Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG HOA NGHIÊM KINH Q.10c

BỒ TÁT THUYẾT KỆ Ở THIÊN CUNG DẠ-MA - Phẩm 16

04/02/2022


Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh
Quyển 10
BỒ-TÁT THUYẾT KỆ Ở THIÊN CUNG DẠ-MA
Phẩm 16
Đại Tạng Kinh 9 - số 278
Dịch từ Phạn sang Hán : Phật Đà Bạt Đà La (Đông Tấn)
Dịch từ Hán sang Việt : Chân Hiền Tâm

Lúc ấy, ở mười phương, mỗi phương qua khỏi mười vạn Phật sát trần số thế giới có thế giới tên là Vô Lượng Tuệ, kế là Tràng Tuệ, kế là Địa Tuệ, kế là Thắng Tuệ, kế là Đăng Tuệ, kế là Kim Cang Tuệ, kế là An Lạc Tuệ, kế là Nhật Tuệ, kế là Thanh Tịnh Tuệ, kế là Phạm Tuệ.

Phật của các thế giới đó có hiệu là Thường Trụ Nhãn, là Vô Lượng Nhãn, là Chân Thật Nhãn, là Bất Động Nhãn, là Thiên Nhãn, là Thanh Tịnh Nhãn, là An Đế Nhãn, là Minh Tướng Nhãn, là Vô Thượng Nhãn, là Tịnh Quang Trạch Nhãn.

Các Bồ-tát của các thế giới đó tên là Công Đức Lâm, kế là Tuệ Lâm, kế là Thắng Lâm, kế là Vô Úy Lâm, kế là Tàm Quí Lâm, kế là Thắng Tiến Lâm, kế là Lực Thành Tựu Lâm, kế là Kiên Cố Lâm, kế là Như Lai Lâm, kế là Trí Lâm. Các Bồ-tát này đều ở tại Phật độ của mình, tịnh tu phạm hạnh.

Lúc ấy, nhờ thần lực của Phật, các Bồ-tát đó đều mang theo một Phật thế giới vi trần số Bồ-tát quyến thuộc đến chỗ Phật, cung kính lễ bái. Nhờ thần lực của Phật, tùy phương đã đến mà hóa ra tòa sư tử Bảo Tạng, ngồi kiết già khắp cả mười phương. Như Bồ-tát vân tập trên Da-ma thiên này, mười phương thế giới cũng lại như vậy.

Lúc ấy, từ nơi từ các ngón chân của Thế Tôn phóng ra trăm ngàn ức quang minh diệu sắc chiếu khắp tất cả các thế giới ở mười phương. Các Tứ thiên hạ ở dưới cây bồ-đề, bảo tòa sư tử liên hoa tạng ở Dạ-ma thiên cung, thần lực Như Lai và các đại hội thảy đều hiển hiện.

1. Lúc ấy, Bồ-tát CÔNG ĐỨC LÂM nương thần lực của Phật, quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng :

Đều phóng tịnh minh quang
Chiếu khắp mười phương giới
Tất cả đều thấy Phật
Thông đạt không chướng ngại (1)
Phật ở Da-ma cung
Trên bảo tòa liên hoa
Tất cả các thế gian
Kỳ đặc chưa từng có (2)
Tán thán Thập Như Lai
Chúng sinh thảy đều nghe
Thế Tôn đại chúng hội
Tất cả thảy đều thấy (3)
Ở khắp mười phương giới
Diễn thuyết pháp vô thượng
Cũng đều đồng danh tự
Như chúng Bồ-tát ta (4)
Đều từ mười phương giới
Đi đến tại xứ này
Các vị thượng nhân đó
Thanh tịnh tu phạm hạnh (5)
Chư vị Như Lai đó
Cũng đều đồng danh hiệu
Thấy Phật độ thanh tịnh
Lực thần thông tự tại (6)
Tất cả thấy Như Lai
Trong nhân gian, đạo tràng
Cũng lại thấy Thế Tôn
Ở Dạ-ma cung này (7)
Tất cả các thế gian
Không thể suy lường Phật
Theo nguyện của chúng sinh
Tất cả thảy đều thấy (8)
Chúng sinh thấy Như Lai
Vô lượng lực tự tại
Đại tiên nhân lìa thế
Công đức tạng vô lượng (9)
Du hành mười phương giới
Tất cả không chướng ngại
Một thân là vô lượng
Vô lượng thân là một (10)
Diệu công đức thậm thâm
Tất cả không thể lường
Vô trước vô sở y
Thanh tịnh như hư không (11)

2. Lúc ấy, Bồ-tát TUỆ LÂM, nương uy thần của Phật quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng :

Bất khả tư nghì kiếp
Thiên nhân sư khó gặp
Các đại nhân lìa cấu
Hội này cũng khó gặp (1)
Đều là nhất thiết trí
Tuệ quang thảy đều chiếu
Diễn thuyết pháp thâm diệu
Nhiêu ích cho chúng sinh (2)
Tất cả các thế gian
Thường bị si ám che
Phật ra đời, đèn sáng
Thảy đều hay trừ diệt (3)
Thí, giới, nhẫn, tinh tấn
Thiền định tam muội tạng
Tu tập trí thâm diệu
Chiếu khắp hết tất cả (4)
Như Lai không gì bằng
Hà huống có kẻ hơn
Điên đảo thủ các pháp
Cho nên không thấy Phật (5)
Lực tự tại thần thông
Vô lượng khó nghĩ bàn
Không đến cũng không đi
Thuyết pháp độ chúng sinh (6)
Nếu có thể thấy nghe
Thiên nhân sư thanh tịnh
Thì lìa hẳn ác đạo                 
Xa lìa tất cả khổ (7)
Vô lượng vô số kiếp
Tu tập cầu bồ-đề
Thành tựu Đẳng chánh giác
Rộng độ các quần sinh (8)
Bất khả tư nghì kiếp
Cúng dường vô lượng Phật
Nếu hay hiểu nghĩa này
Người đó công đức thắng (9)
Dù thí vô lượng cõi
Đầy cả các châu báu
Chẳng thể hiểu nghĩa này
Cũng chẳng thành Chánh giác (10)

3. Lúc ấy Bồ-tát THẮNG LÂM, nương thần lực của Phật quán khắp mười phương, dùng kệ tụng rằng :

Giống như trăng sau xuân
Hư không không mây vương
Ánh mặt trời thanh tịnh
Tất cả thảy đều chiếu (1)
Quang minh không hạn lượng
Thế gian không thể tính
Có mắt thường chẳng biết
Hà huống kẻ mù đui (2)
Như Lai cũng như vậy
Công đức quang vô lượng
Vô lượng vô số kiếp
Không thể phân biệt biết (3)
Quang minh không chỗ đến
Đi cũng không chỗ đến
Không sinh cũng không diệt
Không tịch, vô sở hữu (4)
Tất cả pháp vị lai
Đều không có chỗ lai
Không sinh không hiện tại
Cho nên không quá khứ (5)
Tất cả pháp vô sinh
Cũng lại không có diệt
Nếu hay hiểu như thế
Người ấy thấy Như Lai (6)
Vì các pháp không sinh
Thường biết vô sở hữu
Phân biệt biết như thế
Người đó đạt thâm nghĩa (7)
Các pháp không tự tánh
Tất cả không thể biết
Nếu hay hiểu như thế
Đó là không chỗ hiểu (8)
Nếu người nói có sinh
Phải biết do sở sinh
Hiểu tánh chân thật đó
Thì ắt không nghi hoặc (9)
Tất cả các sở sinh
Chánh quán cũng như thế
Bồ-tát quán như thế  
Đầy đủ nhất thiết trí (10)
4. Lúc ấy Bồ-tát VÔ ÚY LÂM, nương thần lực của Phật quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng:
Xứ này không biên tế
Rộng lớn như pháp giới
Tất cả thảy đều đến
Trạm nhiên không thay đổi (1)
Nếu nghe pháp như thế
Cung kính tin thích nó
Lìa hẳn ba ác đạo
Cùng tất cả khổ nạn (2)
Đi đến các thế giới
Vô lượng không thể tính
Nghe pháp thậm thâm này
Ghi nhớ khéo thọ trì (3)
Nghe nhận Đại tiên nhân
Pháp thâm diệu thanh tịnh
Một lòng cầu bồ-đề
Rốt ráo đạo vô thượng(4)
Thâm tín Phật quá khứ
Cùng với các Phật pháp
Tất cả đèn thế gian
Trừ diệt các si ám (5)
Nếu có thể nghe Phật
Vô lượng lực tự tại
Quyết định tin hướng thì
Đủ hùng trong loài người (6)
Nếu hay nhất tâm tin
Tất cả Phật hiện tại
Kia thành Đẳng chánh giác
Khai thị vô lượng nghĩa (7)
Vô lượng vô số kiếp
Pháp này rất khó gặp
Nếu có người nghe được
Phải biết bản nguyện lực (8)
Thâm pháp Phật như thế
Đều hay khéo thọ trì
Rộng vì chúng sinh thuyết
Người này khó nghĩ lường (9)
Cho nên khuyên tinh tấn
Tu hành đại trang nghiêm
Nghe trì chánh pháp này
Rốt ráo được bồ-đề (10)

5. Lúc ấy Bồ-tát TÀM QUÍ LÂM nương thần lực của Phật quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng:

Được nghe pháp chân đế
Kỳ đặc chưa từng có
Hoan hỉ tin thích đó
Trừ diệt các si hoặc (1)
Tất cả bậc tri kiến
Tự thuyết pháp thâm diệu
Phật tuệ đều chiếu hết
Cho nên khó nghĩ lường (2)
Không từ trí tuệ sinh
Không từ phi trí sinh
Liễu đạt tất cả pháp
Trừ diệt tối thế gian (3)
Sắc pháp phi sắc pháp
Hai thứ không phải một
Ngu trí cũng như thế
Tánh ấy đều sai khác (4)
Sinh tử và niết bàn
Hai thứ đều hư vọng
Ngu trí cũng như thế
Cả hai không chân thật (5)
Thế gian khi thành lập
Không có tướng bại hoại
Ngu trí cũng như thế
Cả hai đều trái nhau (6)
Bồ-tát sơ phát tâm
Cùng với tối hậu tâm
Ngu trí cũng như thế
Cả hai không tương ưng (7)
Thí như sáu tình thức
Dụng thay đổi chẳng đồng
Ngu trí cũng như thế
Rốt ráo chẳng hòa hợp (8)
Thí như thuốc già-đà
Tiêu diệt tất cả độc
Trí tuệ cũng như vậy
Trừ diệt các si ám (9)
Pháp vương vô thượng tôn
Thù thắng không có lỗi
Chỗ nói đều chân thật
Cho nên khó thấy gặp (10)

6. Lúc ấy, Bồ-tát TINH TẤN LÂM nương uy thần của Phật quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng:

Các pháp vô sai biệt
Chỉ Phật phân biệt biết
Tất cả đều thông đạt
Trí tuệ đến bờ kia (1)
Như vàng và sắc vàng
Tánh chúng không sai biệt
Như thị pháp phi phá
Tánh chúng cũng không khác (2)
Chúng sinh phi chúng sinh
Cả hai không chân thật
Như thị pháp phi pháp
Tánh chung vô sở hữu (3)
Thí như đời vị lai
Không có tướng quá khứ
Tất cả pháp như thế
Không có tướng chân thật (4)
Thí như pháp quá khứ
Không có tướng sinh khởi
Các pháp cũng như thế
Thảy đều không có tướng (5)
Niết bàn không thể thủ
Khi thuyết có hai thứ
Các pháp cũng như thế
Không có tướng sai biệt (6)
Thí như các thứ số
Thảy đều là số pháp
Các pháp cũng như thế
Tánh chúng không sai khác (7)
Thí như pháp số mười
Tăng một đến vô lượng
Thảy đều là số gốc
Trí tuệ nên sai biệt (8)
Thí như các thế giới
Kiếp thiêu có bại chung
Hư không không tổn giảm
Vô sư trí cũng vậy (9)
Mười phương không, không khác
Chúng sinh khởi phân biệt
Như thế thủ Như Lai
Hư vọng không thất Phật (10)

7. Lúc ấy, Bồ-tát LỰC THÀNH TỰU LÂM nương uy thần của Phật quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng:

Tất cả loài chúng sinh
Đều nhiếp thuộc tam thế
Các chúng sinh tam thế
Đều nhiếp thuộc ngũ ấm (1)
Ngũ ấm từ nghiệp khởi
Các nghiệp nhơn tâm khởi
Tâm pháp vốn như huyễn
Chúng sinh cũng như vậy (2)
Thế gian không tự tác
Cũng không do tha tác
Chẳng biết tướng chân thật
Sinh tử luân thường chuyển (3)
Gọi thế gian chuyển đó
Thảy đều là khổ chuyển
Vì chúng sinh không biết
Sinh tử luân thường chuyển (4)
Thế gian phi thế gian
Cả hai không chân thật
Vì chúng sinh ngu si
Vọng thủ các pháp tướng (5)
Tam thế pháp ngũ ấm
Nói tên là thế gian
Chúng do hư vọng có
Không xuất thế gian đó (6)
Những gì là ngũ ấm
Ngũ ấm có tướng gì?
Không thấy ngũ ấm hoại
Vọng thủ nói thường trụ (7)
Ngũ ấm, pháp hư vọng
Chân thật vô sở hữu
Không tịch không thay đổi
Rốt ráo lìa các tướng (8)
Thế gian đã hư tịch
Phật và pháp cũng vậy
Chúng đồng ba thứ pháp
Tánh chúng vô sở hữu (9)
Trừ diệt các điên đảo
Sáng rồi thấy chân thật
Tất cả tri kiến nhân
Thường hiện ở trước họ (10)

8. Lúc ấy, Bồ-tát KIÊN CỐ LÂM nương uy thần của Phật, quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng:

Thí như tánh địa chủng
Tự tánh vô sở hữu
Tất cả Phật tự tại
Tánh Phật cũng như vậy (1)
Tất cả các thế gian
Đều cùng xưng tán Phật
Cầu pháp xưng tán ấy
Mười phương không chỗ đến (2)
Chúng sinh hư vọng thủ
Gọi đó là chân thật
Phân biệt lìa chúng sinh
Nghiệp tánh bất khả đắc (3)
Nghiệp tánh vô sở hữu
Thân chúng sinh không chân
Chủng chủng vô lượng sắc
Lại cũng không chỗ đến (4)
Tất cả các hình sắc
Nghiệp tánh khó nghĩ bàn
Chỉ thấy vô sở hữu
Thức tánh cũng như thế (5)
Thân chư Phật như thế
Không thể nghĩ bàn được
Vô lượng diệu sắc thân
Hiện khắp tất cả độ (6)
Vô lượng thân phi Phật
Phật phi vô lượng thân
Diệu pháp thân thanh tịnh
Rốt ráo đến bờ kia (7)
Nếu có kẻ hay thấy
Diệu pháp thân thanh tịnh
Người đó nơi Phật pháp
Tâm họ không nghi hoặc (8)
Tất cả pháp quá khứ
Quán sát đồng niết bàn
Người ấy thấy Như Lai
Rốt ráo thường an trụ (9)
Tu tập chánh ức niệm
Sáng rồi thấy chánh giác
Vô tướng vô sở hữu
Thì gọi Pháp vương tử (10)
9. Lúc ấy, Bồ-tát NHƯ LAI LÂM nương uy thần của Phật, quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng:
Thí như công họa sư
Phân bố các ảnh sắc
Hư vọng thủ dị sắc
Tứ đại không sai biệt (1)
Tứ đại phi ảnh sắc
Ảnh sắc phi tứ đại [1]
Không lìa thể tứ đại
Mà riêng có ảnh sắc (2)
Tâm phi ảnh họa sắc
Ảnh họa sắc phi tâm
Lìa tâm không họa sắc
Lìa họa sắc không tâm (3)
Tâm đó không thường trụ
Vô lượng khó nghĩ bàn
Hiển hiện tất cả sắc
Mỗi mỗi không biết nhau (4)
Giống như công họa sư
Không thể biết họa tâm               
Phải biết tất cả pháp
Tánh chúng cũng như thế (5)
Tâm như công họa sư
Họa các thứ ngũ ấm
Trong tất cả thế giới
Hết thảy pháp đều tạo (6)
Như tâm Phật cũng vậy
Như Phật, chúng sinh vậy
Tâm, Phật và chúng sinh
Ba ấy không sai biệt (7)
Chư Phật đều biết rõ
Tất cả từ tâm chuyển
Nếu hay hiểu như thế
Người ấy thấy chân Phật (8)
Tâm không phải là thân
Thân không phải là tâm
Làm tất cả Phật sự
Tự tại chưa từng có (9)
Nếu người muốn cầu biết
Tất cả Phật ba đời
Cần phải quán như vậy
Tâm tạo các Như Lai (10)

10. Lúc ấy, Bồ-tát TRÍ LÂM nương uy thần của Phật, quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng:

Sở thủ không thể thủ
Sở thấy không thể thấy
Sở nghe không thể nghe
Sở nghĩ không thể nghĩ (1)
Với hữu lượng vô lượng
Không nên tạo hạn lượng
Hữu lượng và vô lượng
Cả hai không thể thủ (2)
Chẳng nên thuyết mà thuyết
Đó là tự lừa dối
Việc mình không thành tựu
Chẳng đẹp lòng chúng sinh (3)
Nếu có thể tán thán
Vô lượng các Như Lai
Số kiếp khó nghĩ bàn
Công đức không thể tận (4)
Giống như châu như ý
Hiện được vô lượng sắc
Đó không phải chân sắc
Chư Phật cũng như thế (5)
Như hư không thanh tịnh
Phi sắc không thể thấy
Hay hiện tất cả sắc
Tánh chúng không thể thấy (6)
Cũng thế người đại trí
Thị hiện vô lượng sắc
Phi sở thức của thức [2]
Tất cả không thể thấy (7)
Dù nghe tiếng Như Lai
Tiếng không phải Như Lai
Lìa tiếng lại không biết
Như Lai Đẳng chánh giác (8)
Chỗ ấy rất thậm thâm
Nếu hay phân biệt biết
Trang nghiêm Đạo vô thượng
Chóng lìa các hư vọng (9)
Tất cả các Như Lai
Không có nói Phật pháp
Tùy giáo hóa mà ứng
Vì họ diễn thuyết pháp (10)