Cảm nhận bài giảng

CHO ĐI (DT)

Diệu Thạnh

03/12/2017



Cho đi…

Là chủ đề một bài giảng của TT Thông Phương. Nội dung sau cũng được y cứ từ bài giảng của Thầy mà viết ra. Tuy vậy, nó chỉ là từ cảm nhận của một người, nên có thể sẽ không mang tính đầy đủ như ý Thầy muốn nói, nhưng cũng giúp chúng ta lợi ích ít nhiều, nên chúng tôi vẫn xin chia sẻ ra đây. Nếu muốn tự mình cảm nhận trực tiếp lời Thầy giảng, xin nghe bài giảng “Cho đi”.   

-----

Đây là bài học thực tập, chứ không phải học suông trên chữ nghĩa. Thông thường, chúng ta thực hành bố thí cũng là cho đi. Nhưng, ở đây muốn nói đến chỗ sâu hơn của nội tâm, về những chất chứa, làm ngăn ngại con đường tiến tu của mình. Nói một cách khác, cho đi là căn bản, cốt lõi của đường tu học.


1/ Cho đi cái nghiệp ngu si

Không ai chịu người khác nói mình ngu si cho dù mình thật đang ngu si. Nhận ra hay không nhận ra thì ngu si đó vẫn sờ sờ ra. Nếu không thì sau bao nhiêu đời kiếp rồi vẫn si mê trong sinh tử, vẫn huân tập vô minh, che mờ tâm tính sáng suốt, tạo những cái nghiệp thống khổ mà không lường được.

Chúng ta đến tu tập ở thiền viện trên lý thuyết là buông, nhưng về nhà lại không thực hành cái buông đó. Luyến tiếc nên tiếp tục mang nghiệp ngu si. Cái không phải thật thì cho là thật. Cái thật thì cho là giả. Lại không muốn cho ai nói tới, cái chấp giả tự cho là thật.

Vậy nên dứt khoát cho đi, không thể ôm giữ ngu si nữa. Nó là nhân đưa đến quả khổ đau. Ai cũng muốn sống trí tuệ, sáng suốt. Nhưng nhân khổ đau của nghiệp ngu si, lại không dám cho đi, thì quả sáng suốt, trí tuệ làm sao trổ ra cho được.

2/ Cho đi những phiền não, hận thù

Phật dạy ôm giữ phiền não, hận thù chính là ôm thuốc độc. Để cho nó giết mình. Chết lần, chết mòn. Xét kỹ thì nó cũng từ nghiệp ngu si mà ra, do cái tình chấp ngã mà sanh khởi. Biết vậy đó mà bao nhiêu người vẫn cố giữ. Ai cũng mong sống an vui, nhưng vẫn không buông phiền não. Học Phật là phải thấy cho được lẽ thật. Sanh tâm hận thù là nó đã đốt cháy mình rồi. Bực bội, khó chịu… thì mình chịu khổ trước nhất nhưng lại không nhận biết.

Cái tôi (mình) này cũng chỉ là ảo tưởng, hư dối. Bản chất không thật, do vọng chấp mà có. Xét cho cùng vọng tưởng mà thành khổ. Đó là khổ tưởng.

Người ta sống trên đời thường sống như vậy. Tự mình gạt mình chưa đủ, còn mong muốn người khác gạt mình, để mê thêm mê, thành khổ thêm khổ. Nhưng lại cho như vậy là đúng.

Trong nhà Phật, chánh kiến đi đầu. Chánh kiến là cái thấy đúng, hiểu đúng, nghĩ đúng rồi làm đúng. Cho nên học Phật cần dùng trí tuệ, thấy đúng như pháp mà cởi mở.

- Trong kinh Duy Ma Cật có chỉ rõ: Thân này như huyễn, nó tự điên đảo mà khởi. Thân này như mộng, nó từ hư vọng mà thấy. Thân này như bóng, nó từ nghiệp duyên mà ánh hiện ra. Nghiệp duyên tức tùy theo nghiệp tạo tác mà thấy thành tướng sai biệt. Như vậy, nếu nhìn bằng con mắt trí tuệ thấy suốt, thì chỉ có nghiệp nam, nghiệp nữ (nghiệp duyên) tụ hội mà thôi. Sự thật thì không có ai trong đó hết. Không có người nam hay người nữ. Cho nên nghiệp này hết thì nó tan rã (chết). Nếu chỉ thấy nghiệp di động tụ và tan thôi, không thấy đó là người. Vậy còn gì để vướng thương ghét. Quán cho thấu suốt. Xong thì cho đi phiền não, hận thù. Đừng ôm giữ. Đây là thuốc trị bịnh.

3/ Cho đi những thứ ích kỷ, tham lam, bỏn xẻn, đố kỵ

Ích kỷ, tham lam, bỏn xẻn là những thứ tạo ra bất an cho tâm, rắc rối cho cuộc đời. Vậy mà có rất nhiều người luyến tiếc, chẳng muốn cho đi. Nếu không đủ dũng cảm, mạnh mẽ quyết dứt một lần. Hãy cho từ từ mỗi lần một chút, cứ vậy bền mãi đến hết. Học đạo chính là học chỗ này.

Xưa kia, để cảnh tỉnh cho người, có vị Hòa thượng Chiêu Dẫn thấy được những điểm này. Ngài thường lang thang, dùng những phương tiện khéo léo hóa duyên, giúp chúng sanh. Vật hóa duyên (xin) không phải đồ dùng, đồ ăn bình thường. Mà chính là những tật xấu của người đời.

Có người hỏi "Bạch Thầy, nổi giận thì làm sao mà sửa?"

Sư trả lời: "Nổi giận cũng do tâm sân mà ra thôi. Ta đang hóa duyên đây. Ông đem tâm sân của ông cho ta đi".

Chính vậy, đó là những thứ chẳng đáng gì, giữ chi thêm tự khổ. Sao không cho đi.


4/ Cho đi cái Ta (bản ngã)

Bản ngã là cái khó cho đi nhất. Nó sống quen trong mình quá nhiều kiếp. Mọc rễ, ăn sâu khó bức ra được. Nhưng kinh Phật dạy: Chấp ngã là tà kiến. Nên cho đi là con đường chánh đạo. Không thể cho một lần thì mỗi ngày cho một ít, cho đến khi hết luôn. Rốt ráo là giải thoát, chứng đạo.

Nhưng không ngừng tại đó. Chứng đạo cũng phải cho đi. Còn thấy tôi chứng đạo là vẫn còn ngã. Cho đi đến lúc không còn gì nữa thì mới đúng là rảnh rang tự tại, mới đúng là người vô sự.

Chúng ta còn đang tu nên chúng ta còn cần phải tu tập. Cần phải cho đi nhiều. Tiếp tục cho đi không mệt mỏi, đừng tự mãn, đừng tự cho như vậy là đủ.

Dùng trí tuệ hiểu cho rõ, thấu đáo để mình không bị lầm. Đừng bị vô minh chấp ngã lừa gạt. Ai muốn an vui thì tập cho đi, càng nhiều càng tốt.

Có câu chuyện về bà mẹ của vị thầy thuộc xứ Tây tạng. Có một người đàn bà, chồng vừa mất trong cơn bão lũ. Khi thấy cô ấy khổ quá, bà khuyên: "Con đau buồn thì cứ việc đau buồn. Khóc thì cứ khóc. Nhưng sau đó phải nghĩ lại, mà bỏ bớt buồn đi. Đừng quên ngay tâm đau buồn khổ này cũng là vô thường, như mây, như gió, vậy thôi. Rồi thì cũng vơi đi như bao nhiêu thứ khác trên đời. Cũng như ta, một bà già, đã từng buồn khổ, thấy bao nhiêu người thân, đã đến và đã ra đi. Lời khuyên của ta cho con là, đừng có mang vào lòng bất cứ cái gì cả. Con sẽ thấy nhẹ nhàng, an ổn".

Qua đó, hiểu được pháp là vô thường, không bền chắc. Nắm chặt thì bất an. Cho đi để sống bình an.

5/ Cho đi sự chứng đạo

Có thể kể một chuyện như sau: Thiền sư Duy Nghiễm ở xa đến gặp Mã Tổ Đạo Nhất, sống tại đây một thời gian. Ngộ được đạo. Ở hầu Mã Tổ 3 năm.

Một hôm, Mã Tổ hỏi sư: Những ngày gần đây, chỗ thấy của ngươi thế nào?

Sư thưa: Da mỏng, da dày đều rớt sạch, chỉ còn một chân thật.

Mã tổ: Sở đắc của ngươi như vậy, đã hợp với tâm thể, khắp hết tứ chi đã được như thế, nên 3 cật tre buột bụng, tùy chỗ ở núi đi.

Sư Duy Nghiễm đã cho đi sở đắc tu hành, tức là cho đi chỗ thấy hiểu cạn, chỗ thấy sâu của mình. Cho hết không còn thấy mình có ngộ gì nữa. Thế nhưng cho hết, ở đây không phải là không còn gì nữa, mà còn lại cái chân thật hiện tiền. Cái mà còn có thể cho được thì chưa phải là cái chân thật. Dù cái đó là cái trí tuệ mình hiểu đạo, nhưng nếu còn có thể cho được thì nó chưa phải là chân thật. Cái đó là do mình học hỏi, rồi tạo tác, chẳng qua là vay mượn từ bên ngoài. Dùng tạm lúc này, rồi phải cho đi để nhận cái thật của chính mình. 

Đây là một bước cao hơn bản ngã.

Đây là tiêu biểu cho đi những cái lớn, còn nhiều cái khác nữa, tự nhân rộng ra sẽ thấy.

Vậy, đây chính là yếu chỉ tu hành rốt ráo. Giải thoát sâu xa là ngay tại đây. Học được bài học cho đi này, sống được là chúng ta thực sự vào cửa Tổ, thấy được Tổ. Bình thường, chúng ta hay nói đảnh lễ Tổ chứ thật thì vẫn ngoài cửa Tổ mà vọng Tổ. Vẫn còn đứng trên hư dối, chưa đạp được lên đất thật.

Vậy thì, cho tất cả thì mới được tất cả. Ôm tất cả là mất tất cả. Cho nhiều giải thoát nhiều. Cho ít giải thoát ít. Không cho, không giải thoát gì hết. Chỉ vậy.

Để giúp cho mọi người dễ nhớ và thực hành cho đi, Thầy tóm gọn bằng bài kệ này:

Cho đi cho đi cái nghiệp ngu si, che mờ tâm tánh, tiếc giữ làm gì

Cho đi, cho đi ích kỷ chi ly, bo bo giữ chặt chỉ biết có mi

Cho đi, cho đi giả dối thầm thì, tổn người hại vật nào có vui chi

Cho đi, cho đi tốt xấu thị phi, chỉ làm rối loạn bản tánh chân tri

Cho đi, cho đi phân biệt kia đây, đánh lừa tự tánh lọt bẫy có hay

Cho đi, cho đi ái dục sân si, bao đời nhốt kín lục đạo vần xoay

Cho đi, cho đi cái ta lạ kỳ, sao mà quỷ quái gạt cả xưa nay

Cho đi, cho đi cái ta rỗng này, phỉnh lừa thiên hạ xuống tới A-tỳ

Cho đi, cho đi sạch hết còn chi, rỗng rang không vật, bặt dứt nghĩ nghì

Cho đi, cho đi chớ tiếc làm gì, cũng không cần nghĩ người nhận làm chi


Bài học thực hành này cần cố gắng.


Các tin khác