Căn bản
4 PHÁP LÀM THỐI THẤT TÂM BỒ-ĐỀ
24/04/2017Kinh Đại Bửu Tích, phẩm Phú-lâu-na thứ 17 ghi:
Đức Phật khen Ngài Phú Lâu Na rằng: Lành thay! Tốt thay! Này Phú-lâu-na, ông có thể mau nhập được tất cả pháp lợi của chư Phật như vậy, phải biết thuở quá khứ ông đã từng cúng dường chư Phật gieo trồng các căn lành, hầu gần thỉnh hỏi.
Này Phú-lâu-na! Ta nhớ thuở quá khứ ở trong phần hư không của cõi đất này, ông đã từng ở chỗ sáu vạn tám ngàn đức Phật được nghe nói kinh này. Do vì thiện căn công đức ấy nên nay ông ở nơi các pháp được Quang minh quyết định đầy khắp.
Tôn giả Phú-lâu-Na thưa:
- Bạch Thế Tôn ! Nếu con đã ở nơi chư Phật ấy được nghe kinh này, tại sao con lại chẳng dùng một niệm phát tâm Bồ-đề vô thượng?
Phật trả lời:
- Này Phú-lâu-na! Ta nhớ thuở quá khứ ông đã có một kiếp phát tâm Bồ-đề vô thượng nhưng do chẳng lìa xa các tâm khác nên lại thối thất. Do vì phước đức ấy, nay ta nói ông ở trong các Pháp sư là tối đệ nhứt.
Tôn giả Phú-lâu-na thưa:
- Bạch Thế Tôn! Con khi trước làm tội chướng gì mà trong một kiếp phát tâm Bồ-đề rồi lại thối thất?
Phật trả lời:
- Này Phú-lâu-na! Do vì ông y chỉ ác tri thức, lại vì chẳng lưu bố rộng chánh pháp, nên thối mất tâm Bồ đề.
Này Phú-lâu-na! Có 4 pháp làm thối thất tâm Bồ-đề vô thượng mà thành Thanh Văn thừa. Những gì là bốn ?
1/ Vì Bồ Tát thân cận ác tri thức, nên ở nơi thiện căn tăng thêm ác niệm viễn ly.
Ác tri thức nói rằng: “Cần gì phát tâm Bồ-đề như vậy. Sanh tử dài lâu vô lượng khổ não, qua lại trong năm loài mà không gặp nạn là rất khó. Gặp Phật càng khó mà sinh lòng tịnh tín lại càng khó hơn. Dầu được gặp Phật nhưng xuất gia lại khó. Đời nay ngươi được gặp chỗ không nạn rồi chớ để mất. Nơi chư Phật, ngươi chưa được thọ ký thiện căn, tức chưa nhứt định. Nếu chẳng được Niết-bàn thì phải luân chuyển năm loài. Người ấy nghe lời của ác tri thức nói rồi, sinh lòng thối thất đạo Bồ-đề, giải đãi chẳng an vui. Đây là pháp ban đầu khiến Bồ-tát thối thất Bồ-đề thành Thanh văn thừa.
2/ Bồ-Tát chẳng nghe các kinh đúng với Bồ-tát.
Đó là các kinh thuộc Bồ-tát tạng, kinh Phát Bồ-đề tâm, kinh Nhiếp Bồ-tát sự, kinh đúng sáu Ba-la-mật. Do vì chẳng nghe nên chẳng hành Bồ-tát hạnh, chẳng học Bồ-tát đạo. Người này chẳng biết Bồ-tát nên thân cận pháp gì, nên xa lìa pháp gì, pháp nào nên thọ, pháp nào chẳng nên thọ, pháp gì là Bồ-tát pháp, pháp gì là Thanh văn pháp. Vì chẳng biết rõ nên với pháp cần thân cận lại chẳng thân cận, trở lại thân cận pháp chẳng nên thân cận. Do đó mà thối thất đạo Bồ-đề vô thượng, tâm giải đãi, nhàm yếu, bỏ phế bổn nguyện. Có pháp thứ hai này thì Bồ Tát thối thất Bồ-đề thành Thanh văn thừa.
3/ Bồ-tát chấp chặt tham trước, ngô ngã, hành tà kiến, sa vào biên kiến, chìm trong ác kiến, khó cứu khỏi.
Người này được nghe kinh sâu diệu đúng Đệ nhứt nghĩa không có chút tướng dạng thì trái nghịch, chẳng tin, chẳng thông đạt, gây tội phá pháp. Do đó mà sinh tại các nạn xứ. Chẳng gặp được Phật, chẳng được nghe pháp. Vì chẳng nghe pháp nên chẳng gặp giáo pháp chư Phật, nên chẳng được gặp thiện tri thức. Vì chẳng gặp thiện tri thức nên mất vô nạn xứ mà sinh tại nạn xứ. Vì sanh nạn xứ, nên rời lìa thiện tri thức gặp ác tri thức. Vì cùng tùng sự với ác tri thức nên quên mất bổn niệm. Vì mất bổn niệm nên bỏ tâm Bồ-tát, bỏ Bồ-tát thừa, thối mất tâm Bồ-đề, chỉ làm pháp sinh tử, chẳng tu tập được pháp hành Đại thừa. Có pháp thứ ba này thì Bồ-tát thối thất Bồ-đề thành Thanh văn thừa.
4/ Bồ-tát được nghe các kinh thâm diệu mà chẳng có tâm giáo hóa người khác sâu xa. Tâm niệm thối thất chỉ thích tu một mình, lòng tham tiếc chẳng muốn tuyên nói, chẳng có thể dùng Chánh pháp nhiếp nhiều người. Do căn bất thiện này mà mất trí niệm huệ. Đã mất trí huệ niệm thì chẳng cùng người đọc tụng kinh Đại thừa, chẳng đem pháp Đại thừa cùng người cộng đồng. Người này chuyển thân đời khác, mất tâm Bồ-tát, quên niệm Bồ-tát. Có pháp thứ tư này thì Bồ-tát thối thất tâm Bồ-đề thành Thanh văn thừa.
Các tin khác
-
» BẤT ĐẮC KỲ TỬ VÀ PHÁP ĐỐI TRỊ (27/05)
-
» HỌC HẠNH KÍNH LỄ (26/03)
-
» NHÂN QUẢ QUA MỘT CÂU CHUYỆN (26/03)
-
» VU LAN NÓI ĐẾN BIẾT ÂN VÀ BÁO ÂN (26/03)
-
» PHÁP GIÚP BỒ TÁT SINH HỈ TÂM (26/03)
-
» BẰNG CHỨNG CÓ THÂN TRUNG ẤM TRONG KINH LUẬN (25/03)
-
» MỘT CÂU CHUYỆN VỀ NGHIỆP (25/03)
-
» NĂNG LỰC PHÁT NGUYỆN (25/03)
-
» BA PHÁP TU TẬP CỦA BỒ-TÁT TẠI GIA (25/03)
-
» BẢN CHẤT CỦA VIỆC CẦU CƠ (25/03)