấy làm lạ về cái gọi là tiếng sét ái tình. Chẳng qua chỉ vì nhân duyên từ nhiều đời trước, kiếp này gặp lại mọi chuyện mới nổ tung. Ma đăng già cũng vì nhân duyên vợ chồng nhiều đời với A Nan nên vừa thấy chàng, nàng đã điêu đứng. A Nan cũng mơ mơ màng như vướng phải bùa mê. Song nhờ thần lực của đức Phật, chính là phần giác tánh trong mỗi chúng sanh, A Nan vượt cạn, Ma đăng già cũng chứng quả. Người đời không được như vậy, là do không sử dụng được phần giác tánh của mình. Không tỉnh nên chạy theo duyên mà sanh tử khổ đau trói buộc.      

DUYÊN là thứ ràng buộc con người lại với nhau. Cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái đều ràng rịt trong những mối nhân duyên. Đời trước giúp đỡ thương yêu nhau, đời này mọi thứ đều thuận lợi. Ngày trước tàn sát ghét bỏ nhau, đời này con giết cha, vợ oán chồng, mọi thứ thành rắc rối. Chỉ là cái QUẢ của một cái NHÂN được gieo từ muôn kiếp trước. Hoặc thuận hoặc nghịch mà thành như vậy.

DUYÊN, bản thân nó không xấu. Phật muốn độ người cũng phải có duyên. Mình muốn nhận lãnh pháp của Hòa thượng, cũng phải có duyên. Cúng dường chính là gieo duyên với Phật pháp. Bố thí chính là gieo duyên với người đời. Duyên chỉ trở thành xấu khi mình vận dụng nó với tính cách qui ngã. QUI NGÃ là thứ gì cũng tập trung cho mình. Thứ gì cũng chỉ có mình, mình mới là trọng tâm thì phiền não không thể tránh khỏi. Tơ dù nhiều thì xe cũng chỉ một. Một mà vương hai, vướng ba thì trách gì chẳng phiền toái. Cho nên, muốn không khổ thì khi nhận không nên vướng, khi cho cố quên đi.

Tổ Đạt Ma nói:
Ngoài dứt các duyên
Trong tâm không động
Tâm như tường vách
Có thể vào đạo

Duyên nói đây không phải chỉ ám chỉ cho loại duyên cột chéo tình đời giữa cha mẹ, anh em, nhân ngãi, vợ chồng, bà con quyến thuộc … mà nó còn chỉ cho tất cả những gì quanh mình như tiền bạc, công việc, danh vọng v.v... Thứ gì vừa đến tai, đến mắt, nói tổng quát là lọt vào 5 giác quan của mình, mà mình thấy có sự ưa thích hay ghét bỏ là biết mình đã duyên với nó rồi đó. Ngoài mà duyên tức trong tâm đang động. Trong tâm phải động thì ngoài mới thành duyên. Thuận lòng mà duyên thì vui vẻ hạnh phúc. Nghịch lòng mà duyên thì bất hạnh khổ đau. Cứ vậy, duyên này nối tiếp duyên kia, liên tu bất tận mà thành số phận một con người.

Đạo ngay trong mình, Phật chính tâm ta, nhưng mọi thứ trở thành ngăn cách, chỉ bởi một chữ ĐỘNG hay KHÔNG ĐỘNG, một chữ DUYÊN hay KHÔNG DUYÊN. Con bé có duyên! Duyên như thế mà đừng duyên. Lỡ một lần, ngàn kiếp khó không vương.


XÌ HƠI

Thứ gì đã đặt thành văn bản qui luật mà giờ thiên hạ làm trái đi, không những gia đình xào xáo, xã hội lộn xộn mà bản thân những người nề nếp cũng cảm thấy phiền lòng không ít. Tôi là một trong số những người đó.

Thằng em, một thằng nói chuyện không đầu, không đuôi, không thưa, không gởi. Muốn nói là nói, chẳng kể trước mặt nó là ai. Lớn hay nhỏ, có thể nói hay không, không cần biết. Nó không hề quan tâm đến điều đó bao giờ. Muốn nói là nói. Không thưa cũng không gởi. Mình không thể không thả lỏng một câu trong đầu, mất dạy!

Vì thế, không gặp thì thôi, gặp là sôi ruột. Phật dạy tu là phải nhẫn, nên mình cố dằn xuống. Nhưng dằn là một trạng thái đè nén. Đè thì cũng nén đó. Nhưng cứ như cái bong bóng, chỗ này lõm thì chỗ kia lồi, chỗ này phình, chỗ kia mới xọp. Không làm sao tan loãng. Lỗi là ở thằng đó. Nó nhỏ mà nó nói chuyện không đầu không đuôi. Thành không gặp thì thôi, gặp là sôi ruột, không biết làm sao giải tỏa ...

Vậy mà mọi thứ cũng xì ra, như quả bóng đụng phải que kim cúc. Bùm! Tan biến ...

Ngày mới đến thiền viện, tôi không dám vào thầy, chỉ quanh quẩn bên ngoài lượm lá điều rơi, hoặc la cà đâu đó nói chuyện với cô. Có thể tìm thấy ở cô những điều không có trong bài giảng của thầy. Không ngồi thiền khi hành kinh. Ngồi thiền xong cần tập thể dục ... Những chuyện nho nhỏ đó, không có cô tôi không biết đâu mà hỏi.

Nói chuyện tu hành rồi, lân la qua chuyện của thầy. Tôi muốn biết chút gì đó về vị thầy chưa thân cận của mình. Tò mò. Một chút gì đó cũng được. Cô lắc đầu. Cô ngao ngán. Cô vừa bị một vố xây xẩm không biết thổ lộ cùng ai.

Chân thật, kỹ càng, quá kỹ càng là đằng khác. Giao việc cho cô chắc chắn là phải an lòng. Vậy mà chuyện đã xảy ra ...

Bắt đầu từ buổi lễ xuất gia.

Thầy nói khuya 12 làm lễ. Thầy của cô được mời về. Thân nhân người xuất gia cũng được thông báo. Chiều 11, cô bưng mâm trái cây qua để đó. Thầy vui vẻ gật đầu.

Song gần 3 giờ sáng rồi mà mọi thứ vẫn im lìm. Không có dấu hiệu gì cho thấy thiền viện sửa soạn làm lễ. Các cô được phái đi quan sát tình hình. Thầy đã thức, nhưng đang sửa soạn ngồi thiền, không phải để làm lễ. Chỉ vì, ngày mai mới khuya 12, hôm nay mới khuya 11, làm gì!

Thầy cô phải qua tận nơi thưa chuỵện với thầy. Cô cũng chuẩn bị áo xống đầy đủ đứng ngoài, phòng khi ứng tiếp. Không biết thầy thầy nói gì với nhau, chỉ biết trò trò về theo không nói một lời.

- Thầy nói sao mà không làm lễ hả cô?

- Thầy nói tôi nghe lộn.

- Cho là lộn đi, nhưng sửa soạn lỡ rồi, làm sớm một bữa không được sao?

- Thầy nói giờ đó mắc ngồi thiền.

Rồi cô phân bua “Nói khuya thì thiền viện đây ai cũng biết là 3 giờ sáng. Tôi mới tưởng ... Ai dè … ” Ừ! Mọi lý luận của cô đều đúng. Nhưng tôi không còn tâm đâu mà nghĩ đến chuyện đúng sai, bởi còn bận cười : Cái tính mực thước kỹ càng của cô chính là thứ gây ra phiền não cho cô chứ không ai khác. Có khi bề hề một chút mà yên. Ngay lúc đó, ngay cái lúc đang cười đó. Bùm! Mọi thứ đều vỡ tung. Một cái tập vừa bị tróc gốc. Tập mà tróc thì “Ngoài dứt các duyên, trong tâm không động”. Duyên nào đã dứt, duyên đó không còn làm tâm mình động.

Tập nói đây là chỉ cho thói quen về suy nghĩ của mình. Nó không nằm trên hành động mà trên tư tưởng. Nó trở thành quan niệm và định kiến của mình : Quen có trên có dưới, có lớn có nhỏ, có đúng có sai ... Nó dính liền với sự phân biệt. Vì thế, người lớn nói thì không sao nhưng vì nó nhỏ hơn mình mà nó nói, nên mình mới bực. Chỗ mình để bình nước, nó mang giày đặt lên. Chỗ mình nằm, nó ngồi chơi điện tử. Giờ đi ngủ, nó ngồi khua chén bát. Mọi nề nếp đều bị đảo lộn, không điên mới lạ. Song nó đảo lộn thì nó lỗi, nhưng mình điên thì mình khổ, không ai khổ thay cho mình. Cái khổ ấy là do mình đã để cho thói quen trong suy nghĩ trói buộc. Phật gọi là chấp. CHẤP là chỉ cho trạng thái nắm chặt. Đụng đâu cũng chấp là đụng đâu cũng nắm. Nắm chặt quá, nên ai làm trái đi, mình sinh phiền. TU chính là quá trình phá chấp. NGỘ chính là bứng được cái chấp đó. Nói cách khác là bứng được một thói quen. Tùy mức độ thanh lọc thân tâm mà cái ngộ này có cạn sâu.

Thiền sư Huệ Nam Hoàng Long, khi còn dưới trướng của thiền sư Lặc Đàm Trừng, tiếng tăm đã vang dội khắp nơi, được thiền sư Vân Phong Duyệt khen là kẻ tài trí hơn người, nhưng vẫn cho Hoàng Long chưa gặp được minh sư. Ông nói “Thầy Trừng tuy nối pháp thiền sư Vân Môn, nhưng Vân Môn như người luyện châu sa, có thể điểm sắt thành vàng. Thầy Trừng như bình thủy ngân đựng thuốc, chỉ để người thưởng ngoạn, mài luyện sẽ chảy mất. Ông muốn chết nơi ngôn cú của thầy Trừng sao? Thầy ấy tuy có phép tắc dạy người, nhưng đó là phép tắc chết. Phép tắc chết mà cứu được người sao?”. Nói rồi, giục Hoàng Long tham vấn thiền sư Từ Minh.

Hoàng Long cũng đến tham vấn thiền sư Từ Minh. Thiền sư Từ Minh ngồi ngay ngắn đợi Hoàng Long lễ bái xong mới hỏi “Nếu ông hiểu được ý chỉ của Vân Môn, vậy thì khi Triệu Châu nói ‘Bà già ở Đài Sơn, ta khám phá cho ông xong’, hãy nói xem, ông ấy khám phá cái gì ở bà già?”. Hoàng Long toàn thân toát mồ hôi, không trả lời được.

Hôm sau Hoàng Long lại đến tham vấn. Vừa gặp mặt, Từ Minh đã mắng như tát nước vào mặt. Hoàng Long hỏi “Chẳng lẽ chửi mắng là giáo pháp từ bi của thầy?”. Thiền sư Từ Minh hỏi ngược “Ông cho đó là chưởi mắng sao?”. Ngay đó Hoàng Long đại ngộ. Đại ngộ là chỉ cho cái ngộ rất sâu.

Ông cho đó là chửi mắng sao? Nói như vậy là mất dạy sao? Làm như thế là cố chấp sao? Chửi mắng hay không chửi mắng, mất dạy hay không mất dạy, cố chấp hay không cố chấp là những thứ xuất phát từ trí phân biệt. Có phân biệt tâm mới chẻ đôi. Song trí phân biệt này do đâu mà có? Từ chân thể thanh tịnh, chỉ do một chút không tỉnh mà tâm thành chẻ đôi nên có phân biệt. Cái phân biệt đầu tiên là phân biệt giữa ta và người. Thứ phân biệt này hình thành từ vô thủy kiếp đến nay nên nó cực kỳ bền chắc. Thứ phân biệt cạn hơn là phân biệt trên, dưới, đúng, sai, xấu, đẹp v.v... Vì có sự phân biệt nên mới sinh chấp thủ hay đẩy đi. Thứ gì cũng muốn thủ về mình, thứ gì cũng mình là chân lý. Từ đó mà sinh tranh tàn, cướp bóc, khổ đau.

Do khuynh hướng qui ngã đưa đến phiền toái khổ đau như thế, các bậc thánh xưa mới đặt ra giới luật, nề nếp, gia giáo, trên dưới v.v... cốt là để người đời bớt tạo nghiệp, để tránh báo xấu cho bản thân và gìn giữ tình trạng an vui cân bằng giữa con người với con người. Cho nên, nếu chỉ vì những thứ lễ giáo đó mà sinh phiền não thì cái lễ giáo ấy không còn ý nghĩa gì nữa.

Đứng trên mặt chân thể mà nói, chân thể thanh tịnh vốn không có trên, dưới, gia giáo hay không gia giáo. Chẳng qua vì người đời qui ngã quá nhiều mà phải đặt ra những thứ đó. Tuy nó là thứ cần thiết cho đời sống nhân loại, nhưng xét cho cùng, nó không có gốc. Chỉ là những pháp đối trị được huân tập sâu vào tâm thức, không phải trong một đời mà rất nhiều đời. Nếu thói xấu không có thì không đặt ra nó làm gì. Nó chỉ là pháp theo duyên, không mang tính bất biến. Cái này có nên cái kia có, cái này không thì cái kia không. Bản chất của chúng là như thế. Nhưng vì mình tập quen với chúng quá lâu nên với mình chúng không chịu không. Trái một chút liền sinh phiền não. Giờ muốn trở lại chân thể thanh tịnh, mình phải phá đi những thói quen đó. Phải làm bật gốc những thói quen muôn đời của mình. Phân biệt hết thì mình mới sống lại được với chân thể thanh tịnh. Không phải chỉ nói hay, nói giỏi mà có thể sống lại được với nó. Đây là lý do vì sao thiền sư Vân Phong Duyệt nói pháp của thiền sư Trừng là phép tắc chết, không thể cứu người. Phải có pháp đánh bật được những tập tục cổ hủ của người đời, mới gọi là cứu được người.

Cho nên, nhận được một câu văn hay khiến mình mát mẻ tâm hồn, có khi không bằng nhận được một chiêu làm mình nóng mặt hụt hẫng. Nói “có khi” vì pháp không mang tính hay dở. Hay hay dở còn tùy vào người sử dụng. Cái chiêu làm mình hụt hẫng nóng mặt ấy thường giúp mình nhận ra những thói xấu của mình nhiều hơn là sự mát mẻ mơn trớn của một lời nói ngọt hay một câu văn hay. Tu chính là quán sát và vượt qua những thứ như thế. Phải nhận ra được thực tánh của những thứ đó, không phải chỉ làm cho sướng con mắt hay thỏa lỗ tai bằng những lời văn hay. Mình chỉ thực bình yên khi bình thản được với những thứ không thuận chiều.

Một ai đó đã rất thắc mắc khi thấy những bài viết của tôi hay trích dẫn lời nói của một ai đó mà ít thấy trích dẫn lời dạy của bậc tôn sư. Điều đó không có gì lạ. Bởi thứ tôi nhận được, phần lớn là từ hành động của chư vị hơn ở những trang sách chư vị đã viết. Một pháp môn “Biết vọng không theo” cứ vậy mà làm. Làm hết đời này chưa chắc đã xong. Một mẫu chuyện thị phi. Nhưng đó là những bài học vô giá giải quyết những thắc mắc thầm kín của tôi. Một ánh mắt nghiêm khắc. Một thái độ khó chịu. Mà có khi chỉ vài ba chữ nhẹ nhàng “Sao vậy?”. Song tất cả đều là pháp mà tôi nhận được từ chư vị.

Những ngày đầu học thiền, vì thiếu kinh nghiệm, lại chưa gặp được thầy, nên tôi đã kiêng kỵ quá đáng với vấn đề ăn uống. Thân là phàm, làm việc tất bật như trâu, nhưng ăn uống theo kiểu nhập thất nên sức khoẻ sút đi nghiêm trọng. Kéo dài một thời gian, cuối cùng là ... khóc. Bất cứ chuyện gì cũng khóc. Khóc như cha chết, mẹ chết, khóc như Thúy Kiều khóc mả Đạm Tiên. Chuyện thấy không có gì mà nước mắt cứ trào ra. Gặp thầy rồi, trình kiến giải thì dám, mà trình những khó khăn khốn khổ của mình thì không. Cái tôi có khuynh hướng lôi mình theo những việc như thế. Nên tu thì tu mà khóc thì cứ khóc.

Cái khóc đó là do mình để cho sức khỏe xuống dốc quá độ nên thần kinh cũng bị ăn theo. Cái giác của mình vẫn còn trong giai đoạn dụng công nên một thân thể mạnh khỏe là tối cần thiết. Thân yếu thì thần tổn. Mình không làm chủ được tâm mình là bởi cớ đó. Uống một mớ B, ăn uống đàng hoàng trở lại, mọi thứ bình yên. Đó là do nhận được những gì Hòa thượng đã nói trong buổi giảng pháp “Phải giữ sức khỏe cho tốt thì mới tu được”. Trong cả bài giảng, chỉ có câu nói đó là khuấy sâu vào tâm thức tôi một cách kỳ lạ, như thể câu nói đó chỉ dành riêng cho tôi. Nhờ đó tôi thoát khóc.

Đó là một dạng “cứu người” không làm mình khó chịu. Còn nghe pháp mà hai lỗ tai chạy rần rần, hai con mắt nổ đôm đốm là chuyện thường tình của người học đạo. Song dám căng lỗ tai, trân con mắt, thì theo năm tháng, tâm mình mới chai. Có chai thì mới dửng dưng được với mọi xấu tốt ở thế gian. Muốn cứng cáp thì phải đối diện với những thứ không như ý. Thứ đó không hình không tướng nhưng thiệt là trần ai. Nghe khen mà bùi lỗ tai thì nghe chê nhất định toát mồi hôi. Thành khen không nhận thì chê mới khỏi bận lòng. Khó lắm!    

 
NÉ ƠI !



Mình có tật, hễ thứ gì đụng đến chỗ yếu của mình là mình né. Né rất vô tư, rất thuần thục. Con bé bự như cái thùng tô nô, rất khoái ăn thịt gà. Tôi hăm “Dịch cúm gà tràn lan, mày mà gặm nó có ngày nó truyền virut sang mày. Về nói mẹ ngưng ngay nghe chưa”. Nó không bằng lòng, bởi gà là món khoái khẩu của nó. Không có thịt gà đời nó hết ấm no. Mà cúm gà cũng không thể lây sang nó khi đã bị chiên chín. Nó thừa hiểu như thế. Con nít thời ni khôn dã man.
Thời gian qua đi, ai mà nhớ những gì mình đã nói ...

Hôm nay, nó chơi một chén thịt gà xé phay quá mạn, tôi nựng “Con ăn gì mà ngon zậy?”. Không nói không rằng, nó cầm chén thịt biến lẹ. Té ra, nó vẫn găm trong lòng sự “thù nghịch” của tôi với món gà rán trước đây. 4 tuổi, còn biết né thuần như thế, huống là mình.

Có những lời vừa chạm vào tai, mình thấy khó chịu. Có những thứ vừa mới chợt nhìn, mình đã thấy đau. Cái đau ấy khiến mình hoảng hốt, chỉ biết rụt đầu né lẹ để tránh cái đau. Không biết như thế chỉ khiến nỗi đau của mình thêm kín. Kín không có nghĩa là hết. Nó lớn dần và dính sâu. Lớn bề sâu nông ngang sang bề rộng. Mình như kẻ sợ nước, sợ gió, đụng đâu cũng né. Yếu đuối trở thành năng lực của mình và mình trở thành cô nàng với cái tên rất mới, Né ơi!

Hãy bình tĩnh nhìn lại cái đau của mình. Hãy thử một lần đối diện với nó xem sao! Cố gắng nhìn thẳng vào đó. Bình tĩnh, từ từ, không tránh né. Đừng mượn rượu tránh sầu. Đừng mượn nhạc né đau. Cứ bình tĩnh thong thả trong công việc. Cứ mở lòng quan sát mọi cái đau.

Nó đau đó, nhưng nó không là gì. Phật nói tất cả là vọng. Vọng vì nó không phải chân. Chẳng qua tập quen với thứ gì đó quá lâu nên nó thành có gốc. Trồng cây mà để bám rễ nên đụng phải nó quậy, mình đau. Hãy đối diện với những thứ làm mình sợ và tập quen với nó, như mình tập quen với cái né. Định tỉnh với cái đau, bình thản với cái sợ, mọi thứ sẽ qua đi. Cũng dung dị bình thường như bao chuyện khác. Giả từ Né hả!