Bài Chánh Tấn Tuệ

TÌM HIỂU VỀ NGHIỆP - CTT.

Viết cho báo Nguyệt San Giác Ngộ số 277 (PL 2567)

18/04/2019

 



Trong nhà Phật, nghiệp có ý nghĩa rất rộng, rất sâu, bao hàm từ thô đến tế.

Rộng, vì nghiệp hiện diện trong từng tư tưởng, tình cảm, hành vi, thân xác, vận mệnh của mỗi chúng sinh (trong đó có con người).

Sâu, vì nghiệp là chỗ khởi đầu của sinh tử.

Thô, vì con người có thể nhận ra nghiệp trong các sinh hoạt bình thường.

Tế, vì chỗ khởi đầu của sinh tử chỉ là bất giác tâm động mà thành niệm (vô minh nghiệp tướng)[1]. Niệm này cực kỳ vi tế, ý thức của người bình thường không thấu được.


Nghiệp là gì?

Theo Tự điển Phật học Huệ Quang, nghiệp có nghĩa là tạo tác [2]. Tạo tác là làm ra, tạo ra, làm nên. Tạo tác diễn ra trong tâm, gọi là ý nghiệp. Tạo tác diễn ra nơi miệng thành lời nói, gọi là khẩu nghiệp. Tạo tác diễn ra nơi thân như tay chân co duổi v.v… gọi là thân nghiệp. Ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp, gọi chung là tam nghiệp. Con người tạo nghiệp thông qua ba hình thức đó.

Nghiệp, có người định nghĩa là hành động. Hành động ở thân, ở miệng và ở ý. Nói hành động ở thân và miệng thì dễ chấp nhận, nhưng với ý nghiệp thì chưa hiển bày được hết nghĩa của nó. Thành định nghĩa này tuy gần với đại chúng nhưng không bằng hai chữ tạo tác. Tạo tác hàm chứa được nghĩa của nghiệp rộng hơn. 

. Do bị A nói xấu sau lưng nên B quyết định trả đủa – quyết định này là ý nghiệp. Sáng nay gặp A, B liền trách móc chửi mắng, đây là khẩu nghiệp. Do A không chịu nhận lỗi, cứ quanh co biện minh khiến B thấy rằng nói là chưa đủ, nên thượng chân hạ tay với A, đây là thân nghiệp.

. Sau một thời gian quen biết, A thấy mình có tình cảm với B. Trải qua nhiều đắng đo suy nghĩ, A quyết định viết thư và tặng hoa để bày tỏ tình cảm. Việc có tình cảm, đắn đo suy nghĩ và quyết định viết thư thuộc ý nghiệp. Hành động viết thư, tặng hoa thuộc thân nghiệp.

. A khởi lên ý nghĩ cần có một việc kinh doanh để tăng thu nhập. Sau khi suy tính, A quyết định mở cửa hàng kinh doanh quần áo, đó là ý nghiệp. Để thực hiện ý định trên, A tìm đến chủ nhà có vị trí thích hợp để thương lượng thuê nhà. Thương lượng thành công, A tiến hành sửa chữa, trang trí, mua quần áo, trưng bày để bán… Các việc làm đó thuộc thân và khẩu nghiệp, giúp thực hiện ý nghiệp muốn kinh doanh của A.


Người không lìa nghiệp

Sáng chủ nhật, A bật tivi xem chương trình thể thao. Được một lát, A tắt tivi bật máy nghe nhạc. Nghe vài bản A tắt máy, bước ra sân chăm hoa và quay sang nói chuyện với hàng xóm. Xong, A quay vào nhà thay quần áo rồi lấy xe xuống phố. Ngang qua cửa hàng, thấy quảng cáo hàng mới, A gởi xe vào xem… Việc này nối tiếp việc kia trong một ngày được gọi là nghỉ ngơi, cho thấy con người suốt ngày sống với nghiệp, hết nghiệp này đến nghiệp khác. Khi thân mệt mỏi mới chịu dừng nghỉ. Song dù miệng không nói, tay không làm, chân không đi, tâm vẫn chưa hết nghĩ. Các ý niệm thay nhau xuất hiện không ngừng trong đầu. Đây dù không có thân và khẩu nghiệp, ý nghiệp vẫn vận hành. Vận hành ngay cả khi ngủ. Đa phần người đời vẫn mộng thấy làm cái này, cái kia, thấy yêu, thấy ghét, thấy sợ v.v… như đang sống trong đời sống thường nhật. Tóm lại, con người suốt ngày sống trong sự tạo tác. Vì luôn có tạo tác nên gọi là hữu vi. Kinh nói chúng sinh thường sống với pháp hữu vi.


Ý nghiệp là nền tảng, là chủ đạo…

Ý nghiệp là chỗ khởi đầu của nghiệp. Ý nghiệp có thể xuất hiện một mình, không cần đến sự hiện diện của thân nghiệp và khẩu nghiệp, nhưng phải nương vào ý nghiệp thì thân và khẩu nghiệp mới có thể xuất hiện.

Khi nghiệp xuất hiện, ý nghiệp có thể được ý thức như các trường hợp vừa nêu. Song cũng có nhiều trường hợp, nghiệp xuất hiện mà ý nghiệp không được nhận biết dù nó đã hiện diện ở tâm. Trong buổi họp, A đã phát biểu. Khi nói xong, A cảm thấy áy náy, vì nhận ra lời nói của mình đã đụng chạm đến cấp trên, điều mà A muốn né tránh. Rõ ràng khi phát biểu, A đã không ý thức được đầy đủ điều mình đang nói. Nếu ý thức được, A đã không nói. Dù không ý thức được, nhưng đã có một động lực nằm sẵn trong tâm thúc đẩy A nói. Động lực đó là ý nghiệp.

Trong Tâm phân học có một thí nghiệm rất nổi tiếng có tên là “Ám thị có kỳ hạn” (Suggestion a échéance). Thí nghiệm này giúp thấy rõ hơn về sự vận hành của ý nghiệp dù ta không ý thức được sự có mặt của nó. Trong giấc ngủ thôi miên của một người bệnh [3], bác sĩ ra lệnh: “Sau khi được đánh thức nửa giờ, anh phải bò quanh phòng!”. Sau ám thị đó, người bệnh được đánh thức. Khi người bệnh lấy lại được ý thức của mình, anh không nhớ được mệnh lệnh đã nhận khi ngủ, nhưng đến giờ quy định, anh trở nên áy náy như muốn tìm một vật gì. Cuối cùng anh bò quanh phòng, viện cớ là mình đang tìm một đồng xu bị mất. Thí nghiệm cho thấy người bệnh bò quanh phòng (thân nghiệp) nhưng không hề ý thức được mệnh lệnh bắt anh phải bò. Mệnh lệnh ấy giờ đã thành ý nghiệp của anh, chi phối tư tưởng của anh khiến anh nghĩ mình đánh rơi đồng bạc, chi phối hành động của anh khiến anh bò quanh phòng.

Ý nghiệp là cơ sở của mọi tư tưởng, tình cảm, hành vi của con người, nhưng thường chúng ta chỉ ý thức được phần nổi, là phần thô của ý nghiệp, chưa ý thức được phần tế của nghiệp, tức chưa ý thức được những nguyên động lực nơi ý nghiệp. Thế nên “đối tượng mà ta có ít hiểu biết đúng và có nhiều hiểu lầm nhất là chính mình”. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đây là sự thật ít ai nghĩ đến.


Huân tập và thành nghiệp…

Một tư tưởng, một tình cảm, một hành vi được thực hiện lặp tới lặp lui nhiều lần, gọi là huân tập. Muốn thuộc bài, chúng ta cần đọc tới đọc lui bài học nhiều lần để nhớ bài, việc đọc tới đọc lui đó gọi là tập học bài. Ngày nào cũng tọa thiền, gọi là tập tọa thiền. Ngày nào cũng uống rượu, gọi là tập uống rượu.

Chúng ta suốt ngày sống với nghiệp, hết nghiệp này đến nghiệp khác. Trong các nghiệp ấy, nghiệp nào được huân tập nhiều, sẽ dẫn đến hiện tượng thành nghiệp. Nếu đã thành nghiệp thì khi sinh khởi, nó có năng lực bắt thân tâm ta vận hành theo nó. Ta có thể cưỡng lại tác động này của nghiệp, chỉ là nghiệp đã huân càng nhiều thì cưỡng càng khó.

Thí dụ:

. Ăn uống đã huân thành nghiệp nên khi đói mà có đồ ăn, khó mà không ăn.

. Đã uống rượu thành nghiện thì không có rượu, sẽ phát sinh sự thèm muốn. Muốn rồi sẽ tìm rượu. Có rượu rồi, khó mà cưỡng lại nó.


… Tạo ra lực nghiệp

Năng lực bắt ta phải nghĩ hay hành động theo nghiệp, gọi là lực nghiệp. Lực này phát sinh khi một thói quen xuất hiện. Tức những gì mà ba nghiệp thân, khẩu, ý đã huân tập thành nghiệp rồi, sẽ tạo ra một lực bắt ta phải theo hướng đó, gọi là lực nghiệp hay nghiệp lực.


Nghiệp nặng và nhẹ
     

- Gọi là nghiệp nặng khi lực nghiệp mạnh. Hai yếu tố chính khiến nghiệp có lực mạnh là sự huân tập và tình cảm đi kèm với nghiệp. Nghiệp càng được huân tập nhiều, lực nghiệp càng mạnh. Càng nhiều tình cảm yêu, ghét, tham, sân, khổ, lạc đi kèm, lực nghiệp càng mạnh. Người ghiền rượu một năm, sự lệ thuộc vào rượu ít hơn khi đã ghiền tới mười năm.  Người nghe âm nhạc với sự ưa thích nhiều sẽ dính mắc vào âm nhạc, thường tìm đến âm nhạc nhiều hơn so với người nghe âm nhạc với sự ưa thích ít.

- Nghiệp nhẹ là nghiệp mới huân tập, không được huân tập nhiều như nghiệp nặng, lực của nó không mạnh.

Với nghiệp nhẹ, ta có thể dễ dàng thay thế nghiệp này bằng nghiệp khác. Như chơi cờ là thói quen, nhưng do bệnh, thay vì chơi cờ thì có thể dành thời gian đó để tập thể dục, nhằm tăng cường sức khỏe. Hoặc thay vì nghe nhạc, ta có thể đi dạo…

Với nghiệp nặng, ta dễ đánh mất sự tỉnh giác, tâm trở nên mê mờ, thiếu lý trí, khó phân định được thiện ác, ý thức chỉ hướng đến việc tìm cách thực hiện nghiệp. Ta cũng khó thay thế một nghiệp nặng bằng một nghiệp khác. Như người ghiền rượu nặng, khi cơn ghiền xuất hiện, khó mà thay thế việc uống rượu bằng việc làm khác.


Nghiệp với phiền não chướng

Phiền não nói đây chỉ cho những trạng thái không vui, như bất an, bồn chồn, buồn bực v.v…

Vì làm chướng ngại cho việc thoát khỏi nghiệp, chướng ngại cho sự giải thoát, nên gọi là phiền não chướng.  

Khi nghiệp sinh khởi, nếu không thực hiện nghiệp ấy, trong tâm sẽ xuất hiện trạng thái phiền não. Việc “không thực hiện nghiệp ấy” có hai: Hoặc do ta muốn, như do muốn cai rượu nên quyết không uống rượu. Hoặc do không muốn nhưng không đủ điều kiện để thực hiện nghiệp ấy, như thèm rượu nhưng không kiếm ra rượu để uống.

Phiền não có thể nhẹ như thấy không vui, bực bội, bất an…, có thể nặng như bồn chồn, nóng bức nơi tâm, bức bách nơi thân... Nghiệp càng nặng, khổ càng nhiều, vì phiền não là khổ.

Thông thường, ai cũng thích sướng sợ khổ nên thường tìm vui tránh khổ, do vậy con người thường tìm cách nghĩ và sống theo nghiệp đang có hơn là sống trái với nghiệp, như một cách tránh đối mặt với phiền não. Thái độ đó khiến phiền não trở thành sợi dây trói con người với nghiệp. Phiền não càng lớn, sợi dây trói buộc càng bền chắc, khiến con người không còn tự do, tự tại.


Nghiệp – không nghiệp     

Nghiệp vốn không, do huân tập mà hiện ra như có. Dù có xuất hiện nhưng bản chất của nghiệp vốn không, nên ta có thể làm cho nghiệp trở về không, gọi là không nghiệp. Nghiệp do huân tập mà thành, chỉ cần không huân tập nữa, nghiệp lại về không. Như ngày nào cũng hút thuốc, việc lặp đi lặp lại hành vi này làm cho nghiệp ngày càng nặng. Muốn không nghiệp chỉ cần không hút thuốc nữa. Nếu không hút diễn ra trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, nghiệp hút thuốc sẽ dần biến mất.

Về nguyên tắc, việc không nghiệp có vẻ đơn giản, nhưng thực tế là khi cưỡng lại nghiệp, ta phải đối diện với loại phiền não do dừng nghiệp mà ra. Nghiệp càng nặng thì phiền não càng lớn, sự mê mờ càng sâu, nên muốn “không được các nghiệp nặng”, cần phải có ý thức tự giác, sự tỉnh giác và một ý chí kiên định.


Chủng tử nghiệp

. Được lưu giữ trong tạng thức: Bất kỳ một pháp nào, một khi được huân tập sẽ hình thành nên chủng tử của pháp ấy và được lưu giữ trong thức thứ tám của chủ thể tạo tác. Nghiệp, do huân tập mà thành nên cũng được lưu giữ trong thức thứ tám, dưới hình thức chủng tử nghiệp.

. Mang tính cá nhân: Sự huân tập thành chủng tử mang tính cá nhân. Tức chủng tử của người nào phải do chính người đó tạo thành, không do một thế lực bên ngoài tạo giùm, cũng không do người khác (dù thân thuộc) tạo giùm. Nghiệp cũng do chính mỗi cá nhân tự huân tập lấy mới hình thành chủng tử nghiệp, mới có thể “thành nghiệp”. Như cha uống rượu, con không uống rượu thì cha ghiền, con không ghiền. Con tập hút thuốc, cha không hút thuốc thì con ghiền, cha không ghiền. Tất cả các nghiệp khác đều như vậy.

. Ở trạng thái thùy miên: Thông thường chủng tử ở trạng thái thùy miên, tức ngủ ngầm trong thức thứ tám. Lúc này chủng tử không có hình tướng hay tác dụng nên đồng như không có. Khi đủ duyên, chủng tử sẽ sinh khởi, tạo ra các niệm tưởng trong tâm. Các niệm tưởng này xuất hiện từ tế đến thô. Tế là khi các niệm tưởng còn trong thức thứ bảy và thức thứ tám (Phân tâm học gọi là tiềm thức và vô thức). Thô là những ý niệm xuất hiện trong ý thức.

. Đủ duyên mới sinh khởi: Thức thứ tám của mỗi chúng sinh chứa nhiều chủng tử nghiệp khác nhau. Tại một thời điểm nào đó, chỉ những chủng tử đủ duyên mới sinh khởi, thúc đẩy sự hoạt động của tâm, ý, ý thức. Tùy theo lực nghiệp mạnh hay nhẹ mà ý thức của chúng ta hoạt động mạnh hay yếu. Có lúc tâm thức hoạt động hòa hoãn, có lúc hoạt động mạnh hơn, có lúc hoạt động mãnh liệt. Hiểu về nghiệp, sẽ hiểu tại sao tâm thức hoạt động với nhiều mức độ khác nhau.

. Sinh khởi ý nghiệp: Chủng tử nghiệp khi đủ duyên sinh khởi sẽ tạo ra ý nghiệp. Ý nghiệp này cũng có từ tế tới thô. Tế, là khi còn nằm trong vô thức. Thô, là khi nó xuất hiện trong ý thức. Vì ý nghiệp là nghiệp, nên nó xuất hiện cùng với lực nghiệp. Lực này xuất hiện khi ý nghiệp còn trong vô thức, tạo thành động lực vô thức. Với Freud, đây là “năng lực tính dục” (libido). Thật ra, tính dục chỉ là một trong rất nhiều nghiệp được tích chứa trong thức thứ tám (vô thức). Chỉ khi thấu về chủng tử nghiệp, ta mới thấy hết được các động lực tiềm chứa trong vô thức. Động lực này chi phối ý thức, thúc đẩy ý thức vận hành theo nghiệp đang khởi.

Từ ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp theo đó hiện hành.

Nếu có thể nhận biết nghiệp ngay khi ý nghiệp xuất hiện (dù ở trạng thái thô) thì có thể quyết định được sự tạo tác của thân và khẩu nghiệp.    


Nghiệp và lý Nhân duyên

Nghiệp xuất hiện và vận hành theo lý nhân, duyên, quả. Trong đó chủng tử nghiệp là nhân, các điều kiện làm cho nghiệp sinh khởi và phát triển là duyên. Duyên có thể đến từ bên trong, có thể đến từ bên ngoài.

Duyên đến từ bên trong,  là những sinh khởi hiện hành của tâm - luận Đại thừa khởi tín gọi nó là thức tương tục – “Thức này giữ gìn nghiệp thiện ác trong vô lượng đời quá khứ khiến chẳng mất, lại hay thành thục quả báo khổ vui trong đời hiện tại và vị lai không hề sai lệch, hay khiến hiện tại bỗng nhớ lại những việc đã qua, bất giác lo nghĩ vọng tưởng những việc chưa tới”. Nhớ lại việc đã qua hay vọng tưởng những việc chưa tới chính là duyên bên trong giúp sinh khởi các chủng tử nghiệp ẩn sâu trong thức thứ tám. Chủng tử và hiện hành, tác động qua lại làm nhân duyên cho nhau để sinh khởi.

Để dễ nắm bắt câu nói trên, hãy khảo sát trường hợp giả định sau: Đang yên ổn, chợt hình bóng A xuất hiện trong ý thức, khiến những hình ảnh quá khứ sống lại kèm theo đó là tình cảm buồn, thương, tiếc nuối. Nhìn một cách tổng quát, hình ảnh A là duyên làm cho chủng tử nghiệp (mà chủ thể ý thức từng có với A) sinh khởi. Chủng tử ở thức thứ tám sinh khởi, thông qua thức thứ bảy, đến với ý thức làm xuất hiện ở ý thức những ý niệm, là những hình ảnh quá khứ kèm với sự buồn, thương, tiếc nuối. Ở đây, chủng tử là nghiệp quá khứ được lưu giữ trong thức thứ tám. Nó là nhân sinh ra quả (các ý niệm quá khứ). Nói một cách chi tiết, hình ảnh A khi xuất hiện ở ý thức, là duyên làm các chủng tử nghiệp có liên hệ với A sinh khởi. Chủng tử sinh khởi làm hiện hành các ý niệm về quá khứ. Ý niệm quá khứ này lại làm cho các chủng tử sinh khởi. Sự tương tác qua lại giữa chủng tử và hiện hành làm cho các hình ảnh quá khứ nối tiếp nhau xuất hiện trong ý thức, tạo thành dòng thức tương tục. William Jame[4] gọi dây là dòng ý thức (stream of thought). “Độ lâu thuần túy” (durée pure) của Bergson[5] cũng có nhiều điểm tương đồng với dòng ý thức.

Ai cũng có thể nhận ra dòng thức tương tục này. Dễ nhất là khi ở một mình chỗ yên tịnh, không để cảnh vật bên ngoài làm sao lãng, hướng sự chú tâm vào bên trong ta sẽ thấy các ý niệm xuất hiện rồi biến mất, nhường chỗ cho các ý niệm khác. Nếu tập quan sát như thế một cách lâu dài và đúng pháp, ta sẽ thấy đó là một dòng chảy các ý niệm nối tiếp nhau, chính là thức tương tục.

Do tâm khởi luôn đi kèm với một nghiệp, nên khi một ý niệm xuất hiện trong ý thức, nó có khả năng lôi kéo ý thức vận hành theo nó. Việc này làm ta bị xao lãng, không tập trung. Như đang chú tâm làm việc, một ý niệm đột nhiên xuất hiện trong ý thức. Ý niệm này khiến ta xao lãng công việc. Biết mình đang làm việc, ta chú tâm vào lại công việc. Lát sau một ý niệm khác lại xuất hiện làm ta xao lãng v.v... Việc làm chủ các ý niệm này là không dễ, vì nó là ý nghiệp. Ý nghiệp xuất hiện luôn đi kèm với lực nghiệp. Lực này lôi kéo ý thức vận hành theo nó.

Với người tu thiền, lực này cản trở việc thiền định. Vì định là dừng tâm trên một cảnh hay một niệm. Nhưng các ý nghiệp lại xuất hiện theo nhân duyên, nên luôn dời đổi, khiến tâm không định. Muốn tâm được định, phải kiên trì giữ tâm một chỗ, hoặc giữ tâm không chạy theo niệm. Tập lâu mới đạt được định.           

Với người bình thường, để làm công việc có hiệu quả, cần có sự chú tâm. Sự chú tâm này dễ bị mất vì các ý niệm đột khởi trong tâm, các ý niệm này vốn là ý nghiệp. Thành muốn có sự tập trung, cần phải tập quen với việc gạt bỏ các ý niệm này, đặt tâm vào công việc. Nói đơn giản là làm việc gì chỉ biết việc đó, không để cái biết chạy theo cảnh khác, chạy theo các ý niệm. 

Đó là nói về duyên bên trong.  

Duyên đến từ bên ngoài, như Anan là thị giả của Phật, do thích thân tướng thanh tịnh của Phật mà xuất gia, không có tâm ái thích người nữ. Nhưng khi gặp Ma-đăng-già thì mê muội, là do nhân duyên 500 đời làm vợ chồng với Ma-đăng-già. Chủng tử dâm ái được huân sâu trong thức thứ tám, vẫn ngủ yên cho đến khi gặp duyên là Ma-đăng-già, liền sinh khởi ý nghiệp mê muội và sắp hiện ra thân nghiệp. Nhưng do nghiệp tu hành được huân tập tới hiện đời, được lực hộ trì của chư Phật, Anan tỉnh giác kịp thời, không để mất giới thể. Ma-đăng-già và lực hộ trì của chư Phật đều là duyên đến từ bên ngoài. Do duyên Ma-đăng-già mà chủng dâm ái hiện hành. Do duyên chư Phật mà chủng tỉnh giác xuất hiện, phá tan nghiệp dâm ái.    

Suốt ngày, con người chạy theo nghiệp này đến nghiệp khác, vì hai duyên trong ngoài luôn có đủ. Khi không có duyên ngoài thì vẫn còn duyên trong, khiến ý nghiệp không ngừng sinh.  

Nhiều nhà Tâm lý học thấy rằng, những phép tắc chi phối các hiện tượng tâm thần rất gần với các phép tắc chi phối các hiện tượng vật chất. Điều này hoàn toàn đúng, vì cả hai đều vận hành theo lý Nhân-duyên-quả. Một số trong họ đã muốn xây dựng Tâm lý học thành một môn học chính xác như các môn khoa học về vật chất, nhưng dù cố gắng rất nhiều vẫn không làm được. Vì các môn khoa học vật chất, như vật lý học, được xây dựng chỉ dựa trên nhân và quả. Chỉ cần biết nguyên nhân, sẽ suy được kết quả, duyên không được bàn đến. Như chỉ cần biết hai nhân tố chính là gia tốc trọng trường và vận tốc đầu của viên đạn, sẽ tính được quỹ đạo của viên đạn. Tuy nhiên quỹ đạo đó là kết quả của việc giả định viên đạn bay trong môi trường hư không, không phải đúng như thực tế là viên đạn di chuyển trong môi trường không khí, nên phải chịu lực cản của không khí, chịu tác động của gió… là những duyên tác động lên quỹ đạo thực tế của viên đạn. Để có thể vận dụng công thức lý thuyết vào thực tế một cách có hiệu quả, người ta tạo ra viên đạn với hình dáng ít chịu tác động của không khí nhất. Nhờ đó sai số giữa lý thuyết và thực tế ở mức chấp nhận được. Khoa học luôn là môn học có sai số, nhưng vì là sai số chấp nhận được, nên khoa học được xem là môn học chính xác.

Trong lãnh vực tâm thần thì không thể vậy. Sự hiện hành của các thức tạo ra mọi hiện tượng tâm lý, nhưng sự hiện hành này bị chi phối bởi nghiệp mà nghiệp vận hành theo lý Nhân-duyên-quả. Vì thế các hiện tượng tâm lý chịu tác động của nhiều duyên, các duyên này không thể loại trừ được như trong trường hợp của vật chất, nên việc chỉ vận dụng nhân quả trong lãnh vực tâm thần sẽ cho sai số khá lớn giữa lý thuyết và thực tế. Muốn có một lý thuyết về tâm lý phù hợp với thực tế, không thể bỏ qua mặt duyên mà chỉ vận dụng đến mặt nhân quả của pháp.

Kinh luận có đề cập đến Tứ duyên. Đó là Nhân duyên, Sở duyên duyên, Đẳng vô gián duyên và Tăng thượng duyên. Các duyên này chi phối tất cả pháp ở thế gian. Việc đề ra nhiều duyên như vậy, cho thấy duyên là thứ không thể bỏ qua trong sự vận hành của vạn pháp. Quán xét pháp với Tứ duyên sẽ giúp cái nhìn đối với vạn pháp chính xác hơn.  


Nghiệp và ngã

Ai cũng có cảm nhận về một cái Ta, chủ thể thân tâm của chính mình. Tùy theo thời điểm, hoàn cảnh mà Ta xuất hiện với nhiều hình thức khác nhau. Sáng, Ta thức dậy, Ta đánh răng, Ta rửa mặt, Ta tập thể dục, Ta ăn sáng, Ta đi làm. Chiều, tan sở Ta về nhà, Ta dọn dẹp nhà cửa, Ta tắm rửa, Ta ăn tối, Ta nghe nhạc v.v… Ai khen Ta vui, ai chê ta buồn[6]. Gặp chuyện chưa giải quyết được Ta lo nghĩ. Không gặp người thân, Ta nhớ thương. Gặp người ghét Ta bực bội. Ta khỏe mạnh, Ta đau ốm, Ta thông minh, Ta khờ khạo v.v… Quan sát kỹ, Ta luôn xuất hiện cùng với nghiệp mà nghiệp thì hay thay đổi, nghiệp này xuất hiện rồi biến mất, nhường chỗ cho nghiệp khác xuất hiện rồi biến mất, nên thấy Ta xuất hiện với nhiều hình thức. Sự xuất hiện của nghiệp kéo theo sự xuất hiện của Ta, nên luận nói: “Nghiệp sinh ra người” [7].

Việc cho rằng có một chủ thể đối với thân xác, tư tưởng, hành vi… của mình, chủ thể đó là Ta, được Duy thức học gọi là ngã chấp phân biệt. Đây là sự chấp ngã thuộc ý thức [8].  Do ý thức hoạt động có gián đọan nên sự chấp ngã này có gián đọan, như khi ngủ say hoặc chết giấc, ý thức không họat động, cái Ta này cũng không xuất hiện.

Với người bình thường, ai cũng có ngã chấp phân biệt, vì ai cũng cho rằng Ta là có. Nói phân biệt, vì có sự xác định về Ta (như Ta là Nguyễn Văn A, là bác sĩ, là con chiên thuần thành, là công dân mẫu mực đáng kính…) và có sự phân biệt giữa ta với người khác hay vật khác (như Ta không phải là anh B chị C, không phải là cái cây, hòn đá…)

Ta, như đã nói, luôn thay đổi và mang nhiều hình thức sai khác, thậm chí là đối nghịch, như vui cũng Ta, buồn cũng Ta, tốt cũng Ta, xấu cũng Ta, thông minh cũng Ta, ngu dốt cũng Ta... nên việc tìm kiếm một thực thể cho cái Ta là không thể được. Vì luận về thực thể thì thực thể không có tướng thay đổi. Nếu xác định được thực thể của Ta, thể ấy sẽ loại trừ các hình thức mà Ta đang có trong hiện thực. Tức thể ấy không thể phù hợp với cái Ta trong hiện thực. Cho nên Ta không có thực thể. Vì Ta không có thực thể nên ta không phải là có. Việc nắm giữ một cái không thật có mà cho là có, đức Phật gọi là “chấp”. Vì đối tượng được chấp ở đây là ngã, nên gọi là “chấp ngã”.

Bạn sẽ hỏi nếu Ta không có, lấy gì làm căn cứ để phân biệt Ta với người, với vật v.v…?

Thật ra không cần phải có mới phân biệt được. Như có người nghĩ: “Nếu có tiền ta nên mua du thuyền hay mua máy bay”. Du thuyền khác máy bay, nhưng thực tế tất cả đều không có. Vì anh ta không có tiền. Kinh luận hay dùng thí dụ lông rùa sừng thỏ để chỉ cho việc này. Đứng trên mặt ngôn từ mà nói, lông rùa khác sừng thỏ (có phân biệt) nhưng trong thực tế cả hai đều không, vì rùa không có lông, thỏ không có sừng. Nói cách khác phân biệt không phải là cơ sở đúng đắn cho việc xác định cái có. Chính việc ngộ nhận (mê lầm) Ta là có mà sự trói buộc xuất hiện. Ta bị nghiệp, một thứ không thật có khác, trói buộc. Nếu phá trừ được sự chấp ngã trong tâm, sự trói buộc không còn, gọi đó là giải thóat.

Tại sao cái Ta trong hiện thực luôn thay đổi qua nhiều hình thức sai khác và có lúc không xuất hiện, nhưng ai cũng có cảm nhận về cái Ta là một (không thay đổi), là thường (không gián đoạn)? Sở dĩ có hiện tượng này, là do ngã chấp phân biệt (thuộc ý thức) chỉ là phần nổi (thô) của sự chấp ngã sâu kín và vi tế bên trong. Nói theo Duy thức học, ngã chấp phân biệt được xây dựng trên nền tảng của sự chấp ngã thuộc thức thứ bảy đối với kiến phần của thức thứ tám. Ý thức của người bình thường biết rất ít về hai thức này. Đây là phần vô thức mà Tâm phân học đã nói [9]. Do hai thức này họat động không gián đọan - thức thứ tám là một loại tương tục không gián đọan, sinh diệt cực kỳ vi tế và mau chóng thành thấy như không biến đổi - nên ngã chấp thấy cũng không gián đoạn. Duy thức học gọi đây là ngã chấp thường tương tục. Do lấy cái chấp ngã sâu kín này làm nền tảng mà chúng ta có cảm tưởng cái Ta là một, là thường. Đó là lý do giải thích vì sao khi một người ngủ say, Ta không xuất hiện, nhưng khi thức dậy, người ấy vẫn thấy rằng Ta trước khi ngủ và sau khi thức vẫn là Ta. Một người gặp tai nạn, quên mất quá khứ, không biết mình là ai, sau một thời gian trí nhớ phục hồi, người ấy vẫn thấy Ta trước và sau khi mất trí vẫn là Ta. Có người khi về già nhớ lại chính mình lúc còn nhỏ, dù lúc nhỏ và hiện giờ khác nhau, nhưng vẫn thấy là Ta... Nói cách khác, ai cũng có cảm nhận về một cái Ta không phụ thuộc vào thức hay ngủ, không phụ thuộc vào nhớ hay quên, không phụ thuộc vào không và thời gian, không phụ thuộc vào sống chết [10]. Ta ấy không thể chỉ do ý thức mang lại mà phải do một họat động không gián đoạn nắm giữ, không để mất và đổi khác, đó chính là thức thứ bảy. 


Giả ngã và thật ngã

Do nghiệp sinh ra, gắn liền với nghiệp, nên Ta trong ý thức của mỗi người chịu nhiều trói buộc. Do nghiệp vận hành theo lý Nhân duyên nên Ta bị nhân duyên chi phối: Nhân là những nghiệp do Ta tạo ra trong quá khứ, được lưu giữ trong tâm (thức thứ tám). Duyên là cảnh trong, cảnh ngòai. Cảnh trong là pháp trần [11], là những ý niệm, là các trạng thái tâm lý đến từ bên trong. Cảnh ngoài là thân xác Ta, là muôn sự muôn vật trong thế giới chung quanh Ta [12]. Vì chịu sự trói buộc của nghiệp duyên, Ta không thật sự là thật ngã của thân tâm như mình vẫn lầm tưởng.

1/ Ta không thật là chủ của thân xác:  Việc Ta có thể điều khiển thân xác làm những gì theo ý mình, tạo ra cảm tưởng Ta là chủ thể của thân xác. Thực tế, có nhiều hoạt động của thân xác diễn ra một cách vô thức mà ý thức không thể thấu rõ được, như sự sinh diệt đổi mới của các tế bào, việc lông tóc mọc dài, sự họat động của các cơ quan nội tạng, sự lão hóa của thân xác theo thời gian… cho thấy Ta chẳng có mấy thẩm quyền đối với các hoạt động đó. Nhiều ý muốn của Ta bị thân xác coi thường, như không ai muốn thân bệnh, nhưng khi đủ duyên thân vẫn bệnh. Không ai muốn già hay nhan sắc xuống cấp, nhưng theo thời gian, mọi việc vẫn diễn ra mà chẳng quan tâm đến việc Ta muốn gì.

2/ Ta không thật là chủ của tâm: Việc Ta có ý thức về tâm lý và hành vi của chính mình, lại có thể vận dụng tâm trí để phục vụ cho các mục tiêu khác nhau… tạo ra cảm tưởng Ta là ông chủ của tâm. Song cũng như thân xác, có nhiều hoạt động tâm lý diễn ra trong vô thức, ngoài sự kiểm soát của ý thức, nên ta chẳng có mấy thẳm quyền đối với các hoạt động đó. Các hoạt động vô thức ấy tác động mạnh mẽ và sâu sắc lên ý thức nhiều hơn ta tưởng. Có nhiều trường hợp, ý thức chỉ là nơi tiếp nhận kết quả của các họat động ấy, nó là nơi thể hiện các quyết định đến từ vô thức. Như trong cuộc sống, có những lúc tư tưởng và tình cảm của mình hoạt dộng hướng về một mục tiêu mà ta không ý thức được rõ ràng, cũng không dễ cưỡng lại xu thế hoạt động ấy. Có những lời nói hay hành vi mà sau đó ta cảm thấy áy náy, dằn vặt v.v... Rõ ràng, nếu làm chủ được các ý tưởng của chính mình thì những hành vi và lời nói ấy không xuất hiện.

Có trường hợp, dù đầy đủ ý thức, ta vẫn không thực sự là chủ của tâm. Người nghiện rượu, anh ta suy nghĩ sắp xếp cho tiệc nhậu trong ngày. Hôm nay mời ai, đến nhà hàng nào, uống loại rượu nào, ăn những món gì… lên kế họach xong anh ta lại đổi ý thay đổi vài chi tiết cho đến khi lập xong kế hoạch cuối cùng và theo đó thực hiện. Những điều vừa nói đem lại cho ta cảm tưởng cái Ta của anh là chủ thể quyết định mọi việc. Thật ra, uống rượu là việc đã được quyết định, không có sự lựa chọn hay thay đổi nào khác. Mọi họat động tư tưởng, tình cảm, hành vi dù thay đổi thế nào, cũng đều xoay quanh mục tiêu “uống rượu”, đều hướng đến việc thực hiện nghiệp rượu. Nghĩa là nghiệp rượu mới là chủ, Ta chỉ là kẻ thừa hành.

Thật ra, khi mới đến với một nghiệp nào đó, như hút thuốc, uống rượu, ta vẫn còn là chủ, vì tự mình có thể quyết định (đây muốn nhấn mạnh ở mặt quyết định, thuộc vê tâm) uống hay không uống, hút hay không hút và thực hiện quyết định ấy một cách dễ dàng. Lúc này, Ta uống rượu, Ta hút thuốc. Nhưng một khi uống rượu hay hút thuốc đã thành thói quen, tức đã thành nghiệp, thì Ta bị uống rượu (không uống không được), Ta bị hút thuốc (không hút không được). Cho nên, một khi nghiệp được huân tập cũng có nghĩa là nghiệp đã dần tước mất vai trò chủ thể của Ta. Tất cả các nghiệp đều vậy. Nghiệp càng nặng, chủ quyền của ta càng ít.

3/ Ta không tự tại đối với cảnh: Đối với cảnh bên ngoài, thân xác là thứ chi phối ta rất mạnh. Ta phải lo toan nhiều thứ cho thân xác, lo ăn ngon, mặc đẹp, giữ ấm, giữ mát v.v… Chỉ cần thân có biến động theo hướng xấu là ta bất an lo lắng, biến động càng lớn, lo phiền khổ não càng nhiều.  

Trong thế giới quanh ta, có những đối tượng dù gặp gỡ hay nhìn thấy, vẫn không gây tác động gì với ta. Đó là những cảnh mà ta không có nghiệp. Với cảnh mà ta có nghiệp thì vấn đề sẽ khác: Nếu có nghiệp ái (ưa thích) với các đối tượng ấy, gặp gỡ sẽ đưa đến tình trạng vui thích, muốn gần gũi. Nếu có nghiệp ghét với các đối tượng ấy, gặp gỡ sẽ mang lại bực bội, chán ghét, muốn xa lìa.

Ngoài ra, để thực hiện nghiệp, cần có cảnh tương ưng. Như muốn thực hiện nghiệp hút thuốc cần có thuốc lá, muốn thực hiện nghiệp rượu phải có rượu, muốn lên mạng phải có điện thoại di động hoặc máy vi tính và ở nơi có wifi, muốn mua sắm phải đến cửa hàng, muốn có xe phải có tiền v.v… Khi nghiệp sinh khởi, nếu không có cảnh tương ưng, trong tâm sẽ phát sinh sự mong cầu, hy vọng… và tìm cách thực hiện cho được những gì nghiệp đang đòi hỏi. Từ đó hình thành nên các nghiệp kế tiếp. Những điều vừa nói cho thấy do nghiệp mà Ta không còn tự tại đối với cảnh, do nghiệp mà Ta bị cảnh ngoài chi phối, trói buộc. 

Do nghiệp trói buộc và chịu sự chi phối của cảnh trong ngoài mà Ta trong ý thức của mỗi người, không phải là thật ngã. Kinh luận gọi cái ta này là giả ngã. Do việc lầm nhận này mà cuộc sống của nhân sinh trở thành có nhiều vấn đề. Hạnh phúc nếu có chỉ là tạm thời. Khổ đau hoạn nạn là điều thường gặp phải. Do nhận giả làm thật đã làm xuất hiện sự trói buộc nơi mỗi người.

Hỏi: Cái ngã thuộc ý thức (ngã chấp phân biệt) nếu là giả thì cái ngã mà thức thứ bảy đang nắm giữ phải chăng là thật?

Đáp: Ngã, do thức thứ bảy nắm giữ, dù tương tục bền chắc hơn thì vẫn là giả ngã. Do lấy giả làm nền tảng mà ngã chấp phân biệt cũng là giả.

Hỏi: Trên nói “Do nhận giả làm thật mà con người trở thành bị trói buộc”, vậy định mệnh của con người là không thể có tự do?

Đáp: Nếu sự trói buộc là thật có thì mới không thể nào thay đổi được sự trói buộc ấy. Nhưng sự trói buộc chỉ là hệ quả của nghiệp, không thành nghiệp thì không có trói buộc, nên con người vẫn có tự do. Chưa kể, nơi cái giả vẫn còn có cái thật. Giả nương nơi thật mà hiện. Nếu nhận ra cái thật [13], sống với cái thật thì cái giả chỉ là những tướng hư ảo, không còn sự trói buộc.

Hỏi: Cái gì là thật?

Đáp: Theo quan diểm của Đại thừa giáo, thật thì không hình tướng, không chỗ nơi, nên chỉ có thể nương giả nói thật.

. Giả ngã thì chịu sự trói buộc của nghiệp, chịu sự trói buộc của thân, không tự tại với cảnh. Chân ngã thì không bị nghiệp trói buộc, không bị thân trói buộc, tự tại với tất cả pháp.

. Cái gì là đối tượng của lục căn hay có thể nắm giữ thì không phải thật.

. Giả ngã vốn vô thường, luôn thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Trạng thái này xuất hiện (sinh) rồi biến mất (diệt), cứ vậy mà sinh diệt tương tục. Chân ngã thì không sinh không diệt. Giả ngã thì lúc thế này, lúc thế khác, lúc có, lúc không. Chân ngã thì chưa hề thiếu vắng, luôn đầy đủ nơi mỗi người.

Không gì trói buộc được thật ngã, nên không hề phi lý khi J.P. Satre la lên “Yếu tính con người là tự do”.

Hỏi: Nếu yếu tính của con người là tự do, tại sao vẫn thấy con người bị trói buộc và hữu hạn?

Đáp: Trong Đại thừa khởi tín luận, Bồ-tát Mã Minh đã nói: “Y Như Lai Tạng nên có tâm sinh diệt. Đó là, chẳng sinh chẳng diệt cùng với sinh diệt hòa hợp, chẳng phải một, chẳng phải khác, gọi là thức A-lại-da. Thức ấy có hai nghĩa hay nhiếp tất cả pháp và hay sinh tất cả pháp”. Thức A-lại-da chính là thức thứ tám trong trình trạng bị nhiễm ô. Thức thứ tám của người đời chính là thức A-lại-da. Cái chấp Ta của người đời được đặt nền tảng trên sự chấp ngã của thức thứ bảy đối với thức thứ tám, là thức chân vọng hòa hợp. Chân, là Như Lai Tạng chẳng sinh chẳng diệt. Vọng, là thức tạng sinh diệt. Tức ngay vọng có chân. Nên ngay khi đang còn chấp ngã vẫn đủ cả chân và vọng. Vì có vọng nên thấy có trói buộc. Vì có chân nên thấy có tự do. Ngộ nhập được chân, tức chân có lực mà vọng không lực, thì trói buộc thành không, tự do đầy đủ. Nếu mê chân mà sống với vọng, tức vọng có lực mà chân không lực, thì trói buộc chẳng không. Nên dù yếu tính của con người là tự do, nếu không ý thức phá bỏ sự tích tụ của nghiệp (là Tập đế nói trong Tứ đế), thì trói buộc vẫn hiện diện, con người vẫn không thể tự tại dùng thẳng yếu tính đó. Cho nên, dù yếu tính con người là tự do, nhưng nếu chỉ y cứ vào đây mà cho rằng con người luôn đầy đủ tự do, thì đó là một nhận định chứa đựng khá nhiều ảo tưởng. Con người, khi còn thấy có Ta, thì chỉ có thể có một phần tự do. Song nếu biết tận dụng phần tự do nhỏ nhoi này để xóa dần sự tích tụ của nghiệp, kinh luận gọi là “ngược dòng hoàn tịnh”, thì con người sẽ lấy lại được toàn phần tự do của mình.             

Hỏi: Làm sao để sống được với thật ngã?

Đáp : Thật ngã không ngã. Đây không phải là một mệnh đề mâu thuẫn. Mệnh đề đó chỉ nhằm nói rằng: Khi trong tâm không còn chấp ngã (vô ngã) thì chân ngã mới hiển bày. Đến đây vấn đề không còn nằm trên lãnh vực tư biện mà cần sự thực chứng, thực ngộ. Nếu tiếp tục tư biện, chúng ta sẽ luẩn quẩn với các nghịch lý, không thể vượt thoát.


Nghiệp và tính cách cá nhân

Theo cách nói thông thường, sự thành nghiệp còn được gọi là thói quen, là tập tính, tính cách do huân tập mà thành.

Khi còn nhỏ, tính cách của mỗi người chưa xuất hiện rõ ràng. Tính cách cá nhân dần rõ nét theo quá trình trưởng thành, kéo theo sự sai biệt giữa tính cách của người này với người khác ngày càng nhiều. Với người trưởng thành, thông thường ta quen nhìn pháp (sự vật, sự việc) theo quan niệm ta đã có về loại pháp đó, suy nghĩ theo cách ta thường suy nghĩ, làm những việc ta quen làm, cảm nhận sự việc này, sự vật kia theo cách ta thường cảm nhận trong quá khứ, ưa thích các sự vật ta thường ưa thích, ghét bỏ các sự vật ta thường ghét bỏ, ứng xử với người này, người kia theo cách ta thường có... Những điều nói trên làm nên tính cách của ta. Nói cách khác, tính cách của mỗi người là một số tập tính (nghiệp) nổi bậc của người đó. Vì tính cách cá nhân là nghiệp, do huân tập mà thành, nên không cố định, thay đổi được.

Thí dụ:

Người hung dữ có thể trở thành ít hung dữ, thậm chí là hiền lành. Ngược lại cũng vậy.

Người sống không có tổ chức, không có văn hóa có thể trở thành người sống có tổ chức, có văn hóa. Ngược lại cũng vậy.

Ở đây chúng ta cần tránh hai cái nhìn cực đoan:

1/ Cho rằng, tính cách (bản tính) của con người là không thay đổi được, nên cứ sống theo cách đã và đang sống mà không tìm cách vươn lên để sống tốt hơn.

2/ Cho rằng, việc thay đổi tính cách cá nhân là điều dễ thực hiện, không mất nhiều thời gian. Thông thường tính cách cá nhân là những nghiệp được huân tập nhiều, nên là nghiệp nặng. Muốn thay đổi, cần có sự chỉ dạy (giáo dục), tự giác, ý chí, nghị lực và thời gian để thay đổi một tập tính.

Thông thường tính cách của người trẻ dễ thay đổi hơn người lớn tuổi. Vì người trẻ, tuổi đời còn ít, thời gian huân tập các nghiệp làm thành tính cách của người đó chưa nhiều, nên nghiệp nặng ít, nghiệp nhẹ nhiều, dễ có sự thay đổi. Với người lớn tuổi, các tính cách có nhiều thời gian để huân tập, nên nghiệp nhẹ ít, nghiệp nặng nhiều, khó thay đổi.

Tóm lại, tính cách cá nhân vốn không cố định, nên thay đổi được. Để thay đổi tính cách, ta cần vượt qua nghiệp lực đã hình thành trong quá khứ. Nghiệp càng nặng càng cần nhiều ý chí và thời gian để vượt qua.


Nghiệp, con người và xã hội                   

Con người là con vật được xã hội hóa. Thật ra không hề dễ dàng để trở thành một người chân chánh, vì xã hội đòi hỏi rất nhiều, đưa ra nhiều trói buộc cho mỗi cá nhân, điều mà một con vật trong tự nhiên không có. Trong thực tế, luôn có sự đối khán giữa phần người (là phần xã hội hóa) và phần con nơi mỗi cá nhân. Để làm người, cần sự tự giác nơi mỗi cá nhân. Mỗi người cần tự hào về những phẩm chất cao quý mà các con vật không có, chỉ có nơi con người. Vì thế cần vung bồi các phẩm chất người mỗi ngày để hoàn thiện chính mình. Cá nhân không thể làm điều này mà không có sự trợ giúp của xã hội. Xã hội, thông qua sự giáo dục từ tôn giáo, nhà nước, chính quyền, văn hóa, pháp luật v.v… để giúp mỗi người phát triển tính người.

Giáo dục đóng vai trò to lớn trong việc giúp mỗi người ý thức được đạo làm người. Giáo dục nhằm khơi dậy sự tự giác và tính tự hào là người nơi mỗi cá nhân, giúp mỗi người phân biệt được thiện, ác, tốt, xấu, đúng, sai... Trên cơ sở đó, mỗi người dần vượt qua phần con, chấp hành các trói buộc của xã hội, để xây dựng một xã hội ổn định bền vững phát triển, theo kịp và vượt lên thời đại. Giáo dục như thế nào để đáp ứng các nhu cầu trên là trọng trách của nhà nước và các tôn giáo.          

 

 


 

[1] Luận Đại thừa khởi tín - Bồ-tát Mã Minh tạo luận.

[2] Định nghĩa này gần với sự hiểu biết thông thường. Khi đề cập đến các ý nghĩa sâu xa vi tế hơn của nghiệp, bài viết sẽ nói thêm.  

[3] Giấc ngủ thôi miên: Giấc ngủ giả tạo. Trong đó người được thôi miên bị sự ngự trị ý chí của người thôi miên. 

[4]  William Jame (1842 – 1910) : Triết gia nổi tiếng người Mỹ, là một trong những người sáng lập ra “Chủ nghĩa thực dụng” Mỹ.

[5]  Henry Bergson (1859 0 1941) : Triết gia người Pháp. Được xem là nhà triết học lớn nhất của “Triết học đời sống”.

[6] Vui buồn theo lời khen tiếng chê là kết quả của sự huân tập. Đây cũng là nghiệp. Với người tu hạnh bất động, ai khen vẫn bình thường, ai chê vẫn bình thường. Đây là người không có nghiệp với sự khen chê.    

[7] Sáu cửa vào động thiếu thất – Bồ-đề Đạt-ma – HT Thích Thanh Từ dịch và giảng.

[8] Sự chấp ngã thuộc ý thức được Duy thức học phân thành hai là Câu sinh và Phân biệt. Ở đây để đơn giản, bài viết này gộp chung hai phần trên và gọi chung là ngã chấp phân biệt, cũng gọi là phần chấp ngã có gián đọan, để phân biệt với phần chấp ngã thường tương tục của thức thứ bảy đối với thức thứ 8.  

[9] Nói cách khác, vô thức của Tâm phân học sau này, Duy thức học đã phân thành hai là thức thứ bảy và thức thứ tám. Sự phân chia này giúp chúng ta lý giải được hiện tượng chấp ngã nơi mỗi cá nhân. 

[10] Với cái nhìn của nhà Phật, ta không chỉ mới xuất hiện trong đời này. Ta đã từng sinh ra rồi chết đi. Rồi tái sinh nhiều lần trong quá khứ. Do khi tái sinh, một trong những điều kiện để nhập thai đã khiến ta quên mất quá khứ. Người phương Tây đã hình tượng hóa điều này một cách nên thơ: Để tái sinh, linh hồn phải lội qua dòng sông quên lãng. Do quên mất quá khứ, chúng ta tưởng rằng mình mới sinh ra lần đầu. Với người thiền định sâu, họ có khả năng thấy được những đời trước của mình, Ta ở những đời đó và bây giờ vẫn là Ta. Ta mà thức thứ bảy chấp không phụ thuộc vào sống chết.  

[11] Pháp trần là đối tượng riêng của ý thức. Năm thức ngoài không duyên được các cảnh này.

[12] Cảnh bên ngoài còn được gọi là năm trần, là đối tượng mà năm giác quan thu nhận được, khiến năm thức ngoài phát sinh. Do nơi chúng sinh, mỗi căn chỉ tiếp nhận được một loại cảnh, nên tương ưng với năm căn là năm loại cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc, gọi là năm trần.  

[13] Cái thật là cái chân trong chân, thiện, mỹ.