Hương Sen Ngàn Cánh
BỒ-TÁT VÔ ÚY ĐỨC (P3)
20/04/2017
BỒ-TÁT VÔ ÚY ĐỨC (3)
Lúc ấy các thiên tử dùng hoa rải lên đức Phật cùng khắp thành Vương Xá để cúng dường Vô Úy Đức. Vô úy Đức liền xuống tòa ngồi, kính cẩn đảnh lễ hàng đại Thanh văn và dâng cúng mọi thức ăn uống vi diệu như pháp cúng dường.
Cúng dường cho chư vị Thanh văn xong, Vô Úy Đức nói :
- Chẳng hay chư Tôn giả Đại Thanh văn vì cớ gì mới sáng sớm đã rời Như Lai đến đây? Nên nghe pháp rồi sau hãy khất thực. Xin chư Tôn giả quay về. Chẳng bao lâu con sẽ đến đó.
Nói xong những gì cần nói, cô nàng mới rời chỗ ngồi kính cẩn đảnh lễ hàng Thanh văn và cúng dường những thức ăn đồ uống vi diệu cho họ. Không phải cô nàng không biết những điều thiết yếu quan trọng đó. Có điều với cô, đã là TƯỚNG thì không có gì khác nhau. Ứng duyên đúng tướng nào thì dùng tướng đó, không có gì để quan tâm. Cúng dường xong lại nói tiếp “Nên nghe pháp rồi sau hãy khất thực”. Trước khi cúng dường thuyết một mớ. Cúng dường xong thuyết một mớ nữa. Không phải hàng Đại Thanh văn của đức Phật, khó mà nuốt trôi mớ cúng dường vi diệu đó.
Vô Úy Đức, vua A Xà Thế và phu nhân cùng với vô lượng chúng nhân trong thành Vương Xá đến chỗ Như Lai và lễ dưới chân ngài, rồi ngồi qua một bên. Chư Đại Thanh văn cũng vừa về đến, lễ dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên.
LỄ DƯỚI CHÂN là chỉ cho cái lễ cúi đầu sát đất như nay mình lạy chư vị Hòa thượng tôn đức. Biểu tỏ lòng thành kính hết mực của mình. Đến chỗ Phật thì cô nàng chỉ đảnh lễ chứ không nói nữa. Đây là chỗ khác biệt giữa Bồ tát và chúng sinh. Chúng sinh thì đụng đâu cũng nói. Chỗ nào phát huy được cái ngã của mình thì mình nói. Nói để chứng tỏ mình giỏi, kiến giải mình nhiều. Còn Bồ tát, vì lợi ít của mọi người mà nói. Vì thế đối tượng nào cần nói mới nói. Không phải đối tượng không cần nghe, cũng nói. Nghe không nỗi, cũng nói.
Nói vậy, không phải mình tu được chút gì rồi không trình bày với thầy để biết chỗ đúng sai. Trình hay hỏi, không lỗi. Lỗi là ở tinh thần và cách trình. Trình để khoe chỗ tu hành của mình thì việc ấy lỗi. Bởi một khi đã có tư tưởng ấy, thì khi nhận được lời phê bình của thầy, mình sẽ phản ứng. Cái phản ứng đó dễ đưa đến những hành tác xấu : Cho thầy không đủ trình độ, nên phát ngôn linh tinh bừa bãi, làm tổn đến âm đức của mình. Không thì từ giả thầy ra đi v.v… Rất nhiều vấn đề để nói, khi mình để cho cái ngã của mình có dịp bành trướng.
Khi ấy, Xá Lợi Phất bạch với Phật : Bạch Thế Tôn! Cô gái Vô Úy Đức này rất kỳ lạ! Được đại phúc lợi.
Tôn giả Xá Lợi Phất hí hửng khoe với Phật về Vô Úy Đức. Tâm lượng thánh nhân nên hoan hỉ với lời phải lời hay, dù lời nói ấy xúc phạm đến mình. Còn tâm lượng chúng sanh thì nghe phê bình một lần, lần sau thấy mặt là tránh lẹ.
Phật nói với Tôn giả Xá Lợi Phất : Vô Úy Đức này đã ở nơi chín mươi ức đức Phật quá khứ phát bồ đề tâm. Nơi các Phật đó gieo trồng vô lượng thiện căn để cầu vô thượng bồ đề”.
Phật nói về tiền thân của Vô Úy Đức cho đại chúng nghe. THIỆN CĂN nói đây không phải chỉ nằm trên mặt phước thiện cúng dường bố thí mà bao gồm cả mặt tu tập trí tuệ. Phước huệ đầy đủ. Tự lợi, lợi tha đều có.
PHÁT TÂM BỒ ĐỀ là khởi cái tâm trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh. Cầu Phật đạo, thì trí tuệ vô sư không thể thiếu. Phải có sự tu tập, có công phu thiền định. Công phu thiền định không chưa đủ, phải là loại thiền định phá đi sự phân biệt, trí vô sư mới hiển. Độ chúng sinh muốn có kết quả thì phải có nhẫn lực. Cái NHẪN ấy không có TRÍ làm nền tảng, thì nhẫn không nỗi. Bởi cái nhẫn này không phải vì danh vọng hay lợi lộc mà nhẫn. Không đủ trí tuệ thì hoặc là chùn chí hoặc sẽ rơi vào hai trường hợp trên. Độ chúng sinh mà để hai thứ đó dẫn đường thì Phật đạo khó thành.
Xá Lợi Phất nói : Bạch Thế Tôn! Cô gái này có thể chuyển thân nữ chăng?
Câu hỏi đó chưa nói lên điều gì. Song nương vào cái duyên là câu trả lời của Phật ở phần sau mà biết, tuy Xá Lợi Phất có cái nhìn hơn hẳn mọi người, nhưng sự phân biệt vi tế vẫn còn. Đó là cái chấp vào nam và nữ. Một người được mệnh danh là trí tuệ bậc nhất của đức Phật mà còn vậy, huống là người không có trí tuệ? Hình ảnh này cho thấy tinh thần trọng nam khinh nữ ăn rất sâu trong tâm thức người đời. Võ Tắc Thiên đời Đường lưu danh trong sử sách vì thói xấu của bà nhiều hơn là vì những lợi ích mà ba đã cống hiến cho mọi người, nhất là đối với đạo Phật. Ít ai lưu ý đến môi trường mà bà phải chịu để tồn tại trong hoàn cảnh đó. Người ta hay đòi hỏi một cái toàn diện, mà không hiểu rằng thế giới này là thế giới bất toàn và tương đối. Thứ mà ta gọi là tốt, chính là cái ít xấu nhất trong những cái quá xấu, chứ không thể là một cái toàn bị. Nhưng mình thì luôn đòi một cái toàn bị, dù bản thân mình không toàn bị chút nào. Chính vì thế, thói xấu của một người, nhất là người nữ, được lưu tâm và truyền bá rộng rãi hơn những thứ tốt mà họ đã làm cho mọi người. Đó là bệnh chung của đa số người đời. Không phải chỉ ngoài đời mà cả trong đạo. Song nam hay nữ, đối với đức Phật đều là bậc đại trượng phu nếu ta đủ trí tuệ và có lòng từ mang lại lợi ích cho mọi người. Mang tiếng xấu một chút mà làm được nhiều việc cho mọi người, không hơn là bo bo cái tốt của bản thân để mọi thứ bày hày ra đó? Đồng nữ Vô Úy Đức, nếu không sử dụng thói ngang tàn kia, liệu cô có đánh động được tinh thần trượng phu trong hàng Thánh đệ tử của đức Phật?
Biện ra vậy, không phải là bênh vực cho những thói xấu. Nếu không phải dùng đến những thứ mà người đời cho là xấu để mang lại lợi ích cho mọi người, thì đương nhiên là quá tốt. Nhưng thế giới này vốn bất toàn. Những vị được gọi là thánh nhân vẫn còn những chỗ không toàn, huống là những người, mà ngay cả mặt phước báu còn chưa thể trang trải cho bản thân mình? Kiến chấp, quan niệm, bản ngã v.v… là vô số, không thiếu thứ gì. Không có những phương tiện “cứng rắn” “nghịch đạo”, có khi không phá đổ được thành trì nghiệp tập kiên cố của chúng sanh. Vì thế khi cần, vẫn xuất hiện những hành động và lời nói không mấy thuận tai ở một người mình vẫn nghĩ là đạo cao đức trọng. Chẳng qua chỉ vì lợi ích chúng sanh mà thôi. Vì thế, trong giai đoạn tu hành, tức trí tuệ của mình chưa đủ, thì không nên hướng ra ngoài đánh giá phê phán. Không ích gì cho mình mà có khi còn tổn đức là khác.
Phật hỏi Xá Lợi Phất : Ngươi thấy Vô Úy Đức là nữ nhân sao? Không nên có cái thấy như vậy. Chỉ vì Bồ tát phát nguyện lực nên thị hiện thân nữ mà độ chúng sanh.
Đừng cứ trên tướng mà nhìn như thế. Chúng sanh thì tùy tâm hiện tướng. Bởi tướng của chúng sanh là do nghiệp nhân đời trước mà có. Nhưng tướng của Bồ tát là do nguyện lực mà có. Chỉ tùy nguyện mà hiện thân tướng. Nếu hạnh nguyện là thân bệnh để độ người có bệnh, thì sẽ hiện thân bệnh để độ chúng sanh. Nếu hạnh nguyện là thân nữ thì sẽ có thân nữ để độ người. Nếu hạnh nguyện là thân Tỷ kheo thì hiện thân Tỷ kheo v.v… Cho nên, cứ theo TƯỚNG mà đoán TÁNH thì dễ lầm lẫn, nên nói “ Không nên có cái thấy như vậy”.
Vô Úy Đức liền phát thệ nguyện : Nếu tất cả pháp không phải nam không phải nữ thì hãy khiến thân con biến thành thân trượng phu để đại chúng đều được thấy.
TẤT CẢ PHÁP là muốn nói đến thực tướng của vạn pháp. Tướng thì có nam nữ, nhưng thực tướng của cái nam nữ ấy lại KHÔNG NAM CŨNG KHÔNG NỮ. Ai đã từng nghiên cứu Trung Luận sẽ thấy đây là một dạng của BÁT BẤT. Là 8 câu đầu trong Trung luận. Kinh luận tuy muôn hình vạn trạng, kinh sách lên đến vạn ngàn, nhưng đều qui về một mối thống nhất. Tu hành, là để nhận ra được mối thống nhất đó. Thay đổi thân tướng là muốn chỉ ra chỗ không có thân tướng, là nền tảng của những hiện tướng kia.
Phát nguyện như thế để đại chúng thấy pháp vốn không nam nữ. Nói rộng là thực tướng của vạn pháp không thuộc bờ mé nhị biên. Nếu nữ thực có tướng nữ thì tướng nữ ấy phải thường trụ không thể thay đổi. Song tướng nữ ấy chỉ có tướng mà tánh thì không, nên khi cần, tướng nữ liền hoại để thành tướng nam. Như hư không, không sáng cũng không tối chỉ do duyên mà thành sáng tối. Có điều, do mình bị trói buộc trong nghiệp tập, nên không thể tự tại đổi qua đổi lại như thế. Có thân nào ôm cứng thân đó cho đến chết, rồi đi đầu thai.
Nói lời ấy xong, thân nữ liền tiêu mà hiện thân trượng phu thăng lên hư không cao khoảng 7 cây đa la, trụ lại ở đó không xuống.
Đổi thân tướng xong liền trụ luôn trên hư không không xuống nữa. Có lẽ để đại chúng thấy cho rõ.
Thế Tôn liền nói với Xá Lợi Phất : Xá Lợi Phất, ngươi thấy Bồ tát Vô Úy Đức ở trên hư không chẳng xuống chăng?
Giờ tin là pháp vốn không nam nữ, chỉ tùy duyên mà hiện nam hay nữ chưa?
Xá lợi Phất nói : Đã thấy, bạch Thế Tôn!
Dạ rồi!
Phật nói : Bồ tát Vô Úy Đức này qua 7 ngàn a tăng kỳ kiếp sẽ thành chánh giác, hiệu là Ly Cấu Như Lai Ứng Chánh Biến Tri. Thế giới Phật đó gọi là Quang Minh. Phật thọ trăm kiếp, chánh pháp mười kiếp, thuần Bồ tát tăng, ba vạn Bồ tát bất thối chuyển. Thế giới ấy đất bằng lưu ly thanh tịnh, đường xá tám hướng trang nghiêm phủ đầy sen báu, không có tên ác đạo, người và trời đầy đủ. Xá Lợi Phất! Như cõi trời Đâu Suất, thọ cái lạc vi diệu và thắng pháp.
Đây là Phật thọ ký cho Vô Úy Đức. A TĂNG KỲ là chỉ cho thời hạn thời gian. Chỗ thì nói 3 a tăng kỳ kiếp, chỗ thì 2 a tăng kỳ kiếp, đây 7 ngàn a tăng kỳ kiếp v.v… Chẳng qua vì thời gian không thật, muốn nói bao nhiêu đó nói. Chỉ biết rằng, qua cái A hay B a tăng kỳ kiếp đó, tức hết tham sân si. Hết tham sân si thì đương nhiên thành Phật. SI nói đây, chỉ luôn cho CĂN BẢN VÔ MINH nói trong luận Đại Thừa Khởi Tín. Ai trong một kiếp có thể dứt nọc cả 3 thứ đó, thì 7 a tăng kỳ kiếp là chỉ cho một kiếp này. Còn 7 đời nữa mới thành Phật thì 7 a tăng kỳ kiếp chỉ cho 7 đời v.v...
Tên ai có kèm theo mấy từ Ứng Chánh Biến Tri là biết ngon rồi. Thành Phật rồi. Chánh báo đầy đủ công đức trang nghiêm, nên y báo trở thành như thế. Đó là thế giới Hoa Nghiêm của mười phương chư Phật. Cõi này không có ngôn từ nào có thể diễn tả, chỉ mượn những hình tướng của cõi trời để diễn tả sự vi diệu của nó. Như mượn lưới châu của trời Đế Thích để nói về thế giới sự sự vô ngại của Hoa Nghiêm. Mượn để hình dung, không phải cái lưới châu ấy là thế giới Hoa Nghiêm. Thành không nên lấy những hiện tượng mà ngành vật lý hiện đại khám phá ra, cho đó là thế giới Hoa Nghiêm.
Mẹ của Bồ tát Vô Úy Đức là Nhật Nguyệt Quang cùng với vua A Xà Thế chấp tay đến trước Phật bạch rằng : Con được đại lợi chín tháng cưu mang đứa con này, nay nó rống được tiếng rống sư tử oai hùng như thế, nguyện hồi hướng thiện căn này về A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Sau đó nơi thế giới Quang Minh của Phật Ly Cấu sẽ thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Có duyên với nhau mới gặp được nhau. Sinh được một người con như thế, ắt hẳn bà phải có được thiện căn nào đó mới có được cái duyên như thế. Bà lấy thiện căn đó hồi hướng cho con đường Phật đạo của mình. Dùng những thiện căn có được, không hồi hướng để được hạnh phúc thế gian, mà để thành Phật thì sinh được một người con như Vô Úy Đức cũng là đúng pháp.
Phật nói với Tôn giả Xá Lợi Phất : Nầy Xá Lợi Phất! Ngươi có thấy chăng?
Hỏi có thấy phu nhân phát nguyện chăng?
Xá Lợi Phất thưa : Dạ thấy.
Phật nói : Phu nhân Nguyệt Quang đây bỏ thân này xong sẽ sanh làm thiên tử cõi trời Đao Lợi hiệu là Quang Minh Tăng Thượng. Khi Bồ tát Di Lặc được bồ đề, bà là con trai lớn của Đại vương thời ấy. Cúng dường Di Lặc xong liền xuất gia, có thể ghi nhớ thọ trì những gì Di Lặc đã nói. Thứ lớp đều thấy chư Phật hiền kiếp mà cúng dường. Cúng dường Phật như thế rồi, vào thời Ly Cấu Như Lai được bồ đề thì làm Đại vương với đầy đủ bảy báu, hiệu là Trì Địa. Cúng dường chư Như Lai xong, sau bà sẽ được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, hiệu là Biến Quang Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, thành tựu thế giới Phật cũng đầy đủ như trên đã nói.
Đây là lời thọ ký của Như Lai. Như Lai có cái thấy xuyên suốt ba thời, nên thấy được tương lai của phu nhân Nguyệt Quang. THỌ KÝ mang nghĩa ấn chứng. Cái ấn chứng này không phải do Phật quyết định mà do Phật thấy được cái quả của những cái nhân mà Phu nhân đã gieo trong quá khứ và hiện tại. Nhân như thế sẽ có cái quả như thế. Cho nên, Phật không nói thì thôi, đã nói thì chắc chắn phải có. Đó là ý nghĩa và giá trị của từ THỌ KÝ.
BỎ THÂN NÀY… là chết rồi sẽ đầu thai làm … Kiếp sau bà sẽ là vua cõi trời Đao Lợi. Khi đức Di Lặc ra đời, bà là con của vị vua thời ấy. Khi con gái mình thành Phật, bà lại làm vua. Làm vua hay làm thái tử là nói về mặt phước báu đầy đủ. Thân cận cúng dường chư Như Lai là nói về mặt trí tuệ đầy đủ. Như Lai là biểu thị cho giác tâm của mình. Trí và phúc đầy đủ thì thành Phật. Cõi Phật của bà cũng đầy đủ như con gái bà.
Nghe Phật thọ ký, phu nhân Nguyệt Quang hí hững vui mừng cởi liền chuỗi báu anh lạc trị giá trăm ngàn lượng vàng dâng lên cúng dường đức Phật. Nói với A Xà Thế xong, thọ năm trăm chánh giới, tu đủ phạm hạnh.
Nhân, đủ duyên nên nẩy mầm để có cái quả trong tương lai. Nghe Phật thọ ký xong, quá thích ý bà cởi xâu chuỗi đang mang ra cúng dường đức Phật. NÓI VỚI A XÀ THẾ XONG là nói “Ông ở nhà đừng buồn, tôi theo Phật cạo đầu tu hành nghe”. Đại loại như vậy. Vì thọ 500 giới thì chỉ có giới Tỷ kheo ni cộng thêm giới Bồ tát hay gì gì đó nữa mới lên tới 500. Giới của người tại gia không nhiều như vậy. Nghe thọ ký mà xuất gia liền, thành Phật là đương nhiên. Người xưa khác người nay ở chỗ đó. Mình mà được thọ ký như thế thì “Thôi yên tâm, để đó tính sau. Trước sau gì cũng thành Phật”. Thành tới giờ này chưa ai dám thọ ký cho mình.
Bồ tát Vô Úy Đức ở trước Như Lai nói : Do lực nhân duyên của thệ nguyện này, con được bồ đề ở vị lai, chư Bồ tát đều được pháp phục tất cả hóa sanh. Nếu thệ nguyện này không hư dối thì nay con sẽ hiện thân Tỷ kheo nhỏ tuổi 8 lạp. Nói lời ấy xong liền được pháp phục thành Tỷ kheo đầy đủ uy nghi.
Chư vị Bồ tát ngày xưa muốn để đại chúng phát niềm tin, đều phát lời thệ nguyện thay đổi thân tướng để đại chúng thấy. Đó là do căn lành của người xưa lớn. CĂN LÀNH LỚN là chỉ cho sự CHẤP THỦ ÍT. Thấy biến thân tướng như thế, liền hiểu rằng thân tướng không tánh, chỉ tùy duyên mà hiện tướng, không có chất thật.
Với chúng sanh thời mạt pháp như hiện nay, thấy biến từ thân này qua thân kia như thế, không nhận được thân tướng là giả hợp mà lại chấp cái tướng thay đổi ấy là thật, thần thông là thật v.v… Rồi chỉ tìm cách tu làm sao cho có thần thông để lòe thiên hạ, mà không nghĩ đến việc dứt trừ tham, sân, si. Liền rơi vào ma đạo. Đó là do căn lành kém nên đụng đâu chấp đó, chẳng sáng được chút nào. Trong khi chư vị Thiện tri thức dụng pháp là cốt mang lại lợi ích cho chúng sanh. Cho nên, thời mạt pháp, là thời mà căn tánh chúng sanh chậm lụt, đụng đâu chấp đó, Phật không cho dùng những hình tướng mang tính cách thần biến như thế để độ người. Vì lý do đó, chư vị Thiện tri thức ngày nay không phải không có được những lực dụng đó, nhưng chỉ âm thầm độ những kẻ hữu duyên không để lại dấu vết.
LẠP là chỉ cho tuổi hạ của Tăng Ni. Cứ một năm lên một tuổi. Tỷ kheo trẻ tuổi này đã được 8 tuổi hạ.
Vô Úy Đức nói với cha : Đại vương! Tất cả pháp đều như vậy. Tướng bỗng chốc hóa sanh tức thì, lìa các phân biệt, không có điên đảo. Đại vương! Con lại hiện trở lại thân nữ, Đại vương thấy chăng?
TẤT CẢ PHÁP ĐỀU NHƯ VẬY là đều như thân tướng của con, không có tánh thật, như huyễn như hóa, biến tới biến lui, đủ duyên thì hiện, hết duyên thì hoại. Như huyễn như hóa thì không có gì để phân biệt, nên nói LÌA CÁC PHÂN BIỆT. Lìa mọi phân biệt thì sẽ có cái nhìn như thật đối với vạn pháp nên nói KHÔNG CÓ ĐIÊN ĐẢO. Không phân biệt, không điên đảo thì sẽ có được lực dụng hiện thân biến hóa như thế.
Vua nói : Đã thấy, nhưng ta không nương vào tướng sắc thân mà thấy. Ta thấy hiện thân Tỷ kheo xong lại hiện thân nữ nhi.
Thấy rồi mà cũng nhận ra được vấn đề rồi thưa con gái. Nhận ra là nhận ra thân tướng đây không có chất thật, như huyễn như hóa, nên nói KHÔNG NƯƠNG VÀO SẮC THÂN MÀ THẤY. Tức không chấp vào sắc thân mà thấy, chỉ thấy cái biến hóa không thật của nó mà thôi, nên nói “Hiện thân Tỷ kheo xong lại hiện thân nữ nhi”. Đó là ý nghĩa của phân đoạn này.
Phật nói : Có cái nào thật! Đại vương nên có cái học chánh kiến như thế mà an trụ trong tất cả pháp. Tất cả đều bị phiền não quấy rầy vì không đạt được pháp lực. Không được pháp lực nên đối với chỗ không đáng nghi lại sanh nghi hối. Phải thường thân cận Như Lai và đồng tử Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Nhờ lực oai đức của Bồ tát ấy mà nhận được sự hối lỗi.
Phật nói thấy nhiều thân tướng như thế thì có cái nào thật. Nói đến chuyện thân tướng với việc thật giả này mới nhớ đến chuyện con trai của cô em, 8 tuổi. Đi ngang nhà thờ Đức Bà, thấy tượng Maria, thằng bé hỏi ai? Mẹ nó trả lời “Phật!”. Đến các chùa thấy tượng Di Lặc, Quan Âm, Thích Ca, mẹ nó cũng chỉ trả lời một chữ Phật. Thằng bé kết luận “Một ông mà nhiều mặt mũi như thế, thì Phật này chắc là giả rồi!”.
Mình phải có cái nhìn như câu kết luận của thằng bé đó. Hình tướng chỉ là thứ duyên hợp không có tánh thật. Không có tướng nào thật để chấp thủ. Cần có cái nhìn như thế không phải chỉ với tượng Phật hay với thân nam nữ của Vô Úy Đức, mà với tất cả pháp. Nên Phật nói “Nên có cái học chánh kiến như thế mà an trụ trong tất cả pháp”. CHÁNH KIẾN là thấy đúng lẽ thật. Pháp vốn huyễn hóa chỉ từ tâm biến hiện. Vì thế mình phải có cái nhìn như thế đối với vạn pháp.
Nhà vua đại diện cho tầng lớp chúng sanh chưa thâm nhập được pháp tánh, cái thấy ấy vẫn nằm trong phần suy luật học hỏi không phải là thực chứng, nên nói HỌC.
PHÁP LỰC là chỉ cho lực dụng của tâm chân thật, của pháp tánh chân như. Không sống được với cái chân thật mà chỉ chạy theo những giả tướng bên ngoài, nên bị các giả tướng ấy mê hoặc thành có phiền não.
NGHI HỐI là nghi ngờ và hối hận. Nghi ngờ không đúng thì sanh hối hận. Những thứ đó khiến cho tâm không yên. Không yên thì cái chân thật càng lu mờ. Cái chân thật lu mờ thì trí tuệ cũng u ám. NHƯ LAI và VĂN THÙ BỒ TÁT hiện tại là những vị đại diện cho sự thanh tịnh và trí tuệ. Song thời không có Phật và Văn Thù hiện tướng thì sao? Hai hình ảnh đó còn chỉ cho giác tâm thanh tịnh của chính người tu. Cần phải giữ tâm thanh tịnh để tránh tình trạng nghi hối trên. Giữ bằng cách nào? Đối duyên đừng phân biệt cái này thế này, cái kia thế kia. Không duyên thì đừng để cho những vui buồn nghĩ tưởng chi phối tâm mình. Đừng nhớ về quá khứ, đừng tính cho tương lai thì hiện tại sẽ không bị vọng niệm trói buộc. Nói chung, trong động hay trong tịnh, chỉ cần thấy được những cảm thọ hay suy nghĩ hiện diện trong tâm rồi buông, là ta đang thân cận được với Như Lai và Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Tùy việc buông bỏ nhiều hay ít, cạn hay sâu mà ta được thân cận chư vị nhiều hay ít, gần hay xa. Ít và xa thì lực oai đức yếu, nhiều và gần thì lực oai đức mạnh. ĐỒNG TỬ là chỉ cho hình tượng trong trắng không nhiễm ô, cũng chỉ cho hàng Bồ tát tái lai. Vì tái lai nên trí tuệ hiển bày ngay từ nhỏ, không cần đến sự tu tập.
Nguyên nhân của mọi ngông cuồng tội lỗi là không biết cái gì cần làm, cái gì không nên làm. Phạm lỗi mà nhận ra được lỗi ấy để sám hối không tái phạm, là bước đầu của người tu phạm hạnh. Nhờ giữ tâm thanh tịnh, mình sẽ có trí tuệ. Có trí tuệ thì mới nhận được lỗi và sám hối lỗi ấy, nên nói “Nhờ lực oai đức của Bồ tát ấy mà nhận được sự hối lỗi”. Đến được Bát địa, trí phân biệt hết thì tâm không còn nghi cũng không còn hối.
Rồi nói với ngài A Nan : Ngươi hãy thọ trì pháp môn Bồ Tát Vô Úy Đức Thọ Ký này. Đọc tụng chớ quên. Nầy A Nan! Nếu có nam thiện nữ lành nào có đầy đủ thất bảo cúng dường cho chư Phật Như Lai đầy cả Tam thiên đại thiên thế giới thì phúc đức của người ấy cũng không bằng người thọ trì một câu một bài kệ của pháp môn Bồ Tát Vô Úy Đức Thọ Ký này. Huống là người đọc tụng đầy đủ, vì người giải nói, y pháp tu hành.
Đây là giao phó cho ngài A Nan. A Nan là người nghe tới đâu nhớ tới đó không sót một chữ. Giao phó cho ngài để ngài biên chép đọc tụng mà truyền bá cho đời sau. Vì sao? Vì đọc tụng kinh này dù chỉ một câu hay một bài kệ, phước đức hơn hẳn người cúng dường cho chư Phật ngàn báu trong vô số kiếp. Cho thấy, việc tu hành cũng như cúng dường hay làm phước, thứ gì có liên quan đến kinh sách trí tuệ, phước đức luôn hơn hẳn các vật phẩm khác. Vì kinh sách giúp ta hiểu được những gì cần làm và nên làm. Vì thế phước đức do nó tạo ra lớn hơn những phẩm vật cúng dường khác.
Như Lai nói pháp môn Bồ Tát Vô Úy Đức Thọ Ký xong, phu nhân Nguyệt Quang cùng với các Thiên, Long, A tu la v.v… đều rất hoan hỉ, tin, nhận, phụng hành.
Người xưa dù là Trời, Rồng hay A tu la, hễ nghe pháp xong là theo pháp thực hành, không phải chỉ nghe cho vui rồi thôi. Là hình ảnh mà người thời nay chúng ta cần phải bắt chước.
Các tin khác
-
» LỜI NÓI ĐẦU (01/04)
-
» HỘI ƯU-BÀ-DI HẰNG HÀ THƯỢNG (01/04)
-
» PHÁP HỘI ƯU-ĐÀ-DIÊN (01/04)
-
» BỒ-TÁT DIỆU HUỆ (01/04)
-
» BỒ-TÁT VÔ ÚY ĐỨC (P1) (01/04)
-
» BỒ-TÁT VÔ ÚY ĐỨC (P2) (01/04)