Văn xuôi
HẠNH BÁO OÁN - Thích Đạo Tâm
Giảng tại Thường Chiếu / ngày 27. 09. 2020 / Ban Biên Tập chuyển văn nói thành văn viết.
14/10/2020Hôm nay đến thiền viện để tu tập, chúng ta giữ lòng mình cho thanh thản. Chuyện ngoài đời hay chuyện ở nhà, quý vị bỏ đi. Giữ tâm rỗng rang để chúng ta tiếp thu được Phật pháp. Vậy mới có lợi ích. Nếu đi chùa mà lôi một mớ ngoài đời vào chùa thì cái bụng của mình đầy, Phật pháp nhét không vào. Cho nên trước khi nghe pháp, chúng ta buông bỏ chuyện đời, giữ lòng thanh tịnh để đón nhận Phật pháp.
Hôm nay gặp lại Phật tử tại thiền viện Thường Chiếu, rất là vui. Mấy tháng qua quý vị đi đâu? Quý thầy thì ở tại chỗ tu lo tu hành. Niềm vui lớn của chúng ta là được tự do đi tới đi lui và nhất là được đến thiền viện tu tập.
Qúy Phật tử nói tháng nào cũng tu tập mà gần đây không đi được, nên thấy nhớ. Nhớ thiền viện, nhớ Phật, nhớ Pháp, nhớ Tăng, nhớ đủ thứ hết. Hôm nay được thấy chùa, thấy Phật, thấy Pháp, thấy Tăng thì hết nhớ rồi. Chúng ta hoan hỷ để tu tập.
Nguyện cầu Tam bảo cho nghiệp chướng của thế gian được tiêu trừ, con người được thoát nạn. Ở thiền viện, quý thầy mỗi đêm tụng kinh cũng thường cầu nguyện như vậy. Hôm nay chúng ta được nhẹ nhàng, được cởi mở, được thoải mái rồi.
Quý vị nhìn lên trước thấy tôn tượng Tổ Bồ-đề Đạt-ma. Tổ Bồ-đề Đạt-ma là một vị Tổ nổi tiếng trong nhà thiền. Ngài là người Ấn Độ, là Tổ sư đời thứ hai mươi tám. Sang Trung Hoa thì trở thành Sơ tổ, quen gọi là Sơ tổ Bồ-đề Đạt-ma.
Khoảng thời gian ngài ở Trung Hoa làm Phật sự thì tác phẩm “Thiếu thất lục môn”, dịch là "Sáu cửa vào động Thiếu thất”, là tác phẩm đặc biệt nổi tiếng của ngài. Chư vị Tôn đức Tăng Ni trong thiền viện đều học tác phẩm này. Đây là tác phẩm thiền nòng cốt, không ai mà không biết. Chúng ta là người tu thiền, ít nhiều gì cũng phải biết.
Quý vị ở ngoài đời, chắc thấy nhiều việc đáng tiếc xảy ra. Con cái bạo hành cha mẹ hoặc cha mẹ bạo hành con cái v.v... Bạo lực gia đình, bạo lực xã hội khá nhiều. Người tu hành gặp nạn, mang tai tiếng cũng không ít. Nếu dùng cặp mắt thế gian để nhìn thì khó mà thấu hết thực chất vấn đề như dùng con mắt Phật pháp. Do đó, hôm nay chúng ta mượn đề tài này nói để hiểu cho thông.
Nói "Sáu cửa vào động Thiếu thất", vì trong quyển này có sáu phần. Phần thứ nhất là Bát-nhã, rồi đến Phá tướng, Nhị chủng nhập, An tâm, Huyết mạch luận và cuối cùng là Ngộ tánh luận.
Trong sáu cửa này, có một cửa gọi là Nhị chủng nhập. Nghĩa là có hai con đường giúp vào đạo. Đường thứ nhất nói về LÝ. Đường thứ hai nói về SỰ.
LÝ, là NGỘ TÁNH. Phải ngộ được bản tánh của mình. Muốn ngộ được bản tánh của mình là việc không dễ. Tuy khó nhưng nếu chịu tu thì nhận ra dễ dàng.
SỰ, là nói về HẠNH. Hạnh tu ở đây là báo oán. Báo ân là trả ơn còn báo oán là trả thù. Nghe rất lạ. Tu sao trả thù? Vậy Hạnh báo oán là hạnh thế nào?
BÁO OÁN, theo cách nhìn của người đời là oán hận và muốn trả thù. Như cha mẹ mình bị người ta giết chết. Nếu không biết Phật pháp thì mình sẽ sinh tâm hận thù. Hận thù rồi thì tìm cách trả thù. Báo oán là vậy. Đây là chuyện thường tình ở thế gian. Xảy ra rất nhiều. Kết quả là trầm luân sinh tử đời đời ân oán vay trả trả vay, không có ngày kết thúc. Như câu chuyện sau đây.
Thời Đức Phật, có một người cưới vợ lâu rồi mà không sinh con. Người mẹ cưới thêm cho con trai một người vợ nữa, để có con nối dõi tông đường.
Không bao lâu, bà vợ sau có thai. Bà vợ trước nghĩ đến việc tài sản sau này sẽ vào hết đứa trẻ, nên tìm cách trộn thuốc phá thai vào thức ăn. Bà vợ hai xảy thai.
Bà vợ hai lại có thai lần hai. Cũng bị phá. Đến lần ba, do giấu kỹ nên cái thai có thời gian lớn hơn. Việc hạ độc ảnh hưởng luôn đến tính mạng người mẹ. Bà vợ hai chết đi trong sự uất hận và phát lời thề sẽ xé nát bà vợ lớn khi có thể. Chết với một cận tử nghiệp như thế, nên bà vợ hai đầu thai thành con mèo.
Người chồng biết được. Trong cơn tức giận, ông lỡ tay đánh chết bà vợ lớn. Chết trong tâm trạng tức giận đau khổ nên bà tái sinh làm chuột.
Theo nhân quả, có hai nhân duyên giúp chúng ta gặp lại nhau. Một là thù ghét. Hai là yêu thương. Con mèo gặp con chuột theo nhân duyên thù ghét. Nên gặp là xé xác. Do nhân duyên đó, con chuột tái sinh thành con cọp. Con mèo tái sinh thành con nai. Bị xé xác, con nai lại khởi tâm muốn xé xác lại con cọp. Rồi nó đầu thai thành quỷ Dạ-xoa chuyên ăn thịt người. Con cọp thì tái sinh vào cõi người. Việc tái sinh này xảy ra đúng vào thời Đức Phật ra đời, giáo hoá chúng sinh.
Người mẹ trẻ đang ôm đứa con đứng ở bờ sông thì quỷ Dạ-xoa đến giựt. Bà ôm con chạy đến chỗ đức Phật. Lúc ấy Ngài đang thuyết pháp cho chư Tỳ-kheo nghe. Nhân dịp đó, Đức Phật thuyết luôn cho cả hai người cùng nghe, đứa trẻ và quỷ Dạ-xoa. Sau đó Đức Phật nói kệ:
Hận thù diệt hận thù
Đời này không thể có
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu
Trả thù thì không bao giờ có việc kết thúc.
Phải dùng từ bi mới kết thúc được hận thù. Chỉ có Đức Phật mới dạy chúng sinh như thế. Còn ở thế gian thì có khi là "thêm dầu vào lửa". Thành ở thế gian, chỗ nào cũng khổ, không chỗ nào có an vui, hạnh phúc.
Đừng nghĩ ở đây khổ, đi đến xứ khác hết khổ. Khó lắm. Nếu chúng ta không biết ứng dụng Phật pháp vào đời sống của mình thì đi đâu cũng khổ. Phải biết dùng Phật pháp ứng xử với con người. Biến kẻ thù thành bạn hữu thì mới hoá giải được hận thù. Không thì sân hận nối tiếp hoài. Như câu chuyện vừa kể trên. Sân hận dẫn ta vào các đường dữ. Đó cũng là lý do vì sao xảy ra nhiều việc đau lòng như hiện nay.
Tổ Quy Sơn nói: “ Phù nghiệp hệ thọ thân”. Chúng ta sinh ra cùng với thân này là do nghiệp. Nếu không có nghiệp thì không có thân này. Quan trọng là nghiệp thiện hay nghiệc ác. Khi thấy người mẹ sinh ra hai đứa con khác tính nhau, một có hiếu, một bất hiếu, ta thấy khó hiểu. Nhưng nếu y cứ vào nghiệp để hiểu thì không có gì khó hiểu nữa.
Đề-bà-đạt-đa và A-nan là hai anh em ruột. Nhưng một người thì kính Phật, một người lại phá Phật. A-nan làm thị giả hầu Phật. Đề-bà-đạt-đa tìm mọi cách hại Phật. Đều có nhân duyên từ quá khứ. Nếu không có Phật pháp thì không nhìn thấu được nhân duyên này.
Đề-bà-đạt-đa nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ đã từng không ưa Phật, nên đến đời này gặp là ghét rồi muốn hại Phật. A-nan thì nhiều đời nhiều kiếp từng tôn kính Phật, từng giúp Phật, hạnh nguyện đó tiếp tục đến đời này. Cho nên, tu hành nếu không chịu xét nét tâm và không nhận ra tầm quan trọng của những phát nguyện thiện lành thì dễ theo đường bất thiện.
Một số Phật tử đi chùa, nhất là các vị lớn tuổi gần đất xa trời, có lời nguyện rất hay, như nguyện phụng thờ Tam bảo, là phụng thờ Phật, Pháp, Tăng. Đi đâu thì cũng không lìa Tam bảo. Khi nào cũng có điều kiện hành thiện. Cho nên, chúng ta phải có lời nguyện. Chư vị Bồ-tát cũng thường phát nguyện, như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, ngài A-nan phát nguyện đem thân tâm này phụng sự chư Phật nhiều như số cát sông Hằng. Chúng ta phải phát nguyện sao để đời đời có điều kiện tu hành và làm phật sự. Đó là tâm niệm tốt, rất thanh cao, cần có những tâm niệm như thế.
Nếu phát nguyện đời đời kiếp kiếp gặp nhau trả thù là mệt. Đừng phát nguyện như vậy. Bỏ tâm niệm đó đi, hóa giải nó liền.
Nếu chúng ta học về cuộc đời Đức Phật thì thấy kính trọng Phật vô cùng. Với người hại mình, ngài phát nguyện đời sau nếu gặp lại, ngài sẽ độ trước nhất. Đó là vị Tỳ-kheo đầu tiên trong Tăng đoàn của đức Phật. Ông Kiều Trần Như. Đức Phật độ năm anh em Kiều Trần Như với bài pháp Tứ đế. Lý do là trong đời quá khứ, Kiều Trần Như là vua Ca-lợi vương, do tức giận mà dùng gươm chặt đầu, chặt tay một vị đang ngồi thiền. Đó là tiền thân của Đức Phật. Không những không nổi sân mà Đức Phật còn phát nguyện đời đời kiếp kiếp, sau khi tu thành Phật, sẽ độ vua Ca-lợi vương trước. Do nhân duyên đó mà sau khi đắc đạo, Đức Phật khởi tâm độ năm anh em Kiều Trần Như.
Chúng ta đi chùa mất điện thoại, mất dép, có khi tức quá nói "Chùa sao ăn trộm ăn cắp không vậy, không đi chùa này nữa". Thường chúng ta mất gì đó chúng ta hay tức giận rồi khởi tâm lung tung, ít khi nào khởi được lời nguyện "Đời sau tu thành Phật độ họ trước" như Đức Phật. Thật ra, giờ có tức cũng đâu có đòi lại được cái điện thoại v.v... tức chi cho mệt. Chúng ta học Phật pháp thì chúng ta hoá giải được sự bực tức đó.
Sống trên đời, có lẽ ai cũng gặp nghịch cảnh. Cũng hay có những chuyện chung quanh đến với bản thân. Nếu không biết Phật pháp thì phiền não không biết bao nhiêu mà nói. Không lý suốt đời cứ hận thù và khổ đau mãi. Giờ biết Phật pháp rồi thì mình phát lời thệ nguyện. Nguyện rồi, chuyện tương lai sau này xảy ra tính sau. Với những người hay chọc tức mình, hay phá mình, hay làm mình buồn phiền thì chúng ta nguyện trở lại độ họ hoặc bằng cách này hoặc bằng cách khác. Hạnh báo oán là như vậy.
Có một Phật tử tâm sự với một nghệ sĩ nổi tiếng, là chồng cô hay chửi mắng đánh đập cô. Chịu không nổi nữa cô quyết định bỏ chồng. Cô bạn khuyên đừng ly dị mà hãy niệm Phật, kèm thêm tên ông vào đó. Sau một thời gian, ông chồng hết chửi mắng và đánh đập. Đó là dùng năng lực Phật pháp để chuyển hóa tha nhân.
Một vị khác ở miền tây, cất một ngôi chùa để gia đình tu. Chồng cô không biết đạo, vừa cất xong chánh điện, thấy tốn quá, chửi um sùm. Cô bèn viết tên ông rồi dán lê mấy cái đại hồng chung. Chùa nào cô cũng dán. Mong chồng tản bớt nghiệp. Sau một thời gian, ông chồng không chửi nữa. Còn dặn cô "Bà xây chánh điện rồi để nhà Tổ tôi làm".
Tất cả đều là dạng của hạnh báo oán.
Phật tử này biết Phật pháp, biết tu, nên bị chồng chửi mà không chửi lại, không sân hận. Chỉ làm sao nghĩ cách giúp người chuyển hóa. Cho nên, đời này nếu không có Phật pháp thì nhà nào cũng dễ có chuyện, mà có chuyện là thành chuyện lớn.
Các nhà khoa học, bác học nghiên cứu ra nhiều chuyện vĩ đại lắm, nhưng đối với Phật pháp, với các chuyện tương tợ như vậy thì chưa nghiên cứu ra. Nhưng Đức Phật đã phát minh ra việc này mấy ngàn năm. Ngài chứng được Tam minh lục thông. Nói rõ về quy luật nhân quả, nghiệp báo cho mọi người nghe.
Bây giờ chúng ta dẫn tiếp một câu chuyện trong thời Đức Phật, chuyện con cái bạo hành cha mẹ. Chúng ta tưởng ngày nay là thời mạt pháp nên mới có các chuyện này. Thật ra trong thời Đức Phật đã có rồi.
Vua A-xà-thế là con ruột của Tần-bà-sa-la, nhưng ông đã giết cha. Nếu không biết nhân quả thì khó mà hiểu vì sao có những nhân duyên như vậy. Cũng sẽ rất đau khổ khi mình lâm vào cảnh ngộ đó.
Tần-bà-sa-la kính Phật, trọng Tăng. Trên đời chỉ có một người mà vua Tần-bà-sa-la kính trọng, đó là đức Phật. Trước khi Phật đi tu thì vua Tần-bà-sa-la và thái tử Tất-đạt-đa là hai người bạn thân. Sau khi thái tử Tất-đạt-đa đi tu và thành Phật thì vua Tần-bà-sa-la trở thành đệ tử Phật. Ông thường đến gặp Phật để nghe pháp. Trúc Lâm tinh xá là nơi ông cúng dường cho Phật làm đạo tràng để Phật thuyết pháp. Còn Kỳ Viên tinh xá là do ông Cấp Cô Độc cúng dường.
Thái tử A-xà -thế vì mê muội, muốn lên ngôi vua mà nghe lời của Đề-bà-đạt-đa, giết chết vua Tần-bà-sa-la. Ông hạ lệnh nhốt vua cha vào tù, bỏ đói cho chết dần chết mòn.
Sau này A-xà -thế ân hận việc làm của mình. Các quan tướng đến gặp Phật, nhờ Phật thuyết pháp, giúp hóa giải nỗi buồn phiền ân hận này.
Khi A-xà-thế đến gặp Phật, Phật mới giải thích. Mọi thứ đều có nhân duyên. Với cái thấy đời thường, chỉ thấy A-xà-thế giết cha. Chỉ thấy A-xà-thế vì ngai vàng mà giết cha. Không thấy được nhân duyên thực sự khiến ông giết cha. Nhân duyên trước đó là, khi vua Tần-bà-sa-la cưới hoàng hậu Vi-đề-hy về, đã lâu mà không sinh con, vua mới đi khắp nơi để cầu tự. Được biết trong núi có một lão sư đang tu hành, nhưng lão sư này sắp hết duyên đời. Vua Tần-bà-sa-la muốn lão sư này sau khi chết trở lại làm con mình. Nhưng vị sư này lúc đó chưa chết. Do nôn nóng muốn có con, Tần-bà-sa-la ép lão sư này phải chết. Lão sư chết với tâm buồn phiền, sân giận... Khi trở lại làm con của vua Tần-bà-sa-la, là A-xà -thế, liền sinh tâm giết cha. Đó là mối liên hệ từ quá khứ đến hiện tại. Nói oan gia trái chủ là vậy.
Ở đời, làm vợ, chồng, cha, mẹ, con cái với nhau, không chỉ có nghịch duyên mà còn có thuận duyên. Như ngài Ca-diếp, trước khi đi tu, có một cô vợ tuyệt vời. Là do nhân duyên từ quá khứ. Hai người từng làm nhiều công đức và phát nguyện điều tốt lành, nên khi hai người trở thành bạn đời của nhau, họ rất hạnh phúc. Cuộc đời của hai người rất đẹp. Thuận đẹp là do tạo phước đức, yêu thương, phát nguyện với nhau. Nghịch xấu là do tạo oan gia với nhau. Vòng mắc xích lỡ mốc vào rồi, muốn bỏ hay tháo ra cũng không được. Đều do nghiệp. Cũng có khi vợ chồng khác đạo với nhau nhưng vì tình yêu, họ chấp nhận bỏ đạo của mình v.v... Tất cả đều do nhân duyên quá khứ.
Bà mẹ có một đứa con, đứa con này rất phá nhưng bà vẫn thương. Không ai lý giải được điều này. Một thầy tu hành hành đắc đạo, thấy được nhân duyên việc này, kể lại cho người mẹ nghe. Do trước đây, có một vị xuất gia, đi quyên góp xây chùa. Vị này xin được một túi tiền, ông gửi ở nhà một người phật tử rồi tiếp tục đi quyên góp. Vợ người phật tử có lòng tham nên chiếm đoạt số tiền đó. Ông sư vì buồn phiền mà qua đời. Không biết nhân duyên sao, trở lại làm con của bà đó trong hiện đời. Do sự trả vay đó mà hiện đời có hiện tượng đó.
Nếu chúng ta gặp phải người không được tốt thì phải biết đó là do nhân quả nghiệp báo. Vay nợ thì phải chấp nhận trả nợ. Nhưng trong Phật pháp có một điều hay. Đức Phật nói nghiệp có thể chuyển được. Như trồng một cây mãng cầu chua nhưng muốn có trái ngọt thì có thể ghép loại ngọt vào, rồi cắt bỏ phần ngọn đi. Cây sẽ đâm chồi và trưởng thành rồi ra quả. Lúc đó không còn là mãng cầu chua mà là mãn cầu ngọt. Hay như ở quê, người ta trồng gốc cây là bình bát mà muốn ra quả mãng cầu thì lấy mụt mãng cầu ghép vào gốc bình bát. Cuối cùng, cây bình bát này cho ra quả mãng cầu. Đây cũng vậy. Nếu lỡ tạo nghiệp khổ rồi thì phải biết ghép Phật pháp vào.
Chúng tôi trước cũng rất khổ. Một cái khổ không biết lấy gì đựng cho hết. Nhờ biết ghép Phật pháp vào mới thay đổi được như hôm nay. Đi tu một thời gian, về thấy người chung quanh toàn khổ với khổ. Nhìn lại mình, hóa ra rất may mắn. Mình biết ghép Phật pháp vào nên cuộc đời mình bớt khổ. Chúc mừng quý Phật tử. Biết đến chùa ghép Phật pháp vào. Không biết thì khổ lắm. Trồng cây đời ra quả khổ, giờ ghép Phật pháp vào để ra quả vui. Đơn giản vậy thôi.
Bây giờ chúng ta tự chọn con đường để đi cho bản thân bớt khổ. Chúng tôi có người bạn học cùng tuổi. Chúng tôi đi tu, anh đó thì đi tù. Người đời nghĩ ăn nhậu là sướng nhưng thật sự được tự tại, không vướng bận chuyện đời, thoải mái, nằm xuống ngủ một giấc an lành mới là hạnh phúc. Chúng ta phải biết nương Phật pháp hóa giải nghiệp đời. Quý vị trồng cây gì gai góc đó, giờ ghép cây Bồ-đề vào cho bớt gai góc. Phật pháp có nhiều cây để mình ghép lắm. Cây giác ngộ, cây vô ưu, cây từ bi ... Ghép vào để cuộc đời bớt khổ, được an vui.
Bát nước có muối không uống được thì bây giờ chúng ta thêm nước vô. Muối là nghiệp. Sinh ra đời là đã bị nghiệp muối rồi. Có một cô, là người có địa vị, biết thương chồng, nhưng chồng là người bay bướm. Cô khổ quá đi lang thang ngoài đường. Thấy mọi nguời đi chùa nên đi theo. Xuống nghe chúng tôi thuyết pháp. Nghe xong nói "Đi chùa hay vậy hả?". Lần sau đi nữa, tiếp tục đi, vui quá nên không còn buồn khổ nữa. Rồi cô cảm nhận được một điều như vầy: Hóa ra nhờ họ mình hết nghiệp. Người ta bỏ mình, là tháo sợi dây ra cho mình, mình hết bị trói buộc. Vui. Cho nên biết tu. Tương lai không còn lầm lạc nữa.
Tóm lại...
Ở đời không biết tu, ai gây phiền cho mình thì mình tức giận, hận thù đời đời, kiếp kiếp. Bây giờ chúng ta học Phật pháp, biết về hạnh báo oán rồi thì phải biết dùng từ bi đáp lại hận thù. Chỉ có lòng từ bi mới xóa được hận thù, mới hóa giải hận thù. Chúng ta dùng Phật pháp để hóa giải khổ não trong đời. Nếu lục thân quyến thuộc gây khổ cho mình, mình phải biết dùng Phật pháp, dùng từ bi để đáp lại họ. Nếu mình không biết Phật pháp, không dùng từ bi thì có khi nó trở thành giai thoại rất ly kỳ trong gia đình mình. Thành mình phải học cho được hạnh báo oán để xử lý.
Hôm nay, mùa covid đã qua, quý vị trở lại đạo tràng tu học, chúng tôi xin mượn đề tài Báo oán hạnh của Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma để quý vị hiểu về những khổ não đang xảy ra quanh mình. Nếu chúng ta có phước, có tu thì chúng ta không gặp những việc như vậy. Vì thiếu phước, thiếu đức, trong quá khứ chúng ta đã gieo nhân ác nên bây giờ mới gặp. Nếu lỡ gặp thì nhớ dùng tâm từ bi mà giải quyết.
Mỗi người sinh ra trên thế gian này đều có nghiệp riêng. Chúng ta đã may mắn gặp được Phật pháp. Phật pháp rất là hay. Ai may mắn lắm mới gặp được Phật pháp. Có Phật pháp là có biện pháp. Có Phật pháp là có tất cả. Mất Phật pháp là mất tất cả.
Các tin khác
-
» SAO ĐỨC THẾ TÔN DÙNG ÁC NGỮ? (29/03)
-
» THƯ VỀ TỪ TUYẾN ĐẦU - TẶNG NHỮNG NGƯỜI CON PHẬT VỚI TRÁI TIM BỒ-TÁT - Thích Thanh Tâm (27/10)
-
» LỜI CUỐI - Huỳnh Ngọc Chiến (17/09)
-
» VÀI SUY NGHĨ VỀ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM TRONG BỨC TRANH PHẬT GIÁO VIỆT NAM - TTH (06/12)
-
» TÍNH KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN TRONG PHẬT GIÁO (Thích Trung Hữu) (27/11)
-
» QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO VỀ VẤN ĐỀ CHUYỂN GIỚI (C.P) (20/04)
-
» TÔN GIẢ SĪVALI - VỊ “THẦN TÀI” ĐÍCH THỰC CỦA PHẬT GIÁO (Chúc Phú) (03/03)
-
» CỰC TỊNH SINH ĐỘNG (09/01)
-
» TỪ BI THIỆN Ý (Thanissaro) (01/12)
-
» NGHIÊN CỨU VỀ THÚ HƯỚNG TÁI SINH QUA DẤU HIỆU NÓNG LẠNH CỦA THÂN THỂ (Chúc Phú) (06/09)