Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q3

LÔ XÁ NA - Phẩm 2

Giải thích từ Lô-xá-na & Nói về 10 loại phương tiện dùng để giải thích kinh luận.

15/07/2017


HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀ
N KÝ
QUYỂN 3
PHẬT LÔ-XÁ-NA
Phẩm 2 - Phần 1
(Xem tại đây)
Sa môn Pháp Tạng thuyết
Chân Hiền Tâm việt dịch

Từ đây trở đi là phần CHÁNH TÔNG. Muốn giải thích văn kinh, có bốn môn phân biệt : 1/Giải thích tên phẩm. 2/Dụng ý. 3/Tông thú. 4/Giải thích văn kinh.  

I. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM

LÔ-XÁ-NA là tiếng Phạn. Trước giờ vẫn dịch là Tam nghiệp mãn, có khi dịch là Tịnh mãn, có khi dịch là Quảng bác nghiêm tịnh. Nay đối chiếu với bản tiếng Phạn, nói đủ là TỲ-LÔ-XÁ-NA.

LÔ-XÁ-NA, đây dịch là Quang minh chiếu. TỲ, đây nói là biến (cùng khắp). TỲ-LÔ-XÁ-NA là Quang minh biến chiếu (chiếu khắp).

QUANG MINH có hai : Trí quang và thân quang.

1. Trí quang : có hai nghĩa :

a. Chiếu pháp : Chân tục cả hai cùng soi.

b. Chiếu cơ : Ứng khắp quần sinh.

2. Thân quang : Có hai loại :

a. Thường quang : Tròn sáng vô ngại.

b. Phóng quang : Dùng quang minh khai ngộ.

BIẾN ( cùng khắp) có hai loại :

1. Bình man biến : Trùm khắp vô ngại.

2. Trùng trùng biến : Như lưới châu trời Đế Thích trùng trùng hiện.

Hai thứ này viên dung. Mỗi thứ đều toàn thể cùng khắp, không phải từng phần cùng khắp, nên văn sau nói: “Phật thân đầy khắp các pháp giới / Hiện khắp trước tất cả chúng sinh”. Các thứ như thế nhiều vô lượng, như văn kinh đã thuyết.  

Thân và trí vô ngại, nên thân quang tức là trí quang. Hai thứ BIẾN (khắp) vô ngại, nên Bình man biến tức là Trùng trùng biến. Quang và biến (khắp) vô ngại, nên quang minh tức là biến chiếu (chiếu khắp). Tánh chiếu khắp, giác khai mở, nên gọi là Phật. Đây là để rõ các SỰ trong thế giới hải ở văn sau, mỗi mỗi đều tương ưng với tánh, duyên khởi vô ngại. Lìa si ám, giác chiếu, gọi là QUANG. Không gì là không cùng khắp pháp giới, nên nói BIẾN (KHẮP). PHẬT LÔ-XÁ-NA này không hạn cuộc trong báo thân, vì thông cả ba loại thế gian là khí thế gian v.v… và đủ cả thập thân.

Hỏi : Văn sau chỉ nói sơ về 5 hải và nói kỹ về thế giới, vì sao không đặt tên phẩm là “Phẩm Thế Giới” mà chọn tên Phật?

Đáp : Người xưa giải thích: “Vì từ chủ mà được tên, vì chủ thì thù thắng. Nêu chủ của quốc độ để nói về chủ và quốc độ”.

Thám Huyền Ký đây giải thích : Lấy tên Phật vì Phật thông cả tam thế gian. Quốc độ v.v… ở văn sau chính là Phật Lô-xá-na, như thân quốc độ v.v… trong thập thân. Ngoài ra, vì y báo và chánh báo vô ngại, nên nêu lên để giải thích. Hơn nữa, Phật hải trong 5 hải thì gồm đủ 4 hải còn lại. Những thứ khác cũng vậy. Vì Phật thù thắng nên đặt biệt nêu ra làm phép tắc, lấy đó làm tên phẩm mà không nói những thứ khác.

II. DỤNG Ý

Trước, đã nói về tự phần. Kế, là theo thứ tự mà hiển nghĩa của Chánh tông. Nên có phẩm này.

III. TÔNG THÚ

Có hai. Một, thuộc nhân (). Hai, thuộc pháp.

1. NHÂN có hai : Hóa chủ và trợ hóa. Mỗi thứ đều có thể, tướng và dụng.

. Hóa chủ : Nội chứng pháp trí là thể. Một tuần tư duy giải thoát là tướng. Gia thuyết là dụng. Ba thứ này không hai, chỉ là một QUẢ ().

. Trợ hóa : Nhập định là thể. Mông gia là tướng. Khởi thuyết là dụng. Ba thứ này không hai, chỉ là một NHÂN ()                              

Nhân và quả đó dung nhiếp không hai, chỉ là một NHÂN ().

2. PHÁP có hai : Nghĩa lý và giáo sự. Mỗi thứ đều có thể, tướng và dụng.

. Nghĩa lý : Tánh hải là thể. Biệt đức là tướng. Ứng giáo là dụng. Ba thứ này không hai, chỉ là một NGHĨA LÝ.

. Giáo sự : Ngũ hải, thập trí trong Bản phần là thể. Thập thế giới và Hoa Tạng giới là tướng. Lợi ích chúng sinh là dụng. Ba thứ này không hai, đồng một GIÁO SỰ.

Giáo sự và nghĩa lý đó dung nhiếp không hai, thành một PHÁP.

Nhân và pháp lại viên dung không hai, thành một tông thú. Bốn nghĩa đó, ba thứ trong mỗi nghĩa làm thành một duyên khởi, tương tức, vô ngại. Cho nên:

. Hoặc chỉ có quả, vì đều là Phật.

. Hoặc chỉ có nhân, vì đều là Phổ Hiền.

. Hoặc vừa giáo, vừa nghĩa, vừa nhân, vừa pháp, vừa thể, vừa dụng, vừa chủ thể … cho đến vừa giáo dụng, thảy đều nhiếp hết. Suy nghĩ thì sẽ thấy.

Tông thú của các hội dưới đều có tướng này, chỉ tùy pháp mà thấy sai khác.

IV. GIẢI THÍCH VĂN KINH

Có hai :

1/ Thông biện kinh luận giải thích phần hạn phương tiện sinh hiểu biết

2/ Chỉ giải thích văn kinh.

A. THÔNG BIỆN KINH LUẬN GIẢI THÍCH : Có 10 loại phương tiện : 1/Giải thích quyết trạch. 2/Cách thức giải thích. 3/Tứ tất đàn. 4/Tứ ý thú. 5/Tứ bí mật. 6/Tứ đạo lý. 7/Ngũ lực. 8/Lục tướng. 9/Lục thích. 10/Bát thanh.

A1. Giải thích quyết trạch : Tạp Tập Luận q.15 nói: “Giải thích quyết trạch là giải thích tông yếu của các kinh để nghĩa của nó được sáng tỏ”. Chú thích : Trong đó nói lược có 6 loại, nói rộng có đến 14 loại, đều như luận nói. Nay chỉ nêu sơ một môn. Luận nói: “Nhiếp trạch môn, như ở xứ này thì tuyên thuyết duyên khởi sở dĩ của các bộ kinh, câu nghĩa thứ lớp ý thú thích nạn”. Chú thích : DUYÊN KHỞI SỞ DĨ là hiển nguyên nhân khiến giáo pháp xuất hiện. CÂU NGHĨA THỨ LỚP là phẩm, hội, văn, nghĩa thứ lớp cùng sinh. Ý THÚ là hiển bày tông thú của kinh. THÍCH NẠN là giải thích những vấn nạn của ngoại đạo. Còn lại đều như luận đã nói, đây sợ rườm rà không thuật lại.

A2. Cách thức giải thích văn kinh : Nhiếp Luận q.5 nói: “Nếu ai muốn tạo Đại thừa pháp thích, phải y cứ ba tướng cần cho việc giải thích : 1/Do thuyết duyên khởi. 2/ Do thuyết pháp tướng từ duyên sinh. 3/Do thuyết ngữ nghĩa”. Ngài Vô Tánh giải thích: “Vì muốn khai tỏ cho các nhà tạo luận thích kinh giải thích lý đạo, nên lược nói y cứ ba tướng…”. Thế Thân giải thích: “Y ba tướng này, rồi tùy ứng cảm của mỗi người mà tạo ra tất cả Đại thừa pháp thích”.

Chú thích :

1. Y cứ vào Duyên khởi : Là nói rộng về tự tánh duyên khởi, lấy đó làm sở y bản. Chính là thức A-lại-da cùng với các pháp làm duyên khởi cho nhau.

2. Y cứ vào Pháp tướng từ duyên sinh : Là y nơi các pháp được sinh từ chuyển thức trên, phân biệt đạo lý tam tánh. Nghĩa là, với y tha và biến kế không, viên thành có, đắc và bất đắc, thấy và không thấy đồng thời v.v… như luận đã giải thích đầy đủ.

Hai môn này là quán lý đạo mà giải thích.

3. Y cứ vào Ngữ nghĩa : Là hiển bày nghĩa ý mà Phật đã nói. Đây có hai :

a/ Đức xứ : Nói về 21 thứ công đức thù thắng. Ngài Vô Tánh giải thích: “Đã đắc tại, lợi ích chúng sinh đã viên mãn, nên gọi là đức xứ”.

b/ Nghĩa xứ : Hiển 32 hạnh tướng của Bồ-tát. Ngài Vô Tánh giải thích: “Chưa đắc tại, với việc nguyện sinh ở các cõi đã tùy thuận, nên gọi là nghĩa xứ”.

Hai phần giải thích trên, đều lấy câu đầu làm tiêu đề, câu còn lại là giải thích. Đây là xem ý của người thuyết mà giải thích.

A3. Tứ tất đàn : Luận Trí Độ q.1 nói: Có 4 thứ tất đàn tổng nhiếp hết thảy 12 bộ kinh và 84.000 pháp tạng, thảy đều là thật, không trái nhau.

1. Thế giới tất đàn : Pháp hữu vi từ nhân duyên hòa hợp mà có, không có tự thể riêng. Như xe, do càn, bánh, trục, nhiếp v.v… hòa hợp mà có, không phải xe có tự thể riêng của xe. Người cũng như thế, do năm thứ hòa hợp mà có, không phải người có tự thể riêng của người … Nếu không có Thế giới tất đàn thì chữ ‘người’ mà Phật nói đó là thật, sao lại nói “Ta dùng thiên nhãn thấy các chúng sinh theo nghiệp thiện ác chết đây sinh kia”? Thành phải biết, ‘người’ được nói đó, thuộc Thế giới tất đàn không phải Đệ nhất nghĩa tất đàn.

2. Các các vị nhân tất đàn : Quán sát tâm hành của từng người rồi vì họ mà thuyết pháp. Trong cùng một pháp mà lúc nói vầy, lúc nói khác. Như với người đoạn kiến thì nói các loại tạp nghiệp, từ đó tạp sinh thế gian, có các tạp xúc, tạp thọ. Với người thường kiến thì nói không có người xúc, không có người thọ v.v…

3. Đối trị tất đàn : Đối trị thì có nhưng thật tánh thì không. Như chất chua v.v… đối với bệnh phong là thuốc, nhưng với các bệnh khác thì không phải. Nói bất tịnh là đối với tham dục v.v… Cứ theo đó mà suy.

4. Đệ nhất nghĩa tất đàn : Tất cả pháp tánh, tất cả ngôn luận sai biệt đều đồng một vị bình đẳng”.

Giải thích :

. Hoặc ứng vào thế giới mà thuyết thì thế giới có, thắng nghĩa không, như Thế giới tất đàn.

. Hoặc thắng nghĩa có mà thế giới lại không, như Đệ nhất nghĩa tất đàn.

. Hoặc đối với căn cơ này thì nói có, đối với căn cơ khác lại nói không, như Các các vị nhân tất đàn.

. Hoặc trị bệnh này thì cần pháp đó, nhưng với bệnh khác thì không, như Đối trị tất đàn.

Cần nắm vững bản ý đó. Pháp thảy đều có dụng. Nếu dùng lẫn lộn, đánh mất ý của nó thì thành hủy báng.

A4. Tứ ý thú : Luận Tạp Tập q.12 nói: “Tứ ý thú này, tất cả ý thú của Như Lai trong phần Phương quảng, nên theo đó mà thông tỏ ”. Luận Trang Nghiêm q.13 nói: “Chư Phật thuyết pháp không lìa Tứ ý”. Nhiếp Luận q.5 nói: “Lấy đó mà thông tỏ tất cả ngôn giáo của chư Phật”.

1. Bình đẳng ý thú : Như nói: “Ta xưa từng ở tại thời đó, phần đó … có tên là Thắng Quán Chánh Đẳng Giác”. Ngài Vô Tánh giải thích: “Tất cả chư Phật do các tư lương v.v… tương tợ nhau, nên nói Phật kia là ta, không phải Phật Tì-bà-thi ngày xưa là Phật Thích-ca ngày nay. Trong Lăng Già, y cứ vào 4 nghĩa để giải thích là Tự bình đẳng, Ngữ bình đẳng, Thân bình đẳng và Pháp bình đẳng, nên nói là Phật kia, mà thật không phải Phật kia.

2. Biệt thời ý thú : Như nói: “Nếu tụng danh hiệu Đa Bảo Như Lai thì đối với Vô thượng chánh đẳng bồ-đề đã được quyết định”. Lại nói: “Do chỉ phát nguyện, liền được vãng sinh thế giới cực lạc”. Ngài Vô Tánh giải thích: “Vì khuyến khích kẻ giải đãi, đối với pháp không chịu tinh cần tu học mà nói như vậy. Ý muốn trưởng dưỡng kẻ có thiện căn thời trước. Như thế gian nói chỉ nhờ một đồng mà được đến hàng ngàn”. Luận Trang Nghiêm giải thích: “Đây là do biệt thời mà được sinh”. Nghĩa là, phải nhờ biệt thời về sau mới được cái hàng ngàn đó.

3. Biệt nghĩa ý thú : Như nói: “Thân cận với chư Phật nhiều như cát sông Hằng, mới có thể hiểu được pháp nghĩa Đại thừa”. Ngài Vô Tánh giải thích: “Là muốn nói đến chứng tướng của Đại thừa, không phải chỉ y cứ nơi mặt giáo tướng của Đại thừa, nên nói như vậy. Luận Trang Nghiêm nói: “Như Phật thuyết ‘Tất cả các pháp không có tự tánh, nên vô sanh’”. Giải thích : Đây là nhắm vào việc chứng vô sanh mà nói.

4. Chúng sinh ý nhạo ý thú : “Như ngay ở một người, mà trước tán thán bố thí, sau lại chê bố thí. Với trì giới và các thứ tu hành khác cũng vậy”. Ngài Vô Tánh giải thích: “Trước vì đối trị san tham mà tán thán bố thí. Sau, do người ấy đã thích bố thí, thì chê bố thí. Các thứ còn lại như trì giới v.v… cũng vậy”. Luận Trang Nghiêm nói: “Vì được chút ít thiện liền cho là đủ, nên có khen hay chê”.

A5. Tứ bí mật : Luận Tạp Tập nói: “Bốn thứ bí mật này nhiếp được đạo lý Đại thừa bí mật mà Như Lai đã nói”. Lương Nhiếp Luận q.6 nói: “Giáo thuyết mà Như Lai nói không ngoài Tứ ý và Tứ y. Y chính là mật vậy”. Nhiếp Luận q.5 của ngài Vô Tánh cũng nói: “Bốn loại ý thú và bốn loại bí mật, tất cả Phật ngôn nên theo đó mà rõ ”.

1. Lịnh nhập bí mật : Vì giáo hóa hàng hữu tình sợ đoạn diệt, y nơi đạo lý thế tục, với Thanh văn thừa thì thuyết có các hữu tình hóa sinh v.v…, với Đại thừa thì thuyết tâm là thường v.v… Đây là đối với Đại thừa và Tiểu thừa mà nói có nhân và pháp, đều là bí mật. Luận Trang Nghiêm nói: “Nên biết, vì dạy các Thanh văn nhập vào pháp nghĩa, giúp họ hết sợ mà thuyết sắc v.v… là có”.

2. Tướng bí mật : Đối với chỗ này, thuyết các pháp tướng, hiển tam tự tánh. Ngài Vô Tánh giải thích: “Vì khiến người ngộ nhập tướng sở tri”. Giải thích : Đây tuy thuyết pháp tướng, nhưng ý muốn hiển tam vô tánh, nên là bí mật. Luận Trang Nghiêm cũng nói: “Nên biết, ở nơi ba loại tự tánh phân biệt v.v… không có tự thể, không sinh khởi, tự tánh thanh tịnh, mà thuyết tất cả pháp”. Giải thích: Đây tuy thuyết tam tự tánh mà muốn hiển tam vô tánh.

3. Đối trị bí mật : Đối với chỗ này, thuyết hạnh đối trị, tám vạn bốn ngàn. Giải thích : Là đối với không mà nói có, đối với đồng mà nói dị v.v… đều là mật ý. Vì đối trị cái chướng của chúng sinh đang được giáo hóa, mà thuyết tám vạn bốn ngàn …  

4. Chuyển biến bí mật : Như tụng nói: “Giác bất kiên là kiên, khéo trụ nơi điên đảo, tột phiền não sở não, được bồ-đề tối thượng”. Ngài Vô Tánh giải thích: “Lưu tán cang cường, nói tên là kiên, không phải kiên đó, nói tên bất kiên. Tức là điều nhu, không tán loạn định, tức ở trong đó, khởi tuệ kiên cố, giác nó là kiên”. Giải thích : Tán tâm lưu động hiển, gọi là bất kiên. Tán tâm cang cường tại mật, gọi là kiên. Định tâm thủ () cảnh hiển, gọi là kiên. Định tâm điều nhu mật, gọi là bất kiên. Nếu thủ () hiển liễu, nơi tán loạn khởi cái tuệ kiên cố thì xa bồ-đề. Nay thủ () bí mật, nơi định tâm khởi cái tuệ kiên cố thì được bồ-đề.

Ngài Vô Tánh nói: “Đối với 4 điên đảo, khéo hay an trụ biết là điên đảo, quyết định không động”. Giải thích : Nếu thủ () hiển liễu, trụ ở 4 điên đảo vô thường, khổ v.v… mà cho là thường, lạc v.v… há được bồ-đề? Nay thủ () bí mật, biết cái thường, lạc v.v… này là ở nơi cái vô thường, khổ v.v… hoành kế mà khởi. Quyết định biết như thế, gọi là khéo trụ nơi điên đảo, nên được bồ-đề. Ngài Thế Thân giải thích: “Trong cái điên đảo mà khéo an trụ. Đối với vô thường v.v… cho là thường, gọi là điên đảo. Đối với vô thường v.v… mà cho là vô thường v.v… cũng là điên đảo. Nghĩa sau đảo với nghĩa sở chấp trước, nên cũng thuộc điên đảo. Ngay đây mà an trụ thì được bồ-đề”.

Nói TỘT PHIỀN NÃO SỞ NÃO là, Ngài Vô Tánh giải thích: “Vì nhọc nhằn tinh tấn giáo hóa hàng hữu tình nên mệt mỏi”. Giải thích : Nếu thủ () hiển liễu, là tham sân v.v… não loạn hành giả, gọi là phiền não, thì xa bồ-đề. Nay thủ () bí mật, tinh tấn cần khổ làm hành giả lao nhọc, cũng gọi là phiền não, nhưng được bồ-đề. Như tụng nói: “Nhọc mãi trong sanh tử. Chỉ do tâm đại bi”. Có thể tìm hiểu thêm ở các bộ Lương Nhiếp Luận, Ngụy Nhiếp Luận, Trang Nghiêm Luận, Đối Pháp Tạng của ngài Thế Thân v.v…

A6. Tứ đạo lý : Tạp Tập Luận q.11 nói: “Nhân biện quán sát các pháp của Khế kinh, cần phải giải thích đạo lý các pháp. Đạo lý có 4 : 1/Quán đãi đạo lý. 2/Tác dụng đạo lý. 3/Chứng thành đạo lý. 4/Pháp nhĩ đạo lý”. Chú thích :

1. Quán đãi đạo lý : Có hai.

a. Duyên khởi tục đế : Phải tương đãi mới sinh. Nhân ở đây thông cả nhiễm tịnh.

b. Lý chân đế : Đãi liễu nhân hiển lộ. Đây chỉ thuộc tịnh.

2. Tác dụng đạo lý : Có hai.

a. Các pháp duyên khởi : Mỗi thứ đều có nghiệp dụng.

b. Pháp giới chân như : Là chỗ y trì của nghiệp dụng.

3. Chứng thành đạo lý : Có hai.

a. Tỷ lượng thành lập.

b. Hiện lượng thành lập.

4. Pháp nhĩ đạo lý : Có hai :

a. Các pháp duyên khởi : Dù có Phật hay không Phật, tánh của chúng cũng là theo duyên mà khởi.

b. Pháp giới chân như : Tánh tự bình đẳng.

A7. Ngũ lực : Kinh Tư Ích q.2 nói: “Nếu người nào có thể nơi văn tự ngữ ngôn chương cú Như Lai đã thuyết, mà thông đạt tùy thuận không trái nghịch, hòa hợp làm một, theo nghĩa lý của nó, không theo chương cú ngôn từ, còn khéo biết tướng tương ưng với ngôn từ, biết Như Lai dùng ngữ ngôn gì thuyết pháp, dùng tùy nghi gì thuyết pháp, dùng phương tiện gì thuyết pháp, dùng pháp môn gì thuyết pháp, dùng đại bi gì thuyết pháp. Này Phạm Thiên! Nếu Bồ-tát biết Như Lai dùng ngũ lực này thuyết pháp, thì Bồ-tát đó có thể làm Phật sự”. Chú thích : Theo thứ tự, sẽ giải thích rộng trong phần văn sau.

1. Ngôn thuyết : Như Lai thuyết về pháp tam thế, pháp cấu - tịnh, pháp thế - xuất thế, pháp lậu - vô lậu v.v… thì ngôn thuyết đó giống như người huyễn thuyết, không có quyết định. Cho đến nói: “Thuyết như hư không, không có sinh diệt” thì cũng phải hiểu ngôn thuyết đó là vô sở thuyết”. Cho đến nói “… thì gọi là ngôn thuyết của Như Lai”.

2. Tùy nghi : Như Lai, có khi cấu pháp mà nói là tịnh pháp, vì tánh của cấu pháp không thể nắm bắt. Có khi tịnh pháp mà nói là cấu pháp, vì tham trước tịnh pháp. Cho đến nói … Sinh tử là niết bàn, vì bất thối, vô sinh. Nói niết bàn là sinh tử, vì tham trước. Nói thật ngữ là hư vọng vì sinh ngữ kiến. Nói hư vọng là thật ngữ vì kẻ tăng thượng mạn. Như Lai vì tùy nghi, nên có khi tự nói: “Ta là người nói thường biên v.v…”

3. Phương tiện : Như Lai thực không có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, cũng không có bố thí hay san tham v.v… Chỉ vì chúng sinh mà lập phương tiện : Tán thán bố thí thì được đại phú quí v.v...

4. Pháp môn : Nhãn là giải thoát môn. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là giải thoát môn. Vì nhãn không, không có ngã và ngã sở, tánh tự như thế … Như Lai ở trong tất cả văn tự mà dạy môn giải thoát này … (Bản Hán ngài Hiền Thủ viết tắt. Đây trích đủ ).

5. Đại bi : Phật dùng 32 loại đại bi cứu hộ chúng sinh. Nghĩa là, tất cả pháp không có ngã, nhưng chúng sinh không tin không hiểu, nói là có ngã. Như Lai vì chỗ đó mà khởi đại bi. Tất cả pháp không có chúng sinh, nhưng chúng sinh không tin không hiểu … Tất cả pháp không có thọ mệnh v.v…

Chú thích : Năm loại trên thì : NGÔN THUYẾT, là ứng vào năng thuyết, vì ngôn của không ngôn mà thuyết. TÙY NGHI, là ứng vào sở thuyết, vì pháp là tùy mê ngộ mà biện đúng sai. PHƯƠNG TIỆN, là ứng vào các căn cơ được giáo hóa, vì phương tiện thiện xảo nên đối với không mà nói có v.v… PHÁP MÔN, là ứng vào tự thể của pháp, bản lai tự không là pháp môn giải thoát. ĐẠI BI, là ứng vào tâm năng thuyết, vì thương xót chúng sinh mê lầm mà thuyết pháp.

A8. Lục tướng : Thập Địa Luận q.1 nói: “Tất cả thập cú được nói đều có sáu loại tướng môn :

1/Tổng tướng.

2/Biệt tướng.

3/Đồng tướng.

4/Dị tướng.

5/Thành tướng.

6/Hoại tướng”.

Giải thích đầy đủ trong phẩm Thập Địa sau.

A9. Lục thích : Còn gọi là Lục hợp thích.

1. Y chủ thích : Còn gọi là Y sĩ thích. Hai pháp khác nhau tạm nương một chủ, nên có tên Y chủ thích. Như nói ‘nhãn thức’, thì không phải ‘nhãn’ là ‘thức’ mà là ‘thức’ nương nơi ‘nhãn’, nên gọi là nhãn thức. Nếu ly ngôn thì ‘nhãn’ là nghĩa năng kiến, ‘thức’ là nghĩa liễu biệt. Nay hợp lại mà nói, gọi là hợp thích. Nếu danh từ chỉ có một pháp đơn lẻ thì không thuộc Lục thích.

2. Trì nghiệp thích : Còn gọi là Đồng y thích. Là nêu nghiệp dụng để hiển tự thể. Như nói ‘tạng thức’, thì ‘tạng’ là nghiệp dụng, ‘thức’ là thể của nó. ‘Tạng’ tức là ‘thức’. Lấy dụng giải thích thể thì không phải khác thể mà nương nhau. Đã không phải hai pháp, sao gọi là hợp thích? Vì thể dụng bất ly, nên gọi là hợp thích.

3. Hữu tài thích : Còn gọi là Đa tài thích. Là từ vật sở hữu mà được tên. Như nói Phật độ, thì ‘độ’ thuộc sở hữu của Phật, nên gọi là Phật độ.

4. Tương vi thích : Là trong một câu có nhiều danh ngôn, mỗi danh ngôn đều có nghĩa riêng. Như kệ nói “Đối với Phật, Pháp, Tăng …” thì Phật, Pháp, Tăng đó không thuộc Y chủ, Trì nghiệp hay Hữu tài thích, mà thuộc Tương vi thích. Vì tuy nhiều danh ngôn mà đồng liệt kê một nghĩa.

5. Lân cận thích : Là lấy chỗ cận gần mà đặt tên. Như pháp quán Tứ niệm xứ lấy ‘tuệ’ làm thể. Vì ‘tuệ’ gần với ‘niệm’, nên gọi là niệm xứ.

6. Đái số thích : Lấy số để hiển nghĩa. Như nói Thập địa v.v…, là theo số mà hiển nghĩa riêng.

Hỏi : Lục hợp thích này có nhiếp hết vạn pháp không?

Đáp : Phàm các pháp có tên, thường có 5 lệ :

1/ Do ly hợp mà được tên : Như Lục hợp thích nói đây.

2/ Lấy ngay thể của một pháp đơn lẻ mà lập tên : Như tín v.v… Đây là nhắm vào Trực thuyên.

3/ Do phủ định pháp khác mà được tên : Như vô minh v.v… Đây là nhắm vào Già thuyên.

4/ Từ các thí dụ mà được tên : Như Hoa Nghiêm v.v… là theo thí dụ mà đặt tên.

5/ So sánh mà lập tên : Như Đại thừa, là do so với Tiểu thừa mà có tên.

Lục thích, chỉ là một trong 5 lệ. Phải có thêm 4 lệ giải thích sau, tổng cộng là 10 lệ, mới nhiếp hết tất cả pháp sai biệt.

A10. Bát thanh : Đây là y theo pháp của Tây Trúc. Nếu muốn tìm đọc nội ngoại điển thì cần phải hiểu 8 pháp chuyển thanh của phái Thanh luận. Nếu không nắm được các thứ này, thì không thể hiểu về phần hạn văn nghĩa của nó.

1/ Bổ-lư-sa : Là trực chỉ trần thanh. Như người đốn cây, nói chỉ ra người ấy.

2/ Bổ-lư-sam : Là sở tác nghiệp thanh. Như tiếng được tạo ra từ việc đốn cây.

3/ Bổ-lư-tải-noa : Là năng tác cụ thanh. Như tiếng từ cây rìu.

4/ Bổ-lư-sa-na : Là sở vi thanh. Như vì người mà đốn.

5/ Bổ-lư-sa-đá : Là sở nhân thanh. Như nhân người làm nhà v.v…  

6/ Bổ-lư-sát-sa : Là sở thuộc thanh. Như nô tỳ lệ thuộc chủ.

7/ Bổ-lư-sát : Là sở y thanh. Như khách nương chủ.

Du-già q.2 gọi bảy thứ trên là thất lệ cú. Vì nó là tiền lệ cho sự hiểu biết.

8/ Hễ-bổ-lư-sa : Là hô triệu thanh. Phái Thanh luận có thêm loại này.

Bát thanh này có ba loại : Nam thanh, nữ thanh và phi nam phi nữ thanh. Trên là ứng với nam thanh mà nói. Vì trượng phu, tiếng Phạn gọi là Bổ-lư-sa. Lại Bát thanh này, mỗi thứ lại có ba : Thanh, thanh thân và đa thanh thân. Tổng cộng thành 24 loại âm thanh. Như hô “trượng phu” có hai mươi bốn loại. Nữ thanh và phi nam phi nữ thanh cũng vậy, mỗi thứ có 24 loại âm thanh. Tổng cộng là 72 loại. Để gọi tên các pháp, có thể theo đó mà biết. Trung Hoa, đa phần không dùng lệ này.