Cảm nhận bài giảng

CON ĐƯỜNG VỀ NHÀ (CKH)

Chánh Khải Hùng

03/12/2017



Con đường về nhà …

Là chủ đề bài giảng của Đại đức Viên Diệu. Nội dung sau cũng được y cứ từ bài giảng của Thầy mà ghi ra. Tuy vậy, nó chỉ là cảm nhận của một người, nên có thể sẽ không mang tính đầy đủ như ý Thầy muốn nói, nhưng cũng giúp những kẻ hữu duyên được lợi ích ít nhiều, nên chúng tôi vẫn chia sẻ ra đây cùng bạn đọc. Nếu muốn tự mình cảm nhận trực tiếp lời Thầy giảng, xin nghe clip “Con đường về nhà - Thích Đạt-ma Viên Diệu”.   

-----

Trong một lần chở HT Thường Chiếu ra sân bay Tân Sơn Nhất. Tới nơi, quý thầy nhờ tôi đi gởi xe. Vì là lần đầu tới sân bay nên không biết nhà xe nằm ở đâu. Hỏi thăm, tìm kiếm hồi lâu mới ra, quay trở xuống gặp Thầy thì Thầy đã đi đâu mất.

Một mình giữa một nơi xa lạ, rộng lớn, chợt nhiên tôi cảm thấy lo sợ. Đường đâu để về nhà? Ngôi nhà của tôi đang nói đây là thiền viện Thường Chiếu.

Bình tĩnh lại, định hình không gian và chạy đi hỏi thăm đường về nhà. Rồi lên xe, cứ vậy vừa đi vừa mần mò, cuối cùng thì cũng về tới, dù tốn rất nhiều thời gian.

….

Trên đây là câu chuyện đời thật, một lần tìm đường về nhà theo đúng nghĩa đen. Kể ra câu chuyện này, bởi vì từ đó, tôi đã viết ra bài giảng ngày hôm nay.

Con đường tu Phật mà chúng ta đang đi, đó chính là con đường tìm về với ngôi nhà chân thật của bản thân mình. Và để trở về với ngôi nhà ấy, mỗi người chúng ta cần có cho mình một con đường, một tấm bản đồ và một người chỉ đường.

Và hành trình đó phải trải qua 8 bước:

  1. Chọn pháp tu thích hợp
  2. Tin tưởng tuyệt đối Pháp tu đã chọn
  3. Tin tưởng tuyệt đối vị thầy chỉ đường
  4. Nắm rõ ràng pháp tu
  5. Ứng dụng và thực hành
  6. Thể nghiệm chất thực của con đường tu học
  7. Nhận ra con người thật ở ngay nơi mình
  8. Sống lại nơi ngôi nhà ấy

Và bây giờ xin được giải thích từng bước, cho tất cả quý vị cùng nắm rõ.


Bước 1: Chọn pháp tu thích hợp

Đây là bước đi đầu tiên và vô cùng quan trọng. Nếu chọn được pháp tu phù hợp với căn cơ, trình độ của mình sẽ dễ dàng để chúng ta có được những bước tiến trên con đường tu tập. Còn ngược lại nếu pháp tu không phù hợp nó sẽ làm chúng ta dậm chân tại chỗ.

Vậy phải làm sao để xác định được pháp tu nào là phù hợp? Cách duy nhất là thực hành pháp tu đó, xem tâm mình có nhẹ nhàng, yên ổn hay không? Nếu có hãy nương theo đó mà tu tập.

Ở đây chúng ta chọn pháp tu thiền của đạo Phật. Chủ trương của pháp tu này là lấy Định và Tuệ làm đích đến. Đó cũng là nền tảng của Đạo Phật. Nếu ta tu mà thấy Định Tuệ hiện tiền thì xem như chúng ta đi đúng hướng. Còn ngược lại, tu mà tâm không yên, trí tuệ không phát triển thì cần phải chọn lại.


Bước 2: Tin tưởng tuyệt đối pháp tu đã chọn

Một khi đã chọn được pháp tu phù hợp, hãy có niềm tin tuyệt đối vào pháp tu đó. Từ  niềm tin này sẽ phát tâm hành trì kiên cố, miên mật để tu tập. Chắc chắn sẽ mang lại kết quả.

Giống như việc qua sông vậy, nếu mỗi chân đặt trên một con thuyền, rốt cuộc không thể đi về đâu. Vậy nên hãy chọn cho mình mỗi con thuyền thôi, cả hai chân đứng trên đó, cố gắng chèo lái thì sớm muộn gì con thuyền cũng đưa ta qua sông.


Bước 3: Tin tưởng tuyệt đối vị thầy chỉ đường

Hãy chọn cho mình một minh sư, một thiện tri thức của mình và đi theo con đường mà vị thầy đã hướng dẫn. Kết hợp với pháp tu và nỗ lực của bản thân thì mình sẽ đến đích. Nếu thầy chỉ một đường, trò làm một nẻo thì không thể đến đích được.


Bước 4: Nắm rõ ràng pháp tu

Chúng ta là những phật tử tu theo pháp thiền mà Sư ông Trúc Lâm đã chỉ dạy. Lối tu căn bản ở đây là “Biết vọng”. Vì vậy để tu tốt, chúng ta cần nghiền ngẫm cho thật rõ ràng lối tu này.

Biết, là cái hay thấy hằng giác. Vọng, là những thứ thường xuyên dao động. Biết và vọng thường xuyên tiếp xúc qua lại với nhau, không tách rời cũng không pha lẫn, không phải hai cũng chẳng là một.

Mỗi khi vọng tưởng dấy lên đều biết rõ như vậy. Một khi hành giả nhận diện bản chất hư ảo của chúng thì chúng tự biến mất. Khi tọa thiền cũng như lúc tiếp duyên xúc cảnh đều thấy rõ, không lầm chúng.

Người tu thiền không được sợ vọng tưởng. Tuy vọng tưởng này không phải dễ lắng, dứt cái này khởi cái khác liên miên không dừng. Chúng ta cần phải bền chí theo dõi, soi sáng mãi thì từ từ chúng sẽ thưa dần. Như vậy sẽ giúp chúng ta tiến sâu trên con đường tu tập.


Bước 5: Ứng dụng, thực hành

Nhiều khi chúng ta nắm rõ pháp, nhưng khi bước vào công phu tu tập, ứng dụng thực hành, gặp rất nhiều trở ngại. Ở đây xin được nêu ra ba trở ngại lớn nhất trên con đường tu tập.

1/ Loạn tưởng quá nhiều

Trong đầu liên tục khởi lên những vọng tưởng, không thể dừng lại cũng không thể buông bỏ.

2/ Hôn trầm

Đây là trở ngại rất phổ biến trong quá trình tu tập. Cần khắc phục kịp thời. Nếu không, sẽ thành một cái nếp, một thói quen rất khó trị. Cứ bắt chân ngồi thiền lại gục lên, gục xuống.

3/ Trạo cữ

Lúc công phu, không thể ngồi yên tu tập. Cứ như có con gì bò qua lại trên người, ngứa ngáy, gãi, lấy bồ đoàn vô ra… Một khi thân không yên ổn làm sao tâm có thể yên được. Nên chúng ta cần cố gắng vượt qua. Chết còn không sợ huống gì mấy con côn trùng bò. Vượt qua lần đầu, lần hai, lần ba rồi sẽ quen.

Nói chung, con đường tu học này một khi đã thật sự bước đi thì không phải là chuyện giỡn chơi. Bởi vì nội tâm của mình thiên biến vạn hóa, sẽ sinh ra rất nhiều trở ngại. Bản thân mình phải cố gắng, kiên trì rất nhiều mới vượt qua được.


Bước 6: Thể nghiệm chất thực trên con đường tu học

Chúng ta phải thật sự thực hành công phu tu tập. Rồi trong quá trình đó sẽ có những trạng thái thực sống, những đột biến trong nội tâm đến để chúng ta trải nghiệm. Nó đến tự nhiên, không do mong cầu, cũng không do tưởng tượng, tư duy, học hiểu mà có được.


Bước 7:  Nhận ra con người thật ngay nơi mình

Khi chúng ta lìa được nhị biên phân biệt, không còn kẹt hai bên khi đó chúng ta sẽ nhận ra con người thật của mình.

Còn dính mắc vào nhị biên phân biệt, còn đối đãi, thì còn chưa phải là thật mình.


Bước 8: Sống lại nơi ngôi nhà chân thật

Chỗ thấy không khác chư Phật, song tập khí sâu dày chưa thể sạch. Cần phải nỗ lực buông xả, vọng tưởng lâu ngày khả dĩ lặng, như gió đã dừng mà sóng chưa lặng, phải đợi thời gian từ từ nó mới im. Chân lý đã thấy rõ rồi mà vọng niệm vẫn còn xâm lấn mãi. Vì thế sau khi giải ngộ cần phải cố gắng tu hành mới được chứng ngộ. Dùng công phu để nhồi sức tỉnh giác lại thành một khối bền vững. Lúc đó chúng ta đã thành công.

Thế nên Cổ đức đã nói:

Đốn ngộ tuy đồng Phật
Nhiều đời tập khí sâu
Gió dừng sóng vẫn vỗ
Lý hiện niệm còn xâm.


Kết luận

Lời Sư Ông dạy: “Có ăn có no, có tu có tiến”. Không ai lo cho ai được, các thầy cũng chỉ hỗ trợ về hướng đi. Còn đứng lên đi hay không là quyền của mỗi người. Nếu chúng ta một lòng hướng về Phật pháp thì không có lý do gì để chúng ta không phấn phát trên con đường này. Giá trị của Đạo Phật nằm ở chỗ thực hành, nếu không thực hành thì không để cảm nhận được.

Thực hành …

Để đến với đạo càng sâu, tâm càng yên, trí càng sáng.

Để sớm quay về với ngôi nhà chân thật của chính mình.

Để vui sống với chân tâm trong sáng, vô trụ.

Để giữa cõi Sa-bà khổ mà ta vẫn ung dung, tự tại, mặc tình.

Để xứng đáng là đệ tử của Phật, của Sư ông Trúc Lâm, Hòa thượng Thường Chiếu.

Các tin khác