HT cha mẹ trong kinh Duy-ma

HÌNH TƯỢNG CHA MẸ QUA KINH DUY MA CẬT (5)

BỒ TÁT ĐỊA TẠNG

04/04/2017

BỒ TÁT ĐỊA TẠNG

Bồ tát Địa Tạng, hạnh nguyện của ngài sâu dày và lực hộ trì chúng sinh của ngài rất rộng. Kinh nói: «Ngài Văn Thù, ngài Phổ Hiền, ngài Quan Âm, ngài Di Lặc cũng hóa hiện trăm ngàn thân để độ chúng sinh trong sáu đường, nhưng chỗ phát nguyện của các ngài còn có lúc hoàn mãn. Bồ tát Địa Tạng đây, phát thệ nguyện giáo hóa chúng sinh trong sáu đường trải đến kiếp số như cát trong trăm nghìn ức sông Hằng», nhưng do thường thấy tượng ngài xuất hiện ngoài nghĩa địa nên đa phần thường nghĩ ngài chỉ độ cho người chết, nói đến ngài là nói đến người chết, nên trong việc thờ tự và khi gặp khổ nạn, ta thường niệm danh hiệu Quán Thế Âm hơn là Địa Tạng. Thật ra, không phải chỉ có vậy.

I. Thệ nguyện rộng lớn của đức Địa Tạng

Từ khi bắt đầu phát tâm cho đến về sau, trong quá trình hành Bồ tát đạo, Bồ tát Địa Tạng đã phát nhiều thệ nguyện rộng lớn để độ sinh.

1. Do kính ngưỡng thân tướng trang nghiêm của Phật mà phát nguyện rộng lớn

Nhiều kiếp lâu xa về trước, Bồ tát Địa Tạng là một vị trưởng giả. Trưởng giả thấy thân tướng của Phật tốt đẹp trang nghiêm mới bạch với Phật rằng: «Bạch Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, ngài đã tu hạnh nguyện gì mà được thân tướng như thế?».

Phật bảo trưởng giả: «Phải trải qua thời gian lâu xa độ thoát tất cả chúng sinh khốn khổ mới được thân tướng tốt đẹp như thế».

Trưởng giả nghe xong liền phát nguyện: «Từ nay trở về sau tận cùng kiếp vị lai, tôi vì những chúng sinh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện khiến họ được giải thoát, rồi tự thân tôi mới chứng Phật đạo». Do lời thệ nguyện đó mà trải qua vô số kiếp lâu xa, công đức tuy trải khắp mươi phương giới, ngài vẫn là vị Bồ tát cứu khổ chúng sinh trong các đường khổ mà chưa thành Phật.

2. Do sự ủy thác của Thế Tôn mà phát nguyện rộng lớn

Đức Thế Tôn nói với Bồ tát Địa Tạng Vương: «Địa Tạng Vương! Ta đã trải qua bao số kiếp nhọc nhằn để độ thoát những chúng sinh cang cường đầy tội khổ khó khai hóa, nhưng vẫn còn những kẻ chưa thể điều phục, vẫn theo nghiệp mà chịu thọ báo. Nếu khi họ bị đọa vào đường dữ, chịu nhiều sự thống khổ thì ông nên nghĩ đến Ta ở cung trời Đao Lợi mà gắng độ cho họ, khiến cho chúng sinh trong cõi Sa bà này đến lúc Phật Di Lặc ra đời, đều đặng giải thoát khỏi các điều khổ, gặp Phật, được Phật thọ ký».

Bấy giờ các hóa thân của Bồ tát Địa Tạng ở vô số thế giới, hiệp chung lại một hình mà bạch Phật rằng: «Từ kiếp lâu xa đến nay, con nhờ đức Thế Tôn tiếp độ dìu dắt làm cho con được thần lực chẳng thể nghĩ bàn, đầy đủ trí tuệ rộng lớn. Con phân thân ra cùng khắp muôn ngàn trăm ức hằng hà sa thế giới, trong mỗi thế giới lại hóa hiện ra trăm ngàn muôn ức thân. Mỗi thân đó hóa độ trăm ngàn muôn ức người, khiến họ qui kính Tam bảo, khỏi hẳn vòng sinh tử, hưởng vui niết bàn. Những chúng sinh nào, dù trong Phật pháp chỉ làm việc lành bằng một sợi lông, một giọt nước, một hột cát, một bụi nhỏ hoặc chỉ bằng mảy lông tóc, con đều độ thoát lần lần, khiến họ được lợi ích lớn».

Nói xong, đức Địa Tạng bạch Phật ba lần như sau: «Xin đức Thế Tôn chớ vì những chúng sinh có ác nghiệp đời sau mà sinh lòng lo lắng».

Đức Phật nghe xong liền tán thán: «Lành thay! Ta sẽ hộ trì cho ông được toại nguyện. Từ số kiếp lâu xa đến nay ông thường phát nguyện rộng lớn, cứu độ tất cả chúng sinh xong rồi, thời ông liền chứng quả bồ đề».

Như vậy, chỉ cần chúng ta làm được một việc lành nhỏ trong đời sống của mình thì Bồ tát Địa Tạng đã có thể nương nguyện lực của ngài mà phân thân để «chịu khổ thế cho chúng sinh», hộ trì, đỡ đần và chỉ dạy để chúng ta thoát khỏi đường dữ, được sinh vào các cõi lành.

Việc hộ trì này không nhất thiết dưới thân tướng Bồ tát Địa Tạng mà dưới nhiều hình thức khác nhau như đức Thế Tôn từng phân thân hóa độ chúng sinh : Hiện thân trai, thân nữ, thân cư sĩ, thân Tỉ kheo, Tỉ kheo ni, La Hán, Bích Chi Phật, quốc vương, trưởng giả, sông, hồ v.v … Tùy sự ứng cảm nào có lợi cho chúng sinh thì liền hiện thân đó. Hiện thân nói đây, không phải như ma hiện hay do phù phép có, mà là theo nhân duyên đầu thai làm bạn bè, thầy trò, quyến thuộc v.v… với những hình tướng vừa kể trên, ở cả hai mặt thuận và nghịch, khiến người được hóa độ đi vào đường chánh. Chuyện Thánh nữ nói sau là một trong các dạng nói đây.  

Cho nên, tất cả mọi người dù nghịch duyên với mình, nhưng nếu nhờ cái nghịch duyên ấy mà chúng ta đến chùa, làm công đức v.v… thì chư vị đều có thể là hóa thân của Bồ tát Địa Tạng. Ngay cả chính chúng ta, một khi mình làm được cho ai điều gì tốt lành, thì không chừng đó cũng là nguyện lực của Địa Tạng mà ra. Song đã do nguyện lực mà có thì đủ duyên liền hiện, hết duyên liền không, không có ta người, Địa Tạng hay chúng sinh. Chỗ này sâu xa khó hiểu, khó nghĩ bàn. Bàn nữa là trật.          

3. Vì thương chúng sinh hành ác nghiệp mà phát nguyện rộng lớn

Vào thời quá khứ lâu xa về trước có đức Phật hiệu là Nhứt Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Khi Như Lai ấy chưa xuất gia, ngài là vua của một nước, kết bạn với vua một nước lân cận. Hai vua đồng thực hành mười hạnh lành làm lợi ích cho dân. Song dân trong hai nước đó đa phần tạo những ác nghiệp, nên hai vua cùng bàn tính tìm phương cách dắt dìu chúng dân.Nhứt Thiết Trí Thành Tựu Như Lai phát nguyện: «Tôi nguyện sớm thành Phật sẽ độ dân chúng ấy đều được giải thoát». Vị còn lại thì nguyện:  «Trước nếu chưa độ được những kẻ tội khổ làm cho họ được an vui và chứng quả bồ đề thì tôi nguyện chưa thành Phật». Đây chính là tiền thân của đức Địa Tạng.

Do lời nguyện đó mà những nơi nào có kẻ tội khổ, đều có nguyện lực của ngài, nơi nào có kẻ phát bồ đề tâm cũng có nguyện lực của ngài.

4. Vì hiếu thảo mà phát nguyện rộng lớn 

. Nàng Quang Mục : Vào thời quá khứ lâu xa về trước, thời Phật Liên Hoa Mục Như Lai, có người con gái tên Quang Mục, nhờ cúng dường cho một vị La Hán mà được biết mẹ mình đang ở chốn địa ngục rất khổ sở. Do khi còn sinh tiền, bà thích giết ăn loài cá trạnh, số lượng nhiều không thể tính kể.

Để giúp Quang Mục cứu mẹ, vị La Hán khuyên: «Ngươi phải đem lòng chí thành niệm đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai và vẽ đắp hình tượng Phật, thời kẻ còn người mất đều được phước lợi».

Quang Mục nghe xong liền xuất tiền của thỉnh tượng Như Lai về thờ cúng, chiêm ngưỡng, đảnh lễ và chí thành ngày đêm niệm danh hiệu của đức Phật ấy.

Đêm đó nàng chiêm báo thấy đức Phật sắc vàng sáng chói báo cho Quang Mục biết chẳng bao lâu sau, thân mẫu của nàng sẽ thác sinh vào nhà nàng.

Sau đó đứa tớ gái trong nhà sinh được một đứa con trai, vừa biết nói đã xưng với Quang Mục nó chính là mẹ nàng, do giết hại quá nhiều sinh vật và hay chê bai mắng nhiếc thiên hạ mà phải đọa vào địa ngục từ đó đến nay, khổ không thể nào kể xiết. May nhờ công đức của Quang Mục mà thoát được địa ngục, sinh vào nhà kẻ bần tiện nhưng chỉ sống đến 13 tuổi, rồi lại đọa tiếp vào địa ngục. Kể xong, đứa trẻ khóc mà cầu cứu Quang Mục rằng: «Ngươi có phương kế gì làm cho tôi thoát được địa ngục chăng?».

Nghe xong, Quang Mục khóc mà nguyện giữa hư không rằng: «Nguyện cho thân mẫu con thoát hẳn kiếp địa ngục và ác đạo sau khi mãn thân 13 tuổi này. Xin chư Phật mười phương thương xót chứng minh cho lòng thành của con vì mẹ mà phát nguyện rộng lớn như sau: Nếu thân mẫu con thoát khỏi chốn tam đồ, hạng hạ tiện cùng thân gái, mãn kiếp không bao giờ còn thọ quả báo xấu nữa, thì con đối trước tượng Liên Hoa Mục Như Lai mà phát nguyện rằng: Từ nay nhẫn đến muôn kiếp về sau, trong những thế giới nào mà chúng sinh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, con nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo là địa ngục, súc sinh và ngạ quỉ. Những kẻ mắc tội báo như thế thành Phật rồi, con mới thành Phật».

Quang Mục phát nguyện xong. Liền nghe tiếng của Liên Hoa Mục Như Lai nói: «Này Quang Mục, ngươi rất có lòng từ mẫn, vì mẹ mà phát lời thệ nguyện rộng lớn như thế thật là hay. Ta quan sát thấy mẹ ngươi sau khi mãn thân này, sẽ làm người phạm chí sống lâu trăm tuổi, sau đó vãng sinh về cõi Vô Ưu. Sau sẽ thành Phật».

. Thánh nữ Bà la môn : Vào thời đức Phật có hiệu là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, có người con gái dòng Bà la môn, nhiều đời chứa phước sâu dày, thân tướng trang nghiêm, chư thiên thường theo hộ vệ. Song người mẹ lại mê tín tà đạo, thường khinh khi ngôi Tam bảo. Mặc dù thánh nữ thường xuyên khuyên bảo, bà vẫn không hết tà kiến. Chẳng bao lâu sau bà chết, thần hồn sinh vào địa ngục Vô gián.

Do thấy cái nhân bất hảo lúc mẹ còn sống, thánh nữ biết mẹ sẽ đọa vào đường xấu, bèn sắm sửa vật lễ cúng dường các chùa tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương.

Do thành tâm và hiếu hạnh, thánh nữ chí tâm niệm danh hiệu đức Giác Hoa trải suốt một ngày một đêm, liền thấy mình đứng trên bờ biển, nước trong biển sôi sùng sục, thấy trai gái trong đó nhiều vô kể, bị các thú dữ dành nhau ăn thịt. Song nhờ lực niệm Phật nên không thấy sợ.

Thấy quỉ vương Vô Độc đến hỏi thăm, thánh nữ liền hỏi: «Thưa đây là chốn nào?».

- Đây là từng biển thứ nhất phía tây núi Thiết Vi.

- Tôi nghe trong núi Thiết Vi có địa ngục, thật chăng?

- Thật có địa ngục.

- Nay phải làm sao mới đến được chốn đó?

- Nếu không nhờ sức uy thần thì cần phải do nghiệp lực. Ngoài hai việc đó ra không bao giờ có thể đến đó.

Nói rồi, quỉ vương kể về ba biển địa ngục quanh đó cho thánh nữ nghe. Nghe xong, thánh nữ thưa thật với Quỉ vương là mình muốn đến đó tìm mẹ. Vô Độc hỏi:

- Mẹ của Bồ tát tên gì?

- Thân phụ tôi là Thi La Thiện Kiến. Thân mẫu tôi là Duyệt Đế Lợi.

- Xin thánh nữ hãy trở về, chớ đem lòng sầu muộn. Tội nữ Duyệt Đế Lợi đã sinh lên cõi trời ba ngày trước rồi. Đó là nhờ con gái có lòng hiếu thuận tu tạo công đức. Chẳng phải chỉ riêng thân mẫu của Bồ tát mà tất cả tội nhân trong ngục đó đều được an vui cùng thác sinh.

Nói xong quỉ vương chấp tay chào thánh nữ rồi lui. Bấy giờ, thánh nữ như người vừa tỉnh mộng, đối trước Giác Hoa Định Tự Tại Vương mà phát nguyện rằng: «Tôi nguyện từ nay trở về sau tận cùng kiếp vị lai, với những chúng sinh mắc phải tội khổ, tôi sẽ lập ra nhiều phương thức giúp họ được giải thoát».

Những hình tượng trên là một trong vô lượng vô biên hình thức phân thân hóa độ chúng sinh của ngài Địa Tạng. Do những thệ nguyện đó, nên dù trải qua vô lượng vô biên kiếp, Địa Tạng vẫn là Bồ tát độ chúng sinh trong các đường khổ.

II. Lợi ích khi qui hướng đức Địa Tạng

Do trí tuệ, lòng từ và nguyện lực của Bồ tát Địa Tạng trùm khắp mười phương pháp giới nên lợi ích mà ngài mang lại cho chúng sinh hữu duyên không thể nghĩ bàn.

1. Lợi ích đối với người bệnh

. Khi trong nhà có người bệnh nặng, nếu người bệnh cùng thân nhân chí thành mang tiền bạc của cải tạc tượng Bồ tát, hoặc mang nhà cửa vật báu cúng dường đức Địa Tạng thì người bệnh sẽ gặp được thầy được thuốc mà lành bệnh, tuổi thọ thêm dài. Còn nếu nghiệp vận đã hết, thì nhờ công đức đó mà thoát khỏi các ác đạo, được quả vui thù thắng.

Giả như không có tài vật của báu cúng dường thì dùng pháp cúng dường. Đó là trì niệm danh hiệu của ngài. Thân nhân của người bệnh vì người bệnh mà chí tâm tụng đọc tôn kinh, là kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, hoặc trì danh hiệu của ngài «Nam mô Địa Tạng Vương Bồ tát» thì vẫn được những lợi ích trên.

Kinh nói dùng nhà cửa của báu để cúng dường, chính là muốn nói đến sự thành tâm và hết lòng của hành giả. Bởi làm việc gì mà không đủ thành tâm và hết lòng thì việc khó thành tựu.

Người bạn tôi có đứa con mới hai tuổi nhưng lại bị ung thư. Bác sĩ lắc đầu trả về. Ngày con chưa bị bệnh, vợ chồng chị không hề biết gì về Phật pháp. Khi con bị bệnh trầm kha, chị được người ta chỉ cho một vị tăng ở trên núi. Tăng ấy bảo hai vợ chồng hàng tuần phải ẳm con lên, ông mài sừng tê giác cho uống. Hai vợ chồng đi đứng rất xa rất nhọc nhưng không hề biếng trễ. Ngoài việc đó ra, hai vợ chồng còn đi lễ lạy cúng dường khắp các chùa rồi bố thí khi gặp duyên v.v…

Tiền bạc bao nhiêu cũng đổ hết vào việc chữa trị và cúng dường bố thí cầu cho thằng bé. Thằng bé lành bệnh.

Khi em gái tôi muốn chị chỉ phương cách uống thuốc cho một đứa trẻ có bệnh tương tự, chị nói: «Thật tình, chị cũng không biết nó lành do thuốc gì, uống đủ thứ hết, chứ không hẳn do cái sừng tê giác đó. Chị nghĩ nó lành do cảm ứng hơn là do thuốc men. Do sự thành tâm hết lòng của anh chị, Trời Phật cảm động mà ban cho nó sự sống». Đó là cái nhìn cảm quan của người mẹ đối với sự mầu nhiệm mà bà đã nhận được.

Đứng trên mặt nghiệp quả mà nói, chính công đức cúng dường tài vật công sức cộng với niềm tin và lòng thành quá lớn của anh chị mà nghiệp bệnh của thằng bé thay đổi.

Vận số của con người, nếu không phải là định nghiệp, thì với cái nhìn của đức Phật, đều có thể chuyển được nặng thành nhẹ hoặc biến mất. Với loại định nghiệp, vẫn có mặt bất định trong đó : Phải trả, nhưng có thể dời thời gian hay với hình thức nhẹ hơn chút.[1] Tùy theo công đức tu tạo trong đời mà ta có thể chuyển được nghiệp nhiều hay ít. Vì thế trong đời sống đây, đừng bao giờ bỏ qua những cơ hội tu tạo công đức cho chính mình.

Hỏi : Trong kinh Địa Tạng, phẩm So Sánh Nhân Duyên Công Đức Của Sự Bố Thí có ghi: «Các vị quốc vương, hàng tể phụ quan chức lớn, hàng đại trưởng giả v.v… khi gặp kẻ hết sức nghèo túng, hoặc kẻ tật nguyền câm, ngọng, điếc, mù v.v… nếu có đủ tâm từ bi lớn, vui vẻ, tự mình dùng lời ôn hòa, an ủi, mang của ra bố thí, hoặc nhờ người khác bố thí thì phước lợi bố thí đó bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật». Vậy có thể lấy việc bố thí đó thay cho việc đúc tượng v.v… không?

Đáp : Thiền môn cũng có câu chuyện :

Thiền sư Vinh Tây, vì sự đói cơm của một gia đình hành khất, đành phải đưa miếng vàng lá dùng tô tượng Phật cho họ đi đổi gạo. Đệ tử của ngài biểu lộ sự không vui. Thiền sư vui vẻ giải thích: «Chính vì tôn kính chư Phật mà ta làm như thế», nhưng đệ tử vẫn bàn tán ra vào với những lời không hay, nên thiền sư phải lớn tiếng mắng: «Lúc đức Phật còn tu đạo, cắt thịt cho chim bồ câu, xả thân cho cọp đói còn không tiếc thân mạng, huống chỉ là vài miếng vàng lá». Lúc ấy, đệ tử mới hiểu việc làm của thiền sư là hợp với tâm Phật.      

Như vậy, nhất định có thể lấy việc bố thí ấy thay cho việc tạc tượng v.v... Việc làm đó cũng tránh được tình trạng không hay : Mang tiền đúc tượng trong khi tượng thì quá nhiều còn thiên hạ thì đang túng đói. Tuy nhiên, tạc hình tượng Phật và Bồ tát là một cách gieo duyên và nói lên niềm tin cũng như lòng qui hướng đối với Phật pháp. Việc này càng cần thiết đối với người mới đến với Phật pháp. Bởi nhờ đó mà nhận được sự gia trì của chư Phật. Đây nói «nhận được» không nói «mới được Phật gia trì». Vì thế, để được chu toàn, ngoài việc cúng dường bố thí cho người nghèo, chúng ta nên đọc tụng thêm tôn kinh hay trì niệm danh hiệu Phật và Bồ tát, thì lợi ích nhận được vẫn không khác.

. Với nhà có người bệnh đau kéo dài, sống không được, chết không xong, hoặc do thường chiêm bao thấy quỉ dữ hay kẻ thân thích trong nhà, hoặc thấy đi trên đường nguy hiểm, bị bóng đè, đi với quỉ thần, trải qua nhiều năm tháng mà thành bệnh lao, bệnh bại… thường kêu rên thê thảm sầu khổ, thì nên đối trước tượng của chư Phật và Bồ tát, đọc lớn tiếng một biến kinh Địa Tạng Bổn Nguyện. Cũng nên khuyến khích người bệnh lấy các vật phẩm bình thường hay ưa thích mà cúng dường Địa Tạng Vương, hoặc tạo hình tượng Phật Bồ tát, hoặc xây chùa, sắm đèn thắp cúng, hoặc cúng vào của thường trụ… thì có thể cứu vãng tình thế.

Giả như thần thức người bệnh đã phân tán, thì từ một ngày đến bảy ngày cứ lớn tiếng xướng bạch việc cúng dường trên và tụng kinh Địa Tạng cho người ấy, thì người bệnh dù mắc tội vạ nặng bao nhiêu, khi chết vẫn có thể thoát được đường khổ, thọ sinh vào đâu cũng có thể nhớ biết việc đời trước.

Hỏi : Nếu khi chết, có thể nhờ thân nhân cầu tự mà có thể hết các tội đọa địa ngục thì có rơi vào việc «lầm nhân lộn quả» không? Vậy khác gì khuyên người bình sinh cứ làm ác, chết có thân nhân cầu tự giùm? Lại, trong kinh cũng nói: «Chí thân như cha với con, mỗi người cũng theo nghiệp của mình mà đi đường khác, dầu có gặp nhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ thay nhau», sao đây có thể nhờ thân nhân tụng niệm và cầu tự mà được thoát tam đồ khổ?

Đáp : Kinh nói, chí thân như cha với con cũng chẳng bằng lòng chịu khổ thay nhau, không nói không chịu thay được. Nếu không chịu thay được, thì lời nguyện «Chịu khổ thế cho chúng sinh» mà hàng đại Bồ tát dùng làm pháp cúng dường cho chư Phật trong kinh Hoa Nghiêm không lý là lời ma mị? Vậy thì biết, vẫn có thể chịu thay được, nhưng phải có nhân duyên và nhất là phải… bằng lòng chịu thay.

Thực lý chi phối thế gian này là lý Duyên khởi, triển khai thành lý Nhân duyên và Nhân quả. Nói Nhân quả, là nói tổng quát để biết nhân nào cho ra quả nào. Nói Nhân duyên, là nói chi tiết, để biết từ nhân ra quả còn bị chi phối bởi duyên. Duyên này rất quan trọng. Không có nhân đương nhiên không có quả, nhưng một khi đã có nhân, thì duyên lại là thứ góp phần quyết định cho sự thành bại của nhân ấy. Dù có nhân mà không đủ duyên thì quả cũng không thành. Do thấy được lý Nhân duyên Nhân quả này, Phật dạy chúng ta tu tạo công đức để thay đổi quả xấu của mình. Việc tu tạo công đức chính là duyên giúp thay đổi quả xấu.

Trong việc chuyển nghiệp trên, sự tu tạo công đức của chính người đó trong hiện đời là duyên giúp người đó chuyển nghiệp. Ngoài ra, duyên chuyển nghiệp còn bắt nguồn từ hạnh nguyện của chư vị Bồ tát theo nhiều phương cách : Hoặc làm người thân, làm oan gia, hoặc dùng lời chỉ dạy v.v… tất cả đều có tác dụng lợi ích cho người, trực tiếp hoặc gián tiếp.

Muốn được sự trợ duyên của Bồ tát, thì người đó phải từng gieo trồng một công đức nào đó trong quá khứ, như Bồ tát Địa Tạng đã nói: «Những chúng sinh nào, dù trong Phật pháp chỉ làm việc lành bằng một sợi lông, một giọt nước, một hột cát, một bụi nhỏ, hoặc chỉ bằng mảy lông tóc, con đều dùng phương tiện độ thoát lần lần, khiến họ được lợi ích lớn». Nhân cái duyên ấy mà chư vị Bồ tát mới có thể hóa thân trợ duyên làm thân nhân chịu xả thân tụng niệm, cúng dường v.v… cho người đó.

Như ngài Mục Kiền Liên hóa thân làm con bà Thanh Đề cứu mẹ thoát khỏi địa ngục. Nhân duyên đó có, là do khi còn là ăn mày, bà và chồng đã bòn một lon gạo cúng dường Tam bảo. Một ngọn đèn của người nghèo quí hơn ngàn vạn lần của người giàu. Chính nhờ công đức ấy mà Mục Kiền Liên mới có thể hóa thân làm con cứu bà thoát khỏi địa ngục.

Nhìn trên mặt hiện tượng hiện đời thì nhân duyên giúp bà giải thoát là do Mục Kiền Liên thỉnh cầu cúng dường tăng chúng, nhưng nhìn sâu hơn nữa, thì nhân ấy là do việc bà đã thành tâm cúng dường lon gạo cho Tam bảo. Lon gạo là bình thường, không đáng một xu với người giàu, nhưng với bà đó là một bảo vật. Cúng dường với tâm niệm và phẩm vật như thế, theo những gì kinh nói đây, bà đương nhiên hưởng phước cõi trời. Chỉ do sự tức giận nhất thời rồi phát lời nguyện sai trái, lại theo cái sai ấy mà đi, nên mới đọa vào địa ngục. Nhưng nhờ cái nhân cúng dường cũ mà được Bồ tát trợ duyên giúp bà hết nghiệp và lên lại cõi trời.

Nếu không do sự trợ duyên của Bồ tát thì người đó cũng đã từng gieo những nhân rất tốt đối với thân nhân của mình, nên hiện đời mới nhận được sự đáp trả. Đời nay, nhờ thầy tụng niệm thì nhiều, mấy người chịu trì niệm danh hiệu hay tụng kinh từ ngày này qua ngày khác cho thân nhân mình? Phải có nhân duyên sâu xa nào đó trong quá khứ mà hiện đời mới có sự chuyên trì xả thân như thế.

Cho nên, những lời dạy ấy với cái nhìn trong hiện đời thì thấy có vẻ không theo nhân quả, nhưng thật ra mọi thứ vẫn luân chuyển trong vòng nhân quả, chỉ là ẩn hay hiện, trực tiếp hay gián tiếp mà mắt thường không thể thấy được.

2. Lợi ích khi sinh nở

Trong vòng 7 ngày, nếu có thể vì đứa bé mà không giết hại sinh vật, không nhóm họp đàn ca xướng hát ăn thịt uống rượu, mà chỉ tụng kinh Địa Tạng Bổn Nguyện hoặc niệm danh hiệu của ngài được một vạn biến thì tội chướng đứa trẻ đã gây ra kiếp trước sẽ được tiêu trừ, dễ nuôi, sống lâu. Nếu đứa bé do phước lực thọ sinh thì càng được an vui hơn nữa.

3. Lợi ích đối với người đã khuất

. Với những ai mà cha mẹ hay anh chị em đã mất khi mình còn nhỏ tuổi, khi khôn lớn nếu muốn biết thân nhân mình đã về đâu thì từ 7 ngày cho đến 21 mốt ngày, chiêm ngưỡng, đảnh lễ, trì danh đức Địa Tạng được ngàn muôn biến thì sẽ được Địa Tạng hiện thân vô biên hoặc hiện ra trong mộng mách cho mình được rõ.

Ngoài việc đó ra, người chết còn được phước báu lớn, có thể thoát khỏi chốn tam đồ đau khổ. Nếu người chết đã sẵn có phước lành sinh vào cõi trời người, thì càng thêm an vui, được lợi ích lớn. Còn người chiêm ngưỡng kính lễ hình tượng Bồ tát và trì danh hiệu của ngài thì hiện đời đồ ăn thức uống không thiếu, được quỉ thần tại nơi đó hộ trì, không bị các thứ bệnh làm cho khổ, các thứ tai vạ cũng không chạm đến thân.

. Nếu ai trong giấc ngủ chiêm bao thấy các hạng quỉ thần hay các hình ảnh lạ hoặc buồn bã, hoặc khóc lóc, hoặc than thở hãi hùng, hoặc sợ sệt… thì phải biết đó là do quyến thuộc trong một đời, hay trong mười đời, trăm đời, ngàn đời thuộc quá khứ bị đọa vào ác đạo chưa thể ra khỏi, không biết trông mong vào phước lực nơi nào để cứu vớt, nên về mách bảo với thân quyến hữu duyên đời trước, tìm phương tiện cứu gỡ, cầu thoát khỏi ác đạo.

Hãy đối trước hình tượng của chư Phật và Bồ tát, chí tâm tự đọc kinh này hoặc thỉnh người khác đọc đủ số ba biến đến bảy biến.  

4. Những lợi ích khác

. Khi nghe được danh hiệu của ngài mà chắp tay thật lòng kính lễ, tán thán, luyến mộ thì sẽ qua khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp.[2]

. Nếu họa hình tượng của ngài rồi chiêm ngưỡng đảnh lễ thì sẽ sinh lên cõi trời Đao Lợi một trăm lần, không bị sa đọa vào ác đạo. Dù phước trời đã hết, sinh xuống nhân gian vẫn làm vị quốc vương, không hề mất sự lợi ích lớn.

. Những ai cúng dường cung kính đảnh lễ tụng niệm kinh điển và danh hiệu Địa Tạng như thế thường được quỉ thần theo hộ vệ, tội chướng cũng tiêu trừ, bình an qua các chỗ hiểm nguy, chỗ ở thường được quỉ thần hộ vệ v.v.. .

. Có người nữ nào nhàm chán thân gái mà hết lòng cúng dường hình tượng của đức Địa Tạng. Ngày ngày cúng dường hương hoa quả phẩm v.v… lễ bái không ngừng, thì sau khi mãn thân gái sẽ được vô lượng kiếp làm thân trai. Trừ khi vì lòng từ phát nguyện thọ thân gái để độ sinh.

. Có người nữ nào nhàm chán thân xấu xí và nhiều bệnh tật, nếu đối trước tượng Bồ tát Địa Tạng hết lòng kính lễ chừng khoảng một bữa ăn, thì trong ngàn vạn kiếp thọ sinh thường được thân hình tướng mạo xinh đẹp không có bệnh tật. Nếu không nhàm chán thân gái thì thường được làm con gái nhà vua quan cho đến làm vương phi v.v… với tướng mạo xinh đẹp, đoan chánh.

. Những hạng hạ tiện, nô bộc, nếu đối trước hình tượng Bồ tát mà sám hối, chí tâm chiêm ngưỡng đảnh lễ rồi niệm một vạn biến danh hiệu của ngài trong 7 ngày thì sau khi mãn thân hạ tiện ở hiện đời sẽ được thân tôn quí.

. Vào những ngày mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 âm lịch, nếu đối trước hình tượng Phật và Bồ tát đọc một biến kinh này thì quanh chỗ người đó ở một trăm do tuần không có tai nạn xảy ra, còn thân nhân người tụng thì xa khỏi ác đạo trăm ngàn năm, hiện tại thì đồ ăn mặc dư thừa, không bị bệnh tật bất ngờ.    

5. Thấy nghe được tăng thêm phước trời

Đối với các vị trời, khi phước trời đã mãn, năm tướng suy hiện ra, nếu ngay lúc đó có thể nghe được danh hiệu của Địa Tạng Vương, rồi đảnh lễ chiêm ngưỡng thì phước trời tăng thêm, không bị đọa vào ba ác đạo.

6. Nguyện lớn sớm thành tựu

Những ai muốn thành tựu nguyện lớn «Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh», thì nên đối trước hình tượng của ngài, cúng dường hương hoa v.v… chí tâm qui y, chiêm ngưỡng, tán thán thì nguyện lớn sẽ không bị chướng ngại, trong mộng sẽ được Địa Tạng Vương thọ ký.

7. Khai mở trí tuệ

Nếu có ai sinh lòng trân trọng đối với kinh điển Đại thừa, phát tâm muốn đọc tụng các kinh điển ấy, nhưng do nghiệp chướng đời trước, dù gặp minh sư truyền dạy, vẫn không thể ghi nhớ, hiểu, nói… thì trong khoảng từ 7 ngày đến 21 ngày, đối trước tượng Bồ tát đem hết bản tâm cung kính tỏ bày, chiêm ngưỡng, dùng hương hoa và một chén nước trong cúng dường hình tượng Bồ tát. Sau một ngày một đêm, xoay mặt về hướng nam trịnh trọng uống chén nước ấy, đồng thời phải kiêng ngũ tân, rượu thịt, dâm dục, vọng ngữ và các việc giết hại. Người đó sẽ mộng thấy Địa Tạng Vương hiện thân vô biên rưới nước lên đỉnh của mình. Trí tuệ người ấy sẽ khai mở, một phen đọc tụng liền nhớ.

Đó là những lợi ích khi chúng ta qui hướng, chiêm ngưỡng, cúng dường, trì danh hiệu cũng như đọc tụng kinh điển Địa Tạng Vương. Trong tất cả mọi việc, chí tâm hết mình là điều tiên quyết để sự mong muốn được thành tựu. Bởi có chí tâm hết lòng thì mới nhất tâm chiêm ngưỡng, trì tụng v.v… Nhất tâm được thì mới cảm được nguyện lực của Bồ tát Địa Tạng Vương.

Với cái nhìn «Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức», thì khi nhất tâm, mới có thể dụng được cái dụng thanh tịnh vi diệu của tánh thể mà Phật và chúng sinh đồng có.

III. Tổn hại nếu khinh chê

Qui hướng có lợi ích thì chê bai đương nhiên bị tổn hại. Kinh Địa Tạng nói: «Này Bồ tát Phổ Quảng! Trong đời sau như có ác quỉ, ác thần hay kẻ ác nào thấy thiện nam tín nữ qui y, chiêm ngưỡng, cung kính, lễ bái, cúng dường hình tượng Địa Tạng Vương mà khởi tâm khinh chê là không có công đức, không có sự lợi ích hoặc nhăn răng ra cười chế nhạo, hoặc chê sau lưng hay trước mặt, hoặc khuyên người khác cùng chê, dù chỉ trong khoảng một niệm, đều đọa vào địa ngục A tì, chịu khổ rất nặng. Một ngàn đức Phật trong hiền kiếp nhập diệt hết rồi mới được thọ thân ngạ quỉ. Một ngàn kiếp sau mới thọ thân súc sinh. Một ngàn kiếp sau nữa mới sinh làm người, nhưng chỉ ở trong hạng bần cùng, tật nguyền, hoặc bị những nghiệp ác ràng buộc vào thân. Nếu không có phước lành, sau lại đọa tiếp vào đường dữ».

Đây không phải lời nguyền rủa kẻ không qui phục mình mà chỉ là nói lên sự thật khi ta để «tâm khinh miệt» làm chủ. Khi ta chịu qui phục lễ lạy đức Phật hay bất cứ một người nào khác, ta sẽ nhận thấy trạng thái tâm của mình lúc ấy chuyên nhất, hoan hỉ và nhẹ nhàng. Đó là cái nhân của hạnh phúc. Trạng thái tâm khinh chê, cười nhạo là hiện tướng của cái tôi, kinh gọi là ngã tướng. Lục Tổ nói: «Có ngã tội liền sinh», nên đó là cái nhân của ba đường dữ.

Ngoài ra, khi đã cười chê, tức ta không tùy thuận theo những gì kinh đã dạy, ta sẽ sống mà coi thường nhân quả v.v… Đó là cái nhân khiến ta đọa vào đường dữ.

Cho nên, khi chưa thể qui phục thì cũng nên giữ tâm, không nên miệt thị, hầu tránh những sự đáng tiếc cho mình.          

IV. Phương tiện giáo hóa chúng sinh của Bồ tát Địa Tạng

Phương tiện mà ngài Địa Tạng dùng để chỉ dạy cho chúng sinh được quả lành không ra ngoài qui luật nhân quả. Muốn có quả lành thì chúng sinh phải gieo nhân thiện. Muốn chấm dứt khổ nạn, chúng sinh phải chuyển hóa lời nói thô ác, suy nghĩ bất hảo và hành động bất thiện.

Sự hộ trì của Phật Tổ, chính là nhắc nhở cho ta biết những gì nên làm và những gì nên tránh. Chư vị chỉ có thể xả thân «thay thế các khổ nạn cho chúng sinh» khi chúng sinh từng gieo ít nhiều nhân thiện trong quá khứ và hiện tại.    

1. Nêu bày cái nhân của địa ngục

Đức Địa Tạng kể ra 5 tội khiến chúng sinh đọa vào ngục Vô gián :

- Không hiếu thảo với cha mẹ, cho đến giết hại cha mẹ.

- Có lòng ác làm thân Phật ra máu, khinh chê ngôi Tam bảo, không kính trọng kinh điển.

- Xâm tổn của thường trụ, ô phạm Tăng Ni, tự tình làm sự dâm loạn trong chốn Già lam, hoặc giết hoặc hại …

- Làm Sa môn mà tâm chẳng phải Sa môn, lạm dụng của thường trụ, trái phạm giới luật, gạt gẫm hàng bạch y, tạo nhiều tội ác v.v…

- Trộm cắp lúa gạo, y áo, tài của v.v… của thường trụ.    

Không muốn vào địa ngục thì cần tránh những việc đã nêu trên.  

2. Nêu bày cái nhân của các đường dữ

Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện nói:

Ngài Địa Tạng, nếu gặp kẻ sát hại loài vật, thời ngài dạy rõ quả báo chết yểu.

Nếu gặp kẻ trộm cắp thời ngài dạy rõ quả báo nghèo khốn khổ sở.

Nếu gặp kẻ tà dâm, ngài dạy rõ quả báo làm chim sẻ, chim uyên ương.

Nếu gặp kẻ nói lời thô ác, ngài dạy rõ quả báo quyến thuộc kình chống nhau.

Nếu gặp kẻ hay khinh chê, ngài dạy rõ quả báo không lưỡi miệng lỡ.

Nếu gặp kẻ nóng giận, ngài dạy rõ quả báo thân hình xấu xí tàn tật.

Nếu gặp kẻ bỏn sẻn, ngài dạy rõ quả báo cầu muốn không được toại nguyện.

Nếu gặp kẻ buông lung săn bắn, ngài dạy rõ quả báo kinh hãi điên cuồng mất mạng.

Nếu gặp kẻ trái nghịch cha mẹ, ngài dạy rõ quả báo trời tru đất diệt.

Nếu gặp kẻ đốt rừng, ngài dạy rõ quả báo cuồng mê đến chết.

Nếu gặp cha mẹ ghẻ ăn ở ác độc, ngài dạy rõ quả báo thác sinh bị roi vọt trở lại.

Nếu gặp kẻ dùng lưới bắt chim non, ngài dạy rõ quả báo cốt nhục chia lìa.

Nếu gặp kẻ hủy báng Tam bảo, ngài dạy rõ quả báo đui, điếc, câm, ngọng.

Nếu gặp kẻ khinh chê giáo pháp, ngài dạy rõ quả báo ở mãi trong ác đạo.

Nếu gặp kẻ lạm phá của thường trụ, ngài dạy rõ quả báo ức kiếp luân hồi nơi địa ngục.

Nếu gặp kẻ ô nhục người hạnh thanh tịnh và vu báng Tăng già, ngài dạy rõ quả báo ở mãi trong loài súc sinh.

Nếu gặp kẻ dùng nước sôi hay lửa chém chặt giết hại sinh vật, ngài dạy rõ quả báo phải luân hồi thường mạng lẫn nhau.

Nếu gặp kẻ phá giới phạm trai, ngài dạy rõ quả báo cầm thú đói khát.

Nếu gặp kẻ phung phí phá tổn của cải một cách phung phí, ngài dạy rõ quả báo tiêu dùng thiếu hụt.

Nếu gặp kẻ kiêu mạn cống cao, ngài dạy rõ quả báo hèn hạ bị người sai khiến.

Nếu gặp kẻ đâm chọc gây gổ, ngài dạy rõ quả báo không lưỡi hay trăm lưỡi.

Nếu gặp kẻ tà kiến mê tín, ngài dạy rõ quả báo thọ sinh vào chốn hẻo lánh.

Những chúng sinh trong Diêm phù đề, từ nơi thân, khẩu, ý tạo ác mà có kết quả trăm ngàn muôn sự báo ứng như thế, nay chỉ nói sơ lược.

«Dạy» nói đây, không chỉ nằm trên lời nói mà còn có thể phân thân thành kẻ nam người nữ hay oan gia v.v… giúp người mê thức tỉnh từ bỏ các nhân ác, gieo trồng các nhân lành. Nhân đã lành, đủ duyên quả sẽ lành.

Nêu ra phương cách giáo hóa của Địa Tạng cũng là muốn để chúng sinh biết không phải chỉ lập hình tượng, thờ tự suông mà có thể thoát khổ. Đã thờ tự mà còn phải chiêm ngưỡng, lễ bái, cung kính và y theo kinh mà trì tụng và thực hành thì lợi ích mới có. Trì tụng danh hiệu Địa Tạng cũng là cách giúp tâm được thanh tịnh. Từ sự thanh tịnh đó, ta mới đủ nhân duyên gặp được những gì mà nguyện lực của Địa Tạng Vương đưa đến.

Trước khi làm một chuyến viễn du dài hạn, Sư phụ kêu đệ tử tới bảo:

- Bồ tát Quán Thế Âm linh lắm. Bởi vậy ngài mới có danh hiệu «Tầm thinh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát». Nếu  người bị khổ nạn, niệm danh hiệu ngài, ngài sẽ nương âm thanh cầu nguyện mà tìm tới giải khổ.

Sau đó thầy và đệ tử, mỗi người cưỡi một chú lừa du phương. Tới một quán trọ, Sư phụ vào trước và dặn đệ tử buộc lừa.

Đệ tử đứng đó, ngắm trời nhìn mây, rồi cẩn thận tụng một thời kinh cầu an, thành khấn lễ bái, lâm râm cầu nguyện:

- Xin Bồ tát để ý đến hai con lừa giùm con.

Khấn rồi, lạy vùi ba lạy, không cần quan tâm tới nữa, vào quán đánh một giấc tới sáng.

Sau bữa điểm tâm, trước lúc lên đường, Sư phụ phát hiện lừa đã mất, bèn kêu đệ tử hỏi:

- Lừa của chúng ta đâu?

 Đệ tử bấy giờ mới nhìn quanh tìm kiếm, không thấy lừa đâu bèn thưa với Sư phụ:

- Việc này thầy phải hỏi Bồ tát. Tối qua con có gởi Bồ tát coi chừng giùm, cũng đã tụng niệm và lạy ngài ba lạy rất thành khẩn. Thầy không phải đã dạy con phải tin tưởng Bồ tát sao?

Sư phụ lắc đầu ngao ngán:

- Đúng là ta đã dạy chú phải tin tưởng Bồ tát, nhưng trước khi cầu tha lực chú phải tự lực trước chứ. Chú có tay thì nên dùng tay mình mà buộc lừa. Sao lại giao cho Bồ tát? Chú có mắt sao chẳng chịu nhìn ngó? Cái gì làm không được mới nhờ bên ngoài trợ cho. Trong ngàn tay ngàn mắt của Bồ tát cũng có tay mắt của chú trong đó, có vị Bồ tát nào lại giúp chú tăng thêm lười biếng hả?

Hy vọng chúng ta không như chú tiểu kia, hiểu nhầm sự hộ trì của chư Phật như một loại thần thông ban phước giáng họa, khiến ta trở thành những kẻ ỷ lại và làm biếng. Chư Phật chỉ là người dẫn đường, sự hộ trì của chư vị chính ở chỗ “Chỉ cho ta biết đường mà đi để khỏi lọt hầm lọt hố”. Lòng bi của chư vị rộng lớn ở chỗ “Dù công hạnh tròn đầy từ vô lượng kiếp, chư vị vẫn không nhập niết bàn, nương vào mật hạnh lợi hành đồng sự, phân thân trải dài sinh tử hóa độ chúng sinh”, trong đó có cả phần hạnh nguyện “Chịu khổ thay thế cho chúng sinh”, lấy đó làm pháp cúng dường chư Phật.

V. Quỉ thần hộ pháp

Do thệ nguyện của đức Địa Tạng sâu dày, không kể kiếp số lâu xa, không kể phương tiện khó khổ, chỗ nào có chúng sinh hữu duyên, nguyện lực của ngài liền đến, nên chư vị quỉ thần đều theo hộ trì.

1. Địa thần Kiên Lao : là vị thần đất, đã trình với đức Thế Tôn: «Bạch đức Thế Tôn, với chúng sinh hiện tại cho đến vị lai, nơi nào trong phần đất của mình ở, dùng đất đá tre gỗ mà dựng nhà thất, trong đó thờ hình tượng Địa Tạng, rồi dùng hương hoa cúng dường, chiêm lễ, ngợi khen, trì tụng danh hiệu, cũng như đọc tụng kinh này, thời con sẽ dùng thần lực của con hộ vệ người đó, tất cả sự tai họa như nước, lửa, trộm cướp v.v… thảy đều tiêu sạch. Chỗ người ấy ở được 10 điều lợi ích :

. Đất cát tốt màu.

. Nhà cửa an ổn.

. Người đã chết sinh lên cõi trời.

. Người hiện còn hưởng sự lợi ích.

. Việc mong cầu sẽ được toại ý.

. Không có tai họa về nước và lửa.

. Trừ sạch việc hư hao.

. Dứt hẳn ác mộng.

. Khi ra vào lúc nào cũng có thần theo hộ vệ.

. Gặp được thánh nhân.

Bạch đức Thế Tôn, chúng sinh trong đời sau cùng hiện tại, nếu ở nơi phần đất của mình có thể làm được việc cúng dường ngài Địa Tạng như thế, sẽ được các lợi ích trên».

2. Quỉ vương Ác Độc : Ông bạch với Phật rằng: «Chúng con là hàng quỉ vương số đông vô lượng, có kẻ làm lợi ích cho người mà cũng có kẻ làm hại người không ít, nhưng do nghiệp báo khiến quyến thuộc của con đi qua các thế giới mà ác nhiều, lành ít.

Như đi qua chỗ có kẻ trai người gái nào tu được chút phước lành bằng mảy lông sợ tóc, hoặc cúng dường hương hoa cho chư Phật và Bồ tát, hoặc đọc tụng tôn kinh, hoặc đốt hương cúng dường một bài kệ, một câu kinh v.v… thì hàng quỉ vương chúng con kính lễ người ấy như các đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.

Chúng con nguyện hộ trì giữ gìn, chẳng cho việc dữ cùng các tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo … đến các chỗ đó».

3. Quỉ vương Chủ Mạng : Ông thưa với Phật: «Nghiệp duyên của con là cai quản về tuổi thọ của người, khi sinh tử con đều coi biết hết. Theo bản nguyện của con thì mọi người đều được lợi ích lớn. Nhưng do chúng sinh không hiểu ý con nên khi sinh tử đều không an ổn.

. Người trong Diêm phù đề, bất luận là trai hay gái, nếu khi sắp sinh thời cha mẹ quyến thuộc chỉ nên làm việc phước thiện thì thổ địa vui mừng không xiết, ủng hộ cả mẹ lẫn con đều được an vui. Hoặc khi đã sinh rồi, nên cẩn thận chớ có giết hại sinh vật để lấy những vị tươi ngon cung cấp cho sản phụ ăn, cũng không nên tụ họp bà con bạn bè đàn ca, xướng hát, uống rượu, ăn thịt. Nếu làm những việc trên đó thời mẹ con chẳng đặng an vui. Vì sao? Vì lúc sinh sản nguy hiểm có vô lượng quỉ dữ cùng ma quái tinh mị muốn ăn huyết tanh. Nhờ con sớm đã sai các vị thần linh bảo hộ nên được an ổn. Nếu thấy an ổn, thời đáng nhẽ phải làm phước lành, trái lại đi giết các loài sinh vật, hội họp thân quyến, vì lẽ này đã phạm lỗi tất phải tự thọ lấy tai vạ.

. Người trong Diêm phù đề này, đến lúc mạng chung, không luận là lành hay dữ, con cũng đều muốn họ không bị đọa vào ác đạo. Huống gì người lúc sinh tiền biết tu tạo công đức giúp thêm uy lực cho con.      

Trong cõi Diêm phù đề này, những người làm lành, đến khi mạng chung còn có vô số quỉ thần ác ôn biến ra người thân dẫn dắt thần hồn vào chốn ác đạo, huống là những kẻ lúc sinh tiền đã sẵn tạo nghiệp ác. Thần thức người chết lúc mạng chung hôn mê không biện được điều lành lẽ dữ, cho đến tai mắt cũng không thể phân biệt rõ ràng. Hàng quyến thuộc nên vì người đó mà sắm sửa sự cúng dường lớn, đọc tụng tôn kinh, niệm danh hiệu Phật và Bồ tát, cứ như vậy mà tu tạo nhân duyên phúc lành, thì người chết có thể thoát khỏi chốn ác đạo, mà các thứ ma quỉ cũng đều lui tan.

Bạch Thế Tôn ! Con thấy chúng sinh nào lúc lâm chung mà nghe được danh hiệu của một đức Phật, một vị Bồ tát, hoặc nghe được một câu kinh một bài kệ của kinh Đại thừa, thì trừ ngoài 5 tội vô gián cùng tội sát hại, những nghiệp ác nhỏ đều được trừ diệt không rơi vào ác đạo.

Xin đức Thế Tôn chớ lo! Trọn đời con luôn ủng hộ chúng sinh ở cõi Diêm phù đề, lúc sinh lúc tử đều làm cho họ được an vui. Chỉ trông mong các chúng sinh, trong lúc sinh cùng lúc tử, tin theo lời của con đã nói trên mà thực hành, thì thảy đều được lợi ích».

Quỉ vương này là tiền thân của đức Phật Vô Tướng Như Lai trong tương lai, do bi nguyện mà làm thân quỉ vương để hộ trì chúng sinh.

Quỉ thần đều nguyện theo hộ trì những nơi nào có thờ đức Địa Tạng, nhưng không phải chỉ có thờ tự thôi mà còn phải cúng dường hương hoa, lễ bái và tụng kinh hay trì niệm danh hiệu của ngài. Không trì niệm và tụng kinh thì cũng phải theo những gì kinh nói mà thực hành, thì mới nhận được sự hộ trì viên mãn. Nếu có duyên thờ tự ngài mà những cái nhân bất thiện nêu bày trong kinh, mình vẫn cố phạm thì lực hộ trì của quỉ thần đương nhiên không có tác dụng, sẽ bị chi phối bởi những nghiệp báo bất thiện.  

 


[1] Kinh Đại Niết Bàn. Sẽ khai triển rõ trong tập sách sau.

[2] Xin xem bài “Biệt thời ý thú” để hiểu thêm phần này.