Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q1

LẬP GIÁO SAI BIỆT

III. LẬP GIÁO SAI BIỆT

11/07/2017




HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ
QUYỂN 1
Sa môn Pháp Tạng thuyết
Chân Hiên Tâm việt dịch
III. LẬP GIÁO SAI BIỆT

Lược nêu 10 thứ :

1/ Nêu các thuyết xưa.

2/ Biện đúng sai.

3/ Kể ra các thuyết ở Tây vực.

4/ Hội những thứ khác nhau.

5/ Sự truyền thừa hiện đời.

6/ Định quyền thật.

7/ Phân và hợp.

8/ Giáo trước và sau.

9/ Theo nghĩa phân giáo.

10/ Theo lý phân tông.

I. NÊU CÁC THUYẾT XƯA : Xưa nay, các bậc tôn đức lập giáo rất nhiều, khó mà nói đủ. Đây chỉ kể sơ 10 nhà tượng trưng.

1. Bồ-đề Lưu-chi (thời Hậu Ngụy) : Lập Nhất Âm Giáo, cho tất cả thánh giáo đều là nhất viên âm của Như Lai, chỉ do căn tánh chúng sinh khác nhau mà phân thành nhiều thứ. Như một cơn mưa, tùy chỗ mà thấm ướt. Kinh cũng nói: “Phật dùng nhất âm diễn nói pháp. Chúng sinh tùy loài mà được hiểu …”.

2. Tam tạng Chân Đế (đời Trần) : Lập hai loại giáo tiệm và đốn : 

1. Căn cơ tiệm ngộ : Đại là do Tiểu khởi. Đặt nền tảng trên loại giáo có đủ Tam thừa, nên gọi là tiệm. Như kinh Niết Bàn v.v…

2. Đốn cơ trực vãng : Đại không nhờ Tiểu. Đặt nền tảng trên loại giáo chỉ có Bồ-tát thừa, nên gọi là đốn. Như kinh Hoa Nghiêm v.v…

Các vị pháp sư sau này như Đại Viễn v.v… đều đồng với thuyết đây.

3. Luật sư Quang Thống (đời hậu Ngụy) : Kế thừa Tam tạng Phật Đà lập ra ba loại giáo là tiệm, đốn, viên. Sư Quang Thống giải thích rằng :

1. Với hạng căn cơ chưa thuần thục : Đầu tiên nói vô thường, sau mới nói thường. Trước nói không, sau mới nói bất không v.v... Có thứ lớp trước sau như thế, nên gọi là tiệm giáo.

2. Với hạng căn cơ thuần thục : Trong một pháp môn diễn nói đầy đủ tất cả Phật pháp : Thường và vô thường, không và bất không ... Tất cả đều nói đủ. Hoàn toàn không nương vào tiệm, nên gọi là đốn giáo.

3. Với hạng đăng Phật cảnh thuộc thượng đạt phần : Thuyết pháp môn quả đức viên cực bí mật tự tại vô ngại giải thoát rốt ráo của Như Lai, nên gọi là viên giáo.

Hoa Nghiêm đây nhiếp thuộc đốn và viên.

Môn hạ về sau của sư Quang Thống đều theo thuyết này.

4. Pháp sư Đại Diễn (đời Tề) : Lập ra Tứ tông giáo :

1. Nhân duyên tông : Gồm các bộ Tát-bà-đa v.v… thuộc Tiểu thừa.

2. Giả danh tông : Gồm các luận Thành Thật Luận và Kinh bộ v.v…

3. Bất chân tông : Gồm các bộ Bát-nhã, nói về lý tức không, nêu rõ tất cả pháp chẳng chân thật v.v...

4. Chân tông : Gồm Hoa Nghiêm và Niết Bàn. Nêu rõ pháp giới chân lý Phật tánh v.v…

5. Pháp sư Hộ Thân v.v... : Lập Ngũ tông giáo. Từ Chân tông trên, khai triển chân lý Phật tánh, lấy đó làm Chân tông, như kinh Niết Bàn v.v… Còn lại là tông thứ năm, gọi là Pháp giới tông, như kinh Hoa Nghiêm. Hiển môn pháp giới tự tại vô ngại.

6. Thiền sư Trí Giả, thiền sư Nam Nhạc Tư (thời Trần) v.v… : Lập ra Tứ giáo :

1. Tam tạng giáo : Cũng gọi là Tiểu thừa giáo. Như Pháp Hoa nói: “Chẳng được thân cận các học giả Tam tạng Tiểu thừa”. Luận Đại Trí Độ nói: “Tiểu thừa là Tam tạng. Đại thừa gọi là Ma-ha-diễn tạng”.

2. Thông giáo : Cũng gọi là tiệm giáo. Là kinh Đại thừa thuyết chung Tam thừa, thông cả ba loại căn cơ. Như trong Đại Phẩm, Càn huệ địa cho đến Thập địa là chung cho hàng Tam thừa.

3. Biệt giáo : Cũng gọi là Đốn giáo. Là các kinh Đại thừa nói pháp môn và đạo lý không chung với Tiểu thừa.

4. Viên giáo : Cũng gọi là Bí mật giáo. Là pháp môn “Pháp giới vô ngại tự tại cụ túc viên mãn, một tức tất cả, tất cả tức một”. Kinh Hoa Nghiêm thuộc đây.

7. Pháp sư Nguyên Hiểu (nước Cao Ly, đời Đường) : Là người tạo ra bản sớ giải của kinh này, cũng lập Tứ giáo :

1. Tam thừa Biệt giáo : Như giáo Tứ đế, kinh Duyên khởi v.v…

2. Tam thừa Thông giáo : Như Bát-nhã, Thâm Mật v.v…

3. Nhất thừa Phần giáo : Như Anh Lạc, Phạm Võng v.v…

4. Nhất thừa Mãn giáo : Như giáo Phổ Hiền của kinh Hoa Nghiêm.

Bốn thứ trên được giải thích trong bản sớ giải.

8. Pháp sư Cát Tạng (đời Đường) : Lập ra ba loại giáo làm Tam pháp luân :

1. Căn bản pháp luân : Là kinh Hoa Nghiêm, được nói đầu tiên.

2. Chi mạt pháp luân : Là giáo Tiểu thừa v.v… được nói sau này.

3. Nhiếp mạt qui bản pháp luân : Là kinh Pháp Hoa được nói sau 40 năm, là phần giáo hồi ba nhập một.

9. Pháp sư Vân (chùa Quang Trạch, đời Lương) : Lập Tứ thừa giáo : Như trong kinh Pháp Hoa, ba xe ngoài cửa là dụ cho Tam thừa. Ở ngã tư đường, được trao xe đại bạch ngưu là dụ cho thừa thứ tư. Vì xe trâu ở ngoài cửa đồng với xe dê và xe hươu, đều không được. Nếu không, trưởng giả lúc trong nhà dẫn dụ các con nói ba xe ở ngoài cửa, các con ra khỏi nhà liền phải được xe. Sao ra rồi, đến được chỗ để xe vẫn không có, sau lại còn đòi? Nên biết, xe trâu là quyền, đồng với xe hươu và xe dê. Vì là quyền giáo trong Đại thừa, phương tiện mà thuyết. Đã giải thích đủ trong Pháp Hoa Sớ.

10. Pháp sư Mẫn, Pháp sư Ấn (ở Giang Nam, đời Đường) v.v… : Lập ra Nhị giáo:

1. Thích-ca kinh : Còn gọi là Khuất khúc giáo. Vì theo căn tánh và tùy chỗ chấp trước mà phá. Như kinh Niết Bàn v.v…

2. Lô-xá-na kinh : Còn gọi là Bình đạo giáo. Vì y theo pháp tánh tự tại mà thuyết. Như kinh Hoa Nghiêm v.v…

Để giải thích Nhị giáo này, pháp sư lược nêu bốn thứ dị (khác) :

1. Chủ khác : Thích-ca kinh do Thích-ca hóa thân thuyết. Lô-xá-na kinh do Thập thân Lô-xá-na thuyết.

2. Xứ khác : Thích-ca kinh được thuyết tại thế giới Sa-bà, nơi đệm cỏ gốc cây. Lô-xá-na kinh được thuyết tại Liên Hoa tạng thế giới, nơi tòa vàng cây báu.

3. Chúng khác : Thích-ca kinh thuyết cho Thanh văn và Bồ-tát. Lô-xá-na kinh chỉ thuyết cho hàng Bồ-tát ở địa tối cùng.

4. Thuyết khác : Thích-ca kinh chỉ thuyết ở một phương. Lô-xá-na kinh, thuyết khắp mười phương.

Giải thích rộng trong phần sớ kinh Hoa Nghiêm.

II. BIỆN ĐÚNG SAI

Các bậc tôn đức sáng lập 10 môn phái trên, đương thời đều là những bậc pháp khí tài ba. Chỗ ngộ của chư vị khó mà sánh được, như Thiền sư Tư, thiền sư Trí Giả v.v… Cơ cảm khó lường, xưa dự phần trên hội Linh Sơn nghe pháp nhớ đến bây giờ. Pháp sư Vân nương đó khai tông giảng kinh Pháp Hoa, cảm ứng khiến trời mưa hoa v.v... Đều như Tăng Truyện đã kể.

Các bậc tôn đức đó, đâu phải ưa sự khác lạ mà phân thánh giáo. Chỉ vì hiểu được cội trình phức tạp của toàn bộ kinh điển, bất đắc dĩ phải lập tông giải thích riêng, cốt cho thánh giáo ứng hợp với từng cơ nghi.

Hỏi : 10 thuyết trên ai đúng ai sai?

Đáp : Theo Thành Thật Luận, khi Phật thuyết các lời trong, ngoài, ở giữa xong thì nhập định. Lúc đó có 500 La-hán giải thích lời nói ấy. Sau khi Phật xuất định các vị mới đồng hỏi Phật: “Ai nói đúng ý Phật?”. Phật trả lời: “Đều không phải là ý của ta”. Mọi người hỏi Phật: “Đã không phải là ý của Phật, há không đắc tội?”. Phật nói: “Tuy không phải là ý của ta nhưng tất cả đều thuận với chánh lý, đều có thể làm thánh giáo. Có phúc không tội”. Huống là những thuyết trên, đều có ít nhiều thánh giáo làm chứng. Vì thế không thể cho là hoàn toàn sai mà vứt bỏ.

III. KỂ RA CÁC THUYẾT Ở TÂY VỰC

Tam luân giáo của Chân Đế đa phần đều xen Tứ giáo, liên quan ít nhiều đến ngũ thuyết, như đã phân biệt. Pháp Tạng tôi, vào giữa năm Văn minh thứ nhất, may gặp được Tam tạng pháp sư người Trung Thiên Trúc tên Địa-bà-ha-la, đây gọi là Nhật Chiếu, nơi chùa Thái Nguyên ở Kinh Tây đang phiên dịch kinh luận. Gần gũi rồi, tôi mới hỏi: “Các bậc tôn đức ở Tây vực có phân chia Nhất đại thánh giáo ra thành quyền và thật không?”. Tam tạng trả lời: “Thời gian gần đây, có hai vị Đại đức luận sư ở chùa Na-lan-đà tên là Giới Hiền và Trí Quang. Kiến giải của chư vị thần kỳ không ai sánh kịp, nổi tiếng khắp Ấn Độ. Các tà phái phải khiếp phục, còn các bộ phái khác chân thành qui hướng, học nhân Đại thừa thì kính ngưỡng chư vị như mặt trời, mặt trăng. Mỗi người một phong cách riêng. Vì việc truyền thừa tông chỉ có khác, nên việc lập giáo không đồng.

1. Ngài Giới Hiền : Kế thừa, xa thì Di Lặc, Vô Trước, gần thì Hộ Pháp, Nan-đà. Y theo kinh Thâm Mật, luận Du-già v.v… mà lập ra 3 loại giáo:

1. Thời đầu : Nơi vườn Lộc Uyển thuyết pháp Tiểu thừa. Chỉ thuyết Sanh không chưa thuyết Pháp không và lý chân, nên không phải là liễu nghĩa. Như bốn bộ kinh A-hàm v.v…

2. Thời thứ hai : Y nơi tự tánh biến kế sở chấp mà nói các pháp không, nhưng vẫn chưa nói đến đạo lý Duy thức y tha và viên thành, nên cũng không phải là liễu nghĩa. Gồm các bộ giáo Bát-nhã v.v…

3. Thời thứ ba : Ngay nơi chánh lý Đại thừa nói đủ nhị đế Duy thức, ba tánh, ba vô tánh. Đây mới là liễu nghĩa. Như kinh Giải Thâm Mật v.v…

Ba địa vị này, mỗi vị đều lấy ba nghĩa để giải thích : Một là nhiếp cơ, hai là thuyết giáo, ba là hiển lý.

Thời đầu chỉ nhiếp Thanh văn, chỉ nói Tiểu thừa, chỉ hiển Sanh không. Thời hai chỉ nhiếp Bồ-tát, chỉ nói Đại thừa, chỉ hiển hai không. Thời ba, nhiếp hết các căn, thuyết thông các thừa, hiển đủ không và hữu. Cho nên, phần nhiếp cơ, thuyết giáo và hiển lý thuộc hai thời đầu đều thiếu, không phải là liễu nghĩa (bất liễu nghĩa). Một thời cuối, nhiếp thì không gì không nhiếp, giáo thì không gì không đủ, lý thì không gì không viên, nên là liễu nghĩa.

2. Luận sư Trí Quang : Kế thừa, xa thì Văn Thù, Long Thọ, gần thì Đề-bà, Thanh Biện. Y theo Bát-nhã, Trung Quán v.v… mà lập ra ba loại giáo :

1. Thời đầu : Ở vườn Lộc Uyển, Phật vì hàng tiểu căn thuyết pháp Tiểu thừa. Nêu rõ tâm cảnh đều có.

2. Thời thứ hai : Vì hàng trung căn nói Đại thừa Pháp tướng. Nêu rõ đạo lý Duy thức, cảnh không, tâm có. Vì căn cơ còn kém, chưa đủ sức nhập lý chân không bình đẳng, nên thuyết như thế.

3. Thời thứ ba : Vì hàng thượng căn nói Đại thừa Vô tướng. Nói tâm cảnh đều không, bình đẳng một vị, là chân liễu nghĩa.

Ba địa vị này cũng lấy ba nghĩa trên giải thích.

. Nhiếp cơ : Thời đầu, chỉ nhiếp người có căn cơ Tiểu thừa. Thời thứ hai, nhiếp cả hai căn Đại và Tiểu. Vì tông này cho rằng một phần Nhị thừa không hướng về Phật quả. Thời thứ ba, chỉ nhiếp Bồ-tát, thông cả đốn và tiệm. Vì Nhị thừa đều hướng về Phật quả, không có đường khác.

. Thuyết giáo : Đầu tiên chỉ thuyết Tiểu thừa, kế là thông cả Tam thừa, sau chỉ có Nhất thừa.

. Hiển lý : Đầu tiên là phá cái chấp tự tánh của ngoại đạo nên nói pháp do duyên sinh quyết định thật có. Kế là phá dần cái chấp duyên sinh thật có của Nhị thừa, tuy vẫn nói duyên sinh nhưng cho giả có. Vì Nhị thừa vẫn còn sợ lý chân không, nên vẫn giữ cái giả có mà tiếp dẫn họ. Thời sau mới nói ngay vào chỗ rốt ráo của Đại thừa. Nói duyên sinh chính là tánh không bình đẳng một vị, hai đế vô ngại. Cho nên, Đại thừa Pháp tướng có sở đắc v.v… là thuộc giáo thứ hai, không phải là chân liễu nghĩa. Thứ lớp của ba loại giáo này trong Bát-nhã Đăng Luận Thích, luận sư Trí Quang đã dẫn đầy đủ kinh Tô-nhã-na Ma-ha-diễn để nói về chúng. Kinh đó, Trung Hoa gọi là Đại Thừa Diệu Trí Kinh, nhưng trước giờ chưa được nghe.

IV. HỘI NHỮNG THỨ KHÁC NHAU

Hỏi : Hai thuyết này đều là thánh giáo nhưng không giống nhau, không biết có thể hội hay không thể hội?

Đáp : Không hội mà không gì không hội.

1. Không hội : Đã đều là thánh giáo, chỉ tùy duyên lợi vật sao cần phải hội? Chính là ‘Vi nhân tất đàn’ trong bốn thứ Tất đàn của luận Trí Độ. Cũng là ‘Chúng sinh lạc dục ý thú’ trong bốn thứ Ý thú của Nhiếp Luận. Trong cùng một pháp có khi chê, có khi khen, nên không bắt buộc hai thuyết phải hội.

2. Không gì không hội : Có hai môn. Một là xét về giáo ứng cơ. Hai là xét về cơ lãnh giáo.

A. Xét về giáo (ứng với căn cơ) : Chỉ là giáo môn liễu nghĩa hay không liễu nghĩa. Có bốn vị : Một là nhiếp cơ rộng hay hẹp, hai là ngôn giáo đủ hay thiếu, ba là lợi vật nhiều hay ít, bốn là hiển lý cạn hay sâu.

1. Nhiếp cơ rộng hay hẹp : Nếu chỉ nhiếp Nhị thừa mà không nhiếp Bồ-tát hoặc chỉ nhiếp Bồ-tát mà không nhiếp Nhị thừa, tức mỗi thứ nhiếp cơ không rộng, thì không phải là giáo liễu nghĩa. Nếu nhiếp hết cả ba cơ, mới là liễu nghĩa.        

2. Ngôn giáo đủ hay thiếu : Nếu chỉ nói đến Tiểu thừa mà không đề cập đến Đại thừa hoặc chỉ nói đến Đại thừa mà không nói đến Tiểu thừa, thì mỗi thứ đều thiếu nên không phải là liễu nghĩa. Nếu nói cả Đại lẫn Tiểu, đầy đủ cả Tam thừa mới là liễu nghĩa.

Kinh Thâm Mật v.v… là y cứ theo hai môn trên. Chỗ phân giáo của ngài Giới Hiền không phải không có đạo lý.

3. Lợi vật ít hay nhiều : Nếu làm cho tất cả chúng sinh được lợi ích của Tiểu thừa hoặc được lợi ích của Đại thừa, tức cũng có được chút lợi ích nhưng chưa thể khiến họ được lợi ích rốt ráo hoàn toàn, thì không phải là liễu nghĩa. Nếu có thể làm cho tất cả chúng sinh và hàng Nhị thừa nhập diệt đều được đại bồ-đề lợi ích, mới là liễu nghĩa.

4. Hiển lý sâu hay cạn : Nếu thuận với duyên khởi mà nói thật có, hoặc chỉ phá cái thật mà vẫn giữ cái giả có, tức hội tướng chưa tận, hiển lý chưa cùng, thì không phải là liễu nghĩa. Nếu nói duyên sinh chính là tánh không không ngại duyên khởi, dung thông không hai, tức hội duyên đã tận, lý tánh hiển hiện đầy đủ, mới là liễu nghĩa.

Kinh Diệu Trí là y theo hai môn sau mà nói. Chỗ phân giáo của ngài Trí Quang rất có đạo lý. Cho nên, hai thuyết mỗi thứ theo một môn riêng, không đụng chạm nhau, đâu lại trái nhau?

B. Xét về căn cơ (nhận lãnh giáo pháp):

Hỏi : Tam giáo của hai thuyết trên, đầu tiên mỗi thuyết đều nói đến Tiểu thừa. Vậy phải giải thích thế nào về Hoa Nghiêm sơ thuyết?

Đáp : Các bậc tôn đức có ba cách giải thích :

. Cách 1 : Tam pháp luân thì nhắm cho căn cơ tiệm ngộ. Còn Hoa Nghiêm tối sơ thì ứng cho hàng căn cơ đốn ngộ. Nếu nói vậy, kinh Mật Tích Lực Sĩ thời đầu đã nói đủ pháp Tam thừa, vậy kinh đó thuộc tiệm hay đốn? Nếu là tiệm thì chỉ nên nói Tiểu thừa. Nếu là đốn thì chỉ nên nói Đại thừa. Song kia lại đủ cả Tam thừa thành ra trái nghịch. Cách giải thích này xem ra khó dùng.

. Cách 2 : Y cứ vào hiển liễu môn thì có ba pháp thứ lớp như trước. Nếu nhắm vào bí mật môn thì các thuyết đồng thời. Nếu nói vậy, vào thời đầu Tiểu thừa hiển mà Đại thừa mật, sao lúc ấy không chọn Đại thừa hiển mà Tiểu thừa mật? Lại, phân cái hiển và mật này là y cứ vào thánh giáo nào? Lý đã không tận, lại không theo thánh giáo, khó mà dùng theo.

Theo hai cách giải thích trên thì Tam pháp luân nhiếp pháp không hết. Đầu tiên là tiệm không phải đốn, sau là hiển không phải mật. 

. Cách 3 : Chỉ là viên âm của Như Lai, một lần nói ra mọi loài khác nhau đều hiểu. Ngay Tiểu mà kiết tập thì chỉ nói Tiểu thừa. Ngay Đại mà kiết tập thì chỉ nói Đại thừa. Nếu gom lại mà kiết tập thì nói đủ Tam thừa. Nếu nói vậy, một lần kiết tập là đầy đủ không có trước sau, sao lại có ba loại giáo thứ lớp như vậy?

Nay giải tỏa chỗ vấn nạn này, có hai thuyết. Vì luận về viên âm thuyết pháp của Như Lai, thường có hai : 1/Vì những kẻ có định tánh trong hiện đời mà thuyết. 2/Vì những kẻ bất định tánh trong hiện đời mà thuyết.

KẺ CÓ ĐỊNH TÁNH : Có ba.

1/ Chúng sinh hiện đời có định tánh Tiểu thừa : Thì thấy Phật trước sau chỉ thuyết Tiểu thừa. Như các bộ phái Tiểu thừa kiết tập Tam tạng, trong đó hoàn toàn không có Đại thừa.

2/ Chúng sinh hiện đời có định tánh Đại thừa thuần thục : Thì thấy Phật trước sau chỉ thuyết Tam thừa. Như trong kinh Mật Tích Lực Sĩ, Phật đầu tiên ở vườn Lộc Uyển thuyết pháp, có vô lượng chúng sinh được quả La-hán, vô lượng chúng sinh thành đạo Bích Chi, vô lượng chúng sinh phát bồ-đề tâm, trụ ở Sơ Địa v.v… Đại phẩm Đại Bát-nhã cũng đồng với đây. Vì nghĩa này y cứ theo hậu thời mà thuyết nên đều đủ hết Tam thừa, như trong các kinh Đại thừa đã nói.

3/ Chúng sinh hiện đời có định tánh Nhất thừa : Mới thấy Phật ở dưới thọ vương trong Hoa Tạng Giới, y nơi định Hải Ấn vì chư Bồ-tát diễn thuyết pháp môn vô tận viên mãn tự tại vô ngại, đầy đủ chủ bạn, cho đến chung cực cũng thuyết như vậy. Vì pháp này bao quát chín đời, nhiếp hết trước sau.                 

KẺ KHÔNG CÓ ĐỊNH TÁNH : Có hai.

1/ Hạng Tiểu thừa (hiện đời không có định tánh) có thể tiến nhập Tam thừa : Lúc đầu chỉ thấy thuyết Tiểu thừa, cho là bất liễu nghĩa. Kế chỉ thấy thuyết Đại thừa, cũng cho là bất liễu nghĩa. Sau nghe đầy đủ cả Tam thừa mới cho là liễu nghĩa. Kinh Giải Thâm Mật là y theo loại căn cơ này mà nói.

2/ Hạng Tiểu thừa (hiện đời không có định tánh) có thể tiến nhập Nhất thừa: Lúc đầu chỉ nghe Tiểu thừa, cho là bất liễu nghĩa. Kế, nghe cả Đại thừa và Tiểu thừa, cũng thấy không phải liễu nghĩa. Sau, hội ba qui một, chỉ thuyết Nhất thừa mới cho là liễu nghĩa. Kinh Diệu Trí tương đương với ý đây.

Do căn tánh bất định mà có hai môn trên, nên hai Sư mỗi người nói một môn mà không chống nhau. Do căn tánh hiện đời có định và bất định như vậy, nên giáo môn hoặc có trước sau, hoặc không có trước sau. Theo những giải thích trên thì hiểu.

V. TRUYỀN THỪA HIỆN ĐỜI

Hiện nay các bậc tôn đức trong Đại thừa có hai thuyết: Một là lập Đại thừa Tam thừa. Vì tông này cho hàng Nhị thừa nhập diệt nhất định không thành Phật, nên nhắm vào ngũ tánh sai biệt nói đủ Tam thừa. Hai là lập Đại thừa Nhất thừa. Vì tông này cho hàng Nhị thừa nhập diệt đều thành Phật, nên nhắm vào Phật tánh trùm khắp, chỉ thuyết Nhất thừa.

1. Lập Đại thừa Tam thừa : Sư Giới Hiền dẫn giáo thành lập rằng: “Như kinh Đại Bát Nhã q.590 nói: “Nếu hạng hữu tình có định tánh Thanh văn, nghe pháp này rồi sẽ mau chứng được địa vị vô lậu của mình. Nếu hạng hữu tình có định tánh Độc giác, nghe pháp này rồi sẽ y theo thừa của mình chóng được xuất ly. Với hạng có định tánh Vô thượng thừa, nghe pháp này rồi sẽ mau chứng được vô thượng chánh đẳng bồ-đề. Nếu hạng hữu tình tuy chưa chứng được chánh tánh lìa sinh tử, nhưng đối với Tam thừa không có định tánh, thì nghe pháp này rồi đều phát tâm Vô thượng chánh đẳng giác””. Kinh Giải Thâm Mật q.2 cũng nói: “Cho đến thuyết pháp yếu. Đó là tướng vô tự tánh tánh, thắng nghĩa vô tự tánh tánh. Ngay cả các hữu tình có chủng tánh Thanh văn thừa cũng do đạo này và hạnh tích này mà được niết bàn vô thượng an ổn. Tất cả Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát đều chung một đạo thanh tịnh diệu mầu, đều đồng một cứu cánh thanh tịnh này, hoàn toàn không có chỗ thứ hai. Ta nương đây, mật ý nói chỉ có Nhất thừa, không phải trong tất cả hữu tình giới không có mọi thứ chủng tánh hữu tình sai biệt như tánh độn căn, trung căn, lợi căn”. Thì có thể hiểu, đây là nhắm vào đạo lý vô tánh, là sở quán đồng nhất của hàng Tam thừa, mật ý nói là Nhất thừa. Lý thật thì Tam thừa chứng niết bàn không đồng. Luận Du-già q.37 nói: “Thành tựu chúng sinh, lược nói có bốn thứ: Có chủng tánh Thanh văn thì dùng Thanh văn thừa mà thành tựu họ. Có chủng tánh Độc giác thì dùng Độc giác thừa mà thành tựu họ. Có chủng tánh Phật thì dùng Vô thượng thừa mà thành tựu họ. Còn không có chủng tánh thì dùng thiện thú mà thành tựu họ”. Kinh Thiện Giới và Địa Trì đều nói đồng với đây.

Kinh Giải Thâm Mật cũng nói: “Chúng sinh có chủng tánh Thanh văn chỉ một đường hướng về nhập diệt, dù được chư Phật lập bày mọi thứ phương tiện gia hạnh dũng mãnh để hóa dẫn, rốt cuộc cũng không thể khiến họ ngồi đạo tràng chứng A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Kinh Thâm Mật Giải Thoát cũng nói đồng với đây. Kinh Thập Luận q.9 cũng nói: “Tam thừa thật có sai biệt”. Các văn như vậy đều không phải là Tiểu thừa. Trong Đại thừa cho có Tam thừa sai biệt, cho nên mỗi thứ là giáo Đại thừa Tam thừa.

2. Lập Đại thừa Nhất thừa : Sư Trí Quang thì dẫn Đại thừa Nhất thừa giáo. Kinh Niết Bàn nói: “Tất cả chúng sinh đồng có Phật tánh, đều đồng Nhất thừa, đồng một giải thoát, một nhân, một quả, đồng một cam lộ, tất cả sẽ được thường, lạc, ngã, tịnh, gọi là nhất vị”. Kinh Pháp Hoa q.1 cũng nói: “Phật độ ở mười phương chỉ có pháp Nhất thừa, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói”. Cũng nói: “Đầu tiên dùng Tam thừa dẫn đạo chúng sinh, sau chỉ dùng đại thừa để độ thoát họ”. Kinh Pháp Hoa q.3 cũng nói: “Sau khi ta diệt độ, lại có đệ tử chẳng nghe kinh này, chẳng biết, chẳng giác sở hành của Bồ-tát, từ nơi công đức có được, sinh cái tưởng diệt độ nhập niết bàn. Ta ở phương khác làm Phật lại có tên khác. Người ấy tuy sinh cái tưởng diệt độ nhập niết bàn mà ở phương kia cầu tìm trí tuệ Phật”. Luận Trí Độ q.95 cũng nói đồng đây.

Bốn hạng Thanh văn nói trong Pháp Hoa Luận, thì hai hạng thối tâm bồ-đề và ứng hóa là do Phật thọ ký, hai hạng quyết định và tăng thượng mạn, vì căn tánh chưa thuần thục, nên do Bồ-tát thọ ký, phương tiện khiến họ phát tâm. Từ đó có thể hiểu, chỉ nói chưa thuần thục, không nói không có căn tánh. Thì biết, nhất định sẽ được bồ-đề Phật. Nói “Phương tiện khiến phát tâm” chính là phát tâm bồ-đề. Lại, Nhập Lăng Già q.2, q.4, q.7 đều nói niết bàn của Nhị thừa không thật, chỉ trụ nơi lực tam-muội, sau nhất định sẽ được vô thượng bồ-đề.

Pháp Hoa Luận nói: “Hạng người thứ tư, phương tiện khiến nhập niết bàn thành. Niết bàn thành là các thiền tam-muội thành. Qua thành ấy rồi khiến nhập Đại bát niết bàn thành”. Đây đồng với ‘Trụ tam-muội lạc’ của kinh Lăng Già. Lìa phần đoạn sinh tử nên giả nói niết bàn, nhưng thật còn thân biến dịch, nên ở tịnh độ hành Bồ-tát đạo. Kinh Thắng Man nói: “Nói chư Nhị thừa được niết bàn là Phật phương tiện. Chỉ có Như Lai mới được bát niết bàn”. Kinh này với kinh Vô Thượng Y, luận Bảo Tánh, Phật Tánh đều nói hàng Nhị thừa nhập diệt ở ngoài tam giới, thọ thân biến dịch. Lại, trong kinh Mật Nghiêm, Nhị thừa không có thiêu thân đoạn trí diệt hẳn. Các văn như thế cũng là Đại thừa. Vì không cho Tam thừa có tánh sai biệt, nên gọi là Nhất thừa giáo.

VI. ĐỊNH QUYỀN THẬT

1. Nhất thừa là quyền, Tam thừa là thật : Có thuyết nói Nhất thừa là quyền, Tam thừa là thật. Vì trong kinh Thâm Mật, thời giáo thứ nhất chỉ có phát tâm hướng về Thanh văn thừa, nói tất cả không thành Phật. Thời giáo thứ hai chỉ có phát tâm hướng về Đại thừa, nói tất cả đều thành Phật. Hai thời giáo này, thứ thì thái quá, thứ thì chưa đủ, nên đều không phải liễu nghĩa. Không như thời giáo thứ ba nói có chủng tánh thì thành, không có chủng tánh thì không thành. Đó mới là liễu nghĩa.

Đã cho kinh Pháp Hoa thuộc thời giáo thứ hai thì đó là mật ý quyền thuyết. Cho nên, Nhất thừa trong kinh Thắng Man chỉ là phương tiện, chỉ là nhắm vào chủng tánh bất định mà nói là Nhất thừa. Nhiếp Luận, Trang Nghiêm Luận, Hiển Dương Luận v.v… đồng với cách giải thích này. Còn trong kinh Pháp Hoa q.3, hàng Thanh văn sinh cái tưởng diệt độ nhập niết bàn, theo Du-già q.81 đều là hàng biến hóa Thanh văn thị hiện nhập diệt. Kinh Lăng Già, Mật Nghiêm đồng với cách giải thích này.

Hàng Thanh văn trong kinh Vô Thượng Y, luận Bảo Tánh v.v… đều là hàng Nhị thừa bất định tánh, hướng về bồ-đề. Hàng tăng thọ biến dịch này không phải là hàng nhập diệt khởi lại thọ thân. Du-già nói: “Hai thức bản và chuyển trong câu thứ tư “Câu bất thành tựu” thuộc bốn câu thành tựu và không thành tựu là lúc Thanh văn và Độc giác nhập vô dư y niết bàn giới”. Du-già q.80 cũng nói “Trong vô dư y niết bàn giới chỉ có pháp giới chân như thanh tịnh”. Các đoạn văn đó cho thấy nhập niết bàn rồi, thân trí đều diệt, căn thức toàn không, há có biến dịch mà tu thành Phật? Cho nên, chỉ có Nhất thừa thì không phải là chỗ liễu nghĩa tối cùng. Trong kinh Thâm Mật, thời giáo thứ ba đều hướng về tất cả thừa. Nói như vậy mới gọi là liễu nghĩa. Nên biết, Tam thừa là thật giáo tận lý. Lại kinh Thâm Mật, q. 2 và q.4 đều nói Nhất thừa là mật ý mà thuyết, nên biết là quyền vậy.

2. Nhất thừa là thật, Tam thừa là quyền : Có thuyết nói Nhất thừa là thật, Tam thừa là quyền. Vì cái ‘Chỉ có một Phật thừa’ của kinh Pháp Hoa được nói sau cái ‘Nhị thừa có định tánh diệt hẳn không còn’ trong Tam thừa của kinh Thâm Mật, nên phương tiện thuyết là Tam thừa, mà thật chỉ có Nhất thừa. Nếu cho kinh Pháp Hoa thuộc thời giáo thứ hai, vì dẫn nhiếp Nhị thừa bất định tánh nên nói tất cả đều thành Phật, nhưng vì chưa đề cập đến loại định tánh không thành nên không phải liễu nghĩa, thì thời Pháp Hoa còn chưa nói đến hạng có định tánh Nhị thừa, dựa vào đâu luận thuyết trên lại lập bốn hạng Thanh văn? Vậy định tánh của họ từ đâu mà có? Nếu có định tánh sao tất cả được thành? Nếu cho tất cả thành sao gọi là định tánh? Nên biết, từ ‘định tánh’ phải được đề cập trước ở kinh Thâm Mật, sau mới đến thời Pháp Hoa, nói đều thành Phật. Cho nên, thuyết đây nói thuận với văn kinh. Hội những cái quyền nói trước qui về một thật giáo sau. Nên biết, kinh Pháp Hoa nhất định nói sau Thâm Mật. Nhất thừa của Tam giáo trong Diệu Trí là sau Tam thừa. Lương Nhiếp Luận thành lập Chánh pháp tam trung thì Nhất thừa cũng sau. Đều đồng với đây nói.

Hạng sinh cái tưởng diệt độ nhập niết bàn trong kinh Pháp Hoa nếu được giải thích là hạng biến hóa thị hiện nhập diệt, là rất trái với giáo và lý.

. Trái giáo : Nếu là hàng Thanh văn do biến hóa thì đó là Phật và Bồ-tát, sao có thể mê mà thị hiện niết bàn là sinh cái tưởng diệt độ? Nếu giải thích như thế hóa ra chưa đọc kinh.

. Trái lý : Là cho “Nhập niết bàn thì đoạn diệt hẳn”. Chư Phật và Bồ-tát nơi chỗ hóa độ, thị hiện hướng về niết bàn : Nếu kẻ được hóa độ có chủng tánh bất định dũng mãnh, thì thị hiện không sợ sinh tử có thể tu thắng hạnh. Nếu kẻ được hóa độ có đồng loại tánh khiếp nhược, thì thị hiện sợ hãi sinh tử, tuy học Phật và Bồ-tát mà trước nhập niết bàn, sau mới hành Bồ-tát đạo. Nếu cho rằng ‘nhập diệt là không còn khởi’ thì không phải là làm hại loại chúng sinh có đồng loại tánh khiếp sợ kia sao? Đây là hại chúng sinh, đâu thành dẫn đạo? Huống văn đây không gì không tương can.

Lại, vì chưa thấy được ý của kinh Thắng Man, mới cho Nhất thừa là phương tiện. Kinh Thắng Man nói: “Nếu Như Lai theo tánh dục của họ, phương tiện nói là Nhị thừa thì chính là Nhất thừa không có Nhị thừa. Nhị thừa nhập Nhất thừa. Nhất thừa chính là Đệ nhất nghĩa thừa”. Trong kinh còn phá rộng Nhị thừa, nói không có niết bàn. Còn nói: “Kinh này đoạn tất cả nghi, quyết định liễu nghĩa nhập Nhất thừa đạo”. Sao có thể lấy Nhất thừa làm phương tiện? Trong kinh Giải Thâm Mật, Nhất thừa là mật ý vì trước chưa nói Pháp Hoa nên nói như thế. Đến thời Pháp Hoa mới nói Tam thừa trước đều là phương tiện. Trong Du-già, bản thức và chuyển thức đều diệt. 6 nghĩa của luận Hiển Dương cũng thuyết về Nhất thừa. 10 nghĩa của Nhiếp Luận cũng thuyết về Nhất thừa. Đều đồng với giải thích của kinh Thâm Mật. Vì các luận này đều y cứ theo kinh mà tạo ra. Pháp Hoa Luận nói hạng Nhị thừa có định tánh cũng được thọ ký, là y theo bản kinh này. Nếu không tin Nhất thừa, giữ quyền bỏ thật thì rất đáng thương!

Kinh Bách Dụ q.2 nói: « Xưa có một tụ lạc cách Vương thành năm do tuần. Trong làng có nguồn nước mát. Nhà vua ra dụ cho người trong làng ấy hằng ngày phải mang nước đến. Người trong làng vì mệt nhọc nên muốn bỏ làng đi. Vị trưởng làng mới nói với mọi người ‘Các ông đừng đi, ta sẽ vì các ông bạch với vua sửa cái năm do tuần ấy thành ba để các ông khỏi phải đi xa mệt nhọc’. Nói rồi liền đến bạch vua. Vua vì họ sửa năm do tuần thành ba do tuần. Mọi người nghe rồi liền rất hoan hỉ. Có người nói, đây vẫn vốn là năm do tuần, hoàn toàn không khác. Tuy vậy, vì tin lời vua nên rốt cuộc không ai bỏ đi. Người thế gian cũng vậy. Tu hành chánh pháp vượt qua ngũ đạo đến thành niết bàn, tâm sinh mệt mỏi liền muốn xả ly, chóng vượt sinh tử, không thể tiến nữa. Như Lai pháp vương có đại phương tiện, với pháp Nhất thừa phân biệt thuyết thành ba. Hàng Tiểu thừa nghe đến vui mừng cho là dễ hành. Tu thiện tiến đức cầu vượt sinh tử. Sau nghe người nói không có Tam thừa, vốn chỉ là Nhất thừa, nhưng do tin lời Phật mà không chịu bỏ. Như người trong làng kia, cũng lại như thế ». Thì có thể hiểu, kinh này chính là lời vàng ý ngọc, quyền thật rõ ràng, có thể dừng đi các thuyết.

VII. PHÂN VÀ HỢP

Tam thừa và Nhất thừa này mỗi thứ có hai loại:

1. Hai loại Tam thừa :

1/ Dị thời Tam thừa : Như trong kinh Thâm Mật, thời đầu chỉ có Tiểu thừa, thời hai chỉ có Đại thừa.

2/ Đồng thời Tam thừa : Như thời thứ ba của kinh Thâm Mật, đều phát tâm hướng về tất cả thừa. Song trong giáo này, ẩn tướng Nhất thừa mà hiển tướng Tam thừa. Ngay nơi cái hiển ấy mà gọi chung là Tam thừa.

2. Hai loại Nhất thừa :

1/ Phá dị hiển Nhất : Như trong kinh Pháp Hoa phá cái thật diệt của Nhị thừa, còn kinh Niết Bàn phá cái không Phật tánh. Đều là phá quyền thừa để thuyết Nhất thừa.

2/ Ngay thể hiển Nhất : Như kinh Hoa Nghiêm, không nói đến Nhị thừa nên không có gì để phá. Vì hàng đại Bồ-tát mà hiển thẳng pháp giới thành Phật, nên đầu tiên thuyết kinh Hoa Nghiêm, là không có quyền để hội. Sau nói đến Niết Bàn là để hội những cái quyền trước. Tức quyền không hoàn toàn không. Vì hiển cái thật, nên gọi là Nhất thừa.

Phân ra, mỗi thứ có ba :

1. Tam thừa có ba :

1/ Tam thừa, trước khác sau đồng : Trước khác, là nói nhân tu hành Tứ đế, Duyên sinh, Lục độ có sai khác. Sau đồng, là y vào người đắc quả Tam thừa, thân trí đồng diệt mà nói. Như nói ở luận Câu-xá v.v… Đây là ứng với thời đầu của Tiểu thừa giáo mà nói.

2/ Tam thừa, trước đồng sau khác : Trước đồng, là đồng nghe Bát Nhã, đồng quán vô tánh. Sau khác, là trong Tam thừa mỗi hạng đều đắc tự quả, như đã dẫn kinh nói ở phần trước.

Nếu y cứ vào sự sai khác của Tứ đế, Duyên sinh, Lục độ thì cũng có thể nói, trước sau mỗi thứ đều riêng biệt. Đây là ứng với thời giáo thứ hai và thứ ba.

3/ Tam thừa, gần khác xa đồng : Kinh Pháp Hoa v.v… đầu tiên lấy Tam thừa làm phương tiện dẫn dụ. Sau, đồng lấy đại thừa để được độ v.v…

2. Nhất thừa có ba :

1/ Hiển Tam thừa vào Nhất thừa : Như kinh Thâm Mật v.v…

2/ Ẩn Tam thừa vào Nhất thừa : Như kinh Pháp Hoa v.v…

3/ Hiển thể là Nhất thừa : Như kinh Hoa Nghiêm v.v….

Chung lại mà nói thì có bốn câu :

1/ Chỉ có Tam thừa không có Nhất thừa : Như luận Câu-xá v.v…

2/ Chỉ có Nhất thừa không có Tam thừa : Như kinh Hoa Nghiêm v.v…

3/ Vừa có Nhất thừa vừa có Tam thừa : Đây có hai vị : Đầu tiên là Tam thừa thật Nhất thừa quyền, như kinh Thâm Mật v.v… Sau là Nhất thừa thật Tam thừa quyền, như kinh Pháp Hoa v.v…

4/ Không Nhất thừa cũng không Tam thừa : Nói đến lý dứt bặt ngôn thuyết. Trong Đại Bát-nhã, Xá Lợi Tử hỏi ngài Thiện Hiện: “Như Lai thọ ký cho các thiên tử, trong Tam thừa thừa nào được thọ ký?” Thiện Hiện đáp: “Trong Pháp tướng không có Nhất thừa cũng không có Tam thừa. Vì sao hỏi thừa nào được thọ ký?”. Cho nên, Nhất thừa và Tam thừa hoặc hiển hoặc ẩn, các thuyết không đồng. Nếu nghe chỉ phá Nhị thừa, là chỉ nhắm vào chủng tánh bất định. Nếu nghe không có Nhị thừa cũng không có Tam thừa, là phá luôn cái chấp cho Đại thừa là thật giáo. Nếu nghe không phá Đại thừa, vì đó là Đại thừa quyền giáo.

Giải thích đây có hai : 1/Về sự là phá Nhị thừa thật diệt. 2/Về giáo là phá luôn Đại thừa quyền giáo. Vì Đại thừa quyền giáo cho hạng Nhị thừa nhập diệt không thành Phật, nên chỉ ngầm phá Nhị thừa, mà chính là phá luôn Tam thừa. Cho nên, phá Nhị thừa hay phá Tam thừa đều không nghịch nhau.

VIII. GIÁO TRƯỚC SAU

Nay nói về những gì mà Như Lai đã thuyết từ lúc thành đạo đến lúc diệt độ. Xét về thời hiển giáo, có bốn : 1/Bản mạt sai biệt môn. 2/Y bản khởi mạt môn. 3/Nhiếp mạt qui bản môn. 4/Bản mạt vô ngại môn.

1. Bản mạt sai biệt môn (Môn gốc ngọn sai biệt) : Gốc và ngọn đồng thời, trước sau một loại, thảy đều không có thuyết khác. Có ba:

1/ Tiểu thừa : Đầu tiên độ Kiều Trần Na v.v... Sau cùng độ Tu-bạt-đà-la. Còn khoảng giữa, chỉ thuyết Tiểu thừa, chỉ lợi ích cho hàng tiểu căn, như bốn bộ kinh A-hàm, Ngũ bộ luật, kinh Di Giáo v.v…

2/ Tam thừa : Trước sau chỉ nói Tam thừa, lợi ích cho cả ba loại căn. Như trước đã dẫn các kinh Đại thừa như kinh Lực Sĩ, Đại Bát-nhã v.v… Trong đó tuy có quyền thật không đồng nhưng đều đủ cả Tam thừa.

3/ Nhất thừa : Trước sau chỉ vì hàng Đại Bồ-tát mà thuyết Nhất thừa. Như đầu tiên thuyết kinh Hoa Nghiêm v.v… Trong đó không có Nhị thừa, nhiếp hết chín đời đủ cả trước sau. Rốt cuộc, cũng không có thuyết khác.

Song ba loại này đã y nơi định tánh hiện đời mà nói thì ngay nơi tướng các giáo, xem ra đều thông đầu cuối, rốt cuộc không có trước sau.

2. Y bản khởi mạt môn (Môn nương gốc khởi ngọn) : Có bốn thời.

Thời đầu, vì hàng đại Bồ-tát mà thuyết Đại thừa.

Kế là thuyết Trung thừa.

Kế nữa thuyết Tiểu thừa.

Sau là thuyết Nhân, Thiên.

Như phẩm Tánh Khởi của kinh này nói: “Thí như mặt trời xuất hiện, trước là chiếu tất cả các đại sơn vương, kế là chiếu tất cả các đại sơn, kế nữa thì chiếu kim cang bảo sơn, sau cùng mới chiếu khắp đại địa. Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng lại như thế. Thành tựu mặt trời trí tuệ trong vô lượng vô biên pháp giới, thường phóng vô lượng vô ngại trí tuệ quang minh. Trước là chiếu các đại sơn vương Bồ-tát Ma-ha-tát. Kế là chiếu Duyên giác. Kế nữa là chiếu Thanh văn. Kế nữa là chiếu các chúng sinh có định tánh thiện căn, tùy cảm ứng mà nhận lãnh sự giáo hóa. Sau cùng mới chiếu tất cả chúng sinh, thậm chí cho cả loại tà định, để gieo nhân duyên làm lợi ích trong tương lai”. Phẩm này cũng nói: “Như lúc tam thiên giới mới hình thành, trước hình thành các cung điện của chư thiên ở Sắc giới. Kế là hình thành các cung điện của chư thiên ở Dục giới. Kế nữa là hình thành Nhân xứ và trụ xứ của các chúng sinh khác. Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng giác cũng lại như thế. Trước là khởi trí tuệ và các hạnh của Bồ tát. Kế là khởi tất cả thiện căn của Duyên giác, Thanh văn và các chúng sinh khác”. Các văn đây cho thấy, lúc đầu Phật nói Đại, sau nói dần xuống Tiểu. Đây là nhắm vào pháp mà nói, để rõ nương gốc khởi ngọn, không phải nhắm vào căn khí. Vì không có chuyện trước học Đại, sau mới học Tiểu.

Hỏi : Pháp há không có sai biệt?

Đáp : Pháp Tiểu thừa nhất định từ Đại thừa mà lưu xuất. Kinh Văn Thù Vấn nói: “Thập bát và Bản nhị đều từ Đại thừa mà ra”. Phổ Siêu Tam-muội và luận Nhập Đại Thừa, ý đều đồng đây.

3. Nhiếp mạt qui bản môn (Môn nhiếp ngọn về gốc) :

Theo kinh Vô lượng Nghĩa thì lúc đầu thuyết Tiểu thừa, kế thuyết Trung Thừa, sau thuyết Đại thừa.

Theo kinh Giải Thâm Mật thì thời đầu chỉ thuyết Tiểu thừa, thời hai chỉ thuyết Đại thừa, thời ba thuyết đủ Tam thừa.

Theo kinh Diệu Trí thì thời đầu chỉ thuyết Tiểu thừa, kế là thuyết đủ Tam thừa, sau chỉ thuyết Nhất thừa.

Như vậy, kinh Vô Lượng Nghĩa thì hợp Đại phân Tiểu. Kinh Thâm Mật v.v… thì hợp Tiểu phân Đại. Nghĩa là, đối với Đại thừa có phân quyền thật. Song kinh Thâm Mật và Diệu Trí đều là thánh giáo, không thể giữ một bỏ một. Nên hợp hai kinh này lại thành có bốn môn :

1/ Thời đầu là Tiểu thừa thì hai kinh đồng nói.

2/ Thời hai chỉ nói Đại thừa, thì chỉ có kinh Thâm Mật nói.

3/ Thời ba đủ cả Tam thừa, là thời ba của kinh Thâm Mật và thời hai của kinh Diệu Trí.

4/ Thời tư chỉ có Nhất thừa, thì chỉ có thời ba của kinh Diệu Trí nói.

Cho nên phải biết kinh Diệu Trí được thuyết sau Thâm Mật. Nếu vì đất này chưa có bản dịch của kinh Diệu Trí mà không tin, thì kinh Thâm Mật cũng đã được coi là thời giáo thứ ba. Song kinh lại cho hạng có định tánh Nhị thừa cùng với hạng hữu tình vô tánh đều không thành Phật. Nếu đầy đủ Tam thừa gọi là tất cả thừa thì đó là kinh Pháp Hoa và kinh Niết Bàn, được nói sau Thâm Mật. Song hạng có định tánh Nhị thừa cùng với hạng xiển đề vô tánh đều thành Phật, thì biết đó là thời thứ tư, gọi là Nhất thừa giáo. Cho nên, cùng với kinh Diệu Trí có chỗ cách mà cũng có chỗ hội không nghi.

Lại, theo Pháp hoa v.v… Tiểu thừa Sơ giáo được nói sau khi Phật thành đạo 21 ngày. Theo Chân Đế Tam Tạng thì “Phật thành đạo, bảy năm sau mới nói các bộ Bát-nhã, là thời giáo thứ hai”. Lại nói: “Ba mươi tám năm sau mới nói kinh Giải Tiết, tương đương với thời giáo thứ ba”. Còn kinh Pháp Hoa và Vô Lượng Nghĩa đều nói bốn mươi năm sau mới nói kinh Pháp Hoa v.v... thì biết, kinh Pháp Hoa được nói sau Thâm Mật. Lời nói của Chân Đế chắc chắn là y vào thánh giáo, nếu không có thánh giáo, há có thể tạo ra niên số như thế? Nếu không tin, thì kinh Niết Bàn được nói sau cùng là không còn nghi. Song bốn thời này đều là trước quyền sau thật, lấy một cái thật sau hội những cái quyền trước. Kinh Pháp Hoa và Niết Bàn hội Tam thừa của Thâm Mật về cứu cánh Nhất thừa, là nghĩa quyết định. Cho nên, bốn thứ từ cạn đến sâu này nêu rõ thứ lớp nhiếp ngọn qui về gốc.

4. Bản mạt vô ngại môn (Môn gốc ngọn vô ngại) : Đầu tiên đưa ra việc chiếu sơn vương, là bản giáo, để hiểu không có gốc thì ngọn không nương đâu mà có. Sau nêu bày các dòng chảy qui về đại hải là để hiểu không có ngọn không lấy đâu để qui về gốc. Đó là gốc ngọn soi nhau. Cùng đoạt mà cùng trợ mới là thiện xảo nhiếp sanh. Nói chung, có tất cả năm vị :

1/ Căn bản Nhất thừa giáo : Như giáo thuyết của kinh Hoa Nghiêm.

2/ Mật ý Tiểu thừa giáo : Như kinh Thâm Mật.

3/ Mật ý Đại thừa giáo : Như kinh Thâm Mật.

4/ Hiển liễu Tam thừa giáo : Như kinh Thâm Mật.

5/ Phá dị Nhất thừa giáo : Như các kinh Pháp Hoa, Niết Bàn v.v… .

Bốn môn trên viên thông vô ngại, nên trước sau tức là không trước sau, không trước sau tức là trước sau, thảy đều không chướng không ngại. Cứ theo đó mà suy nghĩ!

IX. THEO NGHĨA PHÂN GIÁO

Giáo có 5 loại. Đây là theo nghĩa mà phân, không phải theo thời và sự mà nói. Năm loại là Tiểu thừa giáo, Đại thừa Thủy giáo, Chung giáo, Đốn giáo và Viên giáo.

1. Tiểu thừa giáo : Đã biết rồi.

2. Thủy giáo : Trong kinh Thâm Mật, thời giáo thứ hai và thứ ba đồng cho hạng có định tánh Nhị thừa đều không thành Phật, nên đây hợp lại thành một giáo. Vì chưa nói hết lý pháp Đại thừa, nên lập làm Đại thừa Thủy giáo.

3. Chung giáo : Hạng có định tánh Nhị thừa và hạng xiển-đề vô tánh đều sẽ thành Phật mới là chỗ thuyết chí cực của Đại thừa, nên lập Chung giáo.

Song hai giáo trên đều y cứ theo địa vị thứ lớp tu thành nên đều gọi là tiệm giáo. .

4. Đốn giáo : Chỉ nhất niệm không sanh, gọi là Phật. Không nương vào vị địa thứ lớp mà nói, nên lập Đốn giáo. Như kinh Tư Ích nói: “Chứng được chánh tánh của các pháp thì không từ địa này đến địa kia”. Kinh Lăng Già nói: “Sơ địa tức là Bát địa … tức là vô sở hữu, có thứ lớp gì?”. Trong phẩm Thập Địa sau, hàng Thập địa giống như vết chim trên không, sao có sai biệt để được? Kinh Chư Pháp Vô Hành v.v… cũng nói vậy.

5. Viên giáo : Nêu rõ một vị tức là tất cả vị, tất cả vị tức là một vị. Cho nên, mãn tâm Thập tín, liền nhiếp ngũ vị mà thành Chánh giác. Vì y theo pháp giới Phổ Hiền trùng trùng như lưới châu trời Đế Thích, chủ bạn đầy đủ … nên gọi là Viên giáo. Như giáo thuyết của kinh này v.v…

Nói đến PHÁP TƯỚNG thì :

1. Tiểu thừa : Pháp tướng có 75 pháp, thức chỉ có 6 thức. Chưa nói được tận nguồn của pháp. Khởi nhiều tranh luận khác nhau như kinh luận của các bộ phái Tiểu thừa.

2. Thủy giáo : Nói rộng về pháp tướng, ít nói đến chân tánh. Lập ra 100 pháp, quyết trạch phân minh nên không có tranh nghịch. Nói 8 thức chỉ là pháp tướng sinh diệt. Danh số phần nhiều đồng với Tiểu thừa. Vốn không phải là giáo thuyết rốt ráo huyền diệu. Như các luận Du-già, Tạp Tập v.v…

3. Chung giáo : Ít nói về pháp tướng mà nói rộng về chân tánh. Vì từ LÝ mà hội SỰ, nên lập 8 thức thông với Như Lai Tạng tùy duyên, trong đó có đủ sinh diệt và không sinh diệt. Không nói gì đến 100 pháp, danh số không rộng, không đồng với Tiểu thừa, cũng không có nhiều môn. Như các kinh Lăng Già, luận Bảo Tánh v.v…

4. Đốn giáo : Trong đốn giáo hoàn toàn không nói đến pháp tướng, chỉ biện về chân tánh. Cũng không có tướng sai biệt của 8 thức. Hết thảy những gì có được đều là vọng tưởng. Tất cả pháp vốn bặt ngôn thuyết. Quở giáo, khuyên phải ly nó. Phá tướng, mất tâm. Sinh tâm tức là vọng. Không sinh tức là Phật. Không Phật mà không gì không phải Phật. Không sinh mà không gì không sinh. Tịnh Danh lặng yên hiển bày môn Bất nhị v.v… là ý này vậy.

5. Viên giáo : Chỉ nói đến pháp giới vô tận, tánh hải viên dung, duyên khởi, vô ngại, tương tức, tương nhập. Như lưới Nhân-đà-la trùng trùng vô biên, vi tế, tương dung, chủ bạn vô tận. 100 pháp môn, thảy đều ứng hợp với pháp giới. Đầy đủ như văn sau nói.

5 loại giáo này có phân và hợp. Cũng có 5 lớp :

1. Tổng làm một : Tuy là 5 nhưng đồng là phương tiện nhiếp sinh rất thiện xảo của Như Lai.

2. Phân thành hai : Là Nhất thừa và Tam thừa giáo. Trong các giáo trước, tuy còn ba mất hai không đồng, nhưng đều hướng về Tam thừa, nên gọi là Tam thừa giáo. Một thứ sau, chỉ thẳng bản pháp không thuyết cho Nhị thừa, nên chỉ là Nhất thừa. Chính là Cộng giáo và Bất cộng giáo mà luận Trí Độ đã nói. Đây đồng với Nhị giáo của sư Ấn v.v… nói trên.

3. Phân thành ba : Là giáo Tiểu thừa, Tam thừa và Nhất thừa. Luận Trí Độ cho kinh này vì không nói cho Nhị thừa, nên gọi là Bất cộng, chính là Nhất thừa. Kinh Đại Phẩm v.v… vì thông cả Tam thừa, đồng quán đắc ích nên gọi là Cộng giáo, chính là Tam thừa. Còn bốn bộ kinh A-hàm, không nói cho hàng Bồ-tát, nên cũng gọi là Bất cộng, chính là Tiểu thừa. Y theo ba vị đó mà Lương Nhiếp Luận q.8 nói: “Như Lai thành lập chánh pháp có ba loại. Một là lập Tiểu thừa. Hai là lập Đại thừa (có bản ghi là Tam thừa). Ba là lập Nhất thừa. Cái thứ ba tối thắng nên gọi là khéo thành lập”. Đây cũng đồng với thuyết của kinh Diệu Trí và q.2 Bộ Dị Chấp Sớ của Tam tạng Chân Đế.

4. Phân thành tư : Có hai nghĩa.

1. Trong phần Cộng giáo trên, từ việc còn ba mất hai, triển khai thành hai giáo mà có bốn : Tiểu thừa Biệt giáo, Tam thừa Đồng giáo (kinh Thâm Mật v.v...), Nhất thừa Đồng giáo (kinh Pháp Hoa v.v…), Nhất thừa Biệt giáo (kinh Hoa Nghiêm v.v…).

2. Căn cứ vào việc trải qua các vị hoặc không có các vị, mà lập ra hai giáo tiệm và đốn, nên thành bốn : Tiểu thừa giáo, Tiệm giáo, Đốn giáo, Viên giáo.

5. Phân thành năm : Tiệm giáo trên lại phân hai là Thủy giáo và Chung giáo.

Ngũ giáo trên không hạn cuộc rõ ràng cho một kinh nào, chỉ đa phần mà luận. Như những gì đã nói trên, là chung hết các kinh mà luận.

X. THEO LÝ PHÂN TÔNG.

Có 10 tông.

1. Pháp ngã câu hữu tông (Tông pháp và ngã đều có) : Là địa vị Nhân, Thiên cùng với Độc tử bộ v.v… trong Tiểu thừa. Tông này lập ra Tam tụ pháp : Một là pháp hữu vi. Hai là pháp vô vi. Ba là không có cả hai tụ. Tức, hai thứ đầu là pháp, một thứ sau là ngã. Cũng lập ra Ngũ pháp tạng : Một là quá khứ. Hai là vị lai. Ba là hiện tại. Bốn là vô vi. Năm là bất khả thuyết, chính là ngã, vì không thể nói là hữu vi hay vô vi.

2. Pháp hữu ngã vô tông (Tông pháp có, ngã không) : Là thuyết của Tát-bà-đa bộ v.v… Tông này nói các pháp nhiếp thuộc hai loại : Một là danh, hai là sắc. Có khi nói thuộc bốn loại : Tam thế và vô vi. Có khi lập ngũ pháp : Một là tâm, hai là tâm sở, ba là sắc, bốn là bất tương ưng, năm là vô vi. Đây chỉ có pháp, không riêng có ngã.

3. Pháp vô khứ lai tông (Tông pháp không có quá khứ vị lai) : Là thuyết của Đại chúng bộ v.v… nói có hiện tại và vô vi. Vì thể và dụng của pháp quá khứ và vị lai đều không.

4. Hiện thông giả thật tông (Tông hiện tại thông giả thật) : Là thuyết của Giả bộ v.v… Tông này nói hai thời quá khứ và vị lai không có. Với pháp hiện tại thì uẩn có thể thật mà giới và xứ thì giả. Tùy các pháp tương ưng mà giả thật không cố định. Luận Thành Thật và Kinh Bộ Biệt Sư đồng với loại này.

5. Tục vọng chân thật tông (Tông tục vọng chân thật) : Là thuyết của Xuất thế bộ v.v… Tông này nói pháp thế tục là giả vì chúng hư vọng, còn pháp xuất thế là thật vì không hư vọng.  

6. Chư pháp đãn danh tông (Tông các pháp chỉ có danh) : Là thuyết của Nhất thuyết bộ v.v... Tông này cho các pháp chỉ có giả danh, không có thật thể. Đây thông với phần giáo đầu của Thủy giáo.

7. Nhất thiết giai không tông (Tông tất cả đều không) : Là sơ giáo của Đại thừa. Nói tất cả pháp đều không tánh, vượt khỏi tình thức, không có phân biệt. Như kinh Bát-nhã v.v… đã biện.

8. Chân đức bất không tông (Tông chân đức chẳng không) : Là các kinh thuộc Chung giáo. Tất cả pháp chỉ là chân như, nhiếp thật đức trong Như Lai Tạng. Chân thể chẳng không, đầy đủ tánh đức.

9. Tướng tưởng câu tuyệt tông (Tông tướng và tưởng đều dứt) : Là chỗ bặt hết ngôn thuyết, hiển bày lý ly ngôn của Đốn giáo. Lý sự đều mất, bình đẳng ly niệm.

10. Viên minh cụ đức tông (Tông đầy đủ công đức tròn sáng) : Hiển bày pháp môn chủ bạn đầy đủ vô tận tự tại của Nhất thừa Biệt giáo.

Từ trên đến đây là phân giáo xếp tông phái, trình sơ quát để dẫn rộng phần lý giáo. Đã nói xong chi tiết của phần nghĩa tướng.