Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh
Quyển 7
BỒ-TÁT VÂN TẬP TRÊN ĐIỆN DIỆU THẮNG NÓI KỆ
Phẩm 10 – Phần 1
Đại Tạng Kinh 9 - số 278
Dịch từ Phạn sang Hán : Phật Đà Bạt Đà La (Đông Tấn)
Dịch từ Hán sang Việt : Chân Hiền Tâm
Lúc ấy, ở mười phương, mỗi phương là mười thế giới. Qua khỏi trăm Phật thế giới vi trần số quốc độ có thế giới tên là Nhân-đà-la, kế là Liên Hoa, kế là Chúng Bảo, kế là Ưu-bát-la, kế là Diệu Hạnh, kế là Thiện Hạnh, kế là Hoan Hỉ, kế là Tinh Túc, kế là Vô Yếm Từ, kế là Hư Không. Phật của các thế giới đó có hiệu là Bất Biến Nguyệt, Phật hiệu là Vô Tận Nguyệt, Phật hiệu là Bất Động Nguyệt, Phật hiệu là Hương Phong Nguyệt, Phật hiệu là Tự Tại Thiên Nguyệt, Phật hiệu là Thanh Tịnh Nguyệt, Phật hiệu là Vô Thượng Nguyệt, Phật hiệu là Tinh Túc Nguyệt, Phật hiệu là Bất Suy Biến Nguyệt, Phật hiệu là Vô Lượng Tự Tại Nguyệt. Các Bồ-tát của các thế giới đó tên là Pháp Tuệ, kế là Nhất Thiết Tuệ, kế là Thắng Tuệ, kế là Công Đức Tuệ, kế là Tinh Tấn Tuệ, kế là Thiện Tuệ, kế là Trí Tuệ, kế là Chân Thật Tuệ, kế là Vô Thượng Tuệ, kế là Kiên Cố Tuệ. Các Bồ-tát này đều ở tại Phật độ của mình, tịnh tu phạm hạnh.
Lúc ấy, nhờ thần lực của Phật, tất cả các Bồ-tát đó đều mang theo nhất Phật thế giới vi trần số Bồ-tát quyến thuộc đến chỗ Phật, cung kính lễ bái. Cũng nhờ thần lực của Phật mà hóa ra các tòa sư tử Bảo Tạng, ngồi kiết già khắp cả mười phương. Như Bồ-tát vân tập nơi đỉnh núi Tu-di này, mười phương thế giới cũng lại như vậy.
Lúc ấy, từ nơi các ngón của Thế Tôn phóng ra trăm ngàn ức quang minh diệu sắc chiếu khắp tất cả các thế giới ở mười phương. Các Tứ thiên hạ ở dưới cây bồ-đề và tại điện Diệu Thắng trên đỉnh Tu-di, Như Lai và đại chúng thảy đều hiển hiện.
1. Lúc ấy, Bồ-tát PHÁP TUỆ nương thần lực của Phật, quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng :
Trời Người Thầy đều hiện
Tất cả cõi nghiêm tịnh
Đỉnh Tu-di sơn vương
Điện Diệu Thắng Đế Thích (1)
Nhận lời thỉnh Thiên vương
Nên ở cung điện đó
Mỗi người đều lấy mười
Kệ kiết tường tán Phật (2)
Đại quyến thuộc của Phật
Chúng Bồ-tát thanh tịnh
Đều từ mười phương đến
Kiết già chánh an định (3)
Thảy đều đồng danh tự
Như Bồ-tát chúng con
Rời khỏi xứ của mình
Đi đến chỗ của Phật (4)
Bản quốc các Thế Tôn
Danh hiệu thảy đều đồng
Đều ở nơi xứ Phật
Tịnh tu hạnh Bồ-tát (5)
Các Phật tử nên biết
Uy thần lực Như Lai
Trong tất cả thế giới
Đều cho Phật tại tiền (6)
Nay chúng con thấy Phật
Ngồi ở điện Diệu Thắng
Mười phương cũng như thế
Lực Như Lai tự tại (7)
Trong tất cả thế giới
Phát tâm cầu Phật thì
Trước lập nguyện thanh tịnh
Tu tập hạnh Bồ-tát (8)
Hạnh Bồ-tát tịnh tu
Vô lượng vô biên kiếp
Nơi pháp giới vô ngại
Không thể tính lường được (9)
Đều chiếu khắp mười phương
Diệt trừ ngu si ám
Tất cả không bằng được
Cho nên không thể biết (10)
2. Lúc ấy, Bồ-tát NHẤT THIẾT TUỆ nương uy thần của Phật quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng :
Vô lượng vô số kiếp
Tuy thường thấy Như Lai
Ở trong chánh pháp đó
Còn chưa thấy chân thật (1)
Vọng tưởng thủ các pháp
Tăng trưởng lưới si hoặc
Trong luân hồi sanh tử
Mù tối không thấy Phật (2)
Tuy cũng quán các pháp
Vẫn chưa thấy thật tướng
Tất cả pháp sanh diệt
Chỉ chấp giả danh tự (3)
Tất cả pháp không sanh
Tất cả pháp không diệt
Nếu hiểu được như thế
Chư Phật thường hiện tiền (4)
Không thủ cũng không kiến
Tịch không, không chân thật
Chư Phật xưa nay không
Không thể suy lường được (5)
Nếu hiểu tất cả pháp
Không thể nghĩ lường thì
Người đó nơi phiền não
Tâm họ vô sở nhiễm (6)
Hư vọng thủ pháp tướng
Đó là vì si ám
Cho nên không thấy Phật.
Cũng không đắc chân thật (7)
Mâu-ni lìa tam thế
Tướng hảo đều đầy đủ
Nơi trụ, vô sở trụ
Pháp giới đều thanh tịnh (8)
Nhân duyên nên pháp sinh
Nhân duyên nên pháp diệt
Quán Như Lai như thế
Rốt ráo lìa si hoặc (9)
Pháp Tuệ trước đã thuyết
Pháp thanh tịnh vi diệu
Con từ thắng văn đó
Bồ-đề khó nghĩ bàn (10)
3. Lúc ấy Bồ-tát THẮNG TUỆ, nương thần lực của Phật quán khắp mười phương, dùng kệ tụng rằng :
Trí Như Lai thậm thâm
Tất cả không thể lường
Không biết pháp chân thật
Thế gian đều mê hoặc (1)
Ngu muội tư duy đó
Hư vọng thủ các pháp
Cho nên không thấy Phật
Đầy đủ tướng thanh tịnh (2)
Ngu si tâm mê hoặc
Vọng thủ tướng ngũ ấm
Không rõ tánh chân thật
Cho nên không thấy Phật (3)
Phân biệt tất cả pháp
Thảy đều không chân thật
Hiểu các pháp như thế
Thì thấy Lô-xá-na (4)
Nhân nơi ngũ ấm trước
Ấm sau tương tục sinh
Thứ lớp hiểu ngũ ấm
Thấy Phật khó nghĩ bàn (5)
Như báu trong chỗ tối
Không sáng nên không thấy
Chân đế không người thuyết
Tuy tuệ không thể thấy (6)
Như mắt không sáng trong
Không thấy sắc vi diệu
Tâm bất tịnh như thế
Không thấy pháp chư Phật (7)
Giống như mặt trời sáng
Người không mắt không thấy
Nếu người tâm siểm khúc
Cũng không thấy chư Phật (8)
Nên, cần tuệ nhãn tịnh
Quán sát các pháp tướng
Thấy pháp tướng rõ ràng
Giống như bóng trong gương (9)
Nhất Thiết Tuệ trước thuyết
Pháp thanh tịnh vi diệu
Con nhờ việc nghe đó
Thấy Phật Lô-xá-na (10)
4. Lúc ấy Bồ-tát CÔNG ĐỨC TUỆ, nương thần lực của Phật quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng :
Các pháp hư, không thật
Vọng thủ tướng kiên cố
Cho nên kẻ ngu muội
Thường luân chuyển sanh tử (1)
Pháp bất thiện không tốt
Vọng làm pháp tướng tốt
Cho nên sinh chướng ngại
Ngu si thường luân chuyển (2)
Không biết Bát chánh đạo
Làm sao biết tự tâm
Kẻ vì tưởng điên đảo
Tăng trưởng tất cả ác (3)
Không thấy các pháp không
Thường chịu vô lượng khổ
Kẻ kia không thành tựu
Được pháp nhãn thanh tịnh (4)
Muốn biết tất cả tâm
Trước phải cầu pháp nhãn
Như những gì con nói
Thấy được Phật chân thật (5)
Nếu có người thấy Phật
Tâm họ không chỗ chấp
Chính là thấy chân thật
Như Phật đã thuyết pháp (6)
Nếu thấy đại trí tuệ
Như Lai diệu pháp thân
Có thể thấy Như Lai
Người có thanh tịnh nhãn (7)
Không kiến và năng kiến
Tất cả pháp chân thật
Nơi pháp có sở kiến
Người đó không sở kiến (8)
Diệu thay pháp chân thật
Phật dùng dạy chúng sinh
Trong tất cả các hữu
Không sinh cũng không tử (9)
Thắng Tuệ trước đã thuyết
Pháp thanh tịnh vi diệu
Con nhờ việc nghe đó
Thâm hiểu đạo chư Phật (10)
5. Lúc ấy Bồ-tát TINH TẤN TUỆ, nương thần lực của Phật quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng :
Do các hành vọng tưởng
Tuệ nhãn không thanh tịnh
Ngu si tà kiến tăng
Thường không thấy chư Phật (1)
Nếu hay thấy tà ngụy
Và cả pháp chân thật
Hiểu kỹ thật, không thật
Thì thấy Phật thanh tịnh (2)
Kiến đó chính là cấu
Ngay đó không sở kiến
Chư Phật lìa sở kiến
Cho nên kiến thanh tịnh (3)
Pháp ngữ ngôn thế gian
Hư vọng không chân thật
Biết thế gian duyên khởi
Thì lìa hoạn sanh tử (4)
Thế gian, phi thế gian
Quán sát thảy bình đẳng
Cả hai, biết chân thật
Thì gọi kẻ chân thật (5)
Nếu hay quán như thế
Lậu tận được tự tại
Phi hữu cũng phi vô
Đó nói thấy bất nhị (6)
Hư vọng, phi hư vọng
Phi thị các Phật pháp
Chân thật không hai tướng
Vì pháp tánh thanh tịnh (7)
Pháp tánh tự thanh tịnh
Vô tướng như hư không
Tất cả không năng thuyết
Người trí quán như thế (8)
Ưa quán tất cả pháp
Tịch diệt vô sở hữu
Cũng biết không thể tu
Hay thấy Mâu-ni tôn (9)
Người thấy Phật như thế
Công đức không thể lường
Tất cả hạnh có được
Tịch tĩnh, không, vô tướng (10)